Aug 20, 2012

Nam Thiên Đại Hiệp - Hồi 18

Vũ Quân

NAM THIÊN ĐẠI HIỆP

Quyển II - Hồi thứ 18 
 
Cũng duyên đưa đẩy, lại gặp quái nhân
Để giúp Kiều Linh, Thanh Ngân trau dồi võ nghệ.
B
ảo Ngọc dứt lời thì thấy trên bờ sông có một tia lân tinh bắn lên bầu trời chia ra làm hai cánh. Thanh Ngân cũng nhìn thấy tín hiệu ấy và nghe Bảo Ngọc nôn nóng:
- Có việc khẩn cấp, chúng ta phải đến đó mau!
Nàng nắm tay Thanh Ngân, dợm bước phi thân lên bờ. Thanh Ngân gượng lại nói:
- Ta đem chiếc thuyền vào bờ neo lại, rồi đến đó cũng chỉ chậm trong giây lát.
Thanh Ngân không cần che dấu võ công nữa, nên phe phẩy hai tay đè khí xuống mặt nước, đưa chiếc thuyền như tên bắn vào bờ.

 
Bảo Ngọc cười vui vẻ:
- Có nội công như Ngân đệ làm sao che dấu được ta? Về sau có che dấu ai thì đi dưới trời nắng phải biết đổ ra chút mồ hôi. Chèo thuyền ngược nước phải tỏ ra mệt nhọc, hơi thở không còn điều hoà nữa mới phải nghe...tên dâm tặc!
Và cười nắc nẻ.
Tiếng cười của nàng làm Thanh Ngân cảm thấy vui vui, tiếng dâm tặc mà nàng gọi làm Thanh Ngân cảm thấy thêm thân mật.
Vào bờ, Thanh Ngân vừa thả neo, thì Bảo Ngọc nắm tay Thanh Ngân:
- Chúng ta đến đó nhanh!
Và kéo Thanh Ngân chạy đi, nàng giở khinh công thượng thừa lướt trên ngọn cây mà đi, Thanh Ngân cũng đành đề khí sóng bước theo nàng. Chỉ thoáng chốc họ đã đến địa điểm là một vùng đất trống, Thanh Ngân không thấy bọn Trường Tu Tẩu mà chỉ thấy Đinh Nhất Hạc cùng hai lão già đầu tóc bạc phơ. Bảo Ngọc cùng Thanh Ngân đáp xuống đất, tay nàng vẫn còn nắm tay Thanh Ngân làm Đinh Nhất Hạc và hai lão già thoáng khó chịu nhưng lập tức cúi đầu cung kính:
- Tham kiến cung chủ.
Bảo Ngọc cau mày:
- Sao nhị vị hộ cung cũng có ở đây và chuyện gì mà phải phóng khẩn hiệu?
Đinh Nhất Hạc:
- Thưa cung chủ, có tin người của Thanh Long Động đêm qua đã ra tay, nên Trường Tu Tẩu hủy bỏ cuộc đấu và đi gấp đến Thăng Long.
Bảo Ngọc nhíu mày:
- Vậy thì chúng ta cũng không thể chần chờ. Tứ lão, Đinh thúc thúc và hai vị cung vệ cùng ta đi gấp ngay.
Nàng hỏi Thanh Ngân:
- Ngân đệ có đi với ta không?
Hai lão già mà Bảo Ngọc gọi là nhị vị hộ cung đồng buột miệng:
- Cung Chủ!
Thanh Ngân thấy họ có điều riêng tư nên từ chối:
- Tiểu đệ gặp lại Bảo Ngọc ca sau. Để tiểu đệ trả lại chiếc thuyền cho chủ rồi ngày mai sẽ đến Thăng Long.
Bảo Ngọc cũng thấy sự khó chịu của thuộc hạ nên nói:
- Nếu vậy phiền Ngân đệ, giờ xin tạm biệt.
Nàng bóp nhẹ tay Thanh Ngân, rồi phi thân lên ngọn cây, Đinh Nhất Hạc phi thân theo, trái lại hai lão già râu tóc bạc trắng Thanh Ngân mới gặp lại cúi chào:
- Chào Lê thiếu hiệp.
Thanh Ngân định cúi đầu đáp lễ, thì phát hiện hai luồng lực đạo mạnh mẽ đang áp tới, không hiểu hai lão làm gì, Thanh Ngân bèn hít một hơi chân khí vận dụng Lạc Long công che chở cho mình. Gặp hai luồng lực đạo thân thể Thanh Ngân hơi chấn động, trái lại hai lão già mở to mắt kinh ngạc vì cảm thấy kình lực cuả mình như trút vào bể cả. Hai lão đưa mắt nhìn nhau thu lại ám kình, cười ha hả:
- Hay lắm! Hay lắm! Con nhãi đầu thật có mắt tinh đời.
Dứt tiếng cười, thân ảnh của hai lão đã ở trên ngọn cây và tiếng nói vọng lại:
- Mong Lê thiếu hiệp đừng để tâm đến việc mạo phạm của hai lão già chúng tôi.
Mọi người ra đi, Thanh Ngân còn lại một mình, nhìn ánh trăng tà hiu hắt cảm thấy cô đơn vô cùng, lặng lẽ bước theo lối cỏ ra bờ sông trở lại thuyền.
Đi được một lúc lại nghe thoang thoảng như có tiếng người rên rỉ và cũng nghe thỉnh thoảng trong tiếng rên rỉ ấy có gọi tên Kiều Linh. Thanh Ngân nghe vậy vội vàng định hướng phi thân đến gần. Dưới ánh trăng Thanh Ngân thấy một cổ miếu hoang phế, cây cối phủ đầy và tiếng rên rỉ từ trong đó vang ra. Nhìn cảnh hoang phế trước mắt cộng thêm tiếng rên rỉ não nuột Thanh Ngân tưởng như ma quỉ trêu ngươi, rùng mình sợ hãi, nhưng những tiếng kêu Kiều Linh, Kiều Linh thúc giục Thanh Ngân phải làm gan bước gần lại ngôi cổ miếu xem sao. Đáng lẽ có võ công cao, Thanh Ngân chỉ phi thân vào cổ miếu là tìm ngay ra sự hư thực, nhưng không hiểu có phải vì quên mình có võ công, hay còn tính trẻ nít sợ ma mà cách cổ miếu còn khá xa Thanh Ngân đã hỏi lớn:
- Ai trong miếu vậy?
Tiếng rên rỉ trong miếu im lặng một lúc lâu, không ai trả lời.
Thanh Ngân lại hỏi tiếp:
- Các hạ là ma qủy hay là người?
Lần này Thanh Ngân nghe người trong miếu trả lời:
- Ta là người hay ma qủy ta cũng không biết, người trẻ tuổi kia đêm hôm tăm tối ngươi đến đây làm gì?
Thanh Ngân trả lời:
- Tại hạ tình cờ ngang qua đây và nghe tiếng rên của các hạ. Phải chăng các hạ đang bị bạo bệnh hành hạ?
Người trong miếu:
- Hơn mười mấy năm nay ta là qủy chẳng gặp người đời. Ai gặp ta là ù té chạy, ngươi có dám vào gặp ta hay không?
Thanh Ngân nổi lòng hào khí:
- Ma qủy không thể làm hại người có lòng chính đại. Tại hạ có đâu lại phải sợ!
Người trong miếu:
- Ta là qủy, nếu ngươi cảm thấy đã có tội lỗi, tâm địa bất lương thì nên đi đi, đừng đến gần sẽ bị ta hớp hết hồn vía.
Thanh Ngân dứt khoát:
- Thế thì tại hạ vào gặp con qủy các hạ xem sao.
Nói xong Thanh Ngân mạnh dạn cất bước vào miếu.
Cổ miếu lâu ngày đã hoang phế, che phủ bằng những tàng cây cổ thụ. Bước chân đến chiếc sân nhỏ xây bằng đá, rạn nứt, cỏ lác mọc đầy, Thanh Ngân đã nghe mùi hôi thúi rất khó chịu.
Ánh trăng hiu hắt, gió đưa cành lá phất phơ tạo nên một cảnh đìu hiu rùng rợn. Đặt chân lên bờ sân, cặp mắt sắc bén của Thanh Ngân cũng đã nhìn thấy trước cửa cổ miếu, lù lù một bóng đen to lớn, mái tóc rối bù xỏa xuống che phủ mặt mày, thân thể. Bóng đen là người hay qủy, là đàn ông hay đàn bà, nhất thời Thanh Ngân không thể nhận ra, nhưng nhận thấy cặp mắt của bóng đen sáng vô cùng. Cặp mắt sáng quắc đó, Thanh Ngân có cảm tưởng đang xoi mói trên khắp cùng thân thể của mình.
Thanh Ngân nhìn bóng đen, bóng đen trong cổ miếu cũng chăm chú nhìn Thanh Ngân. Một lúc sau, bóng đen cười khằng khặc, giọng cười quái dị, nghe như mừng rỡ, nhưng cũng nghe như chất chứa bao nhiêu đau thương hờn oán, uất ức tột cùng. Giọng cười của bóng đen từ khằng khặc như ma tru qủy hú rồi thay đổi, trở nên dồn dập, Thanh Ngân tưởng chừng như cả ngàn người đánh chuông khua trống, âm thanh như từng lớp sóng chập chùng, binh binh đổ vào hai lỗ tai, làm chân khí nhộn nhạo, đôi chân tự động thối lui mấy bước.
Liên tưởng đến tiếng cười âm công của Thiềm Mục lão nhân, Thanh Ngân vận dụng chân khí chịu đựng, khi vận dụng đến tầng thứ chín của Lạc Long Công mới không còn cảm thấy bị tiếng cười chi phối. Và khi Thanh Ngân vừa cảm thấy được yên ổn thì tiếng cười của bóng đen cũng ngưng ngay. Ngưng tiếng cười, bóng đen rên rỉ nho nhỏ, ho sù sụ một lúc rồi lẩm bẩm than thở:
- An Nam rồng nằm hổ núp có khác! Không ngờ người cuối cùng ta gặp còn quá trẻ mà đã có võ công khó lường như vầy !
Bóng đen sau đó lẩm bẩm thêm vài câu nữa rất nhỏ bằng tiếng Tàu, Thanh Ngân nghe chỗ được chỗ mất và sau khi ho sù sụ một tràng dài, bóng đen chiếu cặp mắt sáng quắc vào Thanh Ngân, hỏi rất từ hoà:
- Hài tử! Ngươi là đệ tử của ai vậy? Phải chăng ngươi đã gặp kỳ duyên gì nên mới có võ công như hiện nay?
Thanh Ngân xác định bóng đen chẳng phải là ma qủy gì, mà là một nhân vật giang hồ có võ công rất cao và đang mang trọng bệnh rất tội nghiệp nên thành thật:
- Chẳng hay tiền bối là ai? Tại sao lại ở trong cổ miếu hoang phế này và in hình như mắt phải trọng bệnh? Tôn sư tại hạ là một người đã mất cách đây trên hai trăm năm, tại hạ tình cờ tìm được chỗ trú ngụ của tôn sư, lại gặp kỳ duyên, hưởng được viên nội đơn của địa long nên mới luyện được nội công như bây giờ. Tại hạ chẳng thuộc bang phái nào trên giang hồ hiện thời.
Bóng đen có vẻ thoả mãn:
- Hà! Người tính không bằng trời tính. Dù một người thông minh đến đâu vận dụng tâm huyết suốt đời cũng không thể bằng duyên may đưa đẩy. Ta gặp ngươi hôm nay cũng là cái may cuối đời của ta và ta cũng nghĩ rằng ngươi cũng gặp may mắn thêm lần nữa.
Thanh Ngân:
- Tại hạ gặp tiền bối hẳn cũng có duyên. Tại hạ biết đôi chút về y thuật may ra có thể giúp được tiền bối phần nào. À! Khi nghe tiếng rên rỉ của tiền bối từ xa, tại hạ cũng nghe tiền bối gọi
tên Kiều Linh, chẳng hay Kiều Linh đó là ai?
Bóng đen như rất khích động khi nghe nhắc đến tên Kiều Linh, Thanh Ngân thấy bóng đen run rẩy một lúc rồi thở dài:
- Đó là tên đứa con gái của ta, người thân yêu nhất đời của ta. Hơn mười năm nay đã thất lạc, ta không hiểu bây giờ nó lạc lõng nơi đâu?
Thanh Ngân buột miệng:
- Phải chăng năm xưa Kiều Linh do một cặp vợ chồng bán củi ở Thăng Long nuôi dưỡng?
Bóng đen nghe Thanh Ngân nói nhảy xổ ra sân, mang theo xú ếu nồng nặc, ngồi trước mặt Thanh Ngân lấp bấp:
- Cái gì? Ngươi biết nó? Ngươi đã gặp nó? Nói ngay! Nói ngay! Bây giờ nó như thế nào?
Bóng đen ngồi trước mặt, nhìn rõ lão, Thanh Ngân hơi một chút hoảng hốt sợ hãi. Ông lão chỉ là một khúc mình to lớn, bên trên khúc mình nhẵn nhụi không chân, không tay đó là một cái đầu râu tóc che phủ không còn nhìn rõ hình tướng. Cái đầu râu tóc đó lập lại:
- Nói ngay! Kiều Linh, con của ta bây giờ ra sao?
Thanh Ngân biết quái nhân có thể là phụ thân Kiều Linh, không muốn làm lão xúc động đau khổ thêm nên nói:
- Nàng là bạn thân của vãn bối, võ công rất cao, hiện ở trong Vạn Trúc Sơn Trang.. làm hộ vệ... cho tiểu thư Vạn Trúc Sơn Trang.
Quái Nhân ngửa mặt lên trời cười như khóc:
- Cháu nội của một tể tướng Tống Trào... lại đi làm hộ vệ...tỳ nữ cho một lũ cướp của giết người. Thật là lão trời kia không có mắt! Lão trời kia thật không có mắt!
Quái nhân ràn rụa nước mắt, lẩm bẩm:
- Tiểu Mi! Tiểu Mi! Ta sắp gặp nàng và cũng biết được đứa con chúng ta bây giờ ra sao. Nàng tha lỗi cho ta đã không chăm sóc được con mình. Hà! hà! Nó phải đi làm tỳ nữ.. ta đau khổ biết chừng nào! Nhưng nhờ trời, dù sao nó vẫn còn sống sót. Đứa con gái của chúng ta vẫn còn sống sót!
Thanh Ngân chờ lão dịu lại cơn xúc động, nói:
- Kiều Linh.. bạn của vãn bối chỉ nhớ mang máng và kể cho nghe ngày còn nhỏ do vợ chồng một người bán củi ở Thăng Long
nuôi dưỡng và thỉnh thoảng có một người thúc thúc đến mua củi cho chùa, rất thương yêu nàng.. và nàng nhớ mãi. Phải chăng người thúc thúc đó là tiền bối?
Quái nhân nhìn Thanh Ngân:
- Nó còn kể những gì nữa cho ngươi nghe không?
Thanh Ngân:
- Nàng nghĩ vợ chồng người bán củi là cha mẹ của mình, nhưng cũng oán trách là lúc năm sáu tuổi cha mẹ nàng đã đem bán nàng cho Vạn Trúc Sơn Trang.
Quái nhân thở dài:
- Nó tên Kiều Linh, ở với vợ chồng một người bán củi, thỉnh thoảng có người thúc thúc đến thăm. Nó đúng là con gái của ta. Ta là cha nó nhưng ở chùa không tiện săn sóc ... phải gởi tạm nó cho họ.. không ngờ.. hà hà..hơn mười mấy năm rồi...
Thanh Ngân:
- Con gái tiền bối có gì đặc biệt.. biết đâu bạn của vãn bối lại chỉ là người có cùng cảnh ngộ?
Quái nhân trầm tư:
- Nó phải là một người con gái rất đẹp. Nó giống Tiểu Mi như đúc. Bạn của ngươi có đẹp không?
Thanh Ngân:
- Nàng rất đẹp. Vãn bối chưa thấy ai đẹp hơn nàng!
Thanh Ngân trực nghĩ nếu mình họa sơ chân dung của Kiều Linh, trong trường hợp nàng giống mẹ tất quái nhân sẽ xác định dễ dàng hơn nên nói:
- Hay là để ngày mai, vãn bối họa chân dung của nàng để tiền bối xem thử rồi mới xác định nàng có phải là con của tiền bối hay không?
Quái nhân:
- Hà! Trên vai trái của nó ta có thích một chữ Triệu bằng son, gặp nó ngươi hỏi xem có hay không. Nếu có chữ Triệu thì nó đúng là con gái của ta. Hà! Nhưng nếu ngươi biết họa...ngươi hãy làm ơn giúp ta nhìn được hình ảnh nó trước khi... Ta không còn cơ hội nữa!
Thanh Ngân:
- Vãn bối biết y thuật..chẳng hay tiền bối có thể để vãn bối ...
Quái nhân nài nĩ:
- Ta cũng hiểu rành y thuật... Nội công của ta đang dần dần làm đứt các kinh mạch của ta. Dù Hoa Đà tái thế, Biển Thước phục sinh cũng không thể kéo dài thêm mạng sống của ta được. Hơn nữa, ta kéo dài hình dạng như thế này trên đời để làm gì? Nếu ngươi có thể họa lại chân dung Kiều Linh. ..ngươi làm ơn... đi tìm vải, mực..vẽ dùm cho ta.
Và tha thiết:
- Ngươi hãy đi đi...ngày mai trở lại.... hoàn thành dùm cho ta tâm nguyện cuối cùng này.
Thanh Ngân nghe lão quá tha thiết, và nghĩ lão có nội công cao siêu như vậy, tất có một lý lịch phi thường, và cũng muốn xác định lão có phải là phụ thân Kiều Linh hay không nên cung kính:
- Tiền bối đã dạy như vậy, tại hạ đi tìm cách vẽ chân dung nàng ngay và ngày mai trở lại.
Quái nhân:
- Cảm ơn ngươi! Ta hy vọng thấy được mặt..con ta.
Thanh Ngân chắp tay:
- Tiền bối bảo trọng. Ngày mai gặp lại.
Thanh Ngân vừa nói, vừa giở Lạc Long thân ảnh bay tà tà lên ngọn cây, định hướng bến đò lao đi như chớp. Quái nhân dõi mắt nhìn theo cảm khái:
- Hà! Lúc gần mất lại chứng kiến được một tuyệt học phi phàm. Hà! hắn với Kiều Linh và con bé kể cả chuyện thời thơ ấu cho hắn nghe.. tình cảm cuả chúng nhất định cũng không thể chỉ là bạn bè!
Thanh Ngân chạy đến bến đò Thiên Đức, tìm nơi mua vải, mực. Đã quá nửa đêm, nơi nơi đều cổng đóng the gài. Đến một cửa hiệu bách hoá nọ, Thanh Ngân gõ cửa binh binh hồi lâu mới có mới có lão già chậm rãi mở cửa, ló đầu ra càu nhàu:
- Cha chết hay sao mà không để sáng mai. Nhà ngươi cần gì vậy?
Thanh Ngân đưa cho lão một đỉnh bạc, nói:
- Cần một tấm vải trắng, một vài cây bút và một số mực sơn đen, đỏ, trắng, vàng. Tiền bạc lão trượng không cần phải thối lại.
Đôi mắt ngái ngủ của lão bán hàng sáng rỡ, thay đổi ngay thái độ:
- Mời công tử! Qúy hoá được công tử chiếu cố. Công tử vào giây lát, chúng tôi sẽ có hàng cho công tử ngay.
Lấy dụng cụ xong, Thanh Ngân nghĩ đến quái nhân thấy lão gần như loã lồ nên mua thêm một chiếc áo choàng. Ra khỏi tiệm bách hoá, Thanh Ngân lại một khách điếm gõ cửa, như lần trước, cũng đưa tiền cho tiểu nhị hậu hĩ để kiếm một căn phòng rồi căng vải lên hí hoáy họa hình Kiều Linh. Dưới ngọn bút của Thanh Ngân tiếng gà gáy sáng, mặt vải hiện ra chân dung nàng không khác gì người thật. Ngắm đi nhìn lại Thanh Ngân lấy làm đắc ý. Nhìn chân dung nàng lại xót xa:
- Không hiểu nàng lạc lõng nơi đâu. Ở đâu ta cũng phải tìm cho ra! Thiếu vắng nàng hẳn cuộc đời ta không còn gì thú vị.
Thấy trời còn tối và bức tranh cũng chưa khô ráo, Thanh Ngân ngồi tỉnh tọa hành công.
Ánh sáng ban mai ló dạng, chợ buá bắt đầu nhộn nhịp Thanh Ngân cuộn bức tranh bỏ vào áo qua tửu lâu hôm qua dùng điểm tâm và nghĩ quái nhân không chân không tay, sống cô độc nơi hoang dã hẳn cũng chưa bao giờ dùng được thức ăn nấu nướng nên mua một con gà quay, mấy món ăn ngon và một bầu rượu nhờ tiểu nhị gói lại để mang theo.
Đi dọc theo bờ sông một lúc, Thanh Ngân dùng thuật phi hành trở lại cổ miếu, thấy quái nhân ngồi trước cửa chờ mình, Thanh Ngân chưa kịp nói đôi lời chào hỏi, quái nhân đã hỏi:
- Tranh vẽ Kiều Linh đâu?
Thanh Ngân vội vàng lấy ra cho lão xem. Thoáng nhìn bức tranh lão biến sắc. Bức tranh thu hút cặp mắt lão và cặp mắt sáng quắc tinh anh đó từ từ ràn rụa một làn lệ mỏng. Quái nhân không có tay, nhưng cử động của thân hình của lão cho Thanh Ngân biết lão như muốn ôm lấy bức tranh vào lòng mình. Thân hình run rẩy, rung động trong một lúc, quái nhân ngồi yên chìm đắm suy tư, lẩm bẩm:
- Tiểu Mi! Nó giống nàng như hai giọt nước. Thấm thoát đã trên ba mươi năm kể từ ngày chúng ta gặp ở Lâm An và đã hai mươi năm, sáu tháng, mười ngày ta đã xa nàng. Con chúng ta là hình ảnh của nàng năm xưa. Ta sắp gặp lại nàng và sẽ nói cho nàng biết hình ảnh đứa con của chúng ta như thế nào.
Chờ quái nhân dịu lại cơn xúc động, Thanh Ngân hỏi:
- Tiền bối xác nhận nàng là con gái tiền bối?
Quái nhân thở dài:
- Những gì nó còn nhớ lại khi còn bé kể cho ngươi nghe, cộng vào khuôn mặt của nó giống Tiểu Mi như khuôn đúc ta không còn gì mà không tin tưởng nó là con của ta. Đứa con chưa bao giờ biết cha mẹ thật của nó là ai!
Thanh Ngân cảm khái:
- Không ngờ trong lúc tình cờ, vãn bối lại gặp được tiền bối, là phụ thân của nàng, để vãn bối tìm cách đưa tiền bối về Thăng Long và tìm nàng cho hay để phụ tử được trùng phùng.
Quái nhân nhìn Thanh Ngân một lúc rồi hỏi:
- Ngươi và Kiều Linh liên hệ thật sự như thế nào, ngươi có thể thành thật cho ta biết hay không?
Thanh Ngân nghe hỏi hơi rụt rè, chẳng lẽ đem tình yêu của mình và Kiều Linh nói thẳng với lão, nên chỉ nói:
- Vãn bối và Kiều Linh gặp nhau, cùng nhau trải qua nhiều cơn hoạn nạn..... và rất tâm đầu ý hiệp.
Quái nhân đăm chiêu:
- Được lắm! Con ta có người bạn như ngươi ta cũng cảm thấy vô cùng an ủi. Đã là bạn của Kiều Linh ngươi có vui lòng giúp ta ít việc nữa hay không?
Thanh Ngân sốt sắng:
- Tiền bối sai bảo điều chi tiểu điệt cũng không từ chối, nhưng tiểu điệt có mang theo một ít thức ăn và một ít rượu mời tiền bối dùng chút đỉnh trước đã.
Thanh Ngân mở bọc lấy gà, thức ăn và rượu ra, cầm chiếc áo choàng mới mua nói:
- Vãn bối có mua cho tiền bối chiếc áo này, mong tiền bối dùng tạm.
Quái nhân nhìn thức ăn, chiếc áo choàng gật gù chiếc đầu có vẻ thích thú, nhưng nói:
- Mười mấy năm nay ta chưa được tắm rửa nên hôi thúi vô cùng. Ngươi chịu phiền mang ta ra bờ sông, khúc vắng vẻ nào đó cho ta tắm rửa một lúc rồi mới mặc áo và dùng thức ăn.
Thanh Ngân thấy lão hôi thúi vô cùng, nghĩ trước sau gì cũng phải tìm cách tắm rửa mới có thể mang lão đi nơi khác. Trước sau gì cũng phải chịu sự hôi thúi kinh khiếp một lần nên vui vẻ:
- Nếu vậy vãn bối đưa tiền bối đi ngay.
Thanh Ngân gói lại thức ăn, rồi định lại bế lão mang ra bờ sông, nhưng lão nói:
- Ngươi lấy khúc cây khô đàng kia để trên vai. Ta ngồi lên đó ngươi mang đi cho tiện.
Thanh Ngân thấy khúc cây dài hơn trượng, hiểu ý lão không muốn mình phải chịu mùi xú ếu nên mỉm cười:
- Tiền bối đã là phụ thân của Kiều Linh thì cũng như phụ thân của vãn bối. Tiền bối không phải ngại.
Quái nhân cau mày:
- Bình sinh ta không muốn ai phải khó chịu vì mình. Ngươi hãy làm theo yêu cầu của ta.
Thanh Ngân nghe lão quyết ý như vậy, đành lấy khúc cây để lên vai. Chưa nghĩ cách nào đặt lão lên khúc cây thì thân thể của lão bốc từ từ lên khỏi mặt đất, ngồi lên đầu cuối khúc cây trên vai Thanh Ngân và thúc giục:
- Ngươi đi đi.
Thanh Ngân chứng kiến thân pháp thần kỳ của lão, không còn lo âu nữa nên phóng chân đi nhanh ra bờ sông, tìm một nơi trống vắng, bờ sông thoai thoải để quái nhân xuống.
Quái nhân không chân không tay làm sao để tắm? Thanh Ngân nghĩ mình phải kỳ cọ cho lão. Nhưng không, khi đến bờ sông quái nhân tự bay xuống mặt sông, và lặn ngụp dưới nước một lúc lâu như người đủ chân tay. Thanh Ngân ngồi nhìn thầm
phục cách sử dụng khí kình của lão và nghĩ có lẽ trên giang hồ ngày nay không có ai có mức võ công như vậy.
Nước cuốn trôi những xú ếu trên người quái nhân, Thanh Ngân lại bay tà tà lên bờ, vận công cho khô ráo rồi nói:
- Ta nhờ ngươi khoác cái áo lên mình ta, và quấn lại mái tóc dùm cho ta.
Sau khi khoác áo và quấn lại tóc, nếu không để ý đến đôi chân và đôi tay, quái nhân là một người đầy vẻ uy nghi quắc thước. Thanh Ngân thầm nghĩ trong lòng như thế, thì lão cảm động:
- Cảm ơn ngươi rất nhiều, ngươi là một danh họa, ngươi nhớ dùm hình ảnh của ta hôm nay, về sau cho Kiều Linh biết cha của nó thế nào. Bây giờ ta có thể ăn với ngươi một miếng thịt chín, uống với ngươi một hớp rượu mà mười mấy năm nay ta chưa bao giờ nếm qua. Sau đó nhờ ngươi giúp cho ta vài việc.
Thanh Ngân vâng dạ, xé một đùi gà đưa vào miệng cho lão, và cầm bình rượu đưa cho lão tu một hớp. Quái nhân chỉ ăn một miếng thịt uống một hớp rượu, thì lắc đầu không dùng nữa và nói:
- Bây giờ ta cần phải kể lại cuộc đời ta để nhờ ngươi khi gặp lại Kiều Linh nói cho nó biết.
Thanh Ngân:
- Tiền bối về Thăng Long, vãn bối đi tìm Kiều Linh lúc đó phụ tử tiền bối vẫn có thể tâm sự với nhau.
Quái nhân:
- Cảm ơn ý tốt của ngươi, nhưng ta biết mình không còn sống bao nhiêu lâu nữa. Gặp ngươi, biết được tung tích Kiều Linh và hình ảnh của nó lúc từ giã cuộc đời đau khổ này, ông trời cũng còn thương ta nhiều lắm! Ngoài việc kể lại cuộc đời của ta cho ngươi nghe, ta cũng muốn dùng thì giờ còn lại thành toàn thêm cho ngươi về mặt võ công và nhờ ngươi đem võ công của ta truyền lại cho Kiều Linh. Ta mong ngươi không từ chối.
Thanh Ngân:
- Vãn bối vốn chẳng thích võ công, chỉ nhờ kỳ duyên mà có công phu như hiện thời cũng đã mãn nguyện lắm rồi, nhưng nếu tiền bối muốn nhờ vãn bối truyền lại công phu của tiền bối cho Kiều Linh thì vãn bối không dám từ chối tâm nguyện đó.
Quái Nhân:
- Hay lắm! hay lắm! Nhưng ngươi biết không? Nếu không biết võ công thì thôi, mà đã biết thì thì phải biết đến nơi đến chốn mới có thể bảo đảm được sinh mạng của mình. Ta lúc còn nhỏ cũng nghĩ chỉ dùi mài kinh sử làm quan là có thể giúp đời, nhưng gặp lúc Tống trào vua hèn, quan nhũng, sỉ tử chỉ là bọn áo cơm, trong khi nước Kim, nước Mông chuộng võ học mà nước nhà cường thịnh, vì thế ta giã từ sách vở theo đòi võ học, càng học càng thấy thua kém và đã lặn lội sang đây để trau dồi thêm, nhưng rồi như ngươi thấy thân thể ta đã như thế này, vợ con không thể bảo bọc. Đã là người mang chí giúp đời thì văn hay võ đều hữu dụng. Võ giữ nước, văn dựng nước. Hà! hơn nữa con người sống trên đời không phải chỉ một mình, ta không muốn hại người mà người muốn hại ta, nếu không có chí tiến thủ thì cuối cùng sẽ bị người hãm hại. Hà! Nếu ta học được tuyệt đỉnh thần công võ học của Phật môn, thì cha con ta đâu phải xa cách nhau, thân ta đâu đến nỗi này!
Thanh Ngân:
- Dám hỏi tiền bối ai là người đã hại tiền bối. Võ công của tiền bối năm xưa hẳn thuộc hàng tuyệt thế...
Quái nhân trầm tư một lúc rồi chậm rãi trong giọng buồn bã:
- Để trả lời câu hỏi của ngươi. Ta kể lại chuyện xưa cho ngươi nghe. Ta là Triệu Cung vốn là con trai thứ tư của Tể Tướng Triệu Nhữ Ngu, thuộc giòng dõi tôn thất nhà Tống.
Thanh Ngân cảm khái:
- Lúc gặp Kiều Linh vãn bối đã nghĩ nàng vốn giòng quyền qúy..không ngờ nàng thuộc vương tộc của một đại quốc.
Quái nhân tiếp lời:
- Khi lên mười bốn tuổi ta đã nổi tiếng là một người văn hay chữ tốt, nhưng nghiên cứu lại chính sách của các tiền triều, ta thấy nhà Tống ta sở dĩ mất nước lần hồi vào tay các nước lân bang vì chỉ sùng chuộng văn học, thứ thi phú làm vui lòng người mà chẳng ích gì trong việc hưng bang định quốc. Ta bèn quyết chí từ giã kinh thành lên Thiếu Lâm học nghệ, toan tính kết giao hào kiệt bốn phương làm thế lực để sửa đổi lại triều chánh. Hơn sáu năm ở chùa Thiếu Lâm làm đệ tử tục gia ta học gần hết ngoại công của Thiên Minh thiền sư, nhưng nội công Thiếu Lâm đòi hỏi thời gian tuần tự nhi tiến nên ta cũng chưa sở đắc được bao nhiêu. Vì không thể chôn cả đời trong Thiếu Lâm nên ta xin phép hạ sơn. Về gần đến Lâm An ta gặp hắn và sư muội của hắn. Ta chứng kiến cả hai ra tay trừng phạt bọn hắc đạo Ngưu Đầu Sơn sinh lòng kính phục võ công tuyệt vời của họ, xuất hiện chào hỏi và tỏ lòng muốn giao kết, sau đó mời họ về kinh thành với ta. Tiểu Mi lúc đó mười tám tuổi, hắn là sư huynh nhưng lớn hơn nàng mười mấy tuổi. Tiểu Mi quá xinh đẹp, ngoài võ nghệ nàng cũng thích cầm kỳ thi họa nên chúng ta mau chóng trở thành đôi tri kỷ. Chúng ta không ngờ hắn lớn tuổi hơn Tiểu Mi nhưng đã thầm để ý đến nàng. Và khi thấy nàng thân mật với ta, hắn tỏ tình với nàng nhưng bị Tiểu Mi từ chối, nói nàng chỉ xem hắn như một người sư huynh, một người anh mà thôi.
Bị cự tuyệt, ngày sau hắn bỏ đi không lời từ biệt và để lại cho ta một lá thư đại ý nếu ta muốn xây dựng Tống Trào thì hắn phải tiêu diệt Tống Trào. Tiểu Mi là của hắn không ai đụng chạm đến, ai lấy Tiểu Mi , hắn thề phải chặt đứt chân tay người ấy. Tiểu Mi đọc lá thư của hắn lấy làm lo sợ, khuyên ta cùng với nàng lên Thiên Sơn cầu cứu sư phụ của mình là Thiên Sơn thần ni. Đi dọc đường, chúng ta ra tay hành hiệp trượng nghĩa, kết giao bạn hữu, nhìn xem phong cảnh hữu tình. Tình cờ ta làm quen với Tiền Bang Chủ của Cái bang và được ông ta nói cho biết một bí mật của võ lâm: hắn chính là con tư sinh của Thiên Sơn Thần Ni và Huyền Minh Lão Nhân, hai tuyệt đại cao thủ của giang hồ thời bấy giờ. Họ đã vì muốn ấn chứng võ công thách đấu nhau ở Trường Bạch Sơn rồi phải lòng nhau, nhưng Thiên Sơn Thần Ni vốn được người đời trọng vọng là một Thần Ni nên họ đã ở Trường Bạch trong một tháng rồi sau đó chia tay. Việc này trên giang hồ không mấy người biết và cũng không muốn rước vạ vào mình nên chẳng ai hở răng nói ra. Tiền bang chủ vì thương ta, biết ta là con trai của trung thần, không muốn ta tự đem thân vào đất chết nên đã bảo cho ta biết và khuyên ta tìm cách học võ công đến cảnh giới cao độ mà phòng thân hơn là đến Thiên Sơn.
Sau khi chia tay với Tiền Bang Chủ ta nói với Tiểu Mi điều này, nàng tức giận ta đã khinh thường sư phụ của nàng nên giận dỗi bỏ đi. Ta vì nàng quyết liều chết lên Thiên Sơn. Tiểu Mi chỉ giận nhưng không nỡ vì lời nói mà bỏ ta nên ta đã gặp lại nàng và chúng ta cùng lên Thiên Sơn.
Đúng như lời Tiền Bang Chủ đã nói, khi gặp Thiên Sơn Thần Ni, bà ta ra điều chính phái, hăm he, gọi hắn là tên nghiệt đồ và hứa là sẽ bảo hắn không làm điều gì xúc phạm đến ta và Tiểu Mi. Bà bảo vì muốn truyền cho Tiểu Mi bộ Thiên Sơn Kiếm Pháp, phải giữ nàng ở Thiên Sơn một năm và nói ta cứ yên trí về Lâm An chờ đợi nàng.
Ta vừa ra khỏi địa phận Thiên Sơn, thì ta gặp hắn chờ đợi và chỉ trong một trăm hiệp ta đã bị hắn đánh cho đến chết đi sống lại. Khi ta không còn cục cựa nổi, hắn xách ta ném xuống vực sâu, thủ tiêu xác chết. Nhờ Tiền bang chủ khi chia tay, biết ta thế nào cũng không nghe theo lời khuyên của ông, nên âm thầm theo dõi và khi hắn ném ta xuống vực, thì ông ta kịp thời chụp lấy, phi thân trốn chạy.
Sau khi cứu ta thoát chết, ông cho biết võ công trên thiên hạ hiện nay không ai có thể chống chọi với Huyền Minh Thần Chưởng và võ công của Thiên Sơn. Ông khuyên ta nên sang Thiên Trúc hay Đại Việt học hỏi võ công tối cao của Thiền Môn may ra có thể giữ được mạng mình và thực hiện lý tưởng chỉnh đốn triều đình nhà Tống lúc bấy giờ cha ta cũng đã bị cách chức và Hàn Sá Trụ đang thao túng triều chánh, hãm hại trung thần. Vì giữ mạng, vì đại nghiệp trung hưng đất nước và vì cũng ham thích võ công ta sang Đại Việt. Ta đã đến nhiều vị thiền sư danh tiếng cầu lạy học nghệ nhưng họ đều bảo họ chỉ tiềm tu học Phật chứ không học võ dù ta khiêu chiến và biết họ đều có võ công siêu phàm nhập thánh. Ta nãn chí vô cùng, sau nẩy ra ý đến các chùa danh tiếng, lục trong kinh sách may ra tìm được các môn thần công hay không. Ta rình rập ở chùa Phù Đổng ròng rã một năm không tìm thấy được gì, ta đi đến các chùa khác cũng chẳng được gì cả. Ta nẩy ý dọ thám cung đình nhà Lý. Trong khi ta tiếp tục lén lút vào nội cung nhà Lý, thì Tiểu Mi nhờ Tiền Bang Chủ chỉ điểm đã sang tìm ta. Nàng đã bị phế võ công để cầm giữ ở Thiên Sơn, nhưng nàng cương quyết nói với hắn thà quyên sinh chứ không lấy hắn nên hắn buộc lòng phải để nàng ra đi. Trên đường đi, không còn võ công, nàng phải giả dạng là một người phung cùi khất thực mà sống. Khi ta may nắm tìm được bộ Kim Cương và Bát Nhã Thần Công, thì cũng gặp lại Tiểu Mi. Lúc đến Thăng Long nàng giả làm người đánh đàn, hát dạo sinh nhai. Nàng cải sửa dung mạo, nhưng ta đã nhìn được nàng nhờ những khúc nhạc mà hai chúng ta đã cùng nhau sáng tác cho tình yêu của mình. Kim Cương Thần Công và Bát Nhã Thần Công đòi hỏi phải còn thân đồng trinh mới luyện tập đến nơi đến chốn, nhưng ta làm sao để Tiểu Mi phải chờ đợi khi không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới luyện thành? Chúng ta đơn giản làm lễ thành hôn và sau đó Kiều Linh đã chào đời.
Tiểu Mi mất hết võ công trở thành một người yếu đuối và không muốn ta phân tâm nên đã cố gắng nuôi con, săn sóc gia đình. Kết quả nàng đã lâm trọng bệnh và ta vô phương cứu sống, lúc ấy Kiều Linh chỉ tròn một tuổi. Chôn cất nàng xong, ta tìm người săn sóc Kiều Linh và tìm việc làm để trả chi phí ấy.
Người ta đã nhờ là vợ chồng người bán củi ở gần chùa Chân Giáo. Thấy ngôi chùa đồ sộ, ta nghĩ đến việc ở trong chùa để luyện công, và đã xin được chân giữ củi, mua củi cho chùa.
Ta luyện Kim Cương Công không cách nào đạt được trình độ kim cương bất hoại, nghĩa là vẫn chưa xứng đối thủ của hắn nên ta luyện thêm Bát Nhã Thần Công, mong hai công phu cương nhu của Phật môn phối hợp lại có thể chống chọi lại hắn. Lúc ta luyện Bát Nhã Thần Công đến tầng thứ tám, thì vua nhà Lý là Huệ Tông vào ở chùa Chân Giáo.
Ông ta có vẻ là một người có tâm tính bất thường, nhưng ta để ý thấy ông ta thường cầm một quyển kinh cũ kỹ lật qua lật lại tỏ vẻ đăm chiêu và ta cũng thoáng nghe được nhà vua lẩm bẩm:
“Cuốn kinh như thế này lại có bí mật gì? Tại sao nó lại có thể cứu muôn dân Đại Việt?” Nghe được như vậy ta nghĩ cuốn kinh của Huệ Tông qúi giá vô cùng và nẩy lòng tham muốn cướp đoạt. Huệ Tông không biết võ công nhưng hai người cận vệ của ông ta võ công rất cao, nếu ta phải đấu với họ cũng phải trải qua vài trăm chiêu mới thủ thắng được. Hai người cận vệ này là Lê Phụng Minh và Lê Phụng Dực, võ công của họ thuộc hàng nhất lưu cao thủ của Đại Việt. Để có thể thủ đắc quyển kinh một cách âm thầm, dễ dàng hơn ta dùng chỉ lực đào đường hầm từ nhà chứa củi đến phòng Huệ Tông Hoàng Đế. Tuy nhiên, ta đã không canh đúng phòng của ông mà vào nhằm phòng của Trí Quả đại sư. Đêm đó, khi lên phòng Trí Quả, điểm huyệt ngủ của ông, ta biết mình lầm, nhưng từ phòng Trí Quả ta nghe Huệ Tông đang nói đến quyển chân kinh cũng như bản đồ chôn bảo vật của Nùng Trí Cao. Khi Huệ Tông trao bản tàng đồ cho Phụng Minh, ta vừa định mở cửa sổ phi thân ra ngoài, bất ngờ cướp lấy quyển kinh, thì ta thấy hắn đứng trên ngọn cây, ngay trên đầu Phụng Dực mà Phụng Dực không thể phát hiện được. Nhìn thấy hắn ta mất bình tĩnh, đi tháo lui một bước, hơi nặng chân làm Phụng Minh phát hiện và sang phòng Trí Quả la hỏi. Phụng Dực đã không cảnh giác đúng mức, khi nghe Phụng Minh la gọi thiền sư Trí Quả thì vào ngay trong phòng, hắn như một luồng gió nhẹ vào phòng Huệ Tông và cướp ngay quyển kinh.
Ta muốn phi thân đuổi theo , nhưng nghĩ đến hai quyển kinh đang cất dấu, ta quay lại đường hầm, trở lại phòng chứa củi thì hai quyển bí kíp của ta cũng đã mất. Chung quanh chùa Chân Giáo lúc bấy giờ Trần Thủ Độ đã bố trí nghiêm nhặt đề phòng Huệ Tông trốn chạy. Với thân thủ của ta và hắn, những cao thủ canh phòng của Thủ Độ khó thể nào phát hiện được. Nhưng hắn cố ý làm cho họ cảnh giác, vì thế khi ta phóng ra khỏi chùa, thì bị hết đám cao thủ này đến lớp khác bao vây. Ta không muốn phạm sát giới nên phải tiêu hao công lực khá nhiều. Hà! Trận cuối cùng ta phải đấu với những tay võ công cự phách của Trần Thủ Độ, trong đó có hai tên xử dụng Khô Cốt thần công và dùng độc của Khô Cốt Môn. Thắng được chúng, ta đã tiêu hao gần một nửa phần công lực. Khi đấu với Thái Hư ta cố gắng dành lại một phần công lực để trốn chạy, đề phòng ám toán nên ta đã làm bộ như chân khí đã khô kiệt. Nhờ thế khi nhị lão của Khô Cốt Môn ám toán, ta trá tử để bất ngờ phóng tuyệt chiêu cứu mạng mình, thì bất ngờ là lão bị bọn Hà Đông ám toán lão, nhưng rồi chúng bị ngộ độc do nhị lão trước khi chết tung ra. Khi chết lão nằm trên mình ta, máu độc của lão đổ xuống nên ta cũng bị ngộ độc khá nặng.
Trốn thoát được trận chiến đêm đó, ta cố sức tàn chạy cho xa Thăng Long để thoát khỏi tai mắt của Trần Thủ Độ vì trong trận đấu Phụng Minh và Phụng Dực đã chỉ quyết là ta giết Huệ Tông và cướp đi chân kinh. Ta tình ngay, lý gian khó lòng biện bạch. Ta chạy đến cổ miếu vận công trị thương, thúc bách chất độc vừa xong thì hắn xuất hiện. Chúng ta kịch chiến với nhau trải qua trên ngàn chiêu, thì ta bị hắn đánh trọng thương và hắn đã chặt đứt tứ chi của ta. Ta trở thành một khối thịt từ đó cho đến nay đã mười mấy năm.
Thanh Ngân xót xa cho lão:
- Không ngờ cuộc đời tiền bối đầy đau khổ như vậy. Người đã gây đau khổ cho tiền bối tên là gì vậy? Tại sao lão lại biết tiền bối ở chùa Chân Giáo và cũng biết kỳ kinh của nhà Lý?
- Hắn lấy họ Dương của cha làm họ, lấy họ mẹ là Mộ Dung làm tên nên tên là Dương Mộ Dung. Giữa hai chân mày của hắn có một cái bớt màu đen dựng ngược trông giống như con mắt thứ ba nên tự xưng là Tam Nhãn thần quân. Sau khi biết Tiểu Mi sang Đại Việt , hắn đã cho người theo dõi, họ đã tìm ra tung tích của ta và báo với hắn. Là người cẩn thận, trước khi chiến đấu với ta hắn dành thời gian theo dõi, điều nghiên. Khi ta không có trong chùa hắn đã đến do thám chỗ ở của ta và thấy ta đang đào đường hầm. Đoán ta đang làm một việc bí mật nên ở trong bóng tối theo dõi để phỏng tay trên. Lúc ta kịch chiến với các cao thủ của Trần Thủ Độ, hắn đã nhắm có thể thắng được ta, nên không thừa cơ ta tổn hao công lực mà ra tay. Hắn chờ cho ta vừa phục hồi thì xuất hiện.
Thanh Ngân:
- Không ngờ vì tình mà lão đã tàn nhẫn đến như vậy.
Quái nhân:
- Hắn thề chặt đứt tứ chi của ta, hắn đã toại nguyện. Ta không hiểu hắn hiện đang làm gì đối với Tống Triều đó là điều mà ta vô cùng lo âu. Khi bị hắn chặt đứt tứ chi, ta không còn thiết sống nữa, nhưng nghĩ đến Kiều Linh, nghĩ đến vận mệnh nhà Tống ta đã cố sống và cố luyện tập chân khí của mình. Sau bảy năm dụng công ta đã dung hợp hai môn thần công làm một loại thần công đặc biệt. Nhưng khi ta thành công định đi tìm Kiều Linh, thì ta thấy ta đang gặp tai họa lớn, ta bị chứng đau nhức hành hạ kinh khiếp. Xét soát lại thân thể, ta thấy nhiều kinh mạch bị đứt, ta trì tâm chữa trị nhưng vô hiệu và hiện giờ một nửa thân thể của ta không còn cảm giác. Nhiều chỗ máu không lưu thông tới được, da thịt bị thối. Chỉ nhờ chân khí hộ thể mà ta sống sót được tới hôm nay. Và ta biết cùng lắm là bảy hôm nữa ta có thể gặp lại Tiểu Mi.
Quái nhân nhìn Thanh Ngân tha thiết:
- Còn bảy hôm nữa, ta mong ngươi tiếp nhận võ công của ta để thay ta truyền lại cho Kiều Linh. Xin nó tha lỗi cho ta đã không chu toàn được trách nhiệm của người cha và sau khi ta chết ngươi đem dùm tro tàn của ta về Thăng Long chôn chung bên mộ Tiểu Mi. Mộ nàng bên kia giòng sông Nhị, dưới gốc một cây đa to.
Thanh Ngân ngập ngừng:
- Tiền bối đã dạy, vãn bối đâu dám không tuân, nhưng vì luyện công kinh mạch của tiền bối bị đứt, thì Kiều Linh... e rằng nàng..
Quái nhân:
- Nếu luyện công mà có hậu quả như thế này thì ta có truyền cho con gái ta làm gì? Hậu quả mà ta gánh chịu vì ta đã luyện công quá độ, tinh thần ta lúc nào cũng khẩn trương, chất chứa hận thù. Nội công của Phật môn là thần công thượng thặng nhưng muốn luyện tập không gây hậu quả tai hại, phải tuần tự nhi tiến, lòng lúc nào cũng thanh thản. Đó là yếu quyết đầu tiên. Ta đã lãnh hậu quả tai hại là do lòng ta, tâm ta mà ra không phải vì bản chất của nội công, của võ công tâm pháp.
Thanh Ngân:
- Học lực của tiền bối uyên thâm, không hiểu có còn cách gì để chữa trị cho tiền bối được không?
- Nếu khi biết mình bị bệnh, nếu ta phế bỏ võ công và luyện dịch cân kinh thì có thể kéo dài được mạng sống. Nhưng Dịch Cân Kinh ở đâu cho ta luyện? Ta phải chịu đựng, vận dụng tâm óc của mình mà thôi. Tình trạng của ta bây giờ dù có Hoa Đà tái thế cũng không cách gì cứu vãn.
Triệu Cung đưa mắt nhìn xa xăm một lúc, rồi nói:
- Đời ta chưa làm được gì hữu ích cho đời, cho nhân quần xã hội, chết như thế này thật đáng buồn, nhưng trời còn thương cho ta được gặp ngươi, nhìn được chân dung Kiều Linh con ta, thác gởi được công phu của ta cho nó là điều ta vô cùng mãn nguyện. Ngày còn lại của đời ta không còn nhiều, mong ngươi thu liễm tinh thần để ghi nhớ những khẩu quyết nội công của ta.
Thanh Ngân biết ông ta là phụ thân Kiều Linh. Nếu nàng và mình thành hôn thì ông ta là nhạc phụ của mình, thấy ông ta sắp chết mà không cứu được trong lòng chua xót khó chịu vô cùng. Thanh Ngân biết không cách gì thay đổi tình trạng của Triệu Cung được và không muốn để tâm nguyện của ông ta không được thực hiện chu đáo nên vội vàng tỉnh toạ, chú tâm ghi nhớ.
Thấy Thanh Ngân đã sẳn sàng Triệu Cung bắt đầu đọc khẩu quyết.
Thanh Ngân chú tâm nghe quái nhân đọc nội công để ghi nhớ, nhưng khi để tâm đến đâu thì Lạc Long Công lại chu lưu theo đến đó. Lòng Thanh Ngân vô tình nhưng Lạc Long Công lại lưu chuyển theo tâm trí của Thanh Ngân và dung nạp thêm một môn thần công tuyệt học đã phối hợp hai môn thần công tối thượng cương mãnh của kim cương công và nhu hoà của Bát Nhã công làm một. Thanh Ngân biết chân khí của mình đang theo lời Triệu Cung chu lưu trong thân thể, nhưng không biết mình đang vô tình luyện nội công theo đường hướng của ông ta, chỉ thấy tinh thần, đầu óc thêm sáng suốt, ghi nhớ dễ dàng hơn nên cứ để chân khí tự nhiên lưu chuyển. Thanh Ngân không biết, nhưng quái nhân đã thấy chung quanh Thanh Ngân có làn khí mỏng lần lần tích tụ, từ ngạc nhiên lấy làm thích thú, tiếp tục đọc khẩu quyết, hướng dẫn cách hành công cho Thanh Ngân.
Thanh Ngân nhắm mắt chú tâm ghi nhớ, Triệu Cung đều đều, chậm rãi đọc khẩu quyết. Thời gian hết ngày sang đêm, hết đêm qua ngày và khi Triệu Cung chấm dứt bài khẩu quyết, thì Thanh Ngân cũng vô tình viên mãn luyện xong một công phu tuyệt thế, dung hoà bồi bổ thêm cho Lạc Long Công của mình.
Khi Thanh Ngân mở mắt, Triệu Cung cảm khái:
- Ngươi thông minh phi thường đã đành, mà môn nội công trong người ngươi thật là một môn công phu hãn hữu. Hài tử, ngoài nội công, ngươi có thể cho ta nhìn thấy những chiêu thức mà ngươi đã học được hay không?
Thanh Ngân cung kính:
- Tiền bối đã dạy, vãn bối đâu dám không vâng lời.
Thanh Ngân đứng lên biểu diễn cho ông ta xem các chiêu thức từ Lạc Long canh điền đến Lạc Long khai sơn và Thanh Ngân nhận thấy chiêu thức của mình uy lực tăng thêm mấy thành so với lúc trước, nhưng không hiểu tại sao.
Nhìn những chiêu thức mà Thanh Ngân thi thố, Triệu Cung mở to mắt kinh ngạc, lẩm bẩm:
- Nếu ta may nắm được học những môn võ công như thế này thì..gia đình ta ngày nay đâu đến nỗi này.
Thanh Ngân biểu diễn chiêu thức xong, thì Triệu Cung cười thích thú:
- Thật mở rộng tầm mắt, đúng là bể học vô nhai, thiên ngoại hữu thiên. Lúc gần chết được thưởng thức kỳ công tuyệt thế như thế này cũng không còn lấy gì phải tiếc. Hài tử ngươi đưa ta uống một hớp rượu.
Sau khi uống hớp rượu và khà một hơi sảng khoái, ông ta nhìn Thanh Ngân đăm đăm, hỏi:
- Ngươi có thể thành thật cho ta biết liên hệ giữa ngươi và Kiều Linh ở mức độ nào hay không?
Biết lão không còn sống bao lâu, Thanh Ngân vội qùy gối xuống đất:
- Thưa tiền bối, được biết tiền bối là phụ thân Kiều Linh, vãn bối chưa dám đường đột trình bày.. nhưng trong lòng đã coi tiền bối như bậc sinh thành... vãn bối và Kiều Linh đã cùng thề hẹn kiếp này sẽ ăn đời ở kiếp với nhau.
Đôi mắt Triệu Cung chớp chớp, ràn rụa làn lệ mỏng:
- Không gặp được con gái của ta, gặp được ngươi, nghĩa tế tương lai. ..hà hà ta vô cùng mãn nguyện. Hài tử, võ công của ngươi có thể bảo vệ được vợ con, lo lắng cho Kiều Linh. Nó có học được võ công của ta hay không cũng không phải ép lòng. Theo cái nhìn của ta, hình như ngươi mang một thân tuyệt học nhưng chưa biết xử dụng võ công tùy theo nặng nhẹ, tùy tiện ứng biến. Ta không muốn ngươi có nhiều sát nghiệp nên ta nghĩ phải hướng dẫn điều đó cho ngươi.
Thanh Ngân vâng dạ, Triệu Cung từ từ đem những kinh nghiệm ứng chiến, cách thu phát võ công như thế nào chỉ dẫn cho Thanh Ngân. Khi trời tối, Triệu Cung bị cơn đau hành hạ, rên rỉ một lúc lâu rồi lại bắt đầu chỉ vẽ, nói các ưu khuyết điểm của võ công trong thiên hạ cho Thanh Ngân nghe. Thanh Ngân lại nói với ông ta mình không muốn trở thành người trên giang hồ, thì quái nhân khen ngợi cái tinh thần của Thanh Ngân, nhưng trình bày cho Thanh Ngân thấy đã biết võ công thì phải biết đến nơi đến chốn, biết tùy nghi để có thể giữ mình, cứu người. Sáng hôm sau, sau khi hỏi thêm về những môn võ công khác của Thanh Ngân, Triệu Cung thấy ngoài chưởng pháp Thanh Ngân không biết đến các bộ môn khác, Triệu Cung liền bắt Thanh Ngân học cách phát âm truyền công, học phép xúc cốt công và cuối cùng là dạy cho Thanh Ngân môn khinh công xúc địa thành thốn, đi trên mặt đất nhìn thì chậm rãi như kẻ nhàn du nhưng nhanh chóng phi thường, trong khinh công Triệu Cung cũng chỉ cho Thanh Ngân phép đăng bình độ thủy, đi trên sông nước như trên đất bằng. Ông ta bắt Thanh Ngân khi học xong bí quyết thì thực hành ngay.
Thanh Ngân thông minh, và Lạc Long Công của Thanh Ngân sau khi dung hoá thêm Kim Cương và Bát Nhã công phối hợp lại được chỉ dẫn cách vận dụng ứng biến, những gì Triệu Cung bắt học thì Thanh Ngân thực hành được ngay không mấy khó khăn. Triệu Cung từ tốn nhưng cương quyết để Thanh Ngân phải học thêm võ nghệ, Thanh Ngân kính nể ông ta là phụ thân Kiều Linh nên bền lòng luyện tập. Đói thì bắt chim trên cây, cá dưới sông nướng ăn. Mệt thì ngồi điều tức một lúc rồi tiếp tục luyện tập. Đêm đó, sau bảy ngày đêm cùng Triệu Cung, khi Thanh Ngân thực hành khinh công thủy thượng phiêu, đạp sóng vượt qua sông Thiên Đức rồi trở lại, thì ông ta đã trút hơi thở, trên môi còn nụ cười mãn nguyện.

No comments:

Post a Comment