Tôi có những sở thích và những quan tâm hơi lạ lẫm một chút so với
những người xung quanh. Không phải vì tôi muốn tỏ ra mình khác người, mà
chỉ đơn giản là những sở thích hằn lên mình, tự nhiên như lớp cặn của
thời gian từ những điều nghe thấy, trông thấy.
Có một dạo, tôi băn khoăn: thế nào là một bông hồng tro? Và... tro của
hoa hồng sẽ có màu gì. Đó là khi tôi đọc "Những con chim ẩn mình chờ
chết" của Colleen McCullough. Hình ảnh bông hồng của Meggie cứ ám ảnh
tôi như một điều gì đó rất buồn và đẹp. Cái đẹp đau đớn và lộng lẫy của
mối tình giữa Đức Cha Ralph và nàng Meggie xinh đẹp; cái cách Meggie yêu
và sống đọng lại trong tôi sâu sắc đến nỗi khi người ta chiếu bộ phim
đó, tôi đã không dám đi xem, dù trước đó rất háo hức. Vì sợ rằng mình sẽ
thất vọng.
Sáng nay, ngồi nghe "Stairway to Heaven", tự nhiên tôi lại nghĩ đến
Meggie, Cha Ralph và những bông hồng màu tro. Nghĩ trong một liên tưởng
thân thuộc về những người đã xuất hiện và đi cùng mình một quãng đời đẹp
đẽ.
Tôi mê thích "Stairway to Heaven" đã lâu, nhưng biết rõ về nó lại là từ
một người bạn có vẻ chẳng liên quan gì đến rock. Một linh mục. Kể về
những quan tâm đời thường của một người tu hành là điều không nên, dù
rằng những quan tâm ấy rất con người và chẳng có gì sai trái. Nhưng
không hiểu sao tôi vẫn muốn nói một chút về anh.
Đó là một người thông tuệ - theo đúng cái nghĩa của từ này. Tôi quen
anh tình cờ, qua một người bạn. Dạo đó, tôi đi tìm một quyển sách, đúng
hơn là một luận giải có trong quyển sách ấy. Về một công án Thiền. Bạn
tôi giới thiệu tôi với anh. Vốn có ấn tượng không tốt lắm với những
người tu hành (trong quan điểm của tôi đi tu cũng là một nghề, như
nghề... Bí thư cấp ủy) nên tôi rất dè dặt trong lần đầu tiếp xúc. Nhưng
chỉ qua một vài câu chuyện, anh đã chinh phục tôi hoàn toàn bằng những
cái nhìn hồn hậu và đượm chút Thiền đối với cuộc đời - một lạ lẫm so với
cái khuôn mẫu lạnh lùng sắc lẻm mà tôi thường hình dung về một linh mục
Công giáo. Về phía anh, có lẽ cũng thích cái cách nghĩ không giống ai
của tôi về triết học và tôn giáo. Thế là thân nhau.
Thỉnh thoảng, tôi và anh vẫn rủ nhau đi chơi lang thang những lúc rảnh
rỗi và nói linh tinh đủ chuyện trên đời, đương nhiên là trừ những điều
cấm kỵ đối với mỗi người. Có lần, anh hỏi tôi có biết gì về
bài "Stairway to Heaven" không và kể cho tôi nhiều điều quả thực tôi
chưa bao giờ biết về ảnh hưởng của bài hát nổi tiếng này trong đời sống
tôn giáo của nhiều người. Một ngạc nhiên.
Những người đam mê rock như tôi không thể không biết đến "Stairway to
Heaven", ca khúc được coi là kinh điển của dòng nhạc này. Từ khi ra đời
cho đến nay, "Stairway to Heaven" luôn dẫn đầu các cuộc bầu chọn về ca
khúc xuất sắc nhất cũng như những câu solo guitar xuất sắc nhất. Vì
không được phát hành dưới dạng đĩa đơn nên ca khúc "Stairway to Heaven"
không chính thức vào bảng xếp hạng. Tuy nhiên, từ khi album "Zoso" của
Led Zeppelin ra đời, "Stairway" nhanh chóng trở thành cục nam châm có
sức hút mạnh mẽ đối với những fan's rock.
Nhưng quả là vẫn có những điều người ta chưa biết.
Vào khoảng những năm đầu của thập niên 70, khi đang ở đỉnh cao của sự
nghiệp với album thành công vang dội "Led Zeppelin II", bốn chàng trai
vàng của hard-rock bắt đầu muốn có một sự thay đổi trong âm nhạc của
mình. Họ đã về vùng đồng quê yên tĩnh Bron Yr Aur xứ Wales để tìm cảm
hứng cho những ca khúc mới mang tính "về nguồn" từ dòng nhạc folk của
Anh. Cũng tại đây, Jimmy Page và Robert Plant bắt đầu tìm hiểu về những
vấn đề tâm linh và huyền thoại. Một trong những quyển sách mà Robert
Plant đọc lúc bấy giờ là tác phẩm "Magic Arts in Celtic Britain" của
Lewis Spence. Bị cuốn hút bởi những truyền thuyết của người Celt, Robert
bắt đầu hình thành ý tưởng về một ca khúc vừa mang tính triết lý, vừa
mang tính hoang đường. Trong tác phẩm của Lewis Spence, cụm từ "stairway
to heaven" đã gây ấn tượng rất mạnh cho Robert Plant. Anh quyết định sử
dụng cụm từ này khi có dịp.
Một thời gian sau, tình cờ xảy ra một sự trùng hợp. Một trong số những
cô bạn gái hờ của Robert, trong một đêm phê rượu và ma tuý đã sử dụng
thẻ tín dụng của anh đi mua sắm. Kết quả cô trở về tay không vì thứ cô
cần mua là... chiếc thang (máy) cuốn trong khu mua sắm và dĩ nhiên người
ta từ chối không bán cho cô. Câu chuyện này trở thành đề tài để mọi
người trong ban nhạc đùa vui những lúc rảnh rỗi. Nhưng đối với Robert
Plant, hình ảnh cô bạn gái đỏng đảnh đòi mua chiếc thang máy cuốn vì
nghĩ rằng mình có nhiều tiền và hình ảnh những bậc thang bắc lên thiên
đường có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt hình tượng. Vậy là
Robert vớ cây guitar gỗ rồi bắt đầu triết lý :"Không phải tất cả những
thứ lấp lánh đều là vàng!" và "Đồng tiền không thể mua được tất cả!".
Chỉ trong một đêm, bài hát ra đời. Nó là sự tổng hòa những cảm xúc của
Robert Plant khi hoà mình vào không khí trong lành vùng nông thôn và
niềm đam mê về thế giới huyền hoặc của những truyền thuyết Celtic. Đương
nhiên không thể thiếu những triết lý mang tính cá nhân theo Chủ nghĩa
Hippie của anh và các bạn mình.
Tôi thực sự mê mẩn những ca từ tuyệt đẹp của bài hát, mê mẩn cả tiếng
guitar thùng ấm áp và phong cách nhạc folk điển hình của đoạn mở đầu bài
hát:
There's a lady who's sure all that glitters is gold
And she's buying the stairway to heaven.
When she gets there she knows, if the stores are all closed
With a word she can get what she came for.
Ooh, ooh, and she's buying the stairway to heaven.
Rồi:
There's a sign on the wall but she wants to be sure
Cause you know sometimes words have two meanings.
In a tree by the brook, there's a songbird who sings,
Sometimes all of our thoughts are misgiven.
Ooh, it makes me wonder,
Ooh, it makes me wonder.
Khúc chuyển nhanh và mạnh hơn với guitar điện và phần cuối cùng là phần
mãnh liệt nhất đậm chất rock với trống, bass và guitar điện tạo cho
người ta cảm giác về một cái gì đó vừa day dứt, vừa dữ dội. Tiếng sáo gỗ
và tiếng piano phảng phất như những lời thầm thì về một yên bình xuyên
qua bão táp của những dự cảm mơ hồ...
Your head is humming and it won't go, in case you don't know,
The piper's calling you to join him,
Dear lady, can you hear the wind blow, and did you know
Your stairway lies on the whispering wind.
And as we wind on down the road
Our shadows taller than our soul.
There walks a lady we all know
Who shines white light and wants to show
How everything still turns to gold.
Có rất ít người biết, đoạn intro bằng đàn thùng của bài này thực ra
không phải là sáng tác của nhóm Led Zeppelin. Đó là đoạn intro của ca
khúc "Taurus" do nhóm Spirit, một nhóm nhạc psychedelic không mấy danh
tiếng của Mỹ. Mặc dù bị "ăn cắp bản quyền", nhóm Spirit phát biểu rằng
họ cảm thấy rất vinh dự khi một phần của "Taurus" được giới thiệu trong
ca khúc nổi tiếng nhất của thế giới rock.
Vì quá nổi tiếng, "Stairway" cũng trở nên lắm phiền phức và là mục tiêu
của những kẻ ác ý. Một trong những scandal lớn nhất về ca khúc này
chính là việc gán cho nó cái mác: "tôn thờ quỷ Satan". Lý do một phần là
do tính cách quái gở của Jimmy Page và những mối quan hệ bí ẩn của anh
với nhà phân tâm học Alistair Crowley, người được cho là có khả năng nói
chuyện với quỉ dữ. Một phần là do khi chơi đoạn "If there's a bustle in
your hedgerow, don't be alarmed now, It's just a spring clean for the
May queen. Yes, there are two paths you can go by, but in the long run.
There's still time to change the road you're on" theo chiều ngược lại
trên máy quay đĩa, người nghe sẽ nghe được thông điệp:
Oh here's to my sweet Satan.
The one whose little path would make me sad, whose power is Satan.
He will give those with him 666.
There was a little toolshed where he made us suffer, sad Satan.
The one whose little path would make me sad, whose power is Satan.
He will give those with him 666.
There was a little toolshed where he made us suffer, sad Satan.
Đây chỉ là một điều trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng đã có rất nhiều lời chỉ
trích và buộc tội đến từ các tín đồ và các giáo phái của đạo Công giáo,
và tất nhiên là báo chí xông vào khai thác như một scandal thú vị, tạo
ra một bức màn ma quái cho bài hát. Led Zeppelin đã phớt lờ những lời
buộc tội. Bao nhiêu năm trôi qua chỉ có một phản ứng duy nhất từ họ:
“Chúng tôi chỉ chơi nhạc theo một hướng duy nhất – hướng xuôi”. Nhiều
người tỏ ra tiếc nuối và giận dữ vì đây là một trong những bản Rock and
Roll hay nhất mọi thời đại, nhưng cũng chính vì vậy mà người ta nghĩ ra
đủ trò với nó.
Khi kể cho tôi nghe về điều này, người bạn lớn của tôi chỉ nói đơn
giản: hãy nhìn cuộc sống như một dòng chảy và lắng nghe những tiếng
chim. Lời nói đẫm chất Thiền của một linh mục không hiểu sao cứ gợi cho
tôi cái ám ảnh về mối tình tuyệt vọng của nàng Meggie xinh đẹp và hình
ảnh "Cây gai xuyên thẳng qua ngực giữa cơn hấp hối, một tiếng hót vút
cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt
vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Cả trời đất như ngừng lại để lắng nghe,
và Thượng đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi sự tuyệt vời chỉ có được bằng
niềm đau vô tận ấy... Vào lúc ngọn gai xuyên qua tim, nó không ý thức
được cái chết đang chờ chực, nó chỉ mải mê hót và hót cho đến khi không
còn hơi thở để cất thêm một nốt nhạc nào nữa. Nhưng chúng ta, khi tự
ghim vào lồng ngực những chiếc gai nhọn, chúng ta biết, chúng ta hiểu,
vậy mà chúng ta vẫn làm…"
Có những lúc, chẳng hạn như lúc này tôi cũng đang băn khoăn tự hỏi... Oh, it makes me wonder...
Dù không còn lạ lẫm với những đóa hồng màu tro nữa, cũng không còn băn khoăn như ngày xưa: tro của hoa hồng sẽ có màu gì...
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.
Bờm
No comments:
Post a Comment