Vũ Quân
NAM THIÊN ĐẠI HIỆP
HỒI THỨ 16
Thương người cơ khổ, kết nghiã chị em
Thúc thúc không còn, lần nữa giang hồ cất bước.
Thúc thúc không còn, lần nữa giang hồ cất bước.
ê Phóng, chú họ Thanh Ngân ẩn cư miền bắc đất Kinh Bắc, dưới chân ngọn
đồi nhỏ, chính ông đặt tên cho ngọn đồi này là đồi Thanh Bút, lấy biệt
hiệu là Thanh Vân cư sĩ, mang hoài bảo viết ra những lời thanh nghị
khuyên bảo người đời. Ông ta có thể nói là người làu thông bách gia chư
tử, văn tài xuất chúng bấy giờ, nhưng chán cảnh quan trường, vinh hoa
phú qúi, tìm vui ở mái nhà tranh, ngắm nguyệt xem hoa, viết sách làm
thơ.
Quyết định về gặp chú, ở đó chờ đợi Kiều Linh, Thanh Ngân lên bộ hỏi thăm đường sá, rồi nhắm hướng mà đi.
Thời bấy giờ, trên những con đường lộ chính, nhiều người qua lại, đi
vài chục dặm đường là có một nơi che lều trại sơ sài để bán nước trà
tươi. Những nơi bán nước như vậy thường do một cô gái nặm mà, duyên dáng
mở ra. Khách chưa mệt mỏi trên lộ trình, nhưng khi nhìn thấy cô gái bán
nước xinh xắn vồn vã chào mời, dù chưa mệt mỏi hay chưa khát nước, cổ
khô cũng cảm thấy như mỏi mệt lâu rồi, cần ngồi nghỉ ngơi giây lát.
Thanh Ngân nội công đã đến mức ngũ khí triều nguyên, tam hoa tụ đỉnh,
nhưng cần che dấu võ công, chỉ bước khoan thai trên đường, thì có gì khó
nhọc. Hơn nữa, những người con gái đã gặp qua đều là những trang quốc
sắc thiên hương, thì những cô gái bán trà, quê mùa kia có mời mọc, chọc
ghẹ đến đâu cũng không làm Thanh Ngân động lòng, nên mỗi lần như vậy chỉ
mỉm cười rồi lầm lũi bước đi.
Thanh Ngân vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường, đôi lúc xúc cảnh sanh
tình xuất khẩu ngâm nhỏ một vài bài thơ ngũ ngôn hay thất ngôn bát cú.
Đến gần một làng lớn nọ, tình cờ Thanh Ngân thấy một bà già, ngồi bên
đàng với gánh chiếu sụt sùi nhỏ lệ. Vốn có lòng nhân đạo, nhìn bà cụ gầy
đét với gánh chiếu to lớn mà Thanh Ngân biết bà phải gánh đi kia cũng
đã tội nghiệp, thì thấy bà đang khóc lóc càng động lòng quan tâm, nên
dừng bước, tò mò:
- Cụ bà sao lại ngồi đây buồn khóc như vậy?
Bà lão nghe có người hỏi, như động thêm mối thương tâm kể lể:
- Cả mấy ngày nay chẳng bán được tấm chiếu nào! Hu hu.. ta chẳng biết làm sao mua bát gạo nấu cháo cho cháu gái của ta..
Bà lão nhìn Thanh Ngân rồi nói tiếp:
- Cậu hẳn là người ở xa lại, chẳng cần phải mua chiếu của ta làm gì. Thôi thì cậu đi đi, chẳng giúp được gì cho ta đâu.
Thanh Ngân ngồi xuống bên bà lão:
- Tiểu điệt từ xa đến đây thiệt và cũng chẳng cần phải mua chiếu của bà, nhưng biết đâu cháu có thể giúp bà!
Bà cụ nói:
- Ta đang cần tiền mua gạo và thuốc cho cháu gái ta đang bị bệnh, nhưng ta.. không nhận của bố thí đâu, cậu hãy đi đi.
Thấy bà già khổ sở nhưng lời nói có vẻ khẳng khái, trọng danh dự, Thanh Ngân chợt có cảm tình nên muốn giúp đỡ:
- Tiểu điệt có học qua y thuật, nhà bà lão ở đâu tiểu điệt đến xem mạch
cho thuốc cho cháu bà thử xem. Bà đang cần tiền, tiểu điệt có thể cho
bà mượn chút đỉnh, rồi sau này tiểu điệt đi ngang qua lấy lại.
Bà cụ nghe nói mừng rỡ:
- Cậu..cậu có thể giúp ta như vậy hay sao?
Nhưng bà chau mày:
- Ta đã khổ sở lắm rồi! Cậu đừng phỉnh phờ ta như vậy! Cậu nên ăn ở
phước đức, dừng thấy người ta khốn khổ rồi lấy đó làm trò vui cười.
Thanh Ngân dứt khoát:
- Tiểu điệt đâu có biết bà là ai mà chọc phá bà! Nơi nào bán gạo bà đưa tiểu điệt đi mua rồi về nhà xem bệnh cho lệnh tỷ.
Bà lão không tin ở tai mình, nhưng nhìn kỹ thấy Thanh Ngân mi thanh mục
tú, nghi biểu phi thường biết không phải đang nghe lời nói đùa nên mừng
rỡ như chết đuối gặp phao:
- Cậu có lòng như vậy, thật là trời cũng còn thương xót bà cháu của ta.
Bà ta đứng dậy rán đưa gánh chiếu lên vai, Thanh Ngân giành lấy:
- Để tiểu điệt gánh hộ lão bà một đoạn.
Thanh Ngân nhấc gánh chiếu nhẹ nhàng để lên vai mình rồi nói:
- Lão bà đưa cháu đi đi.
Bà lão rối rít:
- Ta đâu dám làm phiền cậu quá thế này. Cậu để ta gánh cho cho!
Thanh Ngân không trả lời, gánh gánh chiếu rảo bước, bà lão buộc lòng xúp xúp chạy theo, luôn miệng:
- Cả đời ta chưa bao giờ gặp ai như cậu. Nhà ta ở cuối thôn này.. con đường nhỏ trước mặt.
Thanh Ngân lấy một đỉnh bạc đưa bà lão:
- Nếu nơi bán gạo gần đây bà đưa cháu đi mua ít gạo, rồi về nhà sau kẻo phải tốn công đi lại nhiều lần.
Bà cụ run run cần nén bạc:
- Cậu cho mượn nhiều quá thế này! Làm sao ta dám nhận!
Thanh Ngân:
- Tiền bạc là vật ngoại thân, tính mệnh cháu gái bà quan trọng hơn nhiều, bà không nên ái ngại.
Bà lão sa lệ:
- Trời đã gởi cậu đến giúp cho bà cháu ta.
Thanh Ngân:
- Lão bà không nên quá lời, làm cho tiểu điệt thêm áy náy.
Bà cụ đưa Thanh Ngân lại đầu thôn.
Trong lúc bà lão mua gạo, Thanh Ngân rảo bước đi mua thêm một ít thịt
cá và rau cỏ. Nhiều người thấy Thanh ngân là người lạ gánh chiếu và đi
mua thức ăn với bà lão, tò mò hỏi là ai thì Thanh Ngân nói là người bà
con của cụ bà và nghe họ xầm xì sau lưng:
- Không ngờ bà cháu con mẹ bán chiếu chết đói mà cũng có người bà con như hắn!
Nhà bà lão là một túp lều tranh thật nhỏ, mãi tận trong bìa làng, sát bên một khu rừng thưa, trông thật chơ vơ trơ trọi.
Đứa cháu bà lão khoảng mười chín, hai mươi tuổi đang nằm trên chiếc
chõng tre ọt ẹp, khuôn mặt xanh xao, đắp trên mình một chiếc mền rách
trông rất thảm não thê lương. Không thấy Thanh Ngân, cô ta yếu ớt:
- Nội đã về! Có bán được chiếc chiếu nào không nội? Cháu bị bệnh làm nội phải khổ sở, cháu xốn xang quá!
Nhìn sự nghèo nàn nhưng từ hiếu của hai bà cháu, Thanh Ngân thương hại và nhủ lòng phải giúp họ đến nơi đến chốn.
Bà lão:
- Hừ! Cháu đã bệnh mà lúc nào cũng sợ bà phải khổ. Bà cũng không bán
được, nhưng nhờ có công tử đây giúp đỡ và bà đưa về để xem mạch cho
cháu.
Cô gái nghe nói có người đàn ông lạ vào nhà, như ngại ngùng muốn ngồi dậy, Thanh Ngân vội vàng:
- Cô nương cứ tự nhiên, để tiểu đệ xem mạch cho cô nương xem sao.
Thanh Ngân giữ lễ, xin bà lão một sợi chỉ, chỉ cách cho bà cột vào cổ tay cô gái rồi nắm sợi chỉ mà nghe mạch.
Chẩn bệnh xong, Thanh Ngân nói với bà cụ:
- Cô nương đây quá lao lực, nhiễm phong sương, may mắn là chưa nặng lắm nên chỉ cần năm ba thang thuốc là có thể khoẻ lại.
Bà Cụ mếu máo:
- Lan nhi hàng ngày gánh chiếu rảo hết làng trên xóm dưới, đi sớm về
tối.. cháu thật là khổ cực, nếu không nhờ công tử thì bà cháu tôi đành
chết. Trăm sự nhờ ơn công tử giúp cho.
Thanh Ngân:
- Cháu mong bà đừng nói với tiểu điệt những lời như vậy. Ở đây không có giấy bút kê toa, để tiểu điệt chạy đi bốc thuốc.
Cô gái:
- Nội! nhà mình không tiền bạc lấy gì bốc thuốc?
Bà cụ:
- Công tử đây hứa cho mượn rồi sau này trả lại. Công tử đã có lòng giúp
đỡ, con phải khỏe lại trước đã rồi mọi sự tính sau. Nếu cháu có mệnh hệ
nào thì bà đây cũng không sống được.
Cô gái mệt nhọc, lo âu:
- Như thế sao tiện hỡ nội!
Thanh Ngân:
- Cô nương không phải lo âu. Cụ đây chỉ có mình cô là người thân nếu cô không mạnh thì lấy ai săn sóc cho cụ?
Bà cụ thút thít:
- Dù sao cháu cũng phải mạnh khỏe lại trước đã!
Thanh Ngân không tiện nói nhiều, nên rảo bước ra ngoài ra đầu thôn lấy
thuốc. Thấy mình cũng không có điều gì gấp gáp nên định ở lại vài ngày
xem mạch hốt thuốc cho cô gái đến khi cô ta lành bệnh rồi mới lên đường.
Khi Thanh Ngân trở lại bà cụ đã nấu cháo đổ cho cô cháu và có làm cơm
cho mình. Không đợi bà cụ mời lâu, Thanh Ngân ngồi ăn tự nhiên rồi xin
phép cụ bà sắc thuốc cho cô gái.
Mấy ngày lưu lại đây, ban ngày Thanh Ngân nghé lại xem mạch, bốc thuốc.
Ban đêm thấy ở trong một căn nhà quá nhỏ với họ không tiện, Thanh Ngân
nói trớ đã có chỗ ngụ trong thôn, nhưng ra ngoài rừng tìm một nhánh cây
cao nằm ngủ. Hai ngày được Thanh Ngân săn sóc cô gái đã khoẻ và ngày thứ
ba có thể cất bước đi lại. Trong thời gian lui tới giúp đỡ cho họ,
Thanh Ngân cũng biết bà lão là Đặng lão bà, cô gái tên Đặng Tố Lan, và
bà lão gọi là Lan nhi. Thấy cô gái đã bình phục, Thanh Ngân viết sẳn vài
toa thuốc, đưa cho bà lão một nén vàng và nói:
- Cháu gái cụ cần phải nghỉ ngơi một thời gian lâu. Bà cụ đừng ngại,
lấy thêm một ít tiền chi dùng, đừng để Lan cô nương phải cực nhọc sớm,
bệnh tái phát biến thành lao khó thể chữa trị. Đây là mấy toa thuốc bổ,
uống đều đặn thêm mươi ngày nữa sẽ hoàn toàn bình phục. Hôm nay tiểu
điệt xin từ giã lão bà và Lan cô nương.
Bà cháu bà lão như đã hẹn trước đồng qùy xuống đất, bà cụ:
- Công tử đã tái tạo lại sinh mạng của Lan nhi, cầu mong công tử lưu
lại vài ngày cho Lan nhi hoàn toàn bình phục và xin công tử chấp nhận
cho nó theo hầu hạ làm nô tỳ.
Bất ngờ trước đề nghị của bà cụ, Thanh Ngân bối rối một phút rồi vội vàng nâng hai bà cháu dậy:
- Bà dạy như vậy, làm tiểu điệt khó xử vô cùng, biết nghề làm thuốc thì
cứu người là bổn phận và trách nhiệm. Trong lúc lão bà và Lan cô nương
gặp khó khăn, tiểu điệt chỉ giúp chút ít, thì có gì mà lão bà và Lan cô
nương phải coi trọng quá, làm tiểu điệt thật vô cùng áy náy.
Bà lão:
- Cứu mạng Lan nhi công ơn của công tử nói sao cho hết!
Bà thút thít:
- Thật ra bà cháu chúng tôi, chân yếu tay mềm, đang sống đời sống vô
cùng cực nhọc, nếu được công tử thương tình, Lan nhi cũng có nơi nương
tựa. Tôi đã già sống chẳng còn được bao nhiêu năm nữa! Công tử đã giúp
Lan nhi, cứu mạng cho nó thì cũng mong cứu lấy cuộc đời nó! Lão cầu xin
công tử đoái thương!
Thanh Ngân:
- Không dấu gì lão bà, tiểu điệt vốn chỉ một thân một mình, hiện tại
cũng không nhà không cửa. Đang lên đường tìm người chú để nương nhờ và
học thêm chữ nghĩa. Hoàn cảnh của tiểu điệt nếu muốn đem bà bà và Lan tỷ
theo thì cũng không có cách gì làm được.
Bà lão:
- Nhà họ Đặng dù đang sa sút, lâm vào đường cùng quẩn nhưng tôn chỉ từ
bao đời truyền lại, có ân phải trả, có nghĩa phải đền không bao giờ dám
sai trái. Lan nhi rất siêng năng, chịu khó, dù hoàn cảnh công tử như thế
nào đi nữa, nhất định nó cũng không làm cho công tử phải mang thêm một
gánh nặng đâu. Mong công tử đừng từ chối. Nếu công tử từ chối, dù công
tử có đi ta cũng qùy mãi ở đây cho đến chết để khỏi phải có tội với tổ
tông.
Thấy bà lão rất cương quyết và liếc nhìn Tố Lan, thấy cô gái rất tiều
tụy, làn da dày dãi nắng mưa nhưng vẫn phản phất những đường nét thanh
tân, Thanh Ngân nghĩ gia đình này trước đây hẳn cũng thuộc hàng nề nếp,
nhưng bị hoàn cảnh đẩy đưa nên nỗi, nên nói với bà lão:
- Tiểu điệt không ngờ chỉ giúp lão bà và Lan tỷ trong lúc tình cờ mà
lão bà lại đề nghị như vậy. Nếu tiểu điệt nhất lòng từ chối thì sợ lão
bà và Lan tỷ hiểu lầm. Tiểu điệt cũng đang vốn là kẻ mồ côi cha mẹ, nên
thay vì nhận Lan tỷ làm nô tỳ, thì tiểu điệt nhận kết nghĩa làm chị em
với Lan tỷ và lão bà làm dưỡng thái mẫu, như vậy việc tiểu điệt giúp Lan
tỷ và lão bà coi như là bổn phận của tiểu điệt mà không phải làm cho
lão bà phải quan tâm đến truyền thống gia đình.
Bà lão như không tin ở tai mình:
- Cậu nói sao?
Tố Lan cũng kêu lên:
- Công tử!
Thanh Ngân nghiêm chỉnh lập lại lời nói của mình cho bà lão nghe lần nữa.
Bà lão cảm động, dơm dớm nước mắt:
- Nhà họ Đặng không ngờ còn nhiều phước đức như vậy, và ta lúc gần đất
xa trời lại có phước đức lớn như vậy. Lan nhi kết làm chị em với công
tử, được công tử chiếu cố, lo lắng cho thì đúng là ông bà cũng còn linh
hiển. Linh hồn của thằng con trai lão cũng còn linh hiển.
Tố Lan nhìn Thanh Ngân đăm đăm:
- Ta không xứng đáng kết nghĩa chị em với một người như công tử. Ta không muốn công tử bị người đời chê cười!
Thanh Ngân:
- Người đời thường lấy chuyện giàu nghèo mà phân sang tiện, thứ bậc đó
là điều lầm lẫn. Người và người giao tế, mến chuộng nhau ở cái tình, ở
cái đức, ở cái tâm mới là tình nghĩa thật sự. Thanh Ngân cũng không phải
là sang qúi gì, thân phụ ta làm nghề thợ rèn ta cũng không cho đó là vi
tiện, ông cao tổ mấy đời trước làm tể tướng ta cũng không cho đó là
hiển vinh. Lan tỷ hôm nay cùng quẩn thế này, nhưng đệ thấy rõ trước đây
dòng họ Lan tỷ cũng chẳng phải tầm thường, như vậy tại sao lại phân
biệt?
Bà cụ:
- Lan nhi! Nếu cha con không từ quan và mất sớm, gia đình ta cũng đâu đến nỗi nào!
Nghe bà lão nói với cháu như vậy, Thanh Ngân biết bà vui lòng với đề nghị của mình nên qùy xuống đất:
- Lê Thanh Ngân xin bái dưỡng thái mẫu, từ đây xin cho hiền điệt được
phụng dưỡng thái mẫu và mong được bà xem như người cháu ruột của mình.
Bà lão run run đôi tay ôm lấy Thanh Ngân:
- Cháu! Cháu thật tốt với ta..Cháu được bao nhiêu tuổi rồi? Thanh Ngân cười tươi:
- Cháu rất to con, nhưng chỉ mới mười sáu tuổi!
Bà lão:
- Lan nhi đã mười chín, lớn hơn con ba tuổi, vậy nó là chị của cháu.
Thanh Ngân:
- Cháu đã kêu chị là Lan tỷ lâu rồi.
Và quay ra gọi cô gái:
- Lan tỷ! Lan tỷ không muốn có người em trai như đệ hay sao?
Tố Lan chảy nước mắt mừng vui, nhìn Thanh Ngân với ánh mắt chứa chan thân thiết:
- Ngân đệ!
Thanh Ngân sung sướng:
- Để đệ chạy ra ngoài đầu thôn mua ít hoa quả về cúng nghĩa phụ và
nghĩa mẫu, giao bái làm chị em với Lan tỷ trước bàn thờ của hai người.
Không đợi hai người đồng ý, Thanh Ngân chạy đi ngay.
Đặng lão bà và Đặng Tố Lan nói sao cho hết mừng vui được một người như
Thanh Ngân kết thành tình nghĩa gia đình. Trước bàn thờ cha mẹ Đặng Tố
Lan, Thanh Ngân đề phòng xảy ra việc tình ý về sau này nên khấn vái:
- Thanh Ngân sinh ngày..tháng...hôm nay xin khấu đầu nhận Tố Lan làm
nghĩa tỷ, từ đây suốt đời xem như chị em ruột thịt, và cư xử nhau trong
tình ruột thịt chị em không dám bao giờ sai trái.
Tố Lan nghe vậy, biết Thanh Ngân muốn coi mình như người chị mà thôi,
điều này cũng đã làm cho nàng không ngờ được có đâu dám nghĩ xa hơn nên
cũng thề thốt trước bàn thờ song thân giống như ý tứ này. Thanh Ngân coi
Tố Lan như chị và nàng cũng sung sướng có người em kết nghĩa như vậy
nên chỉ qua một vài giây phút ngập ngừng, họ nhanh chóng thân thiết với
nhau. Đặng lão bà thì mừng vui không sao xiết kể. Qua thời gian trò
chuyện, Thanh Ngân phát hiện Tố Lan cũng có học thi thư và thấy nàng
cũng rất thông minh.
Kết nghĩa với Tố Lan và nhận Đặng lão bà làm bà nội nuôi, Thanh Ngân ở
lại với họ và đêm đến bà cụ cùng Tố Lan trải chiếu dưới đất cho Thanh
Ngân nằm ngủ, coi như trong gia đình không còn tị hiềm.
Thanh Ngân nằm suy nghĩ nếu giúp cho bà cụ và Tố Lan thêm một ít tiền
bạc, thì cuộc đời họ cũng không thể khá hơn. Tố Lan nếu không phải lao
động cực khổ, dãi nắng dầm mưa, thì dung nhan cũng sẽ rất xinh đẹp. Nếu
nàng được học hành thêm thì thế nào cũng có thể tìm được một đấng lang
quân xứng đáng trao thân gởi phận, nghĩ vậy liền quyết định đem nàng và
bà cụ theo mình, rồi tương lai tìm một người học trò trong hàng đệ tử
của Thanh Vân cư sĩ mà mai mối cho nàng.
Quyết định như vậy, liền nói với bà cụ và Tố Lan muốn họ theo mình.
Đặng lão bà và Tố Lan được đề nghị cho đi theo vui mừng khôn xiết.
Thanh Ngân nán lại thêm mấy ngày săn sóc thuốc men cho Tố Lan và khi
nàng gần như đã bình phục mới thưa với bà cụ ngày lên đường.
Nhà bà cụ chẳng có gì qúy giá, nhưng trước khi đi xa, họ cũng sắp sếp
đồ đạt và thu dọn hành trang. Khi bà cụ cầm lên một chiếc họp bằng gỗ
nhỏ, lộ vẻ suy tư như nhớ ra điều gì, rồi gọi Thanh Ngân:
- Ngân nhi! Ta có chuyện muốn nói với con.
Bà cụ cầm chiếc họp trịnh trọng nói:
- Trước khi phụ thân Lan nhi qua đời, đã mấy lần căn dặn ta là phải giữ
gìn chiếc họp này cho cẩn thận, tìm người có lòng nhân ái, vì nước vì
dân mà giao cho. Trong này chỉ có một tấm da dê vẽ một bản đồ. Ta chẳng
hiểu là gì, con ta mất, ta sống khổ sở chẳng ai quan tâm, phải tảo tần
nuôi nấng Lan nhi rồi quên đi mất, nay nhìn chiếc họp nhớ ra và ta nghĩ
phải giao nó cho con.
Thanh Ngân mở chiếc họp ra xem, thấy trong đó có một tấm da, vẽ nhiều
ngọn núi cao, không có chữ viết nào cả, nói đây chỉ là một tấm bản đồ,
không hiểu dùng để làm gì và hỏi con trai bà lão được tấm bản đồ này
trong trường hợp nào? Đã có nói gì với bà về tấm bản đồ này không?
Bà cụ:
- Nó không nói gì với ta cả. Ta chẳng biết gì hết ngoài lời dặn dò lúc lâm chung của nó.
Thanh Ngân lại hỏi:
- Nghĩa phụ lúc sinh tiền làm việc gì?
Bà cụ xa vắng:
- Nhà họ Đặng mấy đời làm quan văn trong triều nhà Lý, đến đời con ta
thấy đời loạn lạc nên theo võ nghiệp và làm đô trưởng trong quân đội.
Khi nhà Trần lên ngôi, nó được chuyển qua thủy quân và làm phó đô, rồi
một hôm nó tự hủy một cánh tay nói là bị người tấn công gây thương tích.
Sau đó, xin về hưu. Mấy năm sau nó lại quyết định dời khỏi Thăng Long
đem gia đình lên miền Bắc sinh sống. Trên đường đi, gia đình ta bị bọn
cướp tấn công, con dâu ta bị chết, và con ta cũng bị thương nặng phải ở
đây điều trị, nhưng cuối cùng cũng không qua khỏi. Từ đây bà cháu ta
không tiền bạc, phải tảo tần sinh nhai...Ta không biết con ta có tấm bản
đồ này từ lúc nào, có hiệu dụng gì, nhưng nó rất trịnh trọng trăn trối
với ta những lời trên.
Thanh Ngân:
- Tiểu điệt không dám nghĩ mình là người nhân ái, có lòng vì nước vì
dân nên thái bá mẫu cứ cất giữ sau này tìm được người đúng theo ước vọng
của nghĩa phụ mà giao phó.
Tố Lan nói:
- Tỷ tỷ thấy trên đời này không có mấy người có lòng nhân như Ngân đệ,
nếu Ngân đệ tự khiêm, thì tâm nguyện của gia gia ta lúc lâm chung, đệ đã
là nhận người làm nghĩa phụ thì cũng nên thay mặt bà nội mà hoàn thành
tâm nguyện của người.
Thanh Ngân:
- Nếu vậy, đệ xin tạm thời cất giữ, về đến nơi cư ngụ của Lê thúc thúc, đệ và tỷ tỷ cùng nghiên cứu rồi quyết định sau.
Thanh Ngân thấy Đặng lão bà đã già và Tố Lan mới khỏi bệnh sợ họ đi
đường bất tiện nên mướn một cỗ xe ngựa, Thanh Ngân và phu xa ngồi phía
trước còn hai bà cháu ngồi phía sau xe. Trên đường đi Thanh Ngân kể
chuyện vui cười, giải thích những thắng cảnh, những địa danh lịch sử cho
Tố Lan nghe, ngược lại nàng cũng nói cho Thanh Ngân biết những nỗi nhọc
nhằn của người dân lao động, những tệ trạng của hạng cường hào, tham
quan hà hiếp dân lành như thế nào, những kinh nghiệm đau thương, hất hủi
trên cuộc đời của nàng và bà cụ. Họ chuyện trò không dứt, vui vẻ vô
cùng. Chiều tối, đến một thị trấn nhỏ, bảo phu xa ngừng xe tìm chỗ tạm
trú. Thanh Ngân mướn hai phòng trọ, một cho Đặng lão bà và Tố Lan, một
cho mình. Thấy mình chỉ có một bộ đồ đang mặc và bà cụ cũng như Tố Lan
áo quần quá lam lũ, Thanh Ngân qua phòng họ xin phép bà cụ đưa Tố Lan đi
dạo.
Thanh Ngân đưa nàng đến tiệm bán quần áo, bảo Tố lan chọn lựa để mua.
Tố Lan ngại Thanh Ngân tốn tiền, từ chối nhiều lần, nhưng Thanh Ngân đã
lựa những bộ quần áo đẹp nhất mua cho nàng và bà cụ, mua cho mình vài bộ
quần áo nho sinh màu trắng. Thanh Ngân không phải chỉ thích màu trắng
mà cũng ngầm ý để tang thân phụ. Đàn bà con gái ai không thích quần áo
đẹp? Nhất là Tố Lan từ nhỏ đến lớn đã phải sống cuộc đời lam lũ, cơ hàn.
Áo quần cũng làm nên con người, dù chưa xoá được những vết hằn mưa nắng
trên làn da, khi về chỗ ngụ, thay bộ đồ mới, Tố Lan qua phòng Thanh
Ngân, trông khác hẳn ra và Thanh Ngân phải buột miệng:
- Lan tỷ rất xinh đẹp! Thế nào tiểu đệ cũng tìm cho Lan tỷ được một người chồng xứng đáng.
Tố Lan e thẹn:
- Ngân đệ lại đùa với tỷ tỷ rồi! Cảm ơn Ngân đệ đã lo lắng cho tỷ tỷ, nhưng...
Đôi mắt Tố Lan xa vắng:
- Tỷ tỷ chỉ mong có một người chồng bình thường, biết săn sóc vợ con.
Không dấu gì Ngân đệ, tỷ tỷ thường mơ một mái gia đình yên ổn nơi chốn
thôn quê, trong chuồng một đôi trâu, trước ngõ vài ba khoảnh ruộng,
chồng cày vợ cấy mà tưởng như đã quá cao vọng lắm rồi!
Thanh Ngân:
- Mơ ước cuộc đời như thế nào là quyền của tỷ tỷ, nhưng đã là
chị của Thanh Ngân và cũng là con gái duy nhất của Đặng lão bá, của
nghĩa phụ, đệ không muốn tỷ tỷ tiếp tục tự ty ở thân phận của mình. Tiểu
đệ muốn tỷ tỷ lạc quan, yêu đời và nghĩ đến tương lai của tỷ tỷ sau
này.
Tố Lan nắm tay Thanh Ngân nghẹn ngào:
- Có người em như Ngân đệ, tỷ tỷ nhất định sẽ không làm cho Ngân đệ buồn lòng.
Thanh Ngân vui vẻ:
- Tỷ tỷ rất thông minh, từ đây đọc thêm sách vở, vài năm nữa tỷ tỷ
không kém gì những bậc khoa cử nhắm đường quan lại tiến thân. Về chỗ
thúc thúc, đệ và tỷ tỷ sẽ cùng chung học, đèn sách với nhau.
Và nói:
- Bây giờ tiểu đệ đưa thái mẫu và tỷ tỷ đến một tửu lầu nào đó để chúng ta thưởng thức những món ăn ngon ở thị trấn này.
Tố Lan:
- Tỷ tỷ chưa bao giờ đến quán ăn, hay là để tỷ tỷ xin phép chủ nhân, xuống bếp nấu vài món cho chúng ta?
Thanh Ngân:
- Họ không muốn bị phiền phức như vậy đâu, hơn nữa tiểu đệ muốn đưa
thái mẫu của chúng ta thưởng thức những món ăn mà từ ngày nghĩa phụ bị
nạn đến giờ hẳn bà cũng chưa bao giờ được thưởng thức trở lại. Tỷ tỷ
sang thưa cho thái mẫu chuẩn bị rồi chúng ta đi. Tiểu đệ cũng muốn thay
bộ đồ mới của mình đi dạo phố phường.
Tố Lan nghĩ thương bà của mình, nên nói:
- Ngân đệ đã có ý như vậy, tỷ tỷ qua thưa với bà và chờ Ngân đệ.
Thanh Ngân thay áo quần sang đưa bà cháu Tố Lan ra đường, hỏi thăm được
biết Thanh Bình Quán là chỗ ăn sang trọng và nổi tiếng, Thanh Ngân đưa
họ đến đó.
Trong một thị trấn nhỏ, nhưng Thanh Bình Quán trang hoàng lịch sự không
thua kém gì những cao lâu trung bình ở Thăng Long, khách ngồi đông
nghẹt, ăn uống ồn ào, nhộn nhịp.
Thanh Ngân tìm được một bàn trong góc kêu một bình rượu và mấy thức ăn
hảo hạng mời Đặng lão bà cùng Tố Lan cầm đũa. Lần đầu tiên được đi ăn ở
một tiệm ăn, thức ăn cao qúy, Tố Lan rụt rè không hiểu món gì ăn với món
gì, Thanh Ngân phải hướng dẫn nàng mới biết. Đặng lão bà uống được với
Thanh Ngân một cốc rượu nhỏ, nhưng Tố Lan nhấp thử thì rùng mình, nhăn
mặt chẳng dám đụng đến nữa. Thanh Ngân vừa ăn vừa kể những cao lâu ở
Kinh Đô, những thức ăn ngon ở đó cho Tố Lan nghe và hứa hẹn một ngày nào
đó sẽ đưa nàng về kinh đô thưởng lãm. Bà Cụ cũng vừa ăn vừa kể lại
những ngày quá vãng xa xưa của gia đình cho Tố Lan nghe.
Họ đang ăn, nhỏ to chuyện trò, thì có ba người tuổi độ ngũ tuần vận võ
phục ba màu khác nhau: trắng, đen, nâu vào quán. Tiểu nhị sắp xếp cho họ
một bàn kế bên Thanh Ngân. Không rành việc giang hồ, Thanh Ngân không
hiểu họ thuộc bang phái nào, nhưng qua âm thanh gọi rượu và thức ăn,
Thanh Ngân biết họ là người thuộc vùng châu Quảng Nguyên. Liếc nhìn thấy
cả ba đều có huyệt thái dương lộ cao, chứng tỏ thuộc hàng nhất lưu cao
thủ. Cả ba người Quảng Nguyên lầm lì ăn uống, thỉnh thoảng mới thầm thì
với nhau, nhưng Thanh Ngân đã có nhĩ lực quá cao nghe rõ không sót tiếng
nào.
Thanh Ngân nghe người áo nâu hỏi:
- Đêm nay chúng ta tìm quán trọ hay tiếp tục hành trình?
Người áo trắng:
- Chuyện thăm dò của chúng ta, tốn rất nhiều ngày tháng, thì không có
gì phải gấp, chúng ta ngủ ở đây đêm nay rồi mai lên đường.
Người áo nâu:
- Nếu vậy, thì đệ kêu thêm vài bình rượu nữa uống cho thoải mái. Con sâu rượu trong bụng đệ đang làm loạn!
Người áo trắng lộ vẻ suy nghĩ rồi mới nói:
- Đây là một thị trấn nhỏ, còn cách Thăng Long khá xa, nên sư đệ cứ tự
nhiên, nhưng khi đến Thăng Long bắt đầu mở cuộc dò thám, ta giới hạn cho
sư đệ mỗi lần ăn chỉ được uống ba cốc. Hay hơn hết gần đến Thăng Long,
chúng ta giả làm thương buôn rồi mới nhập thành.
Người áo nâu:
- Đến nơi, tiểu đệ nhất quyết mọi sự đều vâng lời sư huynh. À! Sư huynh
có biết gì về hai lực lượng áo đen và áo nâu đang trỗi dậy ở miền Nam
không?
Người áo đen:
- Chuyện các bang phái miền Nam bị uy hiếp, và việc các cao thủ như Võ
Lâm Tam Tuyệt cũng mất tích, Mai Sơn bị tấn công đều không qua tai mắt
sư phụ, nhưng người nói do thám tìm cho ra bí đồ trước đây bị Lý Thường
Kiệt thâu giữ là ưu tiên của chúng ta, và vì thế không nên dính líu gì
đến việc võ lâm miền Nam!
Người áo nâu:
- Chúng ta không để dính líu gì với họ, nhưng chúng ta cũng phải lưu
tâm, vì biết đâu tấm bí đồ đang lọt vào tay của các phái võ giang hồ?
Người áo trắng:
- Ngũ sư đệ không phải không có lý, nhưng theo sư phụ nói với tiểu
huynh, Thần đao Lê Phụng Minh là người gần gũi với Huệ Tông khi ông vua
này lâm chung. Lê Phụng Minh bị mất tích trên sông Tô Lịch, chỉ là một
con sông đào quanh hoàng thành là một điều kỳ dị. Sư phụ nói, có thể Thủ
Độ đã lấy hết những gì trong người Phụng Minh rồi thủ tiêu xác của ông
ta, tung tin Phụng Minh biệt tích mà thôi. Theo những người tham dự cuộc
chiến chùa Chân Giáo hôm đó, họ có nghe anh em Phụng Minh và Phụng Dực
trao đổi với nhau thì hai anh em họ có mang theo những bí mật của nhà
Lý. Sự mất tích của Thần đao Lê Phụng Minh làm cho sư phụ xác định bí đồ
có thể lọt vào tay Thủ Độ và dạy chúng ta tập trung do thám ở đó.
Thanh Ngân vẫn vui cười chuyện vãn với Tố Lan và Đặng lão bà, nhưng nội
công rất cao nên nghe hết những lời chuyện vãn ba người đang thì thầm
mà họ không ngờ được. Thanh Ngân nhớ lại Đặng Tiến, con trai lão bà từng
làm phó đô quân trạo nhi nhà Trần và nghĩ không biết tấm bản đồ đang có
với tấm bí đồ mà ba người cao thủ Quảng Nguyên đang nói chuyện với nhau
có liên quan gì không? Thanh Ngân dặn lòng sẽ lưu tâm tìm hiểu. Sau đó
ba người Quảng Nguyên chỉ trao đổi với nhau thêm về tình hình trên võ
lâm, và thấy Đặng lão bà cũng đã có vẻ mỏi mệt nên kêu tiểu nhị tính
tiền, về chỗ trọ.
Đêm đó Thanh Ngân ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng, rồi đưa Đặng lão
và Tố Lan lên đường. Thanh Vân cư sĩ, chọn kiếp sống ẩn cư, tránh xa
nơi đông đảo nên đến làng Lang Gia, xe ngựa không thể đi vào đường nhỏ
đến đồi Thanh Bút được, họ phải xuống xe đi bộ. Đặng lão không thể đi
mau nên mãi đến chiều Thanh Ngân mới đến chân đồi. Nhìn lên mái nhà
tranh rộng lớn trên nửa lưng đồi vắng hoe, chẳng có ai. Linh cảm có sự
bất tường, Thanh Ngân nóng lòng dặn Tố Lan đưa Đặng lão lên sau, rồi
tung mình lên núi. Võ công của Thanh Ngân lúc này đã đến mức tuyệt đỉnh
mà Thanh Ngân không tự biết, nên vội vàng giở khinh công ra, Đặng lão và
Tố Lan tưởng chừng như Thanh Ngân biến khỏi mặt đất, mới dứt tiếng đã
không còn thấy hình bóng làm Tố Lan sợ hãi:
- Nội! Ngân đệ.. sao biến mất...như...ma vậy?
Bà lão cự:
- Làm sao Ngân đệ con là...ma được! À! hồi xưa nội nghe cha con thỉnh
thoảng kể lại chuyện trên võ lâm, người có khinh công giỏi đi như bay
biến, qủy mị mắt thường không thấy kịp.
Và bà nghi ngờ:
- Chẳng lẽ Thanh Ngân còn quá trẻ mà cũng thuộc hạng người như tiên thánh này?
Tố Lan sau phút sợ hãi lấy lại bình tỉnh và cũng thấy bóng Thanh Ngân đang đứng trước cửa căn nhà nên nói:
- Con xin lỗi nội đã có lời không tốt với Ngân đệ. Ngân đệ đang đứng
kia kià. Chúng ta lên theo đi thôi. Nếu Ngân đệ biết biến hoá thì Ngân
đệ là tiên thánh đang giúp đỡ chúng ta chứ chẳng phải là ma hay qủi.
Tố Lan nói xong, đưa tay dìu lão bà lên núi.
Linh cảm của Thanh Ngân không sai, cửa nhà Thanh Vân cư sĩ then cài,
cửa đóng và trên cửa chính có gắn vải tang! Nhìn băng vải tang Thanh
Ngân rụng rời, không ngờ mình mới chôn cất thân phụ, rồi đến đây lại chỉ
đốt hương cho chú! Không hiểu
trong nhà có ai không nhưng Thanh Ngân cũng gõ cửa, và mãi một lúc lâu
một thanh niên mặc hiếu phục, trạc độ hai mươi lăm, hai mươi sáu mở cửa
bước ra. chào hỏi:
- Tại hạ là Trương Xán, đệ tử Thanh Vân cư sĩ, huynh đài là?
Thanh Ngân vòng tay đáp lễ:
- Tiểu đệ là Lê Thanh Ngân, cháu của Lê thúc thúc từ Mai Sơn đến đây để theo học với người.
Thanh niên mở rộng cửa mừng rỡ:
- Té ra là Lê huynh đệ! Sư phụ lúc sắp lâm chung cũng có nhắc đến và cũng trông được gặp huynh đệ.
Thanh Ngân sa lệ:
- Thân phụ tiểu đệ vừa mới mất, đến đây định nương thân với chú và nhờ người dạy dỗ, thì ông ta đã hoá ra người thiên cổ!
Trương Xán:
- Mời huynh đệ vào nhà. Khi sư phụ sắp mất có nhận được tin từ Mai Sơn
là huynh đài sẽ đến đây, nhưng người đã không chờ được! Người có dặn tài
sản của người là ngọn đồi, căn nhà này, sách sở trong thư phòng đều là
của huynh đệ. Dặn huynh đệ cố gắng tự học và cũng dặn anh em chúng tôi
giúp đỡ cho huynh đệ!
Trương Xán nói tiếp:
- Sau khi sư phụ lâm chung và lo tang lễ cho người, anh em đồng học ai
về nhà nấy. Tôi tình nguyện thay mặt anh em ở đây cư tang và hương khói
cho sư phụ cũng như chờ đợi Lê huynh.
Thanh Ngân:
- Tiểu đệ so với Trương huynh còn nhỏ tuổi hơn nhiều, Trương huynh cứ
coi đệ như em và mong từ đây sẽ được Trương huynh chỉ bảo cho.
Trương Xán vui vẻ:
- Ngân đệ đã nói vậy, ngu huynh cũng không khách sáo.
Nhìn xuống lưng chừng đồi, Trương Xán thấy Đặng lão và Tố Lan đang đi lên, hỏi:
- Hai vị nữ lưu đang đi lên là...
Thanh Ngân vội nói sơ Đặng lão và Tố Lan là ai.
Trương Xán vội vàng:
- Vậy ngu huynh phải xuống đón rước cụ bà cho phải lễ.
Nói rồi, rảo bước xuống đón khách.
Đặng lão bà và Tố Lan lên đến nơi, Thanh Ngân đã vào nhà thắp hương qùy
lạy trước linh vị của Thanh Vân cư sĩ. Biết thúc thúc Thanh Ngân mới
mất, Đặng lão không hết lời than tiếc, bắt Tố Lan qùy bái như người
trong gia đình. Sau một lúc bi lụy, Thanh Ngân ngỏ lời nhờ Trương Xán
hướng dẫn ra mộ Thanh Vân cư sĩ để bái lạy và cũng nhờ sắp xếp dùm nơi
ngơi nghỉ cho bà cụ và Tố Lan. Trương Xán đưa bà cụ và Tố Lan đến hai
căn phòng rộng sau nhà và nói:
- Không biết thái bà và cô nương gía lâm, phòng ốc tiểu sinh chưa chuẩn bị phiền Lan cô nương sắp xếp dùm cho.
Đặng lão mau mắn:
- Công tử không nên khách sáo. Được công tử chiếu cố chúng tôi vô cùng cảm kích.
Tố Lan hình như trở nên rụt rè, đứng sau lưng bà cụ muốn nói đôi lời
cảm ơn, nhưng chỉ lí nhí trong miệng rồi dìu bà cụ vào phòng. Trương Xán
cung kính vái chào bà cụ rồi quay mình đi lại phòng khách. Đi được năm
bảy bước quay lưng nhìn lại, tình cờ Tố Lan cũng đang nhìn theo. Bốn mắt
gặp nhau.
Tố Lan e thẹn cúi đầu trốn tránh, còn Trương Xán thì thấy như bâng khuâng và bước chân trở nên hấp tấp như trốn chạy.
Mộ Thanh Vân cư sĩ được học trò chôn cất trên đỉnh đồi, sau khi đợi Thanh Ngân bái mộ sư phụ xong, Trương Xán nói:
- Tiểu huynh có người tiểu đồng, nhưng mới cho về nhà thông báo tin tức
cho thân phụ mẫu, nhà không ai nên tiểu huynh nghĩ phải về sớm để lo
cơm nước kẻo Đặng lão và Lan cô nương đã đi
đường xa đói bụng. Đêm nay anh em chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn.
Thanh Ngân:
- Phiền Trương huynh, tiểu đệ xin phép ở với thúc thúc một lúc nữa.
Khi Trương Xán đã về, Thanh Ngân ngồi nhìn cảnh chiều tàn, nghĩ đến sự
ngắn ngủi, ly biệt trong đời người mãi đến chiều tối, khi Trương Xán và
Tố Lan đưa nhau lên đồi gọi Thanh Ngân về ăn cơm kẻo Đặng lão chờ đợi
mới theo họ về nhà. Trong bữa cơm, Thanh Ngân khen ngợi Trương Xán nấu
ăn rất khéo. Trương Xán cười:
- Tiểu huynh chỉ được Lan cô nương sai bảo vặt lông gà, rửa rau mà thôi. Ngân đệ có khen thì khen Lan tỷ của Ngân đệ.
Thanh Ngân liếc nhìn, thấy Tố Lan đỏ mặt, e thẹn cúi đầu, lòng Thanh
Ngân vui mừng mong thời gian ở đây Tố Lan và Trương Xán sẽ cảm mến nhau
hơn. Xong bửa cơm, Trương Xán giúp Tố Lan dọn dẹp, rồi nấu trà đàm đạo
với Thanh Ngân. Cả hai bình luận thi thơ, sách vở rất ý hợp tâm đầu.
Thanh Ngân phục Trương Xán hiểu biết uyên thâm, ngược lại Trương Xán
cũng không ngờ Thanh Ngân tuổi trẻ mà quảng bác như vậy. Tâm ý hợp nhau,
họ kết làm anh em. Thanh Ngân kể lại những hạnh ngộ của mình và cho
biết chỉ lưu lại đây khoảng ba tháng chờ đợi Kiều Linh. Nếu nàng không
đến Thanh Ngân phải đi tìm và ngỏ lời mong Trương Xán chiếu cố Đặng lão
và Tố Lan cho mình. Trương Xán khẳng khái hứa chẳng làm Thanh Ngân thất
vọng.
Trong thời gian ở nhà Thanh Vân cư sĩ, ngoài việc cùng Trương Xán đàm đạo, Thanh Ngân hướng dẫn cho Tố Lan học thêm.
Tố Lan chỉ hơn một tháng không phải cực nhọc đã thay da đổi thịt, trở
nên xinh đẹp vô cùng. Đặng lão bà vốn xuất nhà quan, cũng mau chóng bày
vẽ cho cháu công dung ngôn hạnh và nàng nhanh chóng trở thành một tiểu
thư đài các, dấu vết cuộc sống tang thương gần như biến mất.
Thời gian này, tiểu đồng của Trương Xán cũng đã trở lại, nên công việc
trong nhà có người lo lắng và thời giờ cả ba bên nhau được nhiều hơn,
càng ngày càng tương đắc và Thanh Ngân cũng biết tình ý giữa Tố Lan và
Trương Xán càng ngày càng sâu đậm. Trong những lúc hướng dẫn cho Tố Lan
học hành, Thanh Ngân có đề cập đến tấm bản đồ da dê, muốn trao lại cho
nàng, Tố Lan tỏ ra buồn lòng là Thanh Ngân không coi mình như chị em
thật sự nên không đề cập đến nữa.
Ba tháng trôi qua, Kiều Linh vẫn biền biệt, nhớ lời hẹn ước với Kiều
Loan, Thanh Ngân ngỏ ý ra đi. Nói sao cho hết những lưu luyến của Đặng
lão và Tố Lan với Thanh Ngân.
Đã biết tình ý của đôi trai tài gái sắc, khi chia tay Thanh Ngân cầm tay Tố Lan đặt vào tay Trương Xán:
- Tiểu đệ mong từ đây Trương đại ca và Lan tỷ của đệ như chim liền
cánh. Nhất định tiểu đệ sẽ đến uống ly rượu mừng với hai vị. Tài sản
thúc thúc trao lại cho đệ, đệ xin trao lại cho Trương huynh và Lan tỷ.
Rồi Thanh Ngân cười vui:
- Nếu Trương đại ca làm phiền lòng Lan tỷ tỷ của đệ, đệ sẽ hỏi tội đại ca đấy!
Trương Xán nắm chặt tay Tố Lan:
- Được một hồng nhan tri kỷ như Lan muội, tiểu huynh đã sớm tu từ bao
kiếp trước, Ngân đệ không nói tiểu huynh cũng không bao giờ dám để buồn
lòng nàng. Tiểu huynh cũng cầu mong Ngân đệ sớm tìm gặp lại hồng nhan
tri kỷ của mình và anh em chúng ta sớm ngày hội ngộ.
Không muốn kéo dài giây phút lưu luyến, Thanh Ngân vái chào Đặng lão,
đi nhanh xuống núi, thoát chốc chỉ còn là một chấm đen trên cánh đồng
xanh rồi mất hẳn. Trương Xán trông theo, thấy vậy than:
- Chỉ tưởng Ngân đệ là một kỳ nhân trong văn giới, không ngờ lại có
thân thủ của những bậc kỳ hiệp giang hồ trên truyền thuyết như vậy.
Tố Lan qùy gối xuống đất nhỏ lệ:
- Ngân đệ! Được Ngân đệ nhận làm nghĩa tỷ, nhưng lòng ta lúc nào cũng
xem đệ như ân công của mình. Cầu mong trời đất phù hộ cho Ngân đệ.
Sau những giây phút ngậm ngùi nhìn vọng theo hướng Thanh Ngân ra đi, Trương Xán đưa Đặng lão và Tố Lan vào nhà.
Năm sau Trương Xán kết nghĩa phu thê với Tố Lan, mấy năm sau đó thi đậu
trạng nguyên. Những khi ghé lại Thăng Long, Thanh Ngân đều đến ở với
họ. Tố Lan vốn thông minh và hiếu học, dưới sự hướng dẫn của Trương Xán
văn tài cũng trở nên không kém chồng, ngoài việc chăm lo gia đình con
gái, còn giúp chồng việc quan. Cả hai sống một cuộc đời vô vàn hạnh
phúc. Về sau, khi Thanh Ngân qui ẩn, không còn được gặp lại, Tố Lan hoạ
ra hình của Thanh Ngân treo trong thư phòng để lúc nào hai vợ chồng cũng
nhớ đến người nghĩa đệ và cũng là ân công. Về già, trên tám mươi tuổi,
lúc sắp mất Tố Lan còn năm bảy lượt dặn dò con cháu phải cúng tế Thanh
Ngân trước khi cúng tế mình và Trương Xán.
No comments:
Post a Comment