Aug 20, 2012

Nam Thiên Đại Hiệp - Hồi 42

Vũ Quân

NAM THIÊN ĐẠI HIỆP

Hồi Thứ 42 
 
Trộm đạo áo quần, gặp ngay tiên tử
Tò mò thịnh sự, tham gia chúc thọ Hoàng Tu
N
hưng rồi chiếc bè vẫn mỗi ngày mỗi tiến theo hướng Tây, trời lại không gió bão nên mấy ngày đêm sau đó họ đã nhìn thấy bóng chim bay, và những cánh buồm thương hồ. Biết sắp đến đất liền, Thanh Ngân muốn reo lên, nhưng vội vàng im lặng vì thoáng thấy Tú Anh mặt chợt buồn như phủ một làn sương sớm. Thanh Ngân hiểu vì sao, chỉ biết nhẹ nhàng nắm tay, kéo nàng vào lòng mình trong một cử chỉ vỗ về, an ủi. 
 
Tuy nhiên cặp mắt nhìn rất xa, thấy cờ hiệu trên một chiếc thuyền lớn đi ngang qua, nói:
- Chúng ta sắp đến đất liền, nhưng sẽ là một nơi nào đó trên nước Tống. Và có lẽ chúng ta phải chờ đêm tối cùng dùng thuật đề khí mà vào đất liền, thay vì xử dụng chiếc bè này.
Tú Anh nghe nói vào đất Tống, đổi buồn làm vui:
- Đất Tống là nơi văn vật, chúng ta đến đây lại có dịp nhìn xem cho mãn nhãn.
Thanh Ngân:
- Tiểu huynh không nói thạo cho lắm âm ngữ của họ, không hiểu Anh muội thế nào?
Tú Anh:
- Tiểu muội cũng vậy mà thôi, nhưng chắc rằng những sự đàm thoại thông thường cũng không đến nỗi.
Và nàng cười:
- Ít nhất cũng có thể mua được quần áo cho chúng ta ăn mặc, kẻo họ nhìn thấy chúng ta thì bỏ chạy cả.
Thanh Ngân cười lớn:
- Nếu chúng ta không có quần áo, thì tiểu huynh chỉ sợ cả nước Tống từ vua quan đến dân giả đều đổ ra đường để chiêm ngưỡng Anh muội, và lúc đó tiểu huynh thật khó xử!
Nghe nói, Tú Anh tưởng chừng như có người nhìn thấy mình thật, vội vàng lấy hai vạt áo rách che đôi chân lại, rồi cười:
- Có lẽ vào đất liền chúng ta lại phải làm đạo tặc trước khi có thể đi đâu.
Thanh Ngân:
- Và có lẽ Anh muội cũng cải nam trang để tránh bớt sự chú ý của mọi người. Nghe nói Tống Lý Tông còn trẻ và háo sắc, tiểu huynh không muốn hắn huy động binh dân cả nước để giành giựt Anh muội với tiểu huynh!
Tú Anh bỉu môi:
- Ngân ca làm như quan tâm đến tiểu muội lắm! Chỉ sợ...
Nhưng nàng thấy không nên đay nghiến với Thanh Ngân làm gì nên ngã vào lòng:
- Còn khá lâu mới tối trời, bây giờ Ngân ca hát cho tiểu muội ngủ để đêm nay còn có sức đề khí đạp thủy nhi hành cả trăm dặm trên mặt biển.
Mặt trời sắp lặn ở phương Tây, họ như hai cánh chim, nắm tay nhau đạp sóng vào đất liền. Nơi họ đặt chân tới lại là một vùng bờ biển vắng, lác đác xa xa có một vài nhà dân chài im lìm trong đêm tối. Chạy lên một ngọn đồi thấp dõi mắt về phía tây, họ thấy giữa một dãy núi, có một nơi đèn đuốc sáng choang.
Thanh Ngân nói:
- Chúng ta phải làm đạo tặc để có quần áo mà mặc, nhưng một bộ áo quần thô thiển của dân chài cũng là một mất mát lớn cho họ. Dãy núi trước mặt hẳn có trang viện lớn, chúng ta hãy đến đó xem sao?
Tú Anh gật đầu đồng ý.
Đúng như Thanh Ngân nói, dưới chân một ngọn núi nhỏ là một trang viện nguy nga, nhà cửa san sát, đèn đuốc sáng như ban ngày, kẻ canh người gác.
Tú Anh vui thích:
- Nếu trang viện này là của cường hào, ác bá, căn cứ của đạo tặc, chúng ta chẳng những lấy quần áo mà còn phải kiếm chút đỉnh làm lộ phí.
Cùng nắm tay nhau, họ họ vượt tường, nương theo các cây cổ thụ, phi thân lên nóc ngôi đại sảnh và nghe tiếng cười nói sung mãn của những người đang ăn uống trong đó chúc tụng nhau.
Tiếng một ông già:
- Tề mỗ được Giang huynh chiếu cố mời đến để ngày mai ra mắt Hoàng lão tiền bối thật là một hân hạnh rất lớn. Từ nay Tề mỗ xin được đặt dưới sự sai khiến của Giang đại hiệp.
Tiếng một trung niên, nội công vào hàng nhất lưu cao thủ:
- Được Tề huynh và chư vị anh hùng đại nam giang bắc đến đây với Giang mỗ để cùng chúc mừng lễ bách tuế đại thọ cho sư phụ thật không có gì hân hạnh cho bằng.
Tiếng một ông già khác:
- Dương đầu đà ta được diện kiến Hoàng lão tiền bối, thì ngày mai có chết ngay cũng thấy vinh dự vô cùng..
Nghe những lời chúc tụng, Thanh Ngân và Tú Anh biết trang chủ là một kẻ giang hồ có tiếng tăm, chuẩn bị lễ chúc thọ một lão tiền bối ở Trung Nguyên nên thấy không cần để ý, rảo mắt nhìn ra hậu viện rồi phi thân đến một căn nhà gần nhất. Thanh Ngân gỡ một viên ngói, nhìn xuống thấy đó là một phòng sách, kéo Tú Anh vượt qua một vườn hoa hồng rộng lớn, bay sang căn nhà lớn đàng sau, căn này có nhiều phòng ốc còn thắp đèn. Gỡ ngói nhìn xuống lần này, Thanh Ngân chợt hốt hoảng, bỏ rơi viên ngói xuống hơi nặng, đèn trong phòng tắt ngay và tiếng một cô gái quát:
- Chuột nhắt dám to gan!
Thanh Ngân kéo Tú Anh bay đến một lùm cây to, thì một bựng ám khí từ phòng cô gái bay lên đánh tan mấy viên ngói, và nháy mắt có ba cô gái phi thân lên mái, hét vọng xuống bọn tráng đinh canh gác bên dưới:
- Tìm bắt gian tế!
Tiếng hét của nàng làm bọn tráng đinh thắp thêm đèn đuốc đổ tới, và nhiều cao thủ phi thân lên nóc nhà lắng nghe động tịnh.
Ẩn mình trong một ngọn cây, Tú Anh truyền âm hỏi Thanh Ngân:
- Ngân ca nhìn thấy con gái thì hốt hoảng đến như vậy hay sao?
Thanh Ngân bóp chặt tay nàng, cười nhẹ:
- Thấy con gái thì tiểu huynh không hốt hoảng, nhưng lại sợ nhìn thấy con gái đang thay áo quần!
Tú Anh nhìn cô gái đứng trên mái mặt hoa phẩn nộ, tai mắt đang để ý bốn phương, nghe ngóng, trêu chọc Thanh Ngân:
- Mừng Ngân ca đã chiêm ngưỡng được thân hình một trang quốc sắc của Trung Nguyên!
Thanh Ngân nheo mắt:
- Nếu nàng là quốc sắc của Trung Nguyên, thì cũng chỉ là một ánh đom đóm bên cạnh Anh muội..
Cô gái quan sát một lúc, thì quát lớn, một làn ám khí theo thế mãn thiên hoa vũ từ tay nàng xé gió bắn tới ngọn cây như mưa. Ám khí của cô gái kình lực rất mạnh, nhưng Thanh Ngân và Tú Anh vẫn nằm yên, đưa tay nhẹ bắt những ám khí bắn tới hướng mình.
Thấy ám khí tung lên ngọn cây chẳng có ai nhảy ra, và cũng không thấy dấu hiệu có người đang ẩn núp trên đó, cô gái cau mày. Một cô gái bên cạnh lên tiếng:
- Tiểu thư có nghe lầm không? Giang hồ ngày nay ai có gan dám đến đây rình mò, và có ai có thể có võ công mà tí tắc tiểu thư không phát hiện được?
Cô gái tặc lưỡi:
- Ta nghe tiếng động trên mái ngói và có cảm giác như bị người nhìn thấy! Hừ! Lạ thật!
Lúc đó, hai thanh niên ăn mặc hoa lệ phi thân tới nơi, một người hỏi:
- Như muội! Việc gì thế?
Cô gái:
- Tiểu muội nghe như có gian tế rình mò, nhưng không phát hiện được gì cả.
Thanh niên thứ hai phe phẩy chiếc quạt trong tay, giọng nịnh bợ:
- Có ai mà có thể ẩn trốn qua khỏi thính lực Hồng hoa tiên tử của Nam Hải đại trang?
Cô gái hình như không có cảm tình với thanh nhiên này, hững hờ:
- Thiên ngoại hữu thiên, ta đâu phải là đại cao thủ trên giang hồ?
Và nàng nói với người thanh niên kia:
- Có thể tiểu muội nghe lầm làm nhọc đến đại ca, xin mời đại ca về phòng an nghỉ.
Nàng nói xong cùng hai tỳ nữ phi thân xuống đất, ra lệnh cho thuộc hạ giải tán. Người anh của cô gái nói với thanh niên cầm quạt:
- Đêm đã khuya, mời Tiền huynh về phòng an nghỉ, tiểu đệ đến đại sảnh xem gia gia có phân phối gì thêm cho ngày mai hay không?
Thanh niên cầm quạt:
- Xin Giang huynh tự nhiên.
Thanh niên họ Giang phi thân trở lại hướng sảnh đường. Thanh niên họ Tiền đứng lại trên mái ngói một hồi lâu rồi phi thân về một căn nhà lớn ở phía Bắc vườn hoa.
Đợi họ đi hết, Thanh Ngân nói:
- Chúng ta đến chỗ tên họ Tiền ở, chắc có thể lấy mấy bộ áo quần vừa ý.
Tú Anh ranh mãnh:
- Tiểu muội không muốn mặc áo quần đàn ông, chỉ muốn Ngân ca lấy một hai bộ áo quần của Hồng hoa tiên tử cho tiểu muội mà thôi.
Thanh Ngân:
- Nếu vậy thì tiểu huynh đành vâng lệnh. Anh muội chờ tiểu huynh giây lát.
Thanh Ngân lấy một nhánh cây khô ném lên mái ngói, cùng lúc bay đến bám ngay trên cửa sổ. Nghe tiếng động cô gái mở cửa phi thân ra ngoài. Đợi hai cô nữ tỳ cũng vọt ra theo, Thanh Ngân như một vệt khói mờ lẫn vào phòng, quơ vội mấy bộ đồ, sẵn tay lấy luôn đôi võ hài dưới chân giường, ít đồ trang sức, rồi cầm khúc cây nhỏ trên tay, mở cửa sổ đối diện bắn xuống vườn hoa. Nghe cô gái trên mái hét lớn, phi thân xuống đất, Thanh Ngân liền chuồn ra, trở lại ngọn cây, kéo Tú Anh:
- Chúng ta đến cuối trang viện ẩn tránh, tiểu huynh trộm cho mình một bộ đồ, rồi rời khỏi nơi đây.
Phía hậu trang giáp sườn núi là một vườn hoa hồng mênh mông, nhìn vườn hoa, Tú Anh nói:
- Trang chủ trang viện này đã bày trận hồng hoa theo cửu cung bát quái, nhưng trận pháp này không thể làm khó cho chúng ta nổi. Ỷ vào trận pháp này, họ sẽ không theo dõi đến đây, tiểu muội đến tàng cây kia ngồi chờ Ngân ca.
Thanh Ngân vọt đi một lúc rồi trở lại, đã ăn vận một bộ võ phục màu đen, và trên tay còn mang theo một hũ rượu lớn, và một con gà to.
Tú Anh cười:
- Ngân ca xứng đáng là diệu thủ hắc quái!
Thanh Ngân cũng cười:
- Tiểu huynh chẳng biết hắn là ai, nhưng thấy thân thể hắn vừa tầm cở với mình, chỉ ngồi đối ẩm với tên thanh niên cầm quạt vừa rồi, mà rượu thịt đầy bàn, nên mượn tạm bộ đồ xong, thì cho chúng nằm nghỉ, lấy thêm mấy thứ này. Chúng ta đi đi thôi.
Bấy giờ có lẽ cô gái tìm không thấy ai, nhưng phát hiện mất áo quần, huy động người trong trang tìm kiếm gian tế. Đèn đuốc trong trang lại thắp sáng ngời, người qua kẻ lại ồn ào, Thanh Ngân và Tú Anh lẫn vào trận hồng hoa, vượt lên núi, nhìn xuống thấy trong Trang cũng còn nhốn nháo. Thanh Ngân muốn ngồi trên đỉnh núi ăn thịt uống rượu qua đêm, nhưng Tú Anh nói người họ đầy muối, phải tìm nơi tắm rửa, và họ phi thân xuống sườn đối diện. Tìm thấy một hồ nước lớn, Thanh Ngân cởi dày, bồng Tú Anh nhảy tùm xuống hồ. Dưới hồ, tiếng Tú Anh dấm dẳn:
- Ngân ca nhớ cô gái nọ phải không?
Tiếng Thanh Ngân cười hề hà:
- Nàng ta chỉ mới trật áo xuống vai, thì tiểu huynh đậy miếng ngói lại ngay. Hơn nữa nàng ta đâu xứng đáng để Anh muội phải khó chịu đối với tiểu huynh.
Một lúc tiếng Tú Anh quát:
- Ngân ca làm gì vậy?
Và tiếng Thanh Ngân:
- Tiểu huynh chỉ muốn giặt bộ quần áo mới mượn cho sạch sẽ!
Nhưng Thanh Ngân vắt bộ quần áo cho khô nước vứt lên bờ, thì dưới hồ Tú Anh lại la:
- Ngân ca! Đừng! đừng! đưa tiểu muội lên bờ..
Họ mặc quần áo, Tú Anh thấy bộ áo lụa màu lục rất vừa vặn với mình, trên ngực áo có thêu một đóa hoa hồng nhỏ rất xinh xắn, Thanh Ngân cầm chiếc lược, nói:
- Để tiểu huynh chải tóc cho Anh muội!
Tú Anh ngoan ngoan để cho Thanh Ngân săn sóc mình, rồi nàng lại chải gỡ lại. Họ âu yếm nhau quên cả rượu và thịt mang theo. Trời gần sáng, họ ngồi bên nhau hành công cho đến lúc tiếng chim kêu vang khắp nơi chào đón bình minh.
Thanh Ngân tìm một ít cây khô đánh lửa hơ con gà cho nóng, xé cho Tú Anh ăn, uống vài hớp rượu, rồi định hướng nam, phi thân ra khỏi khu rừng. Ra tới đường lộ, gặp một nông dân đang kéo một chiếc xe chất đầy lệ chi, Thanh Ngân đón hỏi:
- Xin lão trượng cho biết nơi đây là nơi nào?
Người nông dân kéo xe ngước lên nhìn họ, vội qùy xuống:
- Xin tiểu thư tha lỗi cho tiện nhân, hôm qua vợ tiểu nhân bị bệnh thình lình nên không mang lệ chi đến trang kịp thời hạn.
Thanh Ngân chưa kịp hiểu vì sao lão nông dân làm vậy, thì Tú Anh nói:
- Ta chẳng trách lão đâu, cứ nói cho đại gia đây biết nơi đây là đâu vì hắn chẳng tin lời ta.
Lão nông dân chẳng dám ngửng đầu lên. Lão dạ dạ liên tiếp rồi đáp như cái máy:
- Đây là Mục thôn, phía bắc thành Huệ Châu.
Tú Anh nắm tay Thanh Ngân kéo đi, vừa nói với lão nông dân:
- Ta chẳng quở trách ngươi đâu, hãy đem trái cây đến trang để kịp thời đãi khách.
Thanh Ngân đưa tay lấy mấy trái lệ chi, đi được một đoạn rồi đưa cho Tú Anh nói:
- Lệ chi Huệ Châu nổi tiếng trong thiên hạ, ngày xưa Dương Qúy Phi hàng ngày trông ngóng thứ trái vải ở địa phương này, tiểu huynh ăn trộm đã quen lại trộm đạo ít trái cho Anh muội.
Tú Anh mếm thử trái vải khen lấy khen để, lột cho Thanh Ngân cùng ăn, họ ăn hết mấy trái vải, thì nghe tiếng ngựa từ xa đi tới, Tú Anh nói:
- Trên chiếc áo tiểu muội đang mặc có thêu một đóa hồng là biểu hiệu của cô tiểu thư Nam Hải đại trang, lão nông dân đã nhận lầm tiểu muội với cô tiểu thư nọ, chúng ta tạm tránh đoàn người ngựa trước mặt kẻo lại sinh phiền phức.
Thanh Ngân gật đầu, tránh vào một bụi cây bên đường. Đoàn người ngựa hơn mười người đi qua, Tú Anh nói:
- Ông lão họ Hoàng là ai, mà phái Thiên Long tại Đại Lý cũng đến đây chúc thọ?
Đi một lúc nữa, thì Thanh Ngân và Tú Anh lại phải nép vào các lùm cây sau vệ đường để tránh một đoàn người khác. Đoàn người này đều là nữ nhân, ăn mặc hở hang, hoe hoè kỳ dị, Tú Anh lại nói:
- Đây là người của Miêu cung.
Nhóm nữ nhân Miêu cung đi khỏi, thì một lão già kỳ dị đội một chiếc nón làm bằng sắt thật to như đội chiếc chảo trên đầu, cởi một con lừa nhỏ, nhưng sức phi của nó còn nhanh hơn ngựa chạy.
Lão kỳ dị đi qua, mấy đoàn người nữa tiếp theo xuất hiện, rồi đến một đám ăn mày cầm cây gậy, vừa đi vừa ca hát nghêu ngao. Đám ăn mày đi đến đây, một tên trong bọn nói:
- Làm khất cái chẳng có ngựa cỡi, liên tiếp hít bụi của bọn chúng thật là rõ ghét!
Một tên khác nói:
- Cái bang chúng ta từ lâu chẳng liên hệ gì với Nam Hải đại trang và Đông Hải Vương. Từ ca có biết vì sao mà bang chủ có lệnh cho chúng ta phải đến đấy chúc thọ gấp như vầy không?
Tên họ Từ:
- Cả Phân đà chủ của chúng ta cũng không hiểu huống gì là đệ. Nhưng đệ biết, thì buổi chúc thọ này sẽ có mặt hầu hết các đại phái ở Trung Nguyên, dù từ lâu chính tà không đi lại với nhau, nhưng nghe hình như chùa Thiếu Lâm cũng đưa Giác Minh Thiền Sư của Đạt Ma Đường đến tham dự. Ngày mai sẽ có mặt đầy đủ quần hào khắp nước, lúc đó chúng ta sẽ biết rõ được mọi chuyện.
Thanh Ngân nghe bọn khất cái chuyện trò, biết lão họ Hoàng là Đông Hải Vương Hoàng Tu, người đã giết cha của Thanh Lan, nên bọn khất cái đi khỏi, thì nói với Tú Anh:
- Đây là dịp chúng ta nhìn xem anh hùng nhà Tống như nào? Anh muội có nghĩ chúng ta nên quay lại, trà trộn xem cho biết hay không?
Tú Anh hững hờ:
- Xem anh hùng nhà Tống hay xem tiểu thư Nam Hải đại trang? Nếu Ngân ca muốn xem cô tiểu thư cho kỹ hơn nữa, mà tiểu muội ngăn cản Ngân ca lại thành ra mang tiếng ghen tương, hẹp lượng...
Thanh Ngân cả cười:
- Tiểu huynh chỉ muốn xem lão Đông Hải Vương và anh hùng nhà Tống như thế nào mà thôi, như vậy nhất định Anh muội không phản đối.
Tú Anh mỉm cười:
- Nhưng muốn đi nhất định tiểu muội không thể mặc bộ quần áo của cô tiểu thư kia như thế này, và Ngân ca cũng không thể mặc bộ đồ đang mặc.
Thanh Ngân lấy một xâu chuỗi ngọc dấu trong áo ra nói:
- Xâu chuỗi tiểu huynh ăn trộm này có thể giải quyết dễ dàng cho chúng ta. Chúng ta cứ đến thành Huệ Châu rồi sẽ tính.
Để khỏi gặp những khách giang hồ ở phía Nam đi lên, Thanh Ngân và Tú Anh xử dụng khinh công lựa nơi hẻo lánh mà đi, băng qua những vườn vải Tú Anh lại bức mấy trái, họ vừa đi vừa thưởng thức trái vải Huệ Châu, và gần trưa họ đã đến thành này. Đây là một thành miền Nam, dân chúng sống trong cảnh thanh bình, an lạc, thị tứ đông đảo, trên bến, dưới thuyền, thông liễu xanh um, người qua kẻ lại rất là tấp nập. Cô con gái ở Nam Hải trang hình như ai cũng nghe tên biết tiếng, cho nên Tú Anh mặc áo quần của cô ta đến đâu cũng được mọi người tưởng lầm, vồn vã, kính trọng khôn cùng. Thấy vậy, Tú Anh truyền âm dặn dò Thanh Ngân ít câu rồi kéo vào một tiệm kim hoàn lớn. Thanh Ngân đưa xâu chuỗi ngọc cho chủ tiệm nói:
- Tiểu thư nhà ta muốn cầm xâu chuỗi này bằng năm mươi lạng vàng, ngươi có đồng ý không nào?
Người chủ tiệm cầm xâu chuỗi, nhìn Tú Anh vồn vã:
- Xâu chuỗi này giá đáng ngàn vàng, hơn nữa nếu Giang tiểu thơ cần đùng vàng bạc muốn lấy bao nhiêu thì lấy, tiểu nhân đâu dám làm việc cầm thế.
Tú Anh mỉm cười, thì Thanh Ngân nói:
- Đừng nhiều lời! Cứ đưa chúng ta năm mươi lạng vàng, hai hôm sau ngươi mang xâu chuỗi này lên Nam Hải Đại Trang, tiểu thư sẽ trọng thưởng.
Chủ tiệm nhìn sơ qua đã biết xâu chuỗi ngọc đáng gía hơn năm mươi lạng vàng, hơn nữa lại được phục thị cho Nam Hải trang tiểu thơ nên vội vàng gói năm chục lạng vàng giao cho Thanh Ngân. Chủ tiệm còn từ chối năm ba phen mới dám lấy xâu chuỗi ngọc. Có tiền, họ đi sắm quần áo. Tú Anh bảo Thanh Ngân mua võ phục màu trắng, còn mình sẽ cải nam trang vận võ phục màu đen để xưng làm Hắc Bạch huynh đệ đi phó hội. Sau khi vào một khách điếm, thuê phòng thay y phục và ăn uống no say, Tú Anh kéo Thanh Ngân đến chỗ bán kiếm, mua hai cây kiếm đeo lên vai, và hỏi đường đến một mã trường ngoại thành Huệ Châu mua hai con ngựa.
Lên ngựa Tú Anh cười thích thú:
- Từ đây về sau, võ lâm Trung Nguyên sẽ phải biết đến danh Hắc Bạch nhị hiệp.
Họ phi ngựa đến chiều thì cũng vừa đến cổng Nam Hải Đại Trang.
Dọc đường có nhiều cao thủ phi thân hay vọt ngựa lướt qua họ, thấy sự tương phản ở họ ai cũng phải liếc mắt nhìn, nhưng chẳng ai buồn chào hỏi làm quen, vì thấy tuổi tác, cho họ chỉ là hai võ sinh tầm thường mà thôi.
Môn hạ trong Nam Hải Trang già trẻ đứng sắp hàng trước cổng cả mấy chục người, vừa nhận thiệp mời, vừa chào hỏi khách, vừa đem ngựa đi cột giữ, vừa đón nhận quà biếu vô cùng náo nhiệt. Một thanh niên tiến lại chào hỏi Tú Anh:
- Nhị vị có nhận thiệp mời của gia sư?
Tú Anh nói:
- Anh em tại hạ là Hắc Bạch huynh đệ ở Lôi Châu, một vùng hẻo lánh xa xôi, lại mới bước chân vào giang hồ nên chưa được quen biết Giang đại hiệp.
Thanh niên cau mày:
- Nếu vậy chỉ sợ Nam Hải Trang khó lòng tiếp đón nhị vị.
Tú Anh cười khẩy:
- Đã là một thế gia của võ lâm tên tuổi giang hồ lại đối đãi với khách giang hồ như thế này hay sao?
Thanh niên lớn tiếng:
- Nam Hải Trang lúc nào cũng mở cửa đón tiếp anh hùng hào kiệt bốn phương, cao thủ võ lâm, nhưng cũng không phải tốn rượu thịt với những người mới múa vài đường kiếm, đánh được ít thoi quyền.
Tú Anh cả cười:
- Thế nào là cao thủ võ lâm theo quan điểm Nam Hải Đại Trang?
Nàng cười, thì cánh tay cũng nhẹ phất qua, tên đồ đệ Nam Hải Trang đã bị nàng điểm một lúc mấy đại huyệt trên người, miệng hắn há hốc rồi kêu lớn:
- Ngô đại ca! Hai tên này..
Một trung niên thân thủ nhanh lẹ, nghe kêu vội chạy tới, chân không chấm đất, Tú Anh chấp tay chào gã:
- Anh em tại hạ cũng họ Ngô, tại hạ là Ngô Thương Như và đại ca của tại hạ là Ngô Tương Như kính chào Ngô đại hiệp.
Trong khi chắp tay chào người họ Ngô, nàng cũng đã giải khai huyệt đạo cho tên thanh niên, hắn liền vung chưởng đánh nàng, thì tên họ Ngô hét:
- La đệ! Ngươi làm gì vậy?
Tên họ La giận dữ, nhưng ấp úng:
- Hắn..hắn!
Người họ Ngô biết có việc gì xảy ra, nhưng bình tĩnh chấp tay chào Thanh Ngân và Tú Anh:
- Không biết Ngô huynh đệ giá lâm, La hiền đệ có lỗi lầm xin nhị vị thiếu hiệp thứ lỗi cho.
Luồng ám kình từ tên họ Ngô xô ra mạnh vô cùng, nhưng Tú Anh và Thanh Ngân vẫn đứng yên, chéo áo không lay động. Đợi luồng ám kình đi qua, Tú Anh mới chắp tay:
- Chúng tôi mới ra giang hồ, ngưỡng mộ Hoàng lão anh hùng và Giang anh hùng nên đến đây, chỉ mong được diện kiến, tỏ lòng hoài vọng, nhưng nếu vì không có thiệp mời mà không được vào trang, thì xin kiếu từ. Mong Ngô huynh tha thứ cho sự đường đột vừa rồi.
Nàng nói, chân không nhích động, người bốc lên lưng ngựa, gọi Thanh Ngân:
- Tương Như đại ca! Chúng ta đi thôi!
Tên họ Ngô, thấy võ công của Tú Anh cao thâm như vậy lấy làm khó xử, sợ thất lễ với đệ tử của một cao nhân, đại phái nào đó nên vội vàng:
- Xin mời nhị vị thiếu hiệp, chờ đợi trong giây lát để Ngô mỗ bẩm báo với tổng quản về việc này.
Người họ Ngô dứt lời, chạy vào trang, Thanh Ngân và Tú Anh ngồi trên ngựa chờ đợi. Được một lúc thì từ phía Bắc một đoàn người rất đông, tháp tùng một cổ kiệu lớn đang đi như bay đến cổng trang. Cổ kiệu đến nơi, bọn môn hạ trong trang, vội qùy xuống cung nghinh:
- Chúng đệ tử tham bái lão nhân gia.
Những người khách chưa kịp đưa vào trang bấy giờ cũng qùy xuống đất. Thanh Ngân thấy những người đi sau cổ kiệu, dẫn đầu là hai người khoảng sáu mươi và đi sau là một người khoảng năm mươi, mặt mày quắc thước, râu ba chòm đen nhánh, cước bộ thuộc loại đại cao thủ võ lâm. Hơn hai chục người tuổi từ năm sáu mươi trở lên theo sau, ai nấy cũng thái dương gồ cao, chân đi không vấy bụi. Sau hết là cô gái áo lục trên ngực có thêu hoa hồng và mấy người thanh niên, trong đó có tên họ Tiền, vừa đi vừa phe phẩy chiếc quạt. Thanh Ngân nhận thấy cô gái áo lục mặt hoa mày liễu, rất xinh đẹp, khuôn mặt có nhiều nét chứng tỏ là một cô gái cứng cỏi. Cô ta dù không thể sánh với những hồng nhan tri kỷ của mình như Tú Anh, Thanh Lan, Tiểu Hương và Kiều Linh.. nhưng cũng thuộc hàng quốc sắc thiên hương.
Cổ kiệu và những người lớn tuổi theo sau cổ kiệu đều đi vào cổng, không ai liếc nhìn Thanh Ngân và Tú Anh ngồi trên ngựa, nhưng bọn thanh niên và cô gái áo lục thì dừng chân lại.
Tên họ Tiền phe phẩy chiếc quạt, quát:
- Hai ngươi là ai mà đến đây vẫn nghênh ngang ngồi trên lưng ngựa?
Tú Anh hững hờ:
- Nhà ngươi có phải là trang chủ của trang viện này hay không?
Tên họ Tiền cả cười:
- Lại có tên cuồng đồ dám bắt bẻ với Thiết phiến công tử Tiền Thế Nguyên ta hay sao đây?
Và hắn hét lớn:
- Ta phải làm cho ngươi bò dưới chân ngựa để biết tội vô lễ của ngươi.
Cùng với tiếng hét, hắn phi thân tới tấn công Tú Anh bằng một chiêu thức rất ác độc, cây quạt như một lưỡi gươm nhắm mi tâm nàng đâm tới. Tú Anh trước thế tấn công thần tốc và hung hãn của Tiền Thế Nguyên vẫn ngồi yên trên lưng ngựa.
Cô gái áo lục tưởng Tú Anh võ công yếu kém, chẳng biết tránh đòn, hét:
- Tiền Thế Nguyên! Không được giết người!
Nhưng cô gái không tin ở mắt mình, Tiền Thế Nguyên nghe tiếng quát chưa kịp thu thế lại, thì cây quạt đã bị Tú Anh nắm chặt, và một luồng lực đạo mãnh liệt chuyền sang cổ tay làm hắn nghẹt thở, phải buông ra, phi thân tháo bộ. Tú Anh tỉnh bơ cầm cây quạt xem xét, rồi hỏi Thanh Ngân:
- Cây quạt này chế tạo rất đẹp, đại ca thích nó hay không?
Thanh Ngân cười:
- Hiền đệ nên trả lại cho hắn, chúng ta mới ra giang hồ không nên gây thù kết oán.
Tú Anh le lưỡi:
- Đại ca đã dạy, thì tiểu đệ đành phải trả cho hắn vậy.
Nàng ném nhẹ chiếc quạt xuống chân Thế Nguyên. Cái ném rất nhẹ, nhưng cây quạt xuyên qua mặt gạch như đâm vào miếng đậu hủ, mất cả tăm tích.
Tiền Thế Nguyên mặt mày tái nhợt. Hắn nhìn Tú Anh muốn rách khóe mắt, rồi đâm đầu chạy như ma đuổi, tiếng hét của hắn vọng lại, như điên khùng:
- Thế là hết rồi! Thế là hết rồi! Chẳng thể nào có việc như vầy xảy ra được!
Mấy người thanh niên cùng đi với Thế Nguyên, thấy công lực của Tú Anh, miệng há hốc, người anh cô gái, qua giây phút sửng sờ, chấp tay hỏi:
- Tại hạ là Giang Kiếm Hưng, xin hỏi nhị vị huynh đài là ai? Đến Nam Hải trang chúng tôi với tâm ý như thế nào?
Tú Anh nghiêm chỉnh trả lời:
- Thì ra ngài là thiếu trang chủ! Anh em tại hạ vốn người rừng núi xứ Lôi Châu mới bước chân vào giang hồ, trên đường đến đây nghe Nam Hải đại trang có tiệc chúc thọ định đến chúc mừng Hoàng lão gia và Giang lão gia tỏ lòng ngưỡng mộ, nhưng vì không có giấy mời, không thể vào trang, định ra đi nhưng vị đại ca họ Ngô lại bảo chờ đợi trong giây lát nên còn nấn ná lại đây. Chúng tôi thấy rằng sự hiện diện của mình lại làm cho qúy vị khó chịu xin bái biệt.
Kiếm Hưng lộ vẻ suy nghĩ một chút, rồi vồn vã:
- Tứ hải giai huynh đệ, nhị vị huynh đài đã đến đây chúc thọ sư tổ chúng tôi, Kiếm Hưng xin hân hạnh mời nhị vị lưu lại đôi ngày.
Tú Anh làm bộ hỏi Thanh Ngân:
- Tương Như đại ca! Chúng ta nên đi hay ở?
Lúc ấy tên họ Ngô chạy ra, hướng về Tú Anh:
- Lữ tổng quản xin mời nhị vị vào trang.
Tú Anh vui vẻ:
- Thiếu trang chủ đã có lời mời, Lữ tổng quản cũng không xua đuổi. Đại ca! Tiểu đệ muốn được nhìn Hoàng lão gia cho biết mặt vị tiền bối võ công xuất thần nhập thánh này.
Nàng nhảy xuống ngựa, Thanh Ngân lại chậm chạp leo xuống như không biết võ công.
Kiếm Hưng khách sáo:
- Xin nhị vị cho biết qúy danh để tiện xưng hô.
Tú Anh vái chào:
- Anh em tiểu đệ họ Ngô, đại ca là Tương Như còn tại hạ là Thương Như. Cha mẹ sinh ra một người đen, một người trắng nên sư phụ tại hạ thường gọi là Hắc Bạch huynh đệ.
Kiếm Hưng:
- Thì ra hai vị là Ngô huynh đệ. Hân hạnh! Thật là hân hạnh!
Tú Anh lại chào những người theo Kiếm Hưng:
- Xin được biết tôn danh chư vị để tiện việc xưng hô.
Mấy người Thanh niên lần lượt giới thiệu mình, thì ra họ cũng là khách của Nam Hải Trang, theo sư phụ đến đây, có người ở Hàng Châu, có người ở Kim Lăng, có người ở tận miền Bắc, có người ở tận Tứ Xuyên..
Ai xưng danh tánh Tú Anh và Thanh Ngân cũng vái chào rất khiêm nhường. Người ở Hàng Châu tên là Âu Dương Quốc, một thanh niên tướng mạo khôi ngô, mắt to mày rậm, có vẻ sảng khoái:
- Đi một ngày đàng học một sàng khôn, tiểu đệ chứng kiến võ công của Ngô huynh lòng bội phục vô cùng.
Tú Anh:
- Đất Hàng Châu nổi tiếng trong thiên hạ, lên mười tuổi đại ca tiểu đệ ngày nào cũng ngâm nga mấy thơ của của Tô học sĩ:
Dục bả Tây Hồ tỉ Tây tử
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi
( Tây hồ đâu khác nàng Tây tử
Trang điểm cùng không nét vẫn tình)
Nay gặp Âu Dương huynh ở đây, thế nào chúng tôi cũng sẽ làm phiền Âu Dương huynh đưa đi nhìn cảnh Tây Hồ soi liễu rũ, ngắm sóng Tiền Đường, vọng cảnh Ngô Sơn.
Âu Dương Quốc vui vẻ:
- Nếu được kết bạn cùng nhị vị, Âu Dương Quốc này thật lấy làm tam sinh hữu hạnh.
Âu Dương Quốc kéo tay một thanh niên khác nói:
- Lưu huynh ghé Hàng Châu với Tiểu đệ mấy ngày, chẳng còn muốn về Tứ Xuyên nữa.
Người họ Lưu ở Tứ Xuyên, tên là Lưu Chí Đại mỉm cười:
- Hàng Châu quá đẹp, nhưng Thập Vạn Đại Sơn hẳn cũng có nhiều nơi danh thắng, được quen nhị vị Ngô huynh, một ngày nào đó tiểu đệ lại được nhìn ngắm non nước Lôi Châu.
Tú Anh cười lớn:
- Thành Đô là đất văn vật đời nay, không biết bao nhiêu di tích lịch sử còn lưu truyền. Anh em tại hạ muốn đến Kỳ Sơn, lên núi Định Quân bái mộ Vũ hầu. Quen được Lưu huynh thật là tiện nghi cho chúng tôi.
Bọn thanh niên mỗi người một câu, không khí liền trở nên thân mật. Cô gái áo lục nãy giờ chưa được ai giới thiệu, định bỏ đi, thì người anh đã nhận thấy lỗi mình vội giới thiệu nàng:
- Tuyết Như là em gái của tại hạ, xin giới thiệu cùng Ngô nhị huynh đệ.
Tú Anh bái dài:
- Hồng hoa tiên tử nức tiếng giang hồ, anh em tại hạ nghe danh đã đầy lỗ tai hôm nay mới được gặp thật là quá trễ.
Tú Anh cải nam trang, che dấu dung mạo rất nhiều, nhưng không khác gì cây ngọc trước gió, võ công làm kinh dị mọi người, mà Tuyết Như lại hình như không cảm tình với nàng, lạnh nhạt:
- Ngô huynh thật quá lời!
Rồi nàng nói với người anh:
- Tiểu muội vào trước trong trang, mọi việc ở đây xin đại ca lo liệu.
Nàng nói xong đi ngay. Thái độ của nàng làm mọi người hơi cụt hứng. Kiếm Hưng vội nói mấy lời khỏa lấp, rồi mời mọi người vào trang. Bấy giờ, một trang viên rộng lớn gần như bao la của Nam Hải Trang, sân cỏ, bờ sen, nhà thủy tạ, chỗ nào cũng có anh hùng hào khách tụm năm, tụm ba chuyện vãn với nhau. Bọn thanh niên đi theo Kiếm Hưng gặp người quen của mình, cáo lỗi với Thanh Ngân, Tú Anh rồi kẻ đến chỗ này, người đi chỗ khác. Kiếm Hưng dặn người họ Ngô lo chỗ ở cho hai người rồi xin lỗi:
- Tại hạ nhiều việc bên người, không thể đích thân hầu tiếp Ngô nhị huynh đệ, xin thứ lỗi. Mong hai vị cứ tự nhiên cho. Trong bữa cơm đạm bạc tối nay chúng ta gặp lại.
Vì phòng ốc trong trang đều có người ở, người họ Ngô đưa họ đến một căn phòng nhỏ gần vườn hoa hồng sát bìa núi. Vào phòng, Tú Anh lăn lên chiếc giường nhỏ, cười nói:
- Gần cả tháng nay mới biết đến chiếc giường, nhưng chiếc giường thô sơ, nhỏ bé như thế này nằm chỉ đau lưng thêm mà thôi.
Thanh Ngân thấy trên bàn có bình rượu, rót uống một chén, rồi phàn nàn:
- Anh muội lấy hai cái tên của chúng ta tiểu huynh áy náy vô cùng. Thật ra không nên dỡn cợt với cô gái ấy làm gì.
Tú Anh bỉu môi:
- Ngân ca đã lo lắng cho cô ta rồi sao? Nếu biết Ngân ca lo lắng cho cô ta thì tiểu muội càng chọc ghẹo cô ta hơn nữa.
Thanh Ngân cười:
- Anh muội chọc ghẹo thêm cô ta, tiểu huynh càng thấy tội nghiệp, hình ảnh cô ta lần lần ăn sâu vào tâm khảm thì cũng khổ cho tiểu huynh thật!
Tú Anh chồm mình dậy:
- Ngân ca dám!
Nàng vung tay đánh, Thanh Ngân nắm tay nàng kéo vào lòng mình, đôi mắt đắm đuối:
- Anh muội có biết rằng trên đời này, Anh muội không cần phải ghen với bất cứ ai không?
Tú Anh trề môi:
- Sao lại bảo tiểu muội ghen?
Thanh Ngân:
- Chỉ nghe tiểu huynh nói nhìn thấy nàng.. thì Anh muội đòi lấy áo quần của nàng và rồi đặt hai cái tên của chúng ta để chọc ghẹo nàng, như thế là vì việc gì?
Tú Anh chợt khóc:
- Vâng, tiểu muội đã khó chịu, nhưng tại sao tiểu muội lại như vậy? Ngân ca đã chẳng có bốn năm cô gái rồi sao?
Thấy Tú Anh khóc, Thanh Ngân vừa buồn vừa hốt hoảng:
- Anh muội đừng như vậy nào! Người ta nghe thấy! Anh muội có đánh giết hành hạ tiểu huynh thế nào cũng được nhưng trách tiểu huynh có nhiều người yêu, thì tiểu huynh chẳng biết phải làm sao.
Tú Anh im lặng một phút, chợt cười, vuốt nhẹ mặt Thanh Ngân:
- Tiểu muội xin lỗi Ngân ca, đừng buồn vì sự phi lý của tiểu muội vừa rồi. Tiểu muội hứa sẽ không chọc ghẹo cô Tuyết Như ấy nữa.
Thanh Ngân bế nàng lại giường:
- Để tiểu huynh đấm lưng cho Anh muội nghỉ. Chuộc lỗi với Anh muội.
Tú Anh bá chặt cổ :
- Chỉ đấm lưng thôi nhé! Ngân ca làm gì tiểu muội không chịu đâu.
Thanh Ngân mân mê bờ lưng của Tú Anh một lúc, nàng xoay người kéo Thanh Ngân nằm xuống, thì nghe có nhiều tiếng chân người đi về hướng phòng mình. Họ lắng tai nghe, tiếng một người rổn rảng:
- Bọn khất cái chúng ta bị khinh thường mất rồi! Họ đưa mình đến gian nhà nhỏ này, trong khi những người khác thì lại ở những căn nhà khang trang, sang trọng.
Một người trong bọn càu nhàu:
- Lỗ hiền đệ không nên nói vậy, họ có quá nhiều khách, mà anh em chúng ta ở các phân đàn Nam Bắc đều có cho người đến đây, chúng ta đến sau, không nên trách họ.
Người họ Lỗ:
- Chúng ta những mười người, mà dành cho căn nhà nhỏ này, thì đêm nay chỉ nằm dưới đất.
Một người lên tiếng:
- Căn nhà này có hai phòng, chúng ta chỉ được một phòng mà thôi. Phòng kia đã có người ở rồi.
Người họ Lỗ:
- Mẹ kiếp! Cả căn nhà này còn chật cho bọn ta, thì một phòng làm sao nhét cho hết?
Tiếng nói già nua mắng người họ Lỗ:
- Lỗ hiền đệ im miệng lại không? Người cái bang chúng ta lấy trời đất làm nhà, vĩa hè, đường phố đâu đâu cũng có thể ngủ được. Đã có một căn phòng mà than thở, trách móc nỗi gì?
Một người cười hỉ hả:
- Đêm nay tiểu đệ đi kiếm ít vò rượu và một miếng thịt chó về đây, thì Lỗ đại ca sẽ không còn phàn nàn phòng chật hay rộng nữa.
Những người cái bang cất tiếng cười ồ, họ mở cửa và ùa vào phòng bên, cả căn nhà nhỏ rung rinh dưới bước chân, và sự ồn ào của họ.
Thanh Ngân kề tai Tú Anh:
- Có bọn cái bang ở bên, thì đêm nay tiểu huynh phải vát Anh muội ra bờ hồ!
Tú Anh chồm lên người cười khúc khích, thì thào:
- Ngân ca không có gan vát đi bây giờ, thì đêm nay không thể được. Chúng ta nên dọ thám xem họ làm gì, vì tiểu muội thấy đây không phải là tiệc chúc thọ bình thường, mà giang hồ Trung Nguyên đang làm gì đó.
Thanh Ngân ôm chặt nàng:
- Tiểu huynh nghe theo mệnh lệnh của Anh muội! Bây giờ chúng ta làm gì cho hết thì giờ nào?
Tú Anh úp mặt xuống ngực Thanh Ngân:
- Hát cho tiểu muội ngủ.
Thanh Ngân:
- Tiểu huynh hát thì bọn cái bang bên cạnh cũng ngủ cả.
Tú Anh:
- Vậy thì vuốt lưng cho tiểu muội.
Họ âu yếm nhau một lúc, thì nghe có tiếng chân người đến cửa và lên tiếng:
- Thiếu chủ nhân xin mời Ngô đại gia và Ngô nhị gia đến đại sảnh dùng cơm.
Tú Anh nói vọng ra:
- Chúng ta sẽ đến ngay, xin nhắn lời cảm ơn Giang thiếu hiệp.
Cả hai sửa soạn lại áo quần, đầu tóc rồi dắt tay nhau đến đại sảnh. Dọc đường họ thấy người trong trang mang cơm nước, rượu thịt đến nhiều căn phòng, trong khi đó nhiều người cũng lục lục kéo đến đại sảnh. Những kẻ đi đến đại sảnh ai ai cũng vũ khí hiên ngang, cước lực phơi phới. Thanh Ngân và Tú Anh đoán rằng chỉ những người có tên tuổi, võ công cao được sự kính trọng của Nam Hải trang mới được mời dự tiệc tối nay.
Đến nơi, Thanh Ngân và Tú Anh được đưa vào một bàn ở dãy cuối cùng, đều là những là những người còn trẻ, có người khoảng ba mươi, có người khoảng mười tám, mười chín, có lẽ họ là đệ tử của những nhân vật tên tuổi, danh môn đại phái. Thanh Ngân liếc sơ qua nhận thấy trong đại sảnh có trên ba trăm người. Dãy bàn đầu dành cho những ông già đầu tóc bạc phơ, rồi kế đến là những người lớn tuổi, có tăng, có tục, có đạo sĩ, có khất cái. Chiếc bàn giữa trải khăn đỏ chỉ có năm người ngồi là hai ông già, một nhà sư, một nữ ni và ông lão đội chiếc chảo sắt mà Thanh Ngân gặp sáng nay. Nhà sư gầy như que củi, còn hai ông già một người ăn mặc rách rưới, tóc bạc để phủ xuống vai, còn một người mặc áo đạo sĩ, áo có vẽ hình thái cực trông rất tiên phong đạo cốt. Khi Thanh Ngân và Tú Anh bước vào, bọn Âu Dương Quốc bước lại đon đả chào mời, kéo về bàn mình. Phía trước bàn họ là bàn mấy cô gái Miêu cung ăn mặc hở hang. Mấy bàn kế bên đều có một hay hai cô gái đang ngồi với đám thanh niên, có lẽ là sư huynh đệ đồng môn. Bàn xa hơn một chút có một cô gái bạch y thuộc hàng quốc sắc, tuổi độ mười tám mười chín tuổi, gương mặt đoan trang, qúy phái, ngồi chung quanh là những tráng hán to lớn thái dương gồ cao, tất cả đều rất lạnh lùng, chẳng quan tâm đến ai. Cô gái quá đẹp, bọn thanh niên thỉnh thoảng lén mắt liếc nhìn nhưng mặt cô ta vẫn như phủ một màn sương. Thanh Ngân và Tú Anh, một người đen như than mặc đồ trắng, còn một người trắng trẻo mặc đồ đen trông rất trái ngược, kỳ dị, tất cả những cặp mắt bọn thanh niên đều ngước lên nhìn họ, có cô gái nhìn thấy Tú Anh chợt cúi đầu, nhưng bên bàn cô gái áo trắng đang ngồi, chẳng ai có một cái liếc mắt nào chứng tỏ chú ý trước sự kỳ dị đó.
Âu Dương Quốc lớn tiếng giới thiệu với anh em cùng bàn:
- Đây là Ngô nhị huynh đệ, người Lôi Châu võ công thuộc hàng đại cao thủ, đêm nay chúng ta hân hạnh được chén thù chén tạc với nhị vị Ngô huynh.
Thanh Ngân và Tú Anh tỏ đôi lời khiêm nhượng rồi ngồi vào bàn. Âu Dương Quốc giới thiệu những người ngồi chung với Thanh Ngân, Tú Anh, thì ra những người trong bàn này là đệ tử của những bang phái đến đây chỉ có hai sư đồ. Họ không thể ngồi ngang hàng với sư phụ nên được xếp ngồi cùng nhau.
Thanh Ngân và Tú Anh vừa yên vị, thì phía trên một ngưòi có nội lực rất sung mãn hô lớn:
- Hoàng lão gia giáng lâm.
Sau tiếng hô, cửa hậu sảnh mở rộng, lão trang chủ và hai con hộ vệ một lão gìa to lớn, râu tóc bạc phơ, nhưng da mặt hồng hào, quắc thước bước ra ngoài, lão già cung tay chào mọi người:
- Được Tiền bang chủ, Giác Minh thiền sư, Nga Mi thần ni, Thiên Trì quái hiệp, Chung Nam đạo trưởng, chưởng môn nhân các phái, chư vị anh hùng đến thăm đông đủ như hôm nay thật là một thịnh sự trong đời chưa bao giờ lão phu dám nghĩ đến.
Lão già tiếng nói rất trầm hùng. Qua tiếng nói của lão Thanh Ngân biết lão có cả trăm năm công lực. Nội công của lão không bằng Phan Ma Lôi và mình, nhưng cũng không kém những dị nhân ở Đại Việt như Ngọc Hoa Lão Nhân, Lang Cung Thần Kiếm.
Lão bước ra mọi người cùng đứng lên nghinh tiếp, nhiều tiếng hô lớn, đa số xuất phát từ cánh hữu của đại sảnh:
- Hoàng đại vương phước trạch tề thiên.
Bấy giờ, Thanh Ngân để ý kỹ hơn, thì thấy những người được xếp ngồi bên cánh tả hầu hết là đạo sĩ, khất cái và những nhân vật nghiêm trang. Còn bên hữu thì có rất nhiều người ăn mặc quái dị, mặt mày hung ác.
Lão Hoàng khoát tay:
- Lão phu đã cất lều tranh để ẩn cư, không còn cởi thuyền xuôi ngược đại dương, xin chư vị anh hùng đừng nhắc lại tiếng đại vương nữa. Xin cứ gọi lão phu là Hoàng lão.
Những người đã từng lớn tiếng chúc tụng, có vẻ hơi bối rối, nhưng rồi nịnh hót:
- Hoàng lão thần tiên đã dạy, chúng tôi nhất nhất vâng lời.
Nhiều ánh mắt của những người ngồi phía tả, kín đáo liếc về phía những người lên tiếng có vẻ khó chịu. Hai người con lão trang chủ đưa Đông Hải Vương vào chiếc bàn đỏ, chào hỏi những người ngồi ở bàn đó rồi ngồi xuống, thì mọi người mới lục tục ngồi lại ghế mình.
Lão trang chủ cung tay chào khắp nơi rồi nói:
- Trước hết Giang Như Phong tôi xin cảm ơn chư vị tiền bối, các vị chưởng môn, anh hùng hai đạo hắc bạch đã có mặt hôm nay. Ngày chúc thọ gia sư được qúy vị có mặt đông đảo như thế này, nhị vị sư huynh, Giang Như Phong tôi và Nam Hải đại trang vô cùng vinh dự. Nhưng sở dĩ hai đạo hắc bạch võ lâm qui tụ được nơi đây hôm nay, đấy là nhờ ơn của Gia sư, Tiền lão bang chủ và Chung Nam đạo trưởng đã thấy tình trạng nguy hiểm cho con dân nhà Tống chúng ta trước sự đe dọa của Mông Cổ, mong võ lâm chúng ta đoàn kết để cùng đối phó với sự đe dọa này. Hẳn một số chư vị chưa biết Mông Cổ là người thế nào? Tại sao chúng ta phải đoàn kết với nhau? Trong bữa cơm này, Chung Nam đạo trưởng sẽ trình bày tường tận cho qúy vị, để chúng ta cùng suy nghĩ và ngày mai, sau tiệc chúc thọ gia sư, chúng ta góp ý để cùng nhau có thể tìm ra giải pháp đồng tâm hiệp lực đối phó với kẻ thù chung. Tại hạ xin kính mời Chung Nam đạo trưởng.
Nhiều tiếng xầm xì vang lên. Vị đạo sĩ ngồi cùng bàn với Đông Hải Vương, Bang chủ cái bang.., đứng lên chắp tay chào mọi người. Ông ta nói như kể truyện, tiếng nói ôn tồn, nhưng ai cũng nghe rõ nuồn nuột:
- Bần đạo sỡ dĩ biết nhiều về Mông Cổ, và cảm thấy Mông Cổ là một đe dọa cho nhà Tống nước ta, gấp trăm ngàn lần so với sự đe dọa của vua Kim trước đây vì gia sư của bần đạo là người nước Kim, tên hiệu là Trường Xuân Tử...
Nghe tên Trường Xuân Tử có nhiều tiếng xầm xì, rồi một người lớn tiếng:
- Trường Xuân Tử được vua Mông hậu đãi, từng đi hơn mười ngàn dặm đến hành dinh vua Mông cầu thuốc trường sinh cho hắn, và trở về được ban cấp ngôi Trường Xuân đạo viện ở Yên Kinh nguy nga đồ sộ, đền đài chồng chất, thì Chung Nam đạo trưởng lại kêu chúng tôi chống quân Mông Cổ ai mà tin được?
Chung Nam đạo trưởng ôn tồn:
- Sái Châu La đại hiệp cũng biết sư phụ bần đạo khi sinh tiền cũng đã được vua Kim, và cả vua Ninh Tông của bản triều cho vời nhiều lần, nhưng không bao giờ đến. Ngài là người Kim, mà quân Mông Cổ đã tàn sát người Kim như thế nào, gần bốn trăm thành quách bị san bằng, Yên Kinh lửa thiêu cả tháng trời, thây chất cao như núi, thì một người Kim như sư phụ bần đạo lại có thể xu phụ vua Mông Cổ hay sao?
Chung Nam đạo trưởng thật buồn:
- Hỡi ơi! Cái oan của sư phụ bần đạo khó ai mà biết được, một người đạo cao, đức trọng, võ công vang danh trong bốn biển như lão nhân gia vẫn bị người khống chế ai mà tin được?
Giang Như Phong hướng về người vừa chất vấn:
- Mong La đại hiệp và chư vị anh hùng để cho Chung Nam đạo trưởng trình bày hết tất cả mọi việc người muốn nói rồi chúng ta sẽ đặt câu hỏi với đạo trưởng sau. Chư vị có đồng ý lời đề nghị của tại hạ?
Mọi người im lặng gật đầu, Chung Nam đạo trưởng tiếp lời:
- Như qúy vị đã biết, sư phụ bần đạo là một dị nhân của võ học. Hoàng lão đại hiệp lúc gần bảy mươi tuổi cũng đã tìm đến sư phụ tại hạ ấn chứng võ công, và một thái sơn bắc đẩu trong võ lâm chúng ta hiện nay như Hoàng lão đại hiệp cũng đã biết rõ võ công của sư phụ tại hạ như thế nào.
Đông Hải Vương Hoàng Tu vuốt râu:
- Mấy chục năm trước lão vùng vẫy khắp giang hồ, đông hạ Đông Doanh thần kiếm khách chưa quá ngàn chiêu, nam đả tử Tiêu Dao đảo chủ. Mấy chục năm tung hoành, xuống nước, lên bộ không tìm đối thủ, máu sính cường vẫn còn đầy dẫy nên thách đấu với Trường Xuân chân nhân. Trận đấu đó lão phu tin tưởng có thua Trường Xuân chân nhân cũng phải qua lại mấy ngàn chiêu, nhưng chưa quá ba trăm chiêu lão đã bị Trường Xuân lão gia kiềm chế. Cũng nhờ trận đấu ấy và được chân nhân điểm hóa, mà lão phu biết câu ngoài trời có trời, thay đổi tính tình, rèn luyện thêm công lực và đạo đức của mình. Từ đó lão phu đã ngăn ngừa thuộc hạ lạm sát, đem tài của cứu tế kẻ khốn cùng. Võ công, đạo đức của Trường Xuân lão nhân gia có thể sánh với thần tiên, là người mà lão phu lúc nào cũng vô cùng tâm phục.
Mấy lời nói của Đông Hải Vương Hoàng Tu làm cả căn phòng nổi lên những tiếng ồn ào vì ngạc nhiên, rồi im phăng phắc.
Chung Nam đạo trưởng:
“ Cảm ơn Hoàng lão huynh đã ca ngợi ân sư. Võ công của ân sư như thế, nhưng không ngờ khi Thành Cát Tư Hãn đem thơ vời sư phụ về phương Tây để truyền thuật trường sinh cho ông ta, thì sư phụ đã không còn tự chủ được! Khi tiếp sứ giả, sư phụ lão nhân gia nói rằng trên đời không có thuật trường sinh bất tử, Thiết Mộc Chân đừng mong những việc viễn vông và buộc người phải làm một việc mà từ thiên cổ đến nay không ai có thể làm được, thì người sứ giả nói: “ Ta không cần biết trên đời có thuật trường sinh hay không, nhưng Đại Hãn đã nghe tiếng đạo sĩ cho vời, mà đạo sĩ kháng lệnh, thì đạo quán sẽ bị san bằng thành bình địa, và đạo sĩ sống hay chết ta cũng phải mang đạo sĩ nộp cho Đại hãn.”. Lời nói vô lễ của tên sứ giả làm tất cả sư huynh đệ bần đạo tức giận, quyết sống chết với chúng một phen, nhưng sư phụ bần đạo lại khoát tay:
- Ta ngồi trên ghế này, nếu các ngươi có thể lại gần và làm cho ta phải rời ghế, thì ta sẽ đồng ý đi với các ngươi ra mắt Đại hãn.
Sư phụ bần đạo tin tưởng võ công của mình, khó ai có thể lại gần và có thể buộc ông ta rời chiếc ghế đang ngồi được. Không ngờ đàng sau tên sứ giả có tiếng người cười lớn:
- Nếu trong vòng một trăm chiêu, ta không làm ngươi phải nhảy tránh, thì chúng ta đành chịu để Đại hãn chặt đầu, nhưng sẽ không động đến khóm hoa, bụi cỏ trong đạo quán nhà ngươi.
Tên đó nói xong, tung chưởng đánh sư phụ bần đạo, chưởng lực của hắn đưa ra làm sư phụ bần đạo biến sắc mặt. Chưa bao giờ bần đạo thấy một trận đấu dữ dội như vậy. Sư phụ bần đạo đã luyện thần công đến độ chưởng kình phát ra không hình tích, còn tên nọ thì sức chưởng đưa ra có thể xô sập cả núi, như thế còn kém sư phụ bần đạo mấy thành, nhưng lão nhân gia ngồi trên ghế, không thể di động, còn tên Mông Cổ thì ngược lại, nên chưa đầy trăm chiêu, thì chiếc ghế mà sư phụ bần đạo ngồi nát như cám, người không thể ngồi được nữa phải đứng lên, như thế người đã thua và phải giữ lời hứa của mình.
Nhiều tiếng bình phẩm:
- Trường Xuân Tử tự thị quá mà hại mình!
Có người hỏi:
- Tên Mông Cổ ấy là ai?
Chung Nam đạo trưởng:
- Lúc sư phụ và bần đạo phải theo bọn sứ giả Mông Cổ vượt trên mười ngàn dặm đường đến phương Tây, trong chuyến hành trình dài hơn một năm trời ấy không còn gặp tên nọ lần nào. Lúc ở trong hành dinh của vua Mông, nhận thấy trong hàng võ sĩ của chúng cao thủ hàng ngàn, có người Thổ phồn, có người Tây Hạ, có người Kim và võ sĩ của những nước phía Tây bị Mông cổ xâm chiếm, nhưng không có ai võ công cao như tên nọ. Ngày sư phụ được vua Mông cho về Biện Kinh, anh em bần đạo để ý dò la, thì mới biết tên Mông Cổ hôm ấy chính là Tam Nhãn Thần Quân Dương Mộ Dung.
Cái tên Dương Mộ Dung làm cho nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng làm cho nhiều người lộ vẻ kinh sợ.
Một ông cụ ngồi kế bàn dành cho Đông Hải Vương và những người tuổi đã tám chín chục nói:
- Tam Nhãn Thần Quân luyện cả hai môn Càn nguyên khí công của Thiên Sơn và Huyền Linh thần công của Huyền Linh đạo nhân, võ công cực cao nhưng đâu có thể có võ công như đạo trưởng đã tả?
Chung Nam đạo trưởng:
- Cách đây năm năm, bần đạo tình cờ gặp được một người Mông Cổ bị đánh đứt hết gân mạch nằm chờ chết ở sa mạc, bần đạo cho hắn uống mấy hớp nước, tỉnh lại hắn nói tên là Ba Đại Xích, học trò của pháp sư Cốc Chu, tìm Tam Nhãn Thần Quân Dương Mộ Dung để trả thù cho sư phụ, nhưng võ công còn thua xa nên bị Tam Nhãn Thần Quân đánh đứt hết gân mạch toàn thân nằm chờ chết. Theo lời Ba Đại Xích, cũng như những gì mà bần đạo nghe biết về pháp sư Cốc Chu, thì Cốc Chu là một dị nhân của Mông Cổ, năm lên mười bảy tuổi, nội công đã đạt đến cảnh giới ngồi trên đỉnh núi tuyết có thể làm tuyết cả hòn núi phải tan. Khinh công như qủy mị, đi đứng không thấy hình ảnh, có thể bay là là trên mặt đất. Cốc Chu không có tài điều binh khiển tướng như Thiết Mộc Chân, nhưng hắn có võ công quá cao, bày trò như thần thánh, lại làm pháp sư cho Mông Cổ, xưng mình là thừa sai của trời, nên hai người mà dân Mông Cổ tôn sùng nhất lúc bấy giờ là Thiết Mộc Chân và pháp sư Cốc Chu.
Nhận thấy sự sùng mộ của dân chúng đối với Cốc Chu là một đe dọa cho quyền uy của mình, một hôm Thiết Mộc Chân đã sai em là Tê Mô Gu đem cả ngàn cao thủ vào hành dinh phục sẳn mời Cốc Chu đến rồi bao vây.
Dù võ công cái thế, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, Cốc Chu bị đánh gãy xương sống thành nhiều khúc, xương tay chân bị đánh gãy nhiều đoạn, gân tay gân chân bị cắt đứt, thân thể không còn cử động được. Để tránh tiếng giết Cốc Chu, người mà dân Mông Cổ cho là sứ giả của trời, Thiết Mộc Chân cho người ném Cốc Chu xuống một vực sâu chẳng thấy đáy, nơi mà dân Mông Cổ cho rằng đó là cửa địa ngục chẳng ai dám bén mãng tới, cho mất xác. Việc Cốc Chu mất tích được Thành Cát Tư Hãn tung tin ra là trời đã sai thiên sứ xuống triệu Cốc Chu về thiên cung, từ đây mọi việc dưới trần trời ủy thác cho Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân. Dân chúng Mông Cổ tin là không ai có thể hại nổi Cốc Chu, hơn nữa Thiết Mộc Chân đem đến cho họ hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, tất cả dân Mông Cổ đều trở nên giàu có nên chẳng ai cần phải đặt một nghi ngờ về việc Cốc Chu tại sao mất tích. Ngay thân phụ của Cốc Chu là ông Uông Lịch, vốn là cha kế của Thiết Mộc Chân, các đệ tử của Cốc Chu cũng không ai biết việc Cốc Chu bị hại. Tuy nhiên, một tình cờ, hôm Cốc Chu bị hại, Ba Đại Xích đi săn bắn và đã đuổi một con chồn trắng đến gần bờ vực. Trong lúc ẩn núp rình con mồi, Ba Đại Xích thấy cao thủ của Thành Cát Tư Hãn mang một bao lớn ném xuống vực, và nghe một trong hai người nói với nhau: “Thế là rồi đời một tên pháp sư, lúc nào cũng chống đối với Đại Hãn”. Tên khác la mắng tên nọ “ Nếu ngươi không kín lỗ miệng, cả gia đình ngươi gà chó cũng không còn một mạng”. Ba Đại Xích đợi họ đi khỏi, trở về nhà không thấy sư phụ. Nghi ngờ sư phụ của mình bị hại, nên lấy giây mang theo thòng xuống đáy vực và bất chấp nguy hiểm leo xuống để điều tra, và hắn đã cứu Cốc Chu.
Dù xương sống bị đánh gãy làm ba khúc, xương chân, xương tay cũng gãy cả Cốc Chu vẫn chưa chết và bảo Ba Đại Xích mang mình đi thật xa, đừng cho ai biết, nếu không thì tất cả anh em, đệ tử của ông sẽ phản ứng và sẽ bị Thiết Mộc Chân giết sạch. Ba Đại Xích đã mang sư phụ mình đến Thiên Sơn, tìm một bí động để Cốc Chu dưỡng thương. Trong một năm, Cốc Chu trị thương, nội công tăng lên nhiều nhưng gân mạch không thể làm liền lại. Vẫn phải nằm một chỗ. Trong thời gian này Dương Mộ Dung tình cờ phát hiện hành tung của Ba Đại Xích, theo dõi đến nơi trú ngụ của thầy trò họ. Võ công của Ba Đại Xích không cản nổi Dương Mộ Dung bước vào thạch động, nhưng khi Dương Mộ Dung ra tay, Cốc Chu nằm một chỗ mà hắn vẫn không đả thương ông ta được. Thấy võ công kỳ dị của Cốc Chu, Dương Mộ Dung chẳng những bỏ ý định làm khó dễ họ mà còn mời Cốc Chu và Ba Đại Xích về Thiên Sơn, để đàng sau biệt điện tận tình chăm sóc.
Cốc Chu biết mình không thể nào trị lành thương thế để đích thân trả thù Thiết Mộc Chân, thấy đệ tử Ba Đại Xích không phải là người có tâm cơ mưu trí để mưu việc trả thù, Cốc Chu đề nghị kết nghĩa anh em truyền tâm pháp võ công của mình cho Dương Mộ Dung. Hơn một năm, Dương Mộ Dung tập luyện được hết võ công của Cốc Chu, rồi Cốc Chu còn truyền bớt cho hắn một nửa công lực của mình, sai đi lấy đầu Thiết Mộc Chân, và thông báo tin mình bị hại cho đồ đệ, hiện là những người giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội Mông Cổ, mưu việc phục thù.
Nhưng Cốc Chu không ngờ, khi đã học hết võ công và được truyền tặng một nửa công lực của mình, Dương Mộ Dung đã cười lớn:
- Ta muốn tiêu diệt nhà Tống, giết hết những người họ Triệu, hiện giờ chỉ có vua Mông Cổ là có khả năng giúp ta, thì làm sao ta lại nghe theo lời ngươi được? Nể tình nhà ngươi đã chỉ điểm thêm võ công và truyền tặng công lực cho ta, ta ném hai thầy trò ngươi xuống xà vực, chết sống sẽ do trời đất định liệu cho hai ngươi.
Hắn kiềm chế Ba Đại Xích, rồi xách hai thầy trò Cốc Chu ném xuống một hang rắn không thấy đáy trên Thiên Sơn. May mắn cho hai thầy trò họ, dưới đáy vực là một hồ nước sâu. Cốc Chu có thuật sai khiến rắn nên thầy trò họ không chết. Dưới đáy vực, Cốc Chu ngày ngày đêm truyền võ nghệ cho Ba Đại Xích. Mật rắn có công dụng bồi nguyên bổ khí, nhưng Ba Đại Xích phải mất trên mười năm mới luyện hết võ công của thầy và Cốc Chu trút hết tất cả công lực còn lại của mình cho đệ tử và từ giã cõi đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Cốc Chu dặn Ba Đại Xích phải cẩn thận trong việc báo thù, nếu thấy Dương Mộ Dung đã luyện đến mức chưởng lực tung ra không còn hình tích, thì đã trở thành tuyệt đại cao thủ, phải ẩn nhẫn chờ đợi. Nhưng thoát khỏi vực sâu, Ba Đại Xích đi thăm dò thì tất cả đệ tử của thầy bây giờ đã bị chết ở sa trường, hay bị Thiết Mộc Chân giết hết. Quá phẩn hận, Ba Đại Xích bôn ba tìm Dương Mộ Dung. Sau mấy năm Ba Đại Xích mới dò tìm tung tích của Dương Mộ Dung, chận đường tử chiến, rồi bị Dương Mộ Dung đánh tử thương nằm chờ chết và bần đạo tình cờ gặp được. Sau khi nghe Ba Đại Xích kể đầu đuôi mọi ân oán giữa hắn và Dương Mộ Dung cho bần đạo nghe, họ Ba từ giã cõi đời.

No comments:

Post a Comment