October, 1995 - Vancouver
Tô thêm một lớp son bóng lên môi, Phương Cát nhìn lại mình trong gương, vội vã nói với chồng:
- Xong rồi nè anh, thấy em giỏi chưa?
Đang nằm trên giường xem TV, Hoàng vùng dậy, bước đến bên vợ, vòng tay qua cái eo nhỏ xíu của nàng, kéo nhẹ vào lòng, thì thầm:
- Lúc nào mà vợ anh không giỏi, cho mi một miếng được không?
Xô nhẹ chồng ra, Phương Cát nói nhanh:
- Trể rồi anh ơi, đừng có làm hư tóc em.
Hoàng cù nhầy:
- Hổng cho mi, tui hổng đi.
Phương Cát la làng:
- Còn có năm phút nữa hà, đi không thôi trể, tối về rồi mi.
Đưa mắt nhìn đồng hồ, Hoàng mè nheo:
- Còn những mười phút nữa lận mà cưng, cho mi miếng đi mà.
Chìa má ra cho chồng, Phương Cát cười lớn:
- Bố ỷ không có trẻ con rồi làm tới hả?
Hôn vợ xong, Hoàng cười chiến thắng:
- Lâu lâu không có trẻ con, cũng vui chứ hả em. Mình xuống dưới Lobby được rồi, cũng gần 6 giờ.
Đứng sát vào chồng hơn trong thang máy, Phương Cát hỏi:
- Anh nói đúng 6 giờ người ta đón mình hả. Ủa sao mình không lái xe đến tiệm ăn, mà nhờ người ta đón đưa chi cho phiền họ hả anh?
- Không phiền đâu em, Anh Danny là chủ của công ty này mà.
- Chủ thì chủ chớ, phiền người ta cũng kỳ.
Hoàng nắm tay vợ, phân bua:
- Tại anh ngại ăn xong trời tối, mình không quen đường, lái về nguy hiểm. Ổng volunteer mà.
Phương Cát thắc mắc:
- Có ai đem vợ đi ăn tối nay không anh? Em ngại quá!
- Hình như có 2 người nữa cũng đem vợ theo, chứ không phải mình anh đâu.
- Nếu vậy thì đỡ quá, chứ một mình em thì “wê” lắm đó à nha.
Hoàng trấn an vợ:
- Không sao đâu mà, cả hơn ba mươi người cùng đi ăn tối nay chứ có ít đâu.
Phương Cát lắc lắc cái đầu:
- OK anh, cùng lắm thì em chịu quê vậy, đằng nào cũng đã nhận lời mời rồi, không đổi ý được nữa.
Bước ra khỏi thang máy, Phương Cát thấy một nhóm người đang đứng ngồi nói chuyện ồn ào trong phòng tiếp tân của khách sạn Hyatt. Hoàng nắm tay vợ, đi về phía đám đông, lên tiếng:
- Chúng tôi có trể giờ không các bạn?
- Không đâu, còn nhiều người chưa xuống tới.
Hoàng quay sang bắt tay người vừa nói, rồi giới thiệu:
- Đây là vợ tôi, Laura, và đây là anh Danny Lee.
Đáp lại cái bắt tay của Danny, Phương Cát nhìn vào gương mặt người vừa được chồng giới thiệu. Gương mặt trông thật quen, bộ râu quai nón làm Danny nhuốm nét phong trần. Cặp mắt sâu với hàng mi dài, chớp nhẹ, anh nói:
- Thật là hân hạnh được gặp chị, thưa chị Hoàng.
- Dạ tôi cũng vậy, rất hân hạnh được gặp anh.
- Anh Hoàng nói hôm nay chị đi chơi một mình trong lúc chúng tôi làm việc?
- Vâng, tôi mua một vé xe Bus đi nguyên ngày, nên đã thăm khắp hết thành phố của anh rồi.
Danny lắc đầu, cười:
- Ô, không phải thành phố của tôi đâu, tôi cũng chỉ mới dọn đến đây vài năm thôi. Mà chị có thích thành phố này không?
- Dạ, thích lắm ạ.
- Đây là lần đầu tiên chị đến Vancouver hả?
- Dạ không, tôi đã đến đây vài lần rồi, và vì rất thích thành phố này, nên lại theo anh Hoàng đi chơi nữa.
- Chị thích cái gì nhất ở đây?
- Dạ thích nhiều thứ quá, chưa biết cái nào nhất cả. Anh thì thích cái gì ở đây nhất ạ?
Danny cười lớn:
- Tôi thích khu chợ Tàu ở đây nhất.
Phương Cát nhíu mắt một chút, rồi đáp:
- Vâng, khu chợ Tàu của Vancouver thật là lớn, có rất nhiều loại trái cây Việt Nam mà bên Houston chúng tôi không có anh ạ.
Mỉm cười tinh nghịch, Phương Cát tiếp:
- Chẳng lẽ anh cũng thích trái cây sao?
- Không chị ạ, tôi sống qua ngày nhờ chợ Tàu.
- Anh nói gì, tôi không hiểu.
Xoa hai bàn tay vào nhau, Danny giải thích:
- Tôi ra chợ Tàu ăn cơm rất thường chị ạ.
Phương Cát ngạc nhiên hỏi:
- Anh không ăn cơm nhà?
- Tôi lười nấu lắm chị, một mình nên cũng ngại.
Hoàng chen vào:
- Ủa anh không có gia đình?
- Dạ chưa, anh.
Hoàng đùa:
- Anh Danny kén dữ ha.
Giọng Danny buồn buồn:
- Kén chọn gì đâu anh, tại mình yêu người ta, mà người ta không yêu mình, đi yêu người khác.
Phương Cát tránh tia nhìn của Danny khi nghe chàng nói câu này. Chẳng lẽ lại có sự trùng hợp lạ lùng như vậy sao.
Một toán người khác từ thang máy bước ra đã cứu Phương Cát khỏi đôi mắt dò hỏi của Danny. Nàng thầm cám ơn họ và lẫn vào đám đông để không phải đối diện với Danny.
*
Mới đầu tháng Mười mà Vancouver đã chớm lạnh. Tiệm ăn nằm trong khuôn viên của công viên Stanley thật dễ thương và thơ mộng. Cơn gió cuối Thu se sắt lạnh làm Phương Cát rùng mình, khi vừa bước ra khỏi xe. Hoàng lo lắng hỏi vợ:
- Em lạnh lắm không, lúc nãy đi vội, quên cầm theo cái áo cho em rồi.
Phương Cát tự trách mình:
- Em thiệt là vô ý, đã để ra sẵn mà lại quên mang theo.
Danny khóa xe xong, thấy Phương Cát hơi co ro vì lạnh, đề nghị:
- Để tôi cho chị mượn cái áo khoác của tôi.
Vừa nói, Danny vừa nhanh nhẹn cởi chiếc áo khoát của mình, Phương Cát ngập ngừng:
- Dạ thôi, không sao đâu, tôi chịu được mà.
Hoàng cười lớn:
- Em cứ mượn đỡ áo của ảnh đi, ảnh là dân ở đây, chắc quen với cái lạnh rồi.
Danny khoác chiếc áo của mình lên vai Phương Cát, ân cần hỏi:
- Có đỡ lạnh tí nào không?
- Dạ ấm rồi.
Kéo ghế mời Phương Cát xong, Danny ngồi xuống chiếc ghế đối diện với nàng, Hoàng ngồi bên cạnh vợ. Phương Cát lúng túng tránh nhìn thẳng vào Danny.
Sau khi kêu thức ăn cho mình, Danny nhìn Phương Cát, hỏi:
- Sao chị không order thức ăn vậy?
Phương Cát cúi đầu ngượng ngùng không nói, Hoàng chen vào:
- Cô ấy ghé chợ Tàu mua trái cây và ăn một bụng no nê rồi.
Danny lại hỏi:
- Sáng nay chị đi đâu?
- Dạ thì đi vòng vòng thôi.
Hoàng lại chen vào:
- Laura kể là sáng nay chạy bộ một vòng ngoài công viên này rồi đó. À hồi nãy em hỏi anh cái gì về những người dân ở đây vậy, anh quên rồi.
- Không có gì quan trọng đâu ạ.
Danny không bỏ qua cơ hội:
- Laura có gì thắc mắc thì cứ hỏi, nếu biết, tôi sẽ trả lời, mà không biết, cũng sẽ trả lời luôn.
Phương Cát phì cười dù trong lòng đang bối rối. Danny vẫn còn tính đùa vui như xưa. Với cái tên Mỹ và cách trang điểm mới, nàng không biết Danny có nhận ra mình không. Nhưng với nàng, dù đã hai mươi năm qua, Danny hay Đằng thì nàng cũng nhận ra thôi.
Tháng Năm, 1970 - Huế
Đằng cúi thấp hơn trên cái ghi đông của chiếc xe đạp, hai chân cố đạp thật chậm mà mắt vẫn liếc nhìn bên kia đường coi có bóng “nàng” thấp thoáng không. Con số 17 in đậm trên bức tường, bên cạnh cái cổng sắt đóng kín, làm chàng thất vọng. Lúc nãy, khi đạp xe từ dưới ga lên, chàng đã làm như không để ý đến căn nhà màu vàng đồ sộ ngay dưới chân cầu Bạch Hổ, nhưng thật ra chàng đã để hết tâm trí mỗi lần đạp xe ngang đây.
Đường Huyền Trân Công Chúa dường như ngày mỗi ngắn lại, có bữa Đằng đạp xe tới quá “nhà Ông Tây” thì đạp lui, cũng có bữa, chàng đạp quá trường tiểu học Dương Xuân Thượng mới quay trở lại. Lòng nôn nao được nhìn thấy “nàng” làm Đằng không biết mệt.
Từ dưới Đập Đá, mỗi ngày Đằng đạp xe lên đây ít nhất một lần để hy vọng thấy được “nàng.” Có lẽ “nàng” không biết, vì nhiều khi Đằng bắt gặp “nàng” hồn nhiên leo lên cây Trứng Cá trước nhà, thong thả hái từng trái chín, cho vào miệng nhai ngon lành, mái tóc dài màu nâu đậm bay bay trong gió làm Đằng ngây ngất. Lại có lúc nàng ngồi trước hiên nhà với cuốn sách đọc dở và con chó Berger to lớn nằm bên cạnh.
Hôm nào thấy được nàng, Đằng hớn hở, đạp xe về lại với lòng rộn ràng, hân hoan. Hôm nào không thấy được, Đằng buồn rầu vô cớ, lòng mang một nỗi thất vọng, ê chề ...
Trời đầu tháng Sáu, Huế nóng khô, cơn gió nóng từ Lào thổi về cháy rang da mặt, dân Huế gọi những ngọn gió này là “gió Lào.” Mùa Hè chỉ mới bắt đầu mà Đằng tưởng như ngày khai trường sắp đến. Sau khi có kết quả của kỳ thi Tú Tài I, bạn bè rủ nhau đi chơi nhưng Đằng không đi, mỗi ngày đạp xe qua Cầu Lòn vài lần với hy vọng được thấy “nàng” nhưng cả tuần nay, cánh cổng sắt vẫn đóng kín.
- Ơ! Ơ! Cái anh ni, răng đi xe mà dòm chổ mô, đụng tui nì.
Giật mình khi nghe có tiếng la bên tai, Đằng thắng xe nhanh lại, luống cuống nhảy xuống:
- Xin lỗi O, cháu không thấy.
- Răng ngày mô tui cũng thấy anh đạp xe đi ngang đây, mà đi như người mất hồn rứa?
- Dạ, dạ ...
Người đàn bà đứng tuổi nhìn thẳng vào mặt Đằng, rồi hỏi:
- Anh ở mô, chơ đi tới đây làm chi?
Đằng bối rối, chưa tìm ra câu trả lời, người đàn bà lại lên tiếng:
- Anh quen với nhà ông Đại Úy Ân hay răng?
- Dạ không ...
- Rứa răng cứ đạp xe mà dòm miết vô nhà người ta rứa, mà nì ...
Người đàn bà ngừng một lát, nhìn Đằng đang lúng túng, rồi lại tiếp:
- Mà cả nhà ổng dọn đi gần 2 tuần ni rồi, anh không biết răng?
- Ủa, dọn đi mô rứa O?
- Tui nghe như là họ dọn đi Đà Nẵng
- Cả nhà đi hết hả O?
- Chơ chi nữa, nhà đang bỏ trống trơn ...
Đằng quay người, nhìn thẳng vào căn nhà, cửa vẫn đóng, cây trứng cá như héo hơn mọi ngày. Vậy mà mấy hôm nay chàng vẫn ngại bị bắt gặp nhìn lén nên cứ cúi mặt mỗi khi đạp xe ngang đây.
Cám ơn người đàn bà xong, chàng leo lên xe, nặng nhọc đạp về.
Tháng Năm, 1974 – Đà Nẵng
Phương Cát chầm chậm kéo những gàu nước dưới giếng lên, đổ vào thau, mắt nhìn ra đường, trước khi ngồi xuống rửa tiếp rổ rau mới hái trong vườn. Thấy vài người quen đi làm về, nàng gật đầu chào. Buổi chiều, con đường Thanh Long nhiều xe hơn trong ngày. Những đám bụi bay mờ cả lối, khi một chiếc xe jeep chạy ngang, đường đất còn mới nên nhiều bụi. Hôm nào mưa thì lại càng khổ hơn vì những ổ gà chứa nước lại văng tung tóe khi những chiếc xe này cán lên.
Hôm qua, bị đòn vì bức thư tình của anh Đằng. Cái anh này đến lạ, không dưng theo người ta, viết thư tán tỉnh. Vậy mà anh Hai quất ba roi đau điếng. “Em không có gì với nó, sao nó lại viết thư tình cho em.” Oan ơi là oan mà không giải thích được...
Ba tuần trước, tình cờ gặp anh Đằng ở nhà Thanh, trong dịp tập văn nghệ cho buổi phát thưởng cuối năm của lớp. Thanh giới thiệu Đằng là anh họ từ Huế vào chơi. Nghe anh Đằng nói chuyện với nhỏ Thanh thật vui. Anh hay nói đùa và nhìn Phương Cát, rồi mỉm cười. Khi bắt gặp anh nhìn, cô vụng về lúng túng quay đi nơi khác, lòng xôn xao. Tập xong màn vũ, anh Đằng bao cả bọn đi uống chanh muối, rồi kéo về lại nhà Thanh hát hò. Nhìn Đằng ôm guitar hát, lòng Phương Cát như reo vui.
Sau hôm đó, chiều nào Phương Cát cũng thấy Đằng đạp xe ngang nhà. Anh chỉ nhìn Phương Cát, mỉm cười, rồi đi. Có những đêm thao thức mất ngủ khi nhớ lại ánh mắt của anh nhưng cô không ngờ hôm qua anh Hai nhận được thư Đằng gởi. Không hỏi một câu, anh Hai bắt nằm xuống, quất ba roi. Mẹ chỉ nói: “Sao không hỏi cho ra ngọn ngành, đã nhè em mà đánh ...” Ba thì nói vào: “Đánh là phải rồi, mới có mười bốn, mười lăm tuổi đã có thư tình ...”
Phải chi mình có tình ý gì cũng đỡ tức, Phương Cát vừa rửa rau, vừa suy nghĩ. Nhất định phải tìm cho được lá thư để biết thư nói gì.
Bức thư có vài câu đọc nghe chẳng ra làm sao cả: “Đứng trên Đèo Hải Vân nhìn Biển Thanh Bình qua những chiếc tàu Mỹ ...” nhưng càng đọc Phương Cát càng ngạc nhiên vì không ngờ anh Đằng đã “theo” mình từ lúc còn ở Huế. Từ lúc mình mới mười một, mười hai tuổi. Thư kể đến nỗi thất vọng khi biết gia đình Phương Cát đã dọn vào Đà Nẵng. Rồi phải dọ dẫm tìm kiếm để cuối cùng biết được Phương Cát học cùng lớp với cô em họ của Đằng.
Thư còn nói đến nỗi mừng vui khi gặp lại nàng và những xúc động khi được cùng nàng đi uống chanh muối, dù có rất đông người cùng đi. Rồi lúc ôm đàn hát, anh nói, mặc dù rất đông người, anh vần chỉ nghĩ là anh hát cho riêng cô mà thôi.
Nếu mình chỉ bị ba roi mà đau như vậy thì có lẽ trong 4 năm trời anh Đằng tìm kiếm còn đau hơn biết chừng nào. Phương Cát mỉm cười, đưa tay xoa nhẹ lên chỗ bị đòn hôm qua, rồi đọc tiếp bức thư... Nỗi tức giận vì ba roi hôm qua tan hết.
Trả bức thư lại chỗ cũ, Phương Cát lui ra khỏi phòng học, cô vào phòng Ba Mẹ. Nhìn tới nhìn lui mình trong gương đứng của chiếc tủ đựng áo quần, cô chợt thấy một niềm vui khôn xiết. Chà, mình cũng xinh đó chớ giỡn sao, không xinh mà anh Đằng đã để ý từ lâu nay à.
*
Vancouver ...
Tiếng Danny bên tai, mang Phương Cát trở về hiện tại.
- Anh chị qua Mỹ lâu chưa?
- Từ năm 75 đó anh.
- Ngày xưa anh chị ở Sàigòn?
- Dạ, tôi ở Sàigòn. Còn anh thì sao?
- Tôi đang dạy học ở Quảng Trị lúc đó, bị kẹt luôn lại. Đến năm 1980 mới vượt biển và được Canada nhận vào ...
Phương Cát ngồi nghe chồng và Danny nói chuyện, chen vào hỏi:
- Anh là Danny Lee?
- Dạ, Lê Khắc đó chị,
Phương Cát mở lớn mắt nhìn Danny. Không biết anh đã nhận ra mình chưa. Hai mươi năm rồi, chắc chắn nàng đã thay đổi nhiều.
Nàng hồi tưởng lại những ngày giữa tháng tư năm 75, đã cùng gia đình chạy vào Nha Trang, rồi tin Sàigòn mất, cả nhà theo chú nàng xuống tàu ra khơi ...
Những ngày trong trại tỵ nạn, nàng đã bỏ công tìm kiếm tên Lê Khắc Đằng trong những danh sách thật dài của Red Cross. Những lúc sắp hàng chờ cơm, nàng đã ngẩn người khi thấy một dáng dấp quen thuộc. Những buổi tối tụ tập hát hò trong trại làm nàng nhớ đến ánh mắt năm nào, đã ôm đàn hát những bản tình ca Trịnh Công Sơn... thật tình tứ ...
Xe đến trước cửa khách sạn đúng lúc bản nhạc Tình Nhớ trong chiếc CD cũng vừa chấm dứt.
“Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy.
Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây.
Những bước chân mềm mại, đã đi vào đời người.
Như từng viên đá cội, rớt vào lòng biển khơi ...
Xuống xe, đưa trả lại chiếc áo cho Danny, Phương Cát nhìn anh, nói nhẹ:
- Cám ơn anh Đằng nhiều, nhờ có áo của anh chứ không thì Phương Cát chết rét.
Danny sững sờ nhìn nàng, rồi ngỡ ngàng nói nhỏ:
- Anh cũng ngờ ngợ là Cát, không dè lại là Cát thật.
Lau nhanh hai hàng nước mắt ấm đang rơi trên má, Phương Cát đưa tay ra, nói chậm:
- Anh ở lại bình an.
Cầm tay Phương Cát, Đằng nghẹn ngào:
- Chúc Phương Cát ngày mai về lại Houston yên bình ./.
May 13, 2008
Thoáng Xưa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment