Hồi 10
Chung Nam Sơn khói lửa
Bảy đạo nhân mặt như chàm đổ, đứng thẳng không nhúc nhích. Qua một lúc, bỗng từ trong khe núi vang ra một tiếng hú, tiếng hú của các nhà quyền thuật. Bảy vị đạo nhân cùng một loạt co chân bỏ chạy, lui vào trong núi đá. Quách-Tỉnh thấy không còn ai cản trở bước tiến của mình nữa, lẩm bẩm:
- Họ thượng sơn cả rồi.
Đoạn quay lại gọi Dương-Qua sửa soạn cuộc hành trình. Nhưng Quách-Tỉnh gọi hai lần không thấy Dương-Qua trả lời đâu cả.
Lấy làm lạ, Quách-Tỉnh rảo bước tìm vào bụi rậm thì thấy nơi bụi có một chiếc hài nhỏ bị rơi tại đó.
Quách-Tỉnh lượm chiếc hài lên xem thấy quả là chiếc hài của Dương-Qua, ngạc nhiên tự nghĩ:
- Ngoài bảy vị đạo nhân kia có lẽ còn có một người nữa phục kích đâu đây, và đã bắt cóc thằng bé này trong lúc mình đang say chiến đấu. Nhưng người ấy là ai? Không lẽ người của Trùng-Dương-Cung! Vì người của Trùng-Dương-Cung nhất cử nhất động phải làm việc "Đại nghĩa". Dù họ có hiểu lầm mình chăng nữa lẽ nào họ lại có thể làm trò trẻ nít thế kia.
Quách-Tỉnh lấy hơi chạy nhanh lên núi. Đường núi khấp khểnh quanh co, có chỗ đứng đứng lên như những vách đá khổng lồ, có chỗ nhỏ hẹp phải lách mình, phải nghiêng người mới qua được.
Đi chưa được bao lâu, bỗng mây đen kéo tới nghịt chân trời, bầu trời trắng đã chìm trong bóng tối đen đặc.
Quách-Tỉnh nghĩ bụng:
- Vùng này hiểm trở, đường lối lạ chưa hề quen các đạo nhân lại cố ý hãm hại ta, vậy ta phải cẩn thận lắm mới được.
Nghĩ vậy, Quách-Tỉnh dò lần từng bước một. Qua một lúc gió thổi mây đen bay về phía chân trời, ánh trăng huy hoàng tỏa xuống khắp đồi cây kẽ lá, rọi vào các mặt phẳng của mấy phiến đá bên đường lóng lánh như pha lê.
Cảnh vật êm đềm lặng lẽ, Quách-Tỉnh nghe rõ từng hơi thở, của lối một trăm người đang ẩn núp đâu đây. Mặc dù chưa thấy bóng dáng họ, Quách-Tỉnh hình dung một số đông người đang mai phục và một cuộc trả thù sắp diễn ra.
Tuy lòng không hề dao động, Quách-Tỉnh cũng mong cho việc rắc rối có thể tránh khỏi liền lách mình rẽ vào một lối khác.
Con đường đó đưa Quách-Tỉnh đến một thung lũng rất rộng bốn mặt có núi bao vây, chính giữa là một gò cát phẳng phiu, xa xa về phía chân núi có một cái hồ lớn, ánh trăng rọi vào mặt hồ lấp loáng như bạc.
Bỗng một tiếng hú vang lên, trước mặt hồ hiện ra lối một trăm bóng đen, hay nói đúng hơn là một trăm đạo nhân, đồng phục màu tro, đầu thắt khăn vàng, tay mỗi người đều cầm một thanh trường kiếm lóng lánh.
Họ sắp thành hàng gồm có 14 tổ, mỗi tổ 7 người, bố trí thành hình Thiên cang Bắc đẩu. Rồi mỗi tổ lại dàn thành hình "đại Bắc-đẩu" trong thanh thế rất oai nghi lẫm liệt.
Cứ hai Bắc đẩu thì một ô thế này, một ô thế khác, dựa theo lý sinh khắc chế hóa để nương tựa nhau.
Quách-Tỉnh không ngờ họ lại dùng thanh thế đối với mình như vậy, trong lòng không vui tự nghĩ:
- Từ trước đến nay mình chưa hề được nghe Khưu chân nhân nói tới cái thế Bắc đẩu đại trận này, chỉ có Trùng-Dương đại sư truyền dạy mà thôi. Thế thì chắc có Trùng-Dương đại sư truyền dạy cho họ bao nhiêu năm nay nên họ mới có thể tinh thục như vậy được.
Một người trong thế trận hú lên một tiếng ra hiệu, tức thì chín mươi tám vị đạo nhân phi chuyển từ thế này sang thế khác tiến lui từ hệ thống trận pháp rất linh động và biến ảo. Họ vây Quách-Tỉnh vào giữa, và mỗi người đều rất kiếm ra khỏi vỏ, mắt không chớp trừng trừng nhìn nhau lặng lẽ chẳng nói một lời.
Quách-Tỉnh khoanh tay nói:
- Tôi xin thành thực muốn lên núi Bảo-sơn bái huấn Khưu-chân-nhân, xin quý đạo huynh giúp đỡ cho tôi gặp người, đừng cản trở làm gì mà bận tâm quý vị. Thật ra tôi chẳng có ý gì xấu cả.
Đạo nhân râu dài chẳng biết thành tâm hay có ý trêu tức, nói:
- Tôn huynh võ nghệ cao cường sao lại không biết tự trọng lại nhận làm gì vào hàng ngũ của bọn hèn yếu chúng tôi? Bần đạo dám kính xin có đôi lời nhủ cùng tôn huynh chẳng nên dùng kế nhu mì, lời lẽ đường mật mà dối người. Bần đạo biết rằng sư huynh đã mười năm nay từng được khổ công rèn luyện tài nghệ đã đến mức tuyệt luân, vậy còn đến đây làm gì cho mất công đối phó.
Đạo nhân râu dài nói với giọng trầm trầm, nhấn mạnh từng tiếng oang oang, chứng tỏ trong người có một sức nội công đã khá uyên thâm.
Lời nói đó dầu thành khẩn hay có dụng ý vẫn làm cho Quách-Tỉnh tự thấy buồn cười, nghĩ thầm:
- Chẳng biết lão già này xem ta là hạng người thế nào? Nếu hắn đã thấy được vẻ nhu mì của ta thì sao hắn lại nghi ngờ thiện ý của ta được.
Nghĩ đoạn Quách-Tỉnh nói:
- Xin đạo huynh cứ cho tôi được bái yết Khưu chân nhân thì sẽ rõ được hư thực.
Đạo nhân râu dài nói:
- Nếu tôn huynh khăng khăng không chịu tỉnh ngộ, còn dùng cách lừa dối chúng tôi thì thôi hãy cứ phá toàn bộ "Thiên cang Bắc đẩu trận" của sư phụ đã truyền dạy chúng tôi đi.
Quách-Tỉnh đáp:
Kẻ hèn này tài nghệ thấp kém, lại ở giữa nơi xa lạ này đâu dám dại dột chống đối với quý huynh là những trang anh hùng nơi Trùng-Dương-Cung. Xin quý huynh coi kẻ hèn này như một đứa con nít mà đưa vào yết kiến Khưu chân nhân là vinh hạnh biết chừng nào".
Đạo nhân râu dài chẳng biết vì ý gì, nổi giận lớn tiếng thét:
- Thôi đừng có dùng lối nhu mì bên ngoài để lừa dối mà bên trong dùng nội công để hãm hại chúng ta. Nhà ngươi nên lưu ý rằng nếu cứ các khí cục điếm đàng ấy thì có trở về Nam Sơn trước mặt sư phụ ở chốn điện đài, ngươi cũng chẳng thể nào được người dung thứ.
Dứt lời đạo nhân vung kiếm lên, tức thì ngàn vạn tiếng ù ù chuyển động. Chín mươi tám thanh kiếm đều tung ra một lượt như một trận cuồng phong, loang loáng phản chiếu vào ánh trăng như một vùng màu bạc.
Quách-Tỉnh lòng rầu rầu nghĩ:
- Họ dàn trận đủ mọi ưu thế, còn ta một thân cô độc, làm sao chiếm nổi cái thế ưu tiên của "Bắc đẩu tinh vị" được. Nếu không chiếm được tinh vị ấy đành chịu thúc thủ mà thôi.
Trong lúc Quách-Tỉnh chưa nghĩ ra phương kế gì để chiến đấu thì hai cánh cửa thế "Bắc đẩu đại trận" gồm chín mươi tám vị đạo sĩ tài cao đã khép chặt lại. Vũ khí tỏa ánh sáng như muôn ngàn đạo hào quang, không để hở một chỗ nào địch thủ có thể thoát ra được.
Vị đạo sĩ râu dài kêu lớn nói:
- Tôn huynh hẳn đã từng phen lăn lộn ở chiến trường, vậy cứ thử xuất trận xem sao.
Quách-Tỉnh thầm nhủ:
- Bắc đẩu đại trận tuy khó phá nhưng ta thử xem trận pháp của họ ra sao. Nếu không gặp điều gì trở ngại rủi ro thì thật ra phần thắng bại cũng chưa biết đâu mà lường trước được.
Trong lúc Quách-Tỉnh trầm ngâm suy tính thì đột nhiên thế trận nhẹ nhàng chuyển về hướng Tây Bắc. Mười tám cánh tay giơ cao vẫy vẫy như mười tám con rồng ở thế "tiềm long vật dụng". Nghĩa là muời tám con rồng còn ở ẩn chưa thi thố tài năng. Mười tám cánh tay ấy, cứ cái này co, cái kia duỗi, tạo nên một uy mãnh như muốn đun đẩy người khác phải lùi đi.
Còn bảy đạo nhân khác chuyển biến từ phải sang trái để dẫn đầu cho nên thế trận từ từ di chuyển.
Quách-Tỉnh trông thấy liền xuất thần. Bao nhiêu thần lực về cân não tập trung vào bảy vị đó.
Tức thì bảy đạo nhân đó nao núng phải vận dụng hết thần lực để cưỡng lại.
Nhưng rồi họ thấy uy mãnh của thần lực đối phương chuyển lần vào cảm giác của họ khiến cho họ không còn tự chủ nữa; mặt mày họ cảm thấy như có đất bụi bám vào.
Đạo nhân râu dài cảm thấy đối phương có một sức mạnh thần lực phi thường mới vừa chuyển tâm linh mà đã làm cho bảy đạo nhân cao cường bị áp đảo lấy làm kinh sợ.
Thần lực của Quách-Tỉnh vừa vận dụng chẳng những trấn áp bảy đạo nhân di động mà làm lay chuyển luôn cả mười bốn tổ trong Bắc đẩu trận nữa.
Bấy giờ Quách-Tỉnh lại vận dụng sức nội công tăng lên gấp mười.
Thật vậy, nếu Quách-Tỉnh không có sức nội công uyên thâm đó thì làm sao đẩy lui được thần lực của chín mươi tám vị đạo nhân kia.
Quách-Tỉnh lại nhớ đến ngày đại chiến tại Quần-sơn thuở nọ nên nghĩ rằng mình chẳng nên kéo dài cuộc chiến đấu với các đạo nhân ấy.
Nghĩ vậy, Quách-Tỉnh áp dụng chiến thuật phi thân vượt ra ngoài vòng vây để tránh cuộc chạm trán tổn thương đến sinh mệnh.
Quách-Tỉnh phi thân từ đầu này sang đầu kia, từ điểm này qua điểm khác làm cho thế trận xao động lạ thường, mũi gươm tua tủa như những làn sóng bạc nhấp nhô dưới đêm trăng nơi bể cả.
Mặc dù cố tình không phạm đến sinh mạng mọi người nhưng Quách-Tỉnh phi thân một hồi vẫn không tìm ra kẽ hở để thoát ra.
Chàng lẩm bẩm:
- Từ trước đến nay ta chưa hề gặp phải trận nào lợi hại như vầy. Muốn thoát khỏi vòng vây không phải dễ. Mà không thoát khỏi vòng vây thì làm sao yết kiến Khưu đạo trưởng.
Quách-Tỉnh nghểnh cổ lên nhìn thấy phía trên bên phải dãy núi đá xa xa có một tòa lâu đài hùng vĩ ra vẻ một chốn đạo trường. Quách-Tỉnh nghĩ rằng phải vận dụng nội công kêu gọi thì chắc ở Trùng-Dương-Cung có thể nghe tiếng được.
Bèn vận khí xuống đan điền đợi đến khi thấy đàn diễn minh tinh đã ngưng khi đã tụ đầy đủ, liền phát ra một tiếng hú, tiếp theo với giọng nói vang vang:
- Đệ tử Quách-Tỉnh cần bái yết! Đệ tử Quách-Tỉnh bái yết!
Tiếng nói to như sấm, như tiếng rồng gầm ầm ầm chuyển động làm cho các đạo sĩ phải ù tai mờ mắt, lảo đảo mất cả khí thế của những kẻ đang hăm hở muốn tấn công người.
Lão đạo nhân râu dài nói:
- Tôn huynh quỷ quyệt quá, toan dùng nhu kế để lường gạt ta. Bây giờ thì các tiểu xảo đó đã lộ ra rồi đừng hòng gạt ta nữa.
Quách-Tỉnh nghe nói nổi giận, nghĩ bụng:
- Trận nầy do lão đạo sư râu dài đó điều khiển. Ta chỉ cần hạ được hắn là trận thế chẳng khác nào như rắn không đầu, có khó gì không phá nổi.
Quách-Tỉnh giơ tay lên hướng về phía đạo nhân. Chưởng lực phát xuất làm cho đạo nhân râu dài tái mặt. Nhờ đó, Quách Tỉnh hiểu rằng trận nầy cốt làm sao nhử địch, công kích người chủ súy là trận thế phải núng.
Quách-Tỉnh chỉ bước năm bảy bước rồi dừng lại theo lối "cảm tĩnh thế". Nhưng áp lực phía sau lại gia tăng, cả hai bên cũng thêm sức nặng nề.
Trong cảnh nguy hiểm ấy, Quách-Tỉnh vẫn điềm nhiên không chút sợ sệt. Dũng khí như dần dần một lúc một tăng thêm Quách-Tỉnh nghĩ thầm:
- Bọn nầy quả hiểu lầm ta là tên dâm tặc nào đó chúng muốn biết lòng ta đã xuất gia tầm đạo, lấy từ bi hỉ xả làm hoài bão có bao giờ muốn gây chuyện sát sinh. Nhưng họ xâm phạm đến tính mạng ta thì ta làm sao có thể để yên được.
Nghĩ như thế Quách-Tỉnh liền nhún mình phi thân lên một tảng đá cao, dùng chân đá nhẹ vào một tiểu đạo nhân, đưa tay trái đoạt lấy thanh trường kiếm của hắn.
Vừa giật được thanh trường kiếm, thì về phía sau bên tay mặt bảy thanh kiếm đã kề tới. Chàng liền tung kiếm ứng chiến.
Tám thanh kiếm giao nhau, tiếng loảng choảng nghe kinh hồn. Chỉ chốc lát bảy thanh kiếm kia đều bị gãy làm đôi rơi xuống đất, còn kiếm của Quách-Tỉnh vẫn y nguyên không hề hấn gì cả.
Thật ra, thanh kiếm của Quách-Tỉnh cũng chỉ là một thanh kiếm thường như mọi thanh kiếm khác, song được Quách-Tỉnh vận dụng nội công truyền ra đầu kiếm nên có một sức bén nhọn phi thường, các kiếm khác chạm vào đều phải gãy nát.
Bảy đạo nhân kia kinh hãi mặt như chàm đổ để chỉ còn biết đứng đờ người ra. Bỗng phía bên kia, hai toán "bắc đẩu trận" chuyển về phía trước để ứng chiến. Toán thì cầm kiếm tay mặt, toán thì cầm kiếm tay trái như để hỗ trợ cho nhau, mười bốn người dồn khí lực vào thành một.
Quách-Tỉnh lại một lần nữa dùng thần lực vung kiếm áp đảo cả mười bốn thanh kiếm kia.
Trong số mười bốn đạo nhân ấy có người toan tìm cách đoạt lấy thanh kiếm của Quách-Tỉnh. Nhưng kẻ ấy có biết đâu rằng thanh kiếm Quách-Tỉnh bây giờ không còn là loại kim khí sáng loáng thông thường mà nó đã trở nên dẻo mềm như xương thịt, cứng mạnh như sức thiên thần.
Quách-Tỉnh dùng thần lực đo lường sức mạnh hợp nhất của mười bốn vị đạo nhân kia, thấy sức mạnh họ còn ấu trĩ, không đáng kể. Quách-Tỉnh hét lên một tiếng:
- Phường tiểu nhân.
Rồi chàng vận dụng sức từ đơn điền lên tiếp khí để tiếp tục trận đấu.
Mười hai thanh kiếm bị gãy một lúc, chỉ còn lại hai thanh kiếm bay vụt ra khỏi tay hai đạo nhân, rớt nguyên vẹn dưới đất.
Mười bốn đạo nhân kinh hãi rút lui về đàng sau, Quách-Tỉnh than tiếc:
- Thực vũ thuật ta chưa đến mức tuyệt luân nên còn sót lại hai thanh kiếm bay đi không bị gãy.
Các đạo sĩ khác thấy thế, trong lòng đều nao núng, vẻ lo âu lộ ra trên nét mặt.
Hai mươi mốt vị đạo sĩ kia tuy mất vũ khí, song họ vẫn còn chiến đấu bằng cách dùng tay không gây khó để tương trợ.
Quách-Tỉnh sử dụng kiếm thuật đã tuyệt diệu, song chàng vẫn còn áy náy, chưa lấy thế làm vừa lòng.
Chàng tự hỏi:
- Sao trận thế của họ lại bền vững đến thế nhỉ?
Chàng đoán biết rằng Khưu-chân-nhân quen lối dùng trận thế vương đạo đã từ bao năm, chắc dàn ra thế Bắc đẩu trận này hẳn là vi điệu lắm. Nếu các đạo nhân kia biết cách biến hóa thì chàng làm sao thoát khỏi được. Tốt hơn, chàng phải ra tay trước thì hơn.
Nghĩ thế, Quách-Tỉnh gọi lớn:
- Nếu quý đạo huynh không dành cho tôi đường rút thì đừng trách tôi vô lễ đối với quý huynh.
Đạo sĩ râu dài cho rằng dù võ thuật Quách-Tỉnh có cao siêu đến đâu cũng không thể nào thoát khỏi thần diệu của Bắc-đẩu-trận.
Do đó, ông ta coi tiếng thét của Quách-Tỉnh cũng chỉ là những tiếng cười nhạt, nào có nghĩa lý gì. Và, Quách-Tỉnh càng giận dữ thì cái nguy hiểm càng đến với Quách-Tỉnh nhiều hơn.
Quách-Tỉnh nhún người xuống phi thân sang phía đông bắc, và đoán rằng phía đối diện hai tổ ở phía tây nam tất nhiên sẽ di chuyển theo hộ trợ. Quách-Tỉnh bèn dùng phép thuật chỉ mũi kiếm vào sau lưng, tức thì mười bốn đạo nhân ở tổ tây nam bị thần chưởng điểm vào các huyệt Dương-cốc, tay họ bị bủn rủn, mình mẩy rời rã, phải buông thả vũ khí.
Mỗi người bị pháp thuật chỉ ngọn kiếm đó, vội nhảy xổ về phía sau, nhìn vào cổ tay thấy cốc huyết bị vết quần hồng rớm máu mà ngoài da không bị thương tích gì cả. Các đạo nhân khác đều khiếp vía nghĩ bụng rằng nếu Quách-Tỉnh không nhân nhượng có lẽ tay họ bị cắt đứt hết rồi.
Từ nãy đến giờ đã có hơn ba mươi lăm thanh kiếm bị rời khỏi tay các đạo sĩ. Đạo nhân râu dài dường như căm tức lắm, biết rằng Quách-Tỉnh chưa đem hết tài lực, nếu cứ dây dưa mãi thế trân sẽ lâm nguy, ông ta liền ra lệnh siết chặt vòng vây, đối phó một phen quyết liệt.
Quách-Tỉnh nghĩ rằng:
- Các đạo nhân này thực không hiểu gì cả, không chịu nghe lời van xin chỉ mực liều chết để hãm hại người khác mà thôi.
Chàng phi thân cấp thời đến chiếm ngôi Bắc đẩu tinh vị. Lão đạo nhân liền vận dụng hai toán liên hoàn đến ứng phó.
Như thế tức là Bắc-đẩu đại trận có tới mười bốn ngôi bắc đẩu tinh vị, Quách-Tỉnh một mình làm sao chiếm trọn cả được. Chàng chỉ tận dụng thuật phi thân chiếm lấy một ngôi chủ vị rồi sau lần lượt chiếm tới ngôi chủ vị thứ nhì.
Với kế hoạch ấy, Quách-Tỉnh đã làm cho thế trận rối loạn không ít. Lão gia râu dài xem chừng không lợi liền huy động các đạo nhân kia theo trận pháp lấy tĩnh chống động.
Từ trước đến giờ, Quách-Tỉnh dùng thuật phi thân di chuyển rất lẹ làng, hễ có chỗ sơ hở nào là Quách-Tỉnh gây xao động cho chỗ ấy. Bao giờ các đạo nhân đổi chiến thuật, có giữ thế thủ bằng cách bất động. Mười bốn thế dựa vào thần lực của mười bốn tinh vị, dù Quách-Tỉnh có lanh lẹ cũng không thể xông tới chiếm được.
Quách-Tỉnh nghĩ thầm:
- Các đạo nhân này quả thật trận pháp tinh vị. Ta muốn phá ngay cũng khó, chỉ khơi nguồn cho một cuộc máu lửa mà thôi chi bằng tiếp tục gọi đến Trùng-Dương-cung xem sao.
Nghĩ vậy, Quách-Tỉnh ngẩng đầu về phía võ điện, chợt thấy nơi võ điện nguy nga có mấy lằn sáng tiếp do có tiếng thép vọng từ xa.
Lấy làm lạ, Quách-Tỉnh quay đầu nhìn về phía đạo nhân râu dài thì thấy vẻ mặt ông ta đang có gì lo âu khó đoán được.
Quách-Tỉnh như hiểu ra điều gì, lẩm bẩm:
- Có lẽ kẻ nào đã lọt vào Trùng-Dương-Cung gây rối. Bây giờ ta phải đợi xem tình hình ra sao đã.
Bỗng nhiên, Quách-Tỉnh cảm thấy trong người nóng nảy, bèn dùng ấn quyết "Rồng lên mặt ruộng" để xét đoán.
Lúc đó chín mươi tám vị đạo nhân cũng ấn quyết theo thế của Quách-Tỉnh, làm cho Quách-Tỉnh bị sức cản không thể nào nhận rõ tình địch được.
ấn quyết như thế là để mở thần nhãn, thần nhĩ. Cái khó là làm sao để giữ cho hai tay được thăng bằng. Thấy Quách-Tỉnh đang mở thần nhãn, thần nhĩ để dò đoán địch tình nên các đạo nhân kia phải phá cho kỳ được.
Cánh bên phải thì ấn quyết ngược lại tay trái của Quách-Tỉnh, còn cánh bên trái thì ấn quyết ngược lại tay mặt của Quách-Tỉnh làm cho Quách-Tỉnh rối loạn ấn quyết không mang lại được kết quả mong muốn.
Quách-Tỉnh thấy thế liền chuyển qua thế "Cảng long hữu bối". Thế nầy hai bên phải giao hoàn quân binh, nên chênh lệch một tí sẽ gây nguy hiểm đến tánh mạng.
Quả thật, thế "Cảng long hữu bối" của Quách-Tỉnh đã làm cho hai cánh hữu tả của "bắc đẩu trận phải lung lay. Chỉ phút chốc có hàng mười đạo nhân bị thương.
Sở dĩ Quách-Tỉnh gây được trạng huống nầy là vì chàng nắm được chỗ sơ hở của người chủ súy.
Đạo nhân râu dài đã dùng tĩnh chống động nhưng lầm tưởng không được ổn định, hỉ nộ thường phát hiện trong trận là một điều tối kỵ trong việc dùng pháp thuật "vô vi thanh tịnh" vậy.
Lợi dụng tình thế, Quách-Tỉnh phi thân nhảy về phía trước như bay. Các đạo sĩ đều đuổi theo bén gót.
Quách-Tỉnh vượt đến bờ hồ, nhìn thấy có ánh sáng ngời trên mặt nước, liền cúi xuống để xem cảm ứng ra sao. Chàng lấy thanh kiếm chống xuống mặt nước thì mũi kiếm nhảy vồng lên mấy cái, Quách-Tỉnh liền phi thân, đặt chân lên đầu thanh kiếm nhảy vọt sang bên kia bờ.
ấy vì kiếm kia tuy bằng thép song được thần lực của chàng truyền vào thì không còn là thanh kiếm thường nữa.
Các đạo nhân đuổi theo, tai nghe văng vẳng có lệnh vượt qua bốn năm mươi người phi thân qua mà không hãm nổi nên bị chìm xuống nước, người nầy cỡi trên vai người khác. Còn có một số đạo nhân vì chưa học môn thủy tính nên chìm nổi bập bềnh, kêu cứu vang trời.
Đã thế còn nói gì đến chuyện truy kích Quách-Tỉnh được nữa.
Đang lúc hàng ngũ Bắc-đẩu-trận rối loạn thì bỗng nhiên có tiếng chuông ngân vang từ Trùng-Dương-Cung truyền lại âm thanh nghe rõ là tiếng kêu cứu.
Quách-Tỉnh khi thoát khỏi vòng vây của các đạo nhân, vội vã phi thân về phía Trùng-Dương-cung. Nghe tiếng chuông kỳ lạ liền ngẩng đầu lên nhìn.
Chàng nhận ra phía sau Trùng-Dương cung lửa cháy nghịt trời, ngạc nhiên lẩm bẩm:
- Môn phái chính truyền của võ thuật sao ngày nay có người dám đến tấn công. Ta phải cấp tốc tiếp cứu mới được.
Bỗng phía sau Quách-Tỉnh lại có tiếng thét vang trời của các đạo nhân đang chỉ gươm về phía địch nhân đang phá cung điện của đạo trưởng.
Quách-Tỉnh lẩm bẩm:
- Hẳn bây giờ các đạo huynh mới thấy được tôi là bạn hay là thù. Trong lúc đạo trưởng lâm nguy chắc quý đạo huynh không hẹp hòi gì mà không nhận tôi cùng một hàng ngũ.
Bấy giờ mọi người đều rã chân về phía Trùng-Dương cung.
Năm xưa, trên sườn núi êm đềm tĩnh mịch ở miền Mông-cổ, Mã-Ngọc đã truyền cho Quách-Tỉnh thuật phi thân, có ngờ đâu hơn mười năm sau, thuật này lại dùng để giải nguy cho môn phái mình.
Quách-Tỉnh nhờ thuật phi thân ấy có thể nhún mình một cái mà nhảy đi hàng mấy chục trượng. Từ bờ hồ phi về Trùng-Dương điện, chàng chỉ mất trong khoảng thời gian chốc lát là sẽ tới nơi.
Lửa khói bốc lên cao ngất trời, sức nóng xông ra chịu không nổi. Khí thế của lửa mỗi lúc một lan rộng thêm. Có điều lạ là mấy trăm đạo sĩ ở Trùng-Dương điện, ai cũng vũ nghệ cao cường mà chẳng thấy một ai ra tiếp cứu.
Quách-Tỉnh lấy làm kinh hãi khi thấy tòa võ điện đồ sộ nguy nga mỗi lúc một tan dần dưới sự tàn phá của hỏa lực.
Chàng bèn phi thân qua bức tường cao, vào tới sân trong thì chỉ thấy đông nghẹt những người đang hùng hổ đánh nhau.
Quách-Tỉnh định thần nhìn kỹ thì thấy bốn mươi chín đạo sĩ mặc áo vàng hợp thành bảy thế Bắc-đẩu-trận đang chống với sáu bảy mươi kẻ địch. Bọn nầy tầm thước chẳng đều nhau, có người cao kẻ thấp, người mập kẻ ốm. Họ thuộc vào môn phái khác, có
kẻ dùng binh khí, có kẻ dùng nội công chuyển ra bàn tay cố hết sức mình để tấn công. Họ là những người võ nghệ cũng khó, nhân số lại đông nên đua nhau hăng say trong máu lửa. Tuy nhiên, họ chiến đấu rời rạc, trông cậy vào từng sức cá nhân nên lực lượng không được thống nhất.
Ngược lại, về phía các đạo nhân Trùng-Dương điện, tuy ít hơn nhưng theo Bắc-đẩu trận, được sự liên hoàn tương trợ gây nên một thế thủ rất vững chắc.
Quách-Tỉnh thấy cuộc chiến hỗn loạn, toan lên tiếng hỏi để rõ căn nguyên, thì bỗng chàng cảm thấy từ bên phía trong điện có tiếng gió vun vút thổi ra. Với hơi gió đó, Quách-Tỉnh biết rằng bên trong hẳn có người đang chiến đấu, mà kẻ đang chiến đấu trong đó hẳn có một tài lực đáng kể.
Chàng lách mình sang Bắc-đẩu trận. Các đạo sĩ và mọi người đang chiến đấu thấy một bóng người luồng qua giữa rừng kiếm thì thất kinh, toan đuổi theo. Nhưng chỉ trong nháy mắt bóng Quách-Tỉnh đã mất hút vào nội điện.
Vào đến nội điện, Quách-Tỉnh thấy ánh sáng lập lòe của mười cây nến vẫn đang cháy. ánh lửa đằng sau chiếu đến cùng với những làn khói làm cho ánh sáng của nến chỉ là một thứ ánh sáng của những đóm lửa tàn.
Giữa điện, bảy vị đạo nhân với bảy bàn tay trái nắm chặt vào nhau, ngồi theo lối tọa kiết già trên bảy chiếc mâm, tay phải thì giơ lên, phóng tầm lực để chống lại với mười mấy địch nhân đang vây quanh.
Quách-Tỉnh không để ý đến những kẻ đứng đó là ai, chỉ nhìn vào phía bảy vị đạo nhân, thấy trong số đó có ba người già và bốn người trẻ. Ba người già là Mã-Ngọc, Vương-xứ-Cơ và Vương-xứ-Nhất. Còn bốn người trẻ chàng chỉ biết có một mình Doãn-chí-Bình thôi. Bảy vị nầy ngồi theo các tinh vị trên trời, từ sao Đạo-quang tới sao Thiên-khu. Trong bảy người có một người ngồi cúi mặt xuống không trông thấy gì cả.
Nhìn kỹ, Quách-Tỉnh cảm thấy Mã-Ngọc tiên sinh nét mặt đỏ bừng, máu nóng bốc lên cuồn cuộn biết rằng bảy vị đó đang ở trong trạng huống nguy ngập, Quách-Tỉnh hét lớn:
- Những thằng giặc kia! Chúng bay gan dạ dường nào mà dám đến Trùng-Dương võ điện này phá phách.
Dứt lời, Quách-Tỉnh đưa tay tóm hai địch thủ gần nhất toan ném ra cửa.
Nhưng võ thuật hai người nầy đâu phải hạng thường. Họ vận nội công làm cho hai chân như cắm chặt xuống đất, không một sức mạnh nào lay chuyển nổi.
Quách-Tỉnh cả kinh, nghĩ thầm:
- Những tên giặc nầy từ đâu đến lại có bản lãnh dường ấy? Chẳng trách hôm nay Trùng-Dương cung bị phá phách là phải.
Chàng vận nội công nắm chặt vào lưng rồi thốt nhiên buông ra, co chân đá vào hông địch thủ một cái. Hai địch thủ đang vận khí ngàn cân để chống đỡ, không ngờ lại bị một đòn cước dường ấy chẳng kịp đề phòng, hai cái xác tung bổng lên trời, lọt qua ngoài khung cửa, làm gãy cả một chấn song.
Hai địch thủ khác nhảy xông vào tiếp cứu, quát:
- Mày là ai?
Quách-Tỉnh đang ở trong thắng thế, cứ ngậm miệng giữ lấy sức không thèm đáp lời, tung hai tay một lượt như hai quả chùy hướng về địch thủ. Chưởng lực quá mạnh, khiến cho hai địch thủ chưa đến sát mình Quách-Tỉnh đã bị dội lại, lưng họ va vào bức tường như một tấm ván đổ. Máu hồng từ bên trong phụt ra miệng mũi. Họ chỉ lảo đảo được một chốc rồi ngã quỵ xuống.
Chỉ trong chốc lát mà chàng đã hạ được bốn người, khiến cho các địch thủ kinh khủng, không còn ai dám liều lĩnh xông vào tiếp ứng nữa.
Bấy giờ Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ nhận ra được Quách-Tỉnh lòng mừng rỡ nghĩ bụng:
- Đã có người này đến đây rồi thì phái Toàn-Chân của chúng ta không còn lo sợ gì nữa.
Còn Quách-Tỉnh sau khi hạ bốn địch thủ vì lòng sùng kính tổ sư, không kể gì đến việc kẻ địch đang bao quanh, vội quỳ xuống trước mặt Mã-Ngọc lạy và nói:
- Đệ tử Quách-Tỉnh xin bái yết Tiên-sinh.
Ngày nay, Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ và Vương-xứ-Nhất cả ba đều râu tóc bạc phơ, tuổi già đã làm mất những nét hùng mạnh trong con người siêu việt đó.
Ba người nhìn Quách-Tỉnh gật đầu đáp lễ, với những nụ cười sung sướng.
Bỗng Doãn-chí-Bình la lớn:
- Quách đại huynh coi chừng.
Nghe tiếng gió vù vù từ xa, hướng đến sau gáy, Quách-Tỉnh biết ngay có kẻ đang tiến đánh tập hậu, liền cúi xuống hai tay chống đất rồi tung mình lên để rơi trên mình hai địch thủ. Hai gối chàng đánh vào lưng hai đối thủ làm cho họ té sấp và cũng làm cho hai địch thủ bủn rủn tay chân, họ chỉ còn là hai cái xác dùng để cho Quách-Tỉnh quỳ hai gối lên trên.
Mã-Ngọc mỉm cười, nói:
- Đã mười năm ta không gặp con, ngày nay lại được thấy võ nghệ con tiến bộ rất nhiều.
Quách-Tỉnh quay thẳng người thưa:
- Xin đạo trưởng cho đồ đệ lãnh ý về việc đối xử với những tên ác tặc này.
Mã-Ngọc chưa kịp đáp lời thì Quách-Tỉnh đã nghe hai giọng cười vang vang trong điện. Một giọng rất chói tai và một giọng êm ái.
Quách-Tỉnh quay lại, thấy đằng sau có hai người. Một người mặc áo đỏ khăn vàng, hình dung khô đét như một que củi, có vẻ là một nhà sư Tây-tạng, còn một người nữa mặc áo vàng, tay cầm chiếc quạt, tuổi còn trẻ, dáng điệu tao nhi như một chàng công tử.
Cả hai đều phong độ điềm tĩnh khác thường, làm cho Quách-Tỉnh không dám khinh khi.
Quách-Tỉnh cúi đầu chào hai người thưa:
- Hai vị là ai? Đến đây có việc gì?
Chàng trai có vẻ công tử mỉm cười, hỏi lại.
- Thế mày là ai? Đến đây có việc gì?
Quách-Tỉnh ôn tồn nói:
- Tôi họ Quách tên Tỉnh, vốn là đồ đệ của các tôn sư đây.
Chàng công tử nói:
- A! không ngờ trong Toàn-Chân phái cũng có được những nhân vật như thế!
Quách-Tỉnh nhận xét chàng công tử đó tuy tuổi chưa đầy ba mươi mà vẻ kiêu ngạo quá lắm, coi Quách-Tỉnh không ra gì cả. Chàng cũng muốn hỏi xem họ là ai và nói rõ cho họ biết mình tuy là đồ đệ của mấy vị đó, nhưng không phải là người hiện ở trong phái Toàn-Chân. Tuy nhiên, thấy vẻ kiêu ngạo của thanh niên, Quách-Tỉnh lại không muốn tỏ bày. Bản tính Quách-Tỉnh là người ít nói, không hay biện bác.
Chàng hỏi:
- Hai người có thù gì đến Toàn-Chân giáo mà sai người đến gây chuyện, đốt phá đền đài?
Người có dáng công tử cười lớn, hỏi lại:
- Mày là kẻ nào mà dám xen vào hỏi đến chuyện này.
Quách-Tỉnh giận dữ, đáp:
- Ta là ta! Dẫu ta xen vào thì mày làm gì?
Lúc ấy ngọn lửa nơi điện cứ cháy lan ra mãi. Cứ đà ấy thì chẳng mấy chốc Trùng-Dương cung sẽ thành tro khói. Chàng công tử phe phẩy chiếc quạt có hình bông mẫu đơn màu trắng. ánh lửa chói sáng trông rất đẹp mắt.
Hắn nghe Quách-Tỉnh thách thức liền tiến lên một bước, vừa cười vừa nói:
- Mày mà đỡ nổi ba mươi thế võ của tao thì tao tha chết cho cả bọn đạo sĩ này được. Mày vui lòng chứ?
Chẳng thèm đáp, Quách-Tỉnh lấy tay phải hất chiếc quạt của hắn, kéo mạnh về phía mình. Với lối dằng co đó, nếu chàng công tử kia không dùng khí lực sẽ phải vấp ngã về phía trước. Trong bất ngờ chàng công tử không đến nỗi té nhưng cũng bị loạng choạng đôi chút.
Quách-Tỉnh giật mình, nghĩ thầm:
- Hắn nhỏ tuổi mà chịu đựng nổi sức mạnh của ta thì kể ra cũng là cừ khôi đó. Sao từ trước đến nay ta chưa từng được nghe tên tuổi?
Nghĩ vậy, Quách-Tỉnh liền vận khí lên quát vào mặt chàng công tử đó một tiếng.
Tiếng quát là một sức nội công tỏa ra, làm cho mặt chàng công tử đỏ ửng biến thành trắng toát như mặt ngọc.
Thấy vậy, Quách-Tỉnh lại nghĩ thầm:
- Té ra hắn đã vận sức nội công thượng thặng để chống lại tiếng quát của ta. Nếu ta quát thêm mấy tiếng nữa chẳng những hắn phải bị thương mà nội tạng của hắn cũng đều hôn mê nữa.
Tuy nhiên, Quách-Tỉnh vốn là võ nhân từ, biết chàng trai kia đã lập tuyện đến mức đó không phải là ít công phu. Chàng không muốn hại mạng của một thanh niên còn đầy hy vọng.
Quách-Tỉnh nhìn mặt chàng công tử mỉm cười, cái cười tỏ ý biết sức nội công còn non kém của đối phương.
Chàng công tử lợi dụng lúc Quách-Tỉnh mỉm cười, sức nội công không còn nữa, đưa tay giật cây quạt lại. Nhưng lạ thay! chàng vận hết sức lực mà cây quạt cũng không nhúc nhích.
Đó là vì sức lực của Quách-Tỉnh còn truyền sang cây quạt nên vẫn còn có sức mạnh.
Biết thế yếu chàng công tử vội vàng buông tay nhảy ra phía sau cúi đầu bái Quách-Tỉnh và hỏi:
- Xin cho biết quý danh.
Quách-Tỉnh nói:
- Tiểu danh không đáng kể. Mã, Khưu và Vương chân nhân đây vốn là bực sư phụ của ta.
Chàng công tử bán tin bán nghi, nghĩ rằng:
- Vừa rồi phái Toàn-chân bị đánh đến nửa ngày nếu không nhờ Thiên-cang Bắc-đẩu trận hợp lực nhau để thủ thế thì họ làm sao cầm cự nổi. Nếu cứ đánh tay đôi thì cả môn phái nầy chưa ai địch nổi ta tại sao trong bọn lại có một người võ nghệ cao cường đến thế nhỉ?
Chàng công tử quay ra ngắm dung nhan Quách-Tỉnh, trông Quách-Tỉnh ăn mặc quần thô kệch như một nông dân, lấy làm lạ, muốn hỏi vài lời xã giao.
Song chàng chưa kịp hỏi, chỉ vừa nói được câu:
- Võ nghệ của ông quả đã đến mức tuyệt vời. Kẻ hèn xin hẹn mười năm nữa sẽ hội ngộ.
Thì đàng xa bỗng vang vang tiếng nhạc. Tiếng nhạc êm đềm khiến ai cũng phải xúc động.
Quách-Tỉnh vội đáp lễ chàng công tử, và nói:
- Mười năm nữa ta sẽ gặp ngươi tại đây.
Chàng công tử từ từ lui gót ra khỏi cửa, quay lại thưa:
- Cuộc so tài giữa chúng tôi và môn phái Toàn-Chân hôm nay tôi chịu thua.
Theo tập quán của giới giang hồ thì nếu có một địch thủ đã chịu thua và hẹn ngày rửa hận thì ngày đó chưa đến dù có gặp nhau cũng không được ra tay. Bởi vậy, khi nghe chàng công tử nói, Quách-Tỉnh vội đáp lời:
- Đó là lẽ dĩ nhiên, khỏi phải thắc mắc.
Chàng công tử vái chào sắp sửa bước ra. Khưu-xư-Cơ thốt nhiên hét lớn:
- Không cần đợi đến mười năm Khưu đây sẽ tìm đến tận nhà ngươi.
Tiếng quát như sấm làm cho chàng công tử ù tai, choáng váng chàng cũng biết ra rằng các đạo sư đó chưa trổ hết tài năng, nên sợ quá từ từ lui ra ngoài.
Bên ngoài, tiếng thép loảng choảng dần dần thưa, rồi im bặt Quách-Tỉnh đoán biết họ đã rút lui toàn bộ.
Nhìn vào trong điện Quách-Tỉnh lại thấy đàng sau chỗ Mã-Ngọc ngồi còn mấy người nằm dài dưới đất. Đó là Quảng-tử-Ninh và Xich-đại-Thông. Mặt họ trắng nhợt như đã bị thương quá nặng.
Sở dĩ Mã-Ngọc và sáu người kia cố ngồi yên khi ngọn lửa đã bốc cháy gần kề là để bảo vệ sinh mạng cho hai người ấy.
Quách-Tỉnh vội bước vào, cởi đạo bào thì thấy ngực họ có in một vết bàn tay tím bầm ăn sâu vào trong thịt. Chàng cảm thấy lo sợ vì trong nghề võ chàng chưa hề được nghe nói đến miếng võ gây thương tích cho địch nhân như thế.
Chàng thầm nghĩ:
- Mình an cư nơi Đào-hoa đảo suốt mười năm trời không dễ thế sự có những đổi thay lớn lao mà mình không hay biết.
Rồi chàng cúi xuống điểm vào hai huyệt nơi hai bên hông Xích-đại-Thông.
Điểm như thế tuy không làm bệnh nhân lành vết thương nhưng cũng làm cho bệnh nhân đỡ đau trong khoảng thời gian mười hai tiếng đồng hồ.
Bốn bề lửa cháy rần rần, không còn có cách gì cứu chữa nổi nữa.
Khưu-xứ-Cơ vừa bồng Xích-đại-Thông dậy vừa nói:
- Thôi! Chúng ta rút đi nơi khác là hơn.
Quách-Tỉnh sực nhớ đến Dương-Qua, liền hỏi:
- Tôi có đem theo một đứa nhỏ, chẳng biết nó đã bị vào tay đại huynh nào bắt giữ, xin giao lại cho tôi, đừng để nó bị lửa thiêu.
Từ trước đến giờ, Khưu-xứ-Cơ và các vị đạo hữu lo để ý đến việc chống kẻ địch không để ý đến việc gì khác. Bất ngờ Quách-Tỉnh vừa dứt lời thì một đứa bé từ trên không rơi xuống đúng phải giữa điện, mặt mày hí hửng, nói:
- Thưa chú, cháu có mặt đây rồi.
Quách-Tỉnh vui mừng, vừa ngạc nhiên hỏi:
- Sao cháu lại trốn trên xà nhà. Có gì nguy hiểm chăng?
Đứa bé ấy đúng là Dương-Qua! Nó nhanh nhẩu đáp:
- Thưa chú, lúc chú với thằng đạo sư khốn kiếp...
Quách-Tỉnh chận lời, mắng:
- Đừng vô phép! Hãy ra lạy sư phụ đi nào!
Dương-Qua lè lưỡi quì trước Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ, Vương-xứ-Nhất lạy mấy lạy. Khi đến Doãn-chí-Bình là người trẻ tuổi hơn, thằng bé quay sang hỏi Quách-Tỉnh:
- Người nầy chắc không phải sư phụ như thế con không cần lạy.
Quách-Tỉnh nói:
- Vị đó không phải là sư phụ, nhưng là sư bá. Vậy con phải lạy ra mắt.
Dương-Qua tuy trong bụng không muốn nhưng phải tuân lời Quách-Tỉnh, lạy mấy lạy.
Quách-Tỉnh thấy Dương-Qua chỉ lạy Doãn-chí-Bình chứ không lạy ba đạo sư trung niên khác, thì mắng:
- Dương-Qua! Sao cháu vô lễ thế!
Dương-Qua cười hề hề, nói:
- Đợi con lạy đủ ba vị nữa thì có một việc gấp không còn cứu kịp
Biết Dương-Qua là đứa cơ xảo, Quách-Tỉnh hỏi:
- Việc gấp gì cần phải cứu?
Dương-Qua thưa:
- Có một vị bị trói ở phòng gần đây, nếu không cấp thời đi cứu sợ người ấy sẽ bị chết cháy mất.
Quách-Tỉnh vội vã hỏi:
ở phòng nào? Tại sao cháu biết?
Thằng bé mỉm cười nói:
- Để cháu nghĩ coi! à, nơi gian phòng đàng sau xa! Còn tại sao bị trói cháu quên mất.
Doãn-chí-Bình thấy Dương-Qua nói giọng nửa thật nửa đùa trong lúc mọi người đang nóng ruột lấy làm bực tức, lườm thằng bé một cái rồi chạy vụt sang dãy phòng phía đông.
Doãn-chi-Bình lục lạo khắp nơi nhưng không thấy bóng của một người nào cả, miệng lẩm bẩm rủa liên hồi.
Qua khỏi mấy dãy phòng dùng làm nơi trú ngụ của các đạo sư, và đến gian phòng dùng để tập luyện võ công, Doãn-chi-Bình mở ra một cánh cửa thì thấy khói lửa mịt mù, trong góc một gian phòng hẹp có một đạo sư bị trói nằm trên giường, miệng ú ớ nói không ra tiếng.
Doãn-chi-Bình bước vội đến mở trói, kéo mạnh đạo nhân ấy dậy, thì thấy chân tay buộc bằng một sợi dây luộc, sợi dây mà các đạo sư thường dùng tập luyện võ công.
Sợi dây ấy quá chắc, Doãn-chi-Bình phải dùng kiếm cắt đứt ra mới được.
Đạo nhân tay chân được cởi mở, đưa tay rút đùm giẻ trong miệng ra, thở hào hển.
Lửa cháy rần rần, Doãn-chi-Bình thấy không tiện ở đấy han hỏi lý do, nên đưa vai cõng đạo nhân chạy biến ra ngoài.
Trong lúc đó, Khưu-xứ-Cơ, Quách-Tỉnh và Dương-Qua đã ra khỏi võ điện, đứng trên một mô đất cao, đưa mắt nhìn ngọn lửa đang tàn phá ngôi đền đài đồ sộ, công trình mà bao nhiêu thế hệ đã đóng góp vào để dựng nên.
Quách-Tỉnh hỏi:
- Chúng ta không còn phương nào cứu chữa nổi sao!
Khưu-xứ-Cơ buồn bã gật đầu nói:
- Đành chịu thôi! Trên núi nầy chỉ có một con suối nhỏ, sức nước không đủ áp đảo sức lửa bạo tàn đó.
Quách-Tỉnh đau lòng toan hỏi xem kẻ đến phá đều là ai, nhưng chưa kịp mở lời thì đàng sau Doãn-chi-Bình hấp tấp cõng một đạo nhân bước tới, đặt trước mặt mọi người với vẻ mặt chua chát.
Đạo nhân đó bị sặc khói, mặt mày đen như lọ, nước mắt ràn rụa. Ông ta dụi mắt mấy cái mới mở được, và khi trông thấy Dương-Qua ông ta như một con hổ dữ, chồm tới toan túm lấy Dương-Qua xé ra từng mảnh cho hả giận.
Dương-Qua lanh lẹ né sang một bên, miệng cười hề hề.
Đạo nhân kia nắm hụt, đưa tay chỉ vào mặt Dương-Qua chưởi rủa:
- Thằng ranh con khốn kiếp! Mầy toan giết ta ư?
Vương-xứ-Nhất hỏi:
- Tỉnh-Quang! Có việc gì lại tức giận đến thế? Hãy nói ra đây cho chúng ta rõ!
Vị đạo nhân gọi là Tỉnh-Quang vừa được thoát chết, tâm thần đều loạn, khi thấy Dương-Qua, kẻ thù mình, toan túm lấy đánh một trận trả thù, ông ta quên rằng mình đã làm một việc vô lễ, trước mặt vị sư bá là Vương-xứ-Nhất. Khi nghe Vương-xứ-Nhất nói, Tỉnh-Quang giật mình biết đã phạm tội vô lễ, liền chắp tay thưa:
- Đệ tử vô ý phạm tội vô lễ thật đáng chết.
Vương-xứ-Nhất nói:
- Có gì mà đáng chết, hãy nói cho ta biết việc giận dữ của con
Tỉnh-Quang nói:
- Đệ tử ngày nay thật là đứa vô dụng. Đệ tử đã cho thằng nhãi ranh đó chà đạp trên danh dự...
Nói đến đây, Tỉnh-Quang lườm lườm Dương-Qua ý muốn xông đến, nhưng trước mặt các vị đạo sư, Tỉnh-Quang không dám, liền kể:
- Đệ tử phụng mệnh sư thúc Triệu-chí-Nguyên đứng gác ở sau vườn. Sau đó Triệu sư thúc trao đứa bé nầy, và cho biết hắn là một địch thủ rất lợi hại của môn phái ta, bảo đệ tử phải đem hắn nhốt trong tịnh thất phía đông. Ngồi trong đó một lúc, hắn bảo là hắn mắc tiểu, và yêu cầu cởi trói cho hắn. Đệ tử thấy hắn có vẻ tinh ranh nên không chịu cởi trói, phải chính tay cởi quần cho hắn đi tiểu. Hắn đi tiểu xong, thừa lúc đệ tử đang thắt quần lại, hắn đưa tay xô mạnh đệ tử, khiến đệ tử phải té nhủi xuống đất...
No comments:
Post a Comment