Aug 11, 2012

Ai Bắc Nhịp Cầu 2


Chương 2

Hãn vung tay ném mạnh cái điện thoại không dây vào vách rồi lớn tiếng gọi liền hồi khiến bà Nhận hớt hải chạy vào.

Hãn cau có ra lệnh:

- Mẹ đi tìm Thiên Ân cho con. Gọi điện, không bao giờ gặp được cô ấy.

Bà Nhận nhỏ nhẹ:

- Mẹ biết nó ở đâu mà tìm. Hơn nữa, Ân cũng phải đi làm chớ nó đâu có rảnh.

Mặt Hãn sa sầm xuống:

- Đì làm chỉ là cái cớ. Thiên Ân chê con què quặt nên xa lánh thì đúng hơn.

Nói dứt lời, anh đấm liên tục xuống giường khiền bà Nhận phải giật mình mình ngực dù dạo này bà đã quen với tánh khí thất thường của con trai.

Từ khi bị tai nạn tới nay, con bà đã trở thành người khác hoàn toàn. Bà tưởng mình gượng không nổi sau cú sốc quá lớn này, nhưng trái tim người mẹ đã vực bà dậy để lo cho con. Công việc làm ăn bà để một mình ông Vịnh gánh vác.

Tội nghiệp! So với sự đau đớn của vợ chồng bà, thằng bé phải khốn khổ hơn gấp năm gấp mười.

Hãn là con trai độc nhất, là gia tài, là hy vọng, là sự hãnh diện lớn nhất của vợ chồng bà. Hãn vừa du học ở nước ngoài về, vợ chồng bà đã đặt để, gởi gắm và Hãn biết bao nhiêu hoài bão.

Ấy vậy mà chỉ một giây bất cẩn, tại nạn đã xảy ra. Phải chi ở buổi chiều nghiệt ngã ấy bà đừng chiều ý Hãn thì đâu đến nỗi. Giờ thì tiền đồ xán lạng của thằng bé đã tiêu tan. hai chân không cử động được. Nếu không kiên trì tập vật lý trị liệu, có thể con trai yêu dấu của bà sẽ thành phế nhân suốt đời. Thử hỏi trên đời này còn nỗi đau nào khủng khiếp hơn nữa không?

Hãn gần như gào lên:

- Ân đã bỏ con, con muốn chết. Con muốn chết, mẹ biết không?

Bà Nhận cố ngăn nước mắt:

- Bình tĩnh đi con. Mẹ sẽ tìm Thiên Ân ngay.

Dứt lời bà lật đật ra khỏi phòng Hãn. Còn lại một mình, anh gục đầu vào tay nức nở.

Đàn ông khóc vì không vượt qua chính bản thân là hèn, thế nhưng trong tình cảnh này, Hãn biết làm gì cho vơi tuyệt vọng.

Với anh, tất cả đã chấm dứt, anh không thiết sống nữa.

Điện thoại reo, Hãn bất lực nhìn cái máy nằm ở sát vách mà lúc nãy anh đã vứt vào. Hít vào một hơi, anh vươn tay cố với lấy, song không được. Đôi chân vô tri giác như trì níu lại. Với anh, chuyện đơn giản thế này cũng hết sức khó nhọc, khó đến mức thành không thể.

Chuông điện thoại bắt đầu hồi gấp rút khiến Hãn sốt ruột. Anh gọi bà Nhận, rồi Chị Bờ giúp việc cũng chả nghe ư hử.

Bậm môi, Hãn lết từng chút, từng chút trên giường, đến khi tay anh chạm vào điện thoại thì chuông ngừng reo.

Hãn tức đến nghẹn thở. Anh không chỉ muốn đập cho vỡ tan điện thoại mà anh muốn đập nát cả thế giới này. Anh không hiểu sao cuộc đời bất công với mình đến thế. Hãn biết làm gì, sống ra sao nếu đôi chân trở nên vô dụng?

Giọng bà Nhận vang lên:

- Chuẩn bị tập đi con, cậu Hiển đã tới rồi.

Hãn không quan tâm tới lời của mẹ, anh hỏi:

- Mẹ không tìm Thiên Ân sao?

- Mẹ định đi, nhưng vừa đến sân đã gặp cậu Hiển. Con cứ tập, mẹ sẽ tìm Ân cho con.

Hãn cười nhạt:

- Mẹ dụ con như dụ con nít ấy. Bảo anh Hiển về đi, con chả tập tành gì hết. Đã mấy tháng chịu đau đớn trong tập luyện, rốt cuộc chân con có nhúc nhích đâu. Chỉ tốn thời gian và nước mắt. Từ giờ trở đi đừng nhắc tới ba thứ vật lý trị liệu gì gì đó với con.

Bà Nhận xuống nước:

- Phải kiên trì con à.

Hãn cộc lốc:

- Con không thể kiên trì nếu không có Thiên Ân.

Dứt lời, anh quay mặt vào vách, tay nhấn số di động của Thiên Ân rồi thất vọng vì cô đã tắt máy.

Thấy bà Nhận còn đứng đó, Hãn gầm gừ:

- Không có Ân kế bên, con không tập tành gì hết. Mẹ ra ngoài đi.

Nuốt tiếng thở dài, bà Nhận bước ra phòng khách. Nhìn người đàn ông ngồi ở salon, bà nghẹn ngào:

- Nó không chịu cháu ơi!

Hiển trầm ngâm:

- Cháu nghĩ bác nên tìm cho Hãn một bác sĩ tâm lý.

Bà Nhận kêu lên:

- Sao lại thế? Hãn đâu có điên. Lần đó đã chụp cắt lớp. Đầu nó bình thường mà.

Hiển phân bua:

- Ý cháu không phải vậy. Hãn đang bị sốc nặng. Cậu ấy đã mất niềm tin vào bản thân nên không muốn hợp tác với bác sĩ. Hãn không điên, nhưng có vấn đề về tâm lý. Bác phải chữa... cái đầu Hãn trước rồi mới hãy tính tới cái chân. Chớ cháu đành bó tay khi cậu ấy không chịu tập dù là bài tập nhẹ nhất.

Bà Nhận hoang mang:

- Nhưng bác biết tìm bác sĩ tâm lý ở đâu?

Hiển nói:

- Cháu có biết một vài người, họ không phải là bác sĩ mà là chuyên gia tâm lý, hy vọng họ sẽ thuyết phục được Hãn.

Lấy sổ tay ra, Hiển hí hoáy ghi tên họ, điện thoại, địa chỉ 3, 4 người rồi đưa bà Nhận.

Trước khi về Hiển còn dặn:

- Bác nên gấp rút tiến hành, chân của Hãn không đến nỗi vô vọng, nhưng nếu để lâu ngày sẽ bị teo cơ do thiếu vận động. Tới lúc đó cháu sợ đã trễ.

Bà Nhận ngồi thừ ra trên ghế. Bà thật sự mệt mỏi trước sự trái tính trái nết của Hãn. Bà không biết phải làm thế nào đây nữa. Có lẽ phải đưa Hãn ra nước ngoài để chạy chữa thôi. Nếu họ bó tay, thì Hãn đành chấp nhận số phận của mình.

Trở vào phòng Hãn, bà Nhận thở phào, khi thấy anh đang nói chuyện điện thoại. Nhìn gương mặt tươi tắn khác hẳn lúc nãy của Hãn, bà đoán chắc anh đang trò chuyện với Thiên Ân. Cầu mong Hãn có được niềm vui như vầy ngày một nhiều.

Bất giác bà chạnh lòng khi nghĩ tới Thiên Ân. Hiện giờ con bé là cái phao để Hãn bám víu trong cơn tuyệt vọng. Nhưng Ân là con gái nhà giàu, lại được nuông chiều, Ân không quen chịu cực, liệu con bé có còn yêu nếu như Hãn suốt đời không bình phục?

Bà Nhận lắc đầu không dám nghĩ tiếp.

Mặc kệ ngày mai ra sao thì ra. Miễn hiện tại, ngay giây phút này, Hãn vui là bà mừng.

Giọng Hãn vang lên hối hả:

- Mẹ... mẹ...

Rồi cười toe thấy bà ngay cửa:

- Ân sẽ qua ăn cơm với con. Mẹ kêu chị Bờ làm thêm món xà lách trộn nghen.

Bà Nhận ngập ngừng:

- Có chắc Ân tới ăn cơm không?

Mặt Hãn tối sầm lại:

- Sao mẹ lại hỏi vậy? Mẹ muốn Ân bỏ rơi con phải không?

Nhún vai, bà Nhận im lặng đi xuống bếp. Còn lại một mình, Hãn cố gắng hết sức để qua ngồi trên xe lăn.

Anh không muốn Ân thấy anh thật tệ hại trên giường, dù trên xe lăn cũng chẳng hay ho gì hơn.

Chép miệng, Hãn tự an ủi:

- Ít ra trên xe lăn mình vẫn di chuyển theo ý muốn. có hoạt động vẫn hơn nằm một chỗ như xác ướp Ai Cập.

Bỗng dưng anh nhếch môi chua chát với sự ví von này. Anh rùng mình nhớ lại khoảng thời gian dài đăng đẳng phải nằm trên giường, anh nhớ tới khoảnh khắc kinh khiếp khi biết đôi chân mình bị liệt

Với anh, tương lai thật mù mịt. May mà còn có Thiên Ân, nếu không, anh chẳng thiết sống làm gì.

Lăn xe tới trước gương. Hãn lặng lẽ nhìn mình. Trong gương là một kẻ xa lạ với bộ mặt trắng xanh, bạc nhược, đôi mắt lơ láo không chút sinh khí. Nhìn, Hãn còn thấy chán, huống hồ ai khác.

Nén tiếng thở dài, Hãn lăn xe ra hành lang chỗ có nắng. Hướng mắt ra phía cổng, anh vừa phơi nắng vừa chờ đợi.

Ngoài đường, bọn trẻ đang mượn vỉa hè nhà anh để đá cầu. Nghe chúng reo hò, nhìn chúng nhảy nhót với trái cầu mà ham. Tiếc rằng Hãn không còn cơ hội được chơi như chúng. Lòng anh dâng lên nỗi ganh tỵ thật nhỏ nhen. Anh thấy ghét hết thảy những trò có liên quan tới đôi chân.

Trước kia, Hãn mê bóng đá đến quên ăn mất ngủ. Ấy vậy mà bây giờ anh sợ xem cảnh một đám mấy chục gã đàn ông sung sức hùn hục trên sân để lừa, để đá bóng bằng những đôi chân khỏe mạnh.

Nói chung, hình như Hãn sợ tất cả mọi thứ thuộc về cơ bắp, về sức mạnh của đàn ông. Anh đã mất hẳn tự tin rồi.

Nhìn đồng hồ, Hãn bắt đầu sốt ruột. Anh không nghĩ Ân ác đến mức cho mình leo cây, vì bây giờ anh không thể leo được. Nhưng hẹn bằng giờ dây thun như vầy thì rõ ràng Ân đang để anh leo và rơi tự do rồi.

Lăn xe vào nhà, anh chụp điện thoại gọi cho Ân. Giọng mẹ cô vang lên chua chát:

- Lại là cháu à? Ân vừa mới ra khỏi nhà. Còn tới nhà cháu hay đi đâu, bác không biết. Làm gì cháu quản lý con nhỏ dữ vậy? Ân có tự do của nó chứ…

Hãn chưa kịp nói lời nào, mẹ Ân đã gác mạnh máy khiến anh ê ẩm cả đầu. Bác ấy đúng là thiếu tế nhị khi đối xử như thế với người bệnh.

Giận hết sức giận, Hãn không biết làm gì cho vơi. Ngay lúc đó, bọn trẻ lại reo hò như giặc, không bình tâm được, Hãn hoắc mồm lên gọi mẹ.

Vừa thấy bà, anh đã hầm hừ:

- Mẹ đuổi hết bọn mất dạy trước nhà cho con.

Bà Nhận kêu lên:

- Chúng nó trêu chọc gì con à?

Hãn cộc lốc:

- Không, tại con không thích thấy chúng.

Bà Nhận ngập ngừng:

- Ai lại làm thế. Lâu nay chúng vẫn chơi như vậy mà.

Hãn xẵng giọng:

- Trước khác, bây giờ khác. Hồi trước con có như bây giờ đâu.

Bà Nhận nhìn Hãn lòng nhoi nhói đau. Hết sức nhẫn nhục, bà lầm lũi bước ra cổng và nói bằng giọng của người có lỗi:

- Các cháu ngoan ra công viên chơi nhé, bữa nay bác nhức đầu quá, các cháu làm ồn bác chịu không nổi.

Bọn trẻ ngoan ngoãn nghe lời bà. Chúng đã đi hết, không gian yên ắng trở lại song Hãn vẫn thấy bực bội. Anh rất ghét chờ đợi. Thiên Ân thừa biết điều đó, vậy mà cô vẫn nhẫn tâm để anh ngồi đếm từng phút thời gian.

Đang lúc Hãn nẫu ruột vì tuyệt vọng thì Ân xuất hiện. Cô không xuống xe mà cứ ngồi trên xe nhấn kèn liên tục, khiến chị Bờ phải quýnh quáng chạy ra mở cổng.

Ngồi trên xe lăn, Hãn hồi hộp như cậu trai mới lớn hẹn lần đầu với người yêu. Anh thắc thỏm theo từng tiếng gót giày trên hành lang của Ân rồi sững sờ nhìn cô bước vào phòng khách với chiếc váy màu cam sặc sỡ đến chói mắt.

Thiên Ân chúm chím cười:

- Làm gì nhìn em dữ thế?

Hãn nắm tay cô:

- Nhớ quá phải nhìn cho đỡ. Em đúng là tội lỗi đầy mình khi bắt anh phải chờ đợi hết ngày này qua ngày khác.

Thiên Ân liếc Hãn:

- Em đâu có muốn anh chờ. Bởi vậy đừng kết tội em. Oan lắm!

Dứt lời Ân nhẹ gỡ tay Hãn ra rồi khoan thai đến ngồi trên salon. Hãn đành lăn xe đến gần:

- Giận anh à?

Ân dài giọng:

- Không. Nhưng mệt mỏi sau những gì đã xảy ra.

Hãn nói ngay:

- Anh biết em lo cho anh. Điều đó khiến anh hạnh phúc.

Thiên Ân nhìn Hãn, có lẽ cô định nói gì đó nhưng lại thôi. hai người chợt rơi vào im lặng. Hãn muốn được ôm Ân vào lòng, được hôn cô nồng nàn mê đắm như trước kia hai người từng hôn, song nỗi khát khao trong anh dường như tan biến trước vẻ lạnh lùng của Ân.

Lâu lắm rồi, hai người không có nụ hôn nóng bỏng của tình yêu mà chỉ có những cái hôn phớt lên trán, lên má đầy vội vã mang tính chất xã giao vừa nhạt nhẽo vừa hình thức.

Thiên Ân đã thôi khóc ròng rã như hôm đầu ở bệnh viện khi anh tỉnh dậy trông thấy cô. Cô cũng đã thôi thảng thốt, hốt hoảng đến thất thần khi biết anh có thể bị tàn phế vĩnh viễn.

Cô đã trầm tĩnh hơn, bình thản hơn. Nhưng dường như sự trầm lắng đó của Ân khiến Hãn hụt hẫng, lo lắng.

Cũng không trách Thiên Ân được. Cô ấy mệt mỏi cũng phải thôi. Nhưng anh là người bệnh, Ân phải chiều ý anh chứ.

Giọng Thiên Ân ngập ngừng:

- Sắp tới áp lực công việc với em rất nặng nên sẽ không có thời gian nhiều để dành cho anh. Sau này chúng ta hiếm hoi lắm mới được bên nhau.

Hãn hơi xẵng giọng:

- Ngoài thời gian đi làm ra, em còn phải làm gì mà bận dữ vậy?

Ân thong thả:

- Em đi học.

Hãn cau mày:

- Thứ bảy, chủ nhật cũng học sao?

Thiên Ân khó chịu:

- Anh quản lý giờ giấc của em à?

- Anh hỏi thế để biết chắc chắn vẫn có những khoảng thời gian trống em dành cho anh.

Ân nói:

- 3 năm anh đi du học, thứ bảy, chủ nhật em dành cho em, giờ cũng thế thôi. Nếu có khác, hãy để em tự nguyện chớ đừng đòi hỏi bắt buộc.


Hãn khẽ cau mày. Anh biết tính Ân chỉ thích người ta chiều mình chớ bản thân không nuông chiều ai, nhưng anh không ngờ cô thẳng thừng đến thế. Hãn cố kiềm chế sự giận dữ xuống:

- Đừng nói như vậy với người yêu. Anh chưa bao giờ đòi hỏi, bắt buộc em bất cứ điều gì. Giữa chúng ta là tình yêu kia mà. Khi đã yêu, người ta không câu nệ.

Thiên Ân cao giọng:

- Và người ta cũng không nghĩ mình đang phải chịu đựng. Ý anh là thế chứ gì? Xem ra anh đáng trách vì phải chịu đựng em?

Hãn im lặng, một lát sau anh xuống nước:

- Chúng ta có rất ít thời gian vậy thì đừng tranh cãi khi ở gần nhau. Đến đây với anh.

Thiên Ân ngần ngừ rồi miễn cưỡng đứng dậy. Đến bên Hãn, cô nói:

- Em chỉ ở đây nửa tiếng, nên không thể cùng ăn cơm với anh.

hai tai Hãn như ù đi, anh hỏi lớn:

- Cái gì? Em vừa nói gì?

Ân ôn tồn:

- Em phải dự sinh nhật một đồng nghiệp nên không... không...

Hãn mím môi:

- Vậy sao lúc nãy em hứa hẹn đủ điều trong điện thoại? Lẽ ra em nên đi thẳng tới đó luôn chớ đừng ghé đây. Em định bố thí nửa giờ phù du cho anh để lương tâm bớt cắn rứt à? Hừ! Anh chẳng cần đâu.

Thiên Ân bình tĩnh:

- "Khi đã yêu người ta không câu nệ". Chính anh vừa nói thế, sao anh không làm được như mình nói. Lẽ nào anh không vì em?

Hãn hơi khựng lại:

- Anh phải vì em trong hoàn cảnh này à? Thật vô lý hết sức!

Thiên Ân nhếch môi:

- Hoàn cảnh nào anh cũng phải vì em. Khi nói lời yêu, anh đã hứa như thế mà!

Bấu hai tay vào thành xe lăn, anh hỏi:

- Nếu anh không vì em được thì sao?

Nụ cười nhếch mép vẫn không tắt trên môi Ân:

- Thì nghĩa là anh đã hết yêu em.

Hãn nuốt nước bọt. Anh thấy mình rơi vào bẫy của Ân. Cô nàng gài anh nhẹ nhàng quá. Lẽ nào yêu và hết yêu một người đơn giản như vậy?

Hãn liếm môi:

- Nói cách khác, nếu anh không vì em được, em cũng hết yêu anh chứ gì?

- Anh suy diễn chớ em không nghĩ thế.

Hãn lặng lẽ nhìn Thiên Ân. Anh cố đoán, song không biết cô đang nghĩ gì mà vừa dứt lời với anh đã lôi gương ra ngắm nghía.

Thật ra, Ân là người sâu sắc hay kẻ hời hợt nhỉ? Quen và yêu nhau đã 4 năm, nhưng thời gian gần gũi để biết rõ nhau lại quá ít vì Hãn đi du học mất 3 năm ròng rã. Những cú điện thoại, email hay chat... xuyên lục địa không đủ để Hãn sớm hiểu Thiên Ân như thế nào. Khi vừa trở lại quê nhà, Hãn đã bị tai nạn. Ân nghiễm nhiên trở thành chỗ dựa tinh thần của anh. Hãn bấu víu vào tình yêu từng đầy ắp màu lãng mạn của cả hai để thấy cuộc sống còn ý nghĩa. Anh không thể mất chỗ dựa ấy. Với anh, Thiên Ân vô cùng quan trọng. Đã yêu thì đành lụy.

Giọng Thiên Ân vang lên như phân bua:

- Cuộc sống càng ngày khắc nghiệt. Muốn có một chỗ đứng trong xã hội không phải chuyện dễ. Em đi làm hơn hai năm, nên hiểu rất rõ muốn tồn tại để vươn lên cần phải nỗ lực bản thân hết mình. Đang nằm trong thời gian thử thách, nên với em hiện tại công việc là quan trọng nhất rồi mới tới anh. Khi em đã đạt được mục đích...

Hãn chua chát:

- Thì anh mới là quan trọng nhất chứ gì?

Thiên Ân vô tư reo lên:

- Anh hiểu em thật. Anh phải hy sinh vì người yêu một tí chớ. Không gặp nhau, nhưng em sẽ điện thoại thường xuyên mỗi ngày cho anh. Không được ghen với công việc của em đó.

Dứt lời, Ân chủ động bước đến hôn lên môi Hãn. Mùi son phấn và nước hoa tủa ra từ cô không làm anh hưng phấn, trái lại Hãn có cảm giác Ân là một người lạ nên nụ hôn anh từng chờ đợi bỗng nhạt thếch.

Thiên Ân sửa lại mái tóc rồi bảo:

- Em vào thăm mẹ một tí. Anh cứ ngồi đây.

Tới phòng bà Nhận, cô gõ cửa, mở cửa cho Ân vào, bà hỏi ngay:

- Hai đứa lại cãi nhau à?

Ngồi xuống mép giường, Thiên Ân ủ ê:

- Vâng, càng ngày Hãn càng khó tánh. Cháu chịu hết nổi rồi.

Bà Nhận thở dài:

- Bác hiểu. Chả ai chịu nổi sự trái tính trái nết của nó. Con bé giúp việc cứ đòi nghỉ làm hoài, bác rầu ghê. Mọi người đều hiểu Hãn đang rất buồn khổ, nhưng nó lấy đó làm nư thì thật phiền.

Thiên Ân ngập ngừng:

- Hãn luyện tập đều không bác? Sao cháu thấy như không có tiến triển thì phải.

Bà Nhận chép miệng:

- Nó không chịu tập. Mới vừa rồi nó đuổi kỹ thuật viên về. Nó bảo chừng nào có cháu kế bên mỗi buổi nó mới tập.

Thiên Ân kêu lên:

- Trời đất! Làm sao cháu có thể...

- Vậy cháu thử khuyên Hãn xem, chớ bác thì chịu thua rồi đó.

Ân nói:

- Cháu vẫn động viên mỗi khi gọi điện. Hãn ậm ự ậm ừ nên cháu tưởng ảnh vẫn đang tập luyện. Chậc ! Kiểu này thì gay go thật!

Bà Nhận nhìn cô:

- Nó đòi hỏi phải có cháu, bởi vậy khuyên qua điện thoại thì ăn thua gì.

Thiên Ân nhấn mạnh:

- Tiếc là cháu không thể đáp ứng đòi hỏi của Hãn.

Rồi như sợ bà Nhận sẽ yêu cầu mình này nọ, Ân nói thêm dăm ba câu xã giao cho có và vội vã trở ra phòng khách. Bà gặp Hãn ngồi như tượng trong căn phòng vắng ngắt.

Thiên Ân nuốt tiếng thở dài. Cô không thể buộc đời mình vào một người tàn phế, dù người ấy cô từng yêu. Mẹ Ân vốn thực tế nên bà đã khuyên cô chia tay Hãn. Thật lòng Ân không đành, nhưng nghĩ tới tương lai với Hãn, cô thấy xám xịt một màu bất hạnh.

Tội nghiệp cho Hãn và tội nghiệp cho cả Ân. Sao anh không mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn để vượt qua chính mình nhỉ?

Đến bên Hãn, Ân hơi gắt:

- Anh bỏ luôn việc tập chân à? Sao lại thế?

Hãn yêu sách:

- Anh không bỏ mà chỉ muốn khi tập có em kế bên cổ vũ tinh thần.

Thiên Ân chép miệng:

- Đúng là trẻ con vòi vĩnh. Em không ngờ như vậy mà anh cũng nói được.

Hãn nhún vai:

- Có gì đâu mà không được khi em là người yêu của anh.

Thiên Ân gật đầu:

- Đúng. Em là người yêu của anh, nhưng em không muốn trông thấy anh trong bộ dạng như vầy, rồi lại yêu sách như con nít.

Giọng nghẹn lại, Ân nói:

- Em muốn anh như cây đại thụ vững vàng. Anh hiểu không?

Hãn gằn từng tiếng:

- Như cây đại thụ. Em thừa biết là khó có thể, sao lại đòi hỏi ở anh, thay vì em phải cận kề một bên để an ủi, chăm sóc? Ngay lúc anh cần sự có mặt của em nhất thì em lại bỏ mặc anh để chọn công việc. Cuộc sống đâu phải chỉ có mỗi công việc, đâu chỉ có chuyện kiếm tiền và đua chen giành vị trí ngoài xã hội. Cuộc sống còn cần bao nhiêu thứ khác quan trọng hơn như tình cảm con người với con người. Sự chia sẻ, đồng cảm, đồng điệu mới là đáng quý. Em đã làm gì được cho anh suốt thời gian qua?

Thiên Ân nói một hơi:

- Không đứa con gái nào không mơ tưởng một gia đình hạnh phúc. Anh nghĩ sẽ mang tới hạnh phúc cho em khi suốt đời gắn liền với chiếc xe lăn hay sao? Người em yêu là một Thạch Hãn oai phong, năng nổ tràn đầy sức sống chớ không phải một pho tượng đặt đâu ngồi đó.

Hãn quát to:

- Im đi!

Anh rưón người định chụp Thiên Ân nhưng không thể. Đôi chân vô dụng trì anh xuống. Hãn đúng là một pho tượng đặt đâu ngồi đó.

hai tay bấu chặt vào thành xe lăn, Hãn hét:

- Cút ngay! Tôi không muốn thấy mặt cô nữa!

Thiên Ân đứng sựng một chỗ:

- Em... em xin lỗi. Nhưng không thể thế này được. Nếu anh yêu em, phải cố gắng.

Hãn bị khích động mạnh, anh gào lên trong phẫn nộ:

- Rời khỏi đây đi. Tôi không cần một người vô tình vô nghĩa như cô.

Nghe anh la, bà Nhận chạy lên. Thấy bà, Thiên Ân bật khóc:

- Cháu không làm sao vừa lòng Hãn nổi. Anh ấy khó khăn quá, khổ cho cháu quá!

Hãn gục đầu làm thinh, bà Nhận nhìn cô áy náy:

- Đừng khóc nữa cháu. Dẫu có chuyện gì cũng cho bác xin.

Ân vẫn chưa thôi lu loa:

- Cháu chỉ muốn tốt cho Hãn. Sao anh ấy không chịu hiểu mà cứ trách móc cháu chứ.

Bà Nhận nhỏ nhẹ:

- Bác biết, bác biết...

Hãn lớn tiếng:

- Mẹ biết gì cơ chứ. Để cô ta về cho khuất mắt con đi.

Thiên Ân mím môi:

- Được. Anh sẽ ân hận vì đã đuổi em.

Quay sang chào bà Nhận, Thiên Ân giậm mạnh gót giày xuống nền gạch bóng loáng trước khi rời khỏi nhà. Bà Nhận lật đật bước theo cô.

Còn lại một mình giữa căn phòng bày biện sang trọng, Hãn rũ người xuống trong tuyệt vọng.

No comments:

Post a Comment