Aug 23, 2012

Nam Thiên Đại Hiệp - Hồi 64



NAM THIÊN ĐẠI HIỆP

Tác giả: Vũ Quân

Quyển IV - Hồi Thứ 64
Kiều Linh từ biệt, Bảo Ngọc mưu toan.
Lạc chân kỷ viện, buồn đau tham vọng giang hồ.


Thanh Ngân lại bàn viết toa thuốc. Thanh Ngân học hành không nhiều năm như những nho sĩ chuyên lo đèn sách, nhưng là người có võ công tuyệt thế, nên nét chữ sắc sảo như rồng bay phụng múa, nho sĩ không ai có thể viết được như vậy.

Thanh Ngân trao mấy toa thuốc cho Trần Chu Phổ, ông ta mở to mắt nhìn sững. Ông ta không những chỉ thất thần trước nét chữ tuyệt vời, mà là người rành y thuật, dù không hiểu nổi sự vận dụng tính khắc chế của những món thuốc theo toa của Thanh Ngân, ông cũng hiểu đây là toa thuốc mà chỉ có những đại danh y mới có thể ra toa như vậy. Sửng sờ một lúc, Trần Chu Phổ chắp tay:
- Chu Phổ này có mắt không ngươi, xin tôn huynh thứ lỗi.
Ông ta hối sai lão bộc và hai người nữa chạy đi mua thuốc. Thanh Ngân bấy giờ mới xin phép:
- Tiếp cốt trị thương không thể không đụng chạm đến da thịt. Hẳn Trần đại nhân không câu nệ. Nhất là tiểu thư bây giờ chỉ là một cô bé gái.
Trần Chu Phổ:
- Trần mỗ đâu đến nỗi câu chấp hồ đồ như vậy. Xin mời lương sư cứu giúp cho.
Thanh Ngân nhờ người nhà chuẩn bị cho mình mấy nẹp tre nhỏ, rồi mới ngồi xuống bên giường bệnh, ra tay đánh điểm các kinh mạch. Thanh Ngân mới ra tay thì cô bé đang hôn mê đã bật tiếng rên rỉ.
Thanh Ngân thúc chút đỉnh chân khí vào người cô, và tạm thời điểm mấy huyệt đạo quanh ống xương bị gãy, nên cô bé tỉnh dậy cũng không thấy đau đớn lắm và đã cất tiếng gọi Trần phu nhân đang đứng bên:
- Mẫu thân...
Khi Thanh Ngân ngồi xuống bên giường, cặp mắt của Trần phu nhân nhìn chăm chú, khi nghe tiếng con gọi, bà ta sụp xuống ôm con nghẹn ngào:
- Con của mẹ! Nhờ Trời Phật, Liên Hoa của mẹ không sao nữa rồi.
Thanh Ngân cứu tỉnh cô bé, dùng vài miếng tre tạm cặp ống chân đứng lên:
- Hàng ngày phu nhân cho tiểu thư phục thuốc theo toa của tại hạ. Việc đắp thuốc lên vết thương thì Trần đại nhân có thể hướng dẫn được. Tại hạ là người thảo dã, vân du bốn bể, tình cờ gặp Trần lão mà đến đây. Tiểu thư hồi tỉnh cũng do phước đức của Trần đại nhân phu phụ và tiểu thư mà thôi. Tại hạ xin được kiếu từ.
Trần Chu Phổ vội vàng:
- Chu Phổ này vẫn thường tự thị tài y học của mình, nên đã có điều thất lễ. Xin tiên sinh lưu lại vài ngày để được chắp tay bái tạ ơn sâu và học hỏi thêm.
Thanh Ngân cười nhẹ:
- Trần đại nhân dạy quá lời. Được quen biết với một người nổi danh văn học như Trần đại nhân thật không có hân hạnh nào lớn hơn. Nhưng tại hạ chót có việc gấp bên mình, nên mỹ ý đành xin tâm lãnh.
Trần phu nhân:
- Xin lương sư chờ giây lát, nhận chút đỉnh gọi là lòng hậu tạ.
Thanh Ngân chắp tay:
- Không dùng y thuật để sinh sống là tôn chỉ của tại hạ. Xin tâm lãnh sự quan tâm của phu nhân.
Trần Chu Phổ thở dài:
- Chu Phổ không có đức để được làm quen với một nhân tài như các hạ, thì cũng đành ghi nhớ ơn sâu. Mong các hạ không từ chối để cho nhà họ Trần biết được phương danh qúi tánh.
Thanh Ngân chắp tay:
- Tại hạ họ Lê, hiệu là Vân Sơn.
Và hỏi:
- Chẳng hay Trương Xán và đại nhân có quen biết nhau?
Trần Chu Phổ thở dài:
- Chu Phổ này có nghe danh Trương tiên sinh, nhưng chưa hân hạnh gặp mặt. Chẳng hay..
- Người ấy là anh em lâu ngày không gặp. Thấy bức tranh sơn thủy, lại nhớ cố nhân muốn đến thăm. Nhưng Trần đại nhân cũng không quen biết, thôi thì đành chờ cơ duyên.
Thanh Ngân vòng tay nhất quyết cáo từ, làm Chu Phổ bùi ngùi:
- Trần mỗ đức bạc không phước được nghe lời cao nhã của kẻ sĩ ẩn danh, đành xin bái tiễn.
Phu nhân Trần chu Phổ vội vàng chạy theo:
- Xin lương sư nhận cho lễ mọn..
Thanh Ngân cùng Trần Chu Phổ bước ra cửa, nhưng khi phu nhân lên tiếng, thì bà ta chỉ còn thấy Trần Chu Phổ một mình đứng ngẩn ngơ, còn Thanh Ngân đã biến mất dạng. Bà ta ngơ ngác một lúc rồi cho là thần nhân hiện thân vội vàng qùy xuống cửa bái lạy.
Chu Phổ đỡ vợ lên thở dài:
- Ta cũng nghe nhiều việc kỳ dị trên đời, cho là huyễn tưởng. Không mắt thấy thì không thể nào tin được. Ông ta là ai, là thần nhân, hay kỳ nhân, chúng ta vẫn còn cơ hội để tìm hiểu và có thể gặp lại.
Trần phu nhân mở to mắt:
- Phu quân dạy..
- Ta đã hứa với Trương hiền đệ không cho ai biết tin tức của vợ chồng hắn. Với ân công ta cũng không thể làm khác, nhưng có thể hỏi Trương hiền đệ ân công của chúng ta là ai.
Chu Phổ vội kêu gia đồng pha mực viết thư cho Trương Xán.
Thanh Ngân không muốn phải nghe những lời ân nghĩa nên dùng khinh công thượng thặng Di lặc tàng thân do Thần quang đại sư chỉ dạy rút lui, và cũng dùng khinh công kỳ bí có một không hai trên thế gian này trở lại chỗ trọ. Thanh Ngân thấy mình đi quá lâu sợ Kiều Linh chờ đợi, nhưng khi mở cửa vào phòng, thì căn phòng vắng tanh, một lá thư của Kiều Linh để lại trên bàn:
“Tướng công! Bao ngày gần gũi một bên, nhất là ở nơi chàng đã trị độc thương cho thiếp và cùng nhau đối phó với Hồ lão tam, những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời này, cũng đã làm thiếp vô cùng mãn nguyện. Tướng công ngày nay là chỗ trông đợi của võ lâm, thiếp không dám vì việc tư mà nhọc lòng tướng công lo nghĩ. Trên người thiếp mang nặng mối thù cha mẹ, lời dặn dò của ân sư, thiếp không thể không vào Trung thổ tầm thù, cũng như dò hỏi thân nhân của mình còn mất những ai và lo việc cải táng cho song thân. Dù sao, song thân tiện thiếp cũng đã bỏ thân nơi đất khách quê người. Thiếp không dám thưa trước với tướng công ý định này, ngàn lần xin tướng công lượng thứ. Non nước còn dài, vợ chồng nghĩa nặng, mong ngày sum họp”.
Thanh Ngân đọc lá thư Kiều Linh ngẩn ngơ một lúc, thở dài:
- Linh muội! Võ công của nàng ngày nay không ai hiếp đáp nổi. Ta không lo sự an toàn cho nàng như trước, nhưng nghĩ nàng một thân vò võ mà xót xa. Ta hiểu nàng không trách ta khó có thể phân thân. Sau đại hội Tam đảo, ta sẽ tìm nàng.
Kiều Linh đã ra đi, thấy không còn lý do gì giữ căn phòng nữa, nên xuống chưởng qũy trả tiền.
Thanh Ngân rảo bước ra đường định lại chỗ bọn Như Nguyệt, thì thấy Đoàn Ngọc Hồng, Đinh Nhất Hạc và bốn năm cao thủ của Bảo Ngọc dưới lốt giả dạng thường nhân đang đi về phía Tây thành. Thanh Ngân vẫn còn giả trang nên Nhất Hạc, Ngọc Hồng không nhìn biết. Thanh Ngân không hiểu người Bảo Ngọc đến Thăng Long có việc gì, và Bảo Ngọc có mặt không nên rảo bước theo sau. Bọn Nhất Hạc thỉnh thoảng quay nhìn chung quanh để dò xem có ai theo dõi họ không? Thanh Ngân theo bọn Đinh Nhất Hạc khoảng năm dặm, thì chúng đến một trang viện lớn, và đi vào đó. Thanh Ngân biết chỗ trú của họ liền trở lại một quán rượu bên đường, kêu cơm rượu ngồi đợi tối.
Thanh Ngân vừa uống rượu vừa tự hỏi không hiểu mình không xuất hiện gặp người Đại Lịch Cung như vậy có đắc tội với Bảo Ngọc không? Trong lòng Thanh Ngân xung đột dữ dội, một mặt muốn hiện thân vào nhà tìm gặp Bảo Ngọc, một mặt cũng cảm giác Đại Lịch cung đang có những toan tính gì to lớn lắm, có ảnh hưởng đến giang hồ mà chỉ có âm thầm mới mong khám phá. Thân phụ Bảo Ngọc là Nùng Trí Lân còn sống hay không? Thanh Ngân thấy rằng phải âm thầm thăm dò mới tìm ra sự thực.
Nơi Thanh Ngân ngồi là một tửu quán nghèo nàn nên không ai chú ý. Trời vừa tối, bước ra đường, và khi đến một thân cây cao, liền dùng thân pháp tối thượng lẫn vào trang viện.
Thanh Ngân thấy trang viện có sự bố trí cực kỳ cẩn trọng. Ngay trên nóc đại sảnh cũng có cao thủ ẩn phục. Nhưng khinh công của Thanh Ngân hiện giờ khó có ai phát hiện nổi, lẫn vào đại sảnh ngay cửa chính mà mấy cao thủ gác cửa cứ tưởng như có một làm gió nhẹ lướt qua. Vào đại sảnh, Thanh Ngân vút lên sà ngang, thu hình gọn gàng ở đó.
Đại sảnh đang được bố trí cho một phiên họp, nhưng chưa có ai xuất hiện. Giữa đại sảnh là một giao ỷ bọc da bạch hổ. Thanh Ngân chờ hơn nửa giờ nghe một hồi chuông ngân. Sau hồi chuông mới có người từ các phòng ốc bước ra. Trước tiên là mười cao thủ mà Thanh Ngân chưa biết mặt, tiếp theo là Đoàn Ngọc Hồng, Đinh Nhất Hạc, rồi bốn trưởng lão. Kế đó là một người ăn mặc theo lối nho sinh trạc độ bốn mươi, phe phẩy quạt lông bước ra. Thanh Ngân thấy người nho sinh này võ công không phải tầm thường. Mọi người ra đại sảnh đứng yên. Đinh Nhất Hạc bấy giờ mới lên tiếng:
- Cung thỉnh cung chủ quang lâm.
Sau tiếng xướng của Đinh Nhất Hạc, bốn cô gái tuổi khoảng từ hai mươi trở lên hộ vệ Bảo Ngọc bước ra. Nàng không cải nam trang, mặc y phục màu vàng rực rỡ, đầu đội mão vàng gắn ngọc. Thanh Ngân chưa bao giờ thấy nàng ăn mặc hoa hòe, có tư thái đường bệ, nghiêm trang như vậy.
Bảo Ngọc bước đến bảo tọa ngồi xuống, một cô gái theo nàng xướng:
- Cung chủ đã an tọa. Hành lễ!
Bọn người của Bảo Ngọc bấy giờ lại nhất tề qùy gối:
- Cung chủ vạn tuế.
Bọn người của nàng hô lớn ba lần như vậy, thì cô gái lại xướng:
- Bình thân.
Khi thủ hạ đứng lên và ngồi vào hai hàng ghế, Bảo Ngọc mới lên tiếng:
- Chúng ta đang ở kinh thành nhà Trần, có việc gì mà Hoàng thừa tướng, các trưởng lão lại phải bày ra hình thức đại triều nghị thính?
Người trung niên nho sinh đứng lên khom mình:
- Đây là do chỉ dụ của Thái thượng. Ngài đã xuất quan, nhưng có việc gấp phải vào Trung Nguyên. Chỉ dụ cho chúng thần và cung chủ phải xét lại toàn bộ công việc làm từ trước đến nay. Cũng vì chỉ dụ của Thái thượng, đêm nay chúng ta cũng sẽ tiếp kiến Thư Hương viện chủ.
- Ý của Thái thượng thế nào?
Người trung niên lại khom mình:
- Sau khi xuất quan, nghe thần trình bày tình hình giang hồ. Việc tìm kiếm Bảo tàng đồ vẫn chưa có kết quả. Cung chủ lại thường xuyên vắng mặt, cũng như việc chúng ta gây thù oán với Phan Ma Lôi, Thái Thượng cho là bất lực và thất sách. Ngài chỉ dụ cho chúng thần khuyên cung chủ nỗ lực nhiều hơn cho công cuộc phục hồi Đại Lịch Quốc của chúng ta.
Bảo Ngọc thở dài:
- Khi nào gia gia ta trở về?
- Trước khi đại hội Tam đảo bắt đầu. Và trước khi ngài trở về, cung chủ phải dứt khoát chiến lược chúng ta. Chúng ta chỉ làm sao tìm được Bảo tàng đồ để đủ tài ngân chiêu binh mãi mã. Còn việc của võ lâm Đại Việt chúng ta không cần phải can dự vào. Thái thượng nói rằng với các phe phái, chúng ta nên giữ thái độ ứng biến. Nếu họ cùng khởi nghĩa chống nhà Trần, thì đó cũng là cơ hội để chúng ta cử sự. Tạo cho nhà Trần rối loạn là mục tiêu của chúng ta. Tiêu Dao đảo, Thư Hương trang viện làm được cũng tốt, Phan Ma Lôi làm được cũng hay..không lợi gì cho chúng ta phải liên minh với phe này để chống phe kia. Thái thượng chỉ dụ cho cung chủ tạo cho Đại Lịch cung thế độc lập.
Người thừa tướng cúi cầu ngập ngừng:
- Việc tình cảm của cung chủ chúng tôi chưa trình Thái thượng nhưng đây là điều mà hạ thần phải thưa cung chủ là việc liên hệ giữa cung chủ và Lê thiếu hiệp phải chấm dứt mới được.
Bảo Ngọc cau mày:
- Sao ngươi đòi hỏi ta phải như vậy?
- Thái thượng trước khi trá tử đã muốn cung chủ không biết việc này để cố gắng tự lập, học hỏi nên việc trá tử của người không cho cung chủ biết, và vì thế chuyện cung chủ đã được thái thượng hứa hôn cũng không đề cập. Hôm nay, không thể không trình cung chủ biết. Hơn nữa, cung chủ là nhất cung chi chủ, trong tương lai là nhất quốc chi vương, thì không thể lấy một người đã có vợ.
- Gia gia ta hứa hôn ta với ai?
- Với người từng nô đùa thân mật với cung chủ năm xưa là Nùng Thế Minh hiền điệt. Bọn chúng thần cũng mới được biết.
Bảo Ngọc hơi sửng sờ, nhưng một lúc rồi nói:
- Chẳng thể nào! Nhưng dù gia gia ta có hứa hôn, Thế Minh không phải là người ta có thể yêu thích.
Nùng Trí Thông đứng lên:
- Lão phu biết cung chủ rất mến Thanh Ngân, nhưng không thể tiếp tục giao hảo với tiểu tử ấy. Nếu không vì hôn ước, thì Thanh Ngân cũng không xứng đáng. Có lẽ cung chủ chưa hay tin, mới đây hắn đã làm lễ thành hôn một lúc với Tiểu Hương, Thùy Trang, Kiều Loan và Kiều Linh.
Ông ta giận dữ:
- Hắn làm như vậy có khác nào..
Bảo Ngọc hơi tái mặt, nhưng bình thản ngay:
- Ta với Thanh Ngân chỉ là bạn bè kết nghĩa, hắn có mấy vợ là việc của hắn. Hắn là bạn của ta thì không làm hại gì cho Đại Lịch Cung. Các ngươi cứ nghĩ ta có tâm ý với hắn nên đã đặt ra nhiều kết luận chẳng ăn nhập vào đâu. Gia gia ta có hứa hôn, thì việc ấy để ta thương lượng. Còn việc Thanh Ngân không bàn ở đây nữa. Hãy cho ta biết việc tìm bảo tàng đồ có manh mối gì không?
Trí Thông cúi đầu:
- Chúng ta đã mua chuộc cũng như đưa rất nhiều người vào làm việc trong hoàng cung, nhưng đến nay chẳng dọ ra tin tức gì. Lão thần nghe Lê Phụng Minh sau cuộc chiến chùa Chân Giáo vẫn còn sống và có thu một đồ đệ. Phụng Minh đã chết, lão thần nghi bảo tàng đồ có thể do đệ tử lão là Kiều Linh cất giữ, nhưng chưa thể mở cuộc điều tra.
Bảo Ngọc như sực tỉnh:
- Tại sao ta lại không nghĩ đến việc này? Việc thăm dò ở Kiều Linh để ta lo liệu. Theo ta thấy chúng ta dồn hết nhân sự vào Thăng Long để tìm kiếm không phải là thượng sách. Phan Ma Lôi cũng đã từng dẫn thuộc hạ đến Quảng Nguyên để dò tìm bảo tàng này. Tại sao chúng ta không dọ thám ở những khu vực đáng ngờ trong vùng của chúng ta?
Người giữ chức thừa tướng:
- Thưa cung chủ, Đại lịch cung đã dò tìm mấy đời, nhưng không phát hiện được nơi nào đáng ngờ cả. Được biết, Nhân Huệ hoàng đế đã dùng cả ngàn quân để đào núi, chôn sâu trong lòng đất. Vì thế, không có bảo tàng đồ thì không thể biết bảo tàng nằm ở đâu.
Bảo Ngọc thở dài:
- Việc nhà Lý có bảo tàng đồ cũng chỉ là tin đồn. Nếu có, từ thời Lý Thường Kiệt đến nay đã cả trăm năm, sao nhà Lý lại không cho người khai quật? Nếu cho rằng trong cung thất nhà Trần có bảo đồ này, thì Thủ Độ dễ gì để bảo tàng tiếp tục nằm sâu trong lòng đất? Ta thấy việc này chúng ta phải cần nghĩ lại.
Ý kiến nghi ngờ của Bảo Ngọc làm cho tên Thừa tướng và bọn Trí Thông không sao biện luận được, đưa mắt nhìn nhau.
Bảo Ngọc thấy họ im lặng, nói:
- Ta đã nghe được tâm ý của Thái thượng đối với giang hồ, sẽ suy nghĩ mà hành động theo chỉ dụ của người. Việc thăm dò bảo tàng đồ vẫn tiếp tục ở mức độ như cũ, người của chúng ta gài được vào hoàng cung sẽ cố gắng việc này. Chúng ta không nên dùng lối dạ hành dò thám gây thiệt hại nhân sự. Bảo tàng đồ không biết đâu mà anh em phải bỏ mạng là điều không nên làm. Sau khi tiếp kiến Thư Hương Viện Chủ, chúng ta trở về Đại Lịch cung, không xâm nhập vào hoàng cung nữa. Đêm hôm qua, nếu ta không đến kịp thời, có phải Trí Bá đại thúc và Nhất Hạc đã không đường tẩu thoát?
Nàng có vẻ buồn:
- Võ công của cao thủ đại nội cũng rất đáng gờm. Mấy tên đệ tử của Hoàng Liên nhất lão đã tiến bộ vượt bực. Trảm long kiếm pháp của tông tộc nhà Trần do bọn cao thủ còn trẻ tuổi xử dụng cũng đã biến hóa rất nhiều. Cao thủ tuyệt đỉnh trong đại nội, ngoài Hoàng Liên nhất lão, hẳn còn nhiều người nữa.
Người thừa tướng thưa:
- Thủ độ đã mời được Yên tử thần tăng, Thái Huyền đạo nhân vào cung chỉ dạy võ công cho cao thủ đại nội. Sư huynh của Yên Tử thần tăng là Phù Vân được nhà Trần phong làm quốc sư. Nhưng đáng sợ nhất là có hai nhà sư vô danh nhưng võ công siêu phàm nhập thánh, nghe nói họ đã từng liên thủ chống cự với Phan Ma Lôi cả ngàn hiệp, và Phan Ma Lôi đã phải bỏ chạy.
Bảo Ngọc:
- Kỳ nhân dị sĩ võ lâm càng ngày càng xuất hiện nhiều. Không hiểu gia gia ta tiềm tu trên mười năm nay..
Nàng không dám nói gia gia nàng đã đến mức tuyệt đỉnh chưa, thì lão thừa tướng tự đắc:
- Địa hỏa thần công của Thái thượng tiểu thần dám chắc khó có cao thủ nào chống cự. Nếu ai nói đến phép độn thổ thì hẳn chúng ta không tin, nhưng thái thượng có thể làm đất bằng dậy sóng đội đất mà đi. Một chưởng của người đánh ra sức nóng có thể làm chảy đá. Tiểu thần chưa bao giờ chứng kiến thần công kỳ đặc như phép thần tiên như vậy.
Bảo Ngọc:
- Ta cũng mừng cho thái thượng. Công lao nằm sâu trong lòng đất mười mấy năm của người đã được đền bù. Đây là môn võ học tối cổ họ Nùng ta từ xưa đến nay chưa ai luyện được.
Bọn thuộc hạ của nàng lại chúc tụng:
- Thái thượng võ công đại thành, cung chủ võ công tinh tiến tột bực không khác Ngọc Hoa lão nhân năm xưa. Đại Lịch cung trở thành triều đình Đại Lịch Quốc nhất định không còn xa nữa.
Bảo Ngọc nghe lời chúc tụng của thuộc hạ, mặt mày rạng rỡ, nhưng Thanh Ngân nằm trên sà ngang nhìn thấy sự mừng vui của nàng lại cảm thấy bàng hoàng.
Bảo Ngọc lại lên tiếng:
- Nhất định chúng ta phải có ngày đó. Ta là gái nhưng ý chí sắt đá của ta không có gì thay đổi. Việc giang hồ, liên hệ bạn bè ta luôn luôn có chủ ý, các ngươi không nên vội vàng kết luận, lo sợ vu vơ. Ta gặp lại gia gia ta sẽ có lời với người. Từ ngày ta thay thế gia gia điều hành công việc, các ngươi có bao giờ thấy ta thất thố, không biết vận dụng cơ mưu? Bây giờ cũng sắp đến giờ ước hẹn với Thư Hương Viện Chủ, các ngươi có chủ ý gì không?
Lão thừa tướng:
- Phan Ma Lôi là tay vô địch thiên hạ. Thái thượng chỉ dụ chúng ta không can thiệp vào việc võ lâm Đại Việt. Nhưng cò ngao tranh nhau ngư ông đắc lợi. Chúng ta cứ tụ thủ bàng quang, chờ xem diễn biến. Lão Lê Phục Hoạt có yêu cầu ta liên kết, thì chúng ta cứ ừ hử với lão, nhưng chống với Phan Ma Lôi, thì cứ để hắn đối phó là xong chuyện.
Bảo Ngọc mỉm cười:
- Hoàng thừa tướng ý kiến cao xa. Ta cũng nghĩ mình cứ làm như vậy.
Bọn Bảo Ngọc bàn luận thêm một lúc nữa cách đón tiếp Lê Phục Hoạt, thì người của Bảo Ngọc vào báo phía Lê Phục Hoạt đã đến cửa. Bảo Ngọc cùng thuộc hạ cùng đứng lên bước ra ngoài đón tiếp. Thanh Ngân nghe bước chân biết bọn Bảo Ngọc ra tận cửa ngoài đón khách và bọn cao thủ canh gác trên mái cũng hạ thân xuống đất, lợi dụng dịp ấy, thoắt người ra ngoài, vút ra mái sau. Nhẹ lách một viên ngói để nhìn xuống.
Thanh Ngân nằm im trên mái, thì nghe ngoài cổng những tiếng chúc tụng khách sáo giữa Bảo Ngọc, Thư Hương viện chủ và Ngân Sơn ma nữ. Thanh Ngân chuẩn bị theo dõi cuộc họp của Bảo Ngọc, nhưng lại thấy Bảo Ngọc và lão Phục Hoạt đều có chủ ý và chủ ý của họ mình đã biết, thì cần gì để nghe tiếp mưu mô trên giang hồ, nên lại nhấc thân vút ra ngoài trang.
Thanh Ngân hạ thân xuống đường, đầu óc bâng khuâng. Đi một lúc lâu đến một khu phố đông đúc, ngựa xe kết hàng, đèn hoa thắp sáng, vương tôn công tử ra vào nhộn nhịp. Không cần để ý là đâu, nghe tiếng đàn dìu dặt, mùi rượu thơm ngon tiện chân bước vào.
Thanh Ngân bước vô cửa thấy bên trong rất nhiều cô gái xinh đẹp. Vài ba cô hầu hạ một hai công tử. Biết là chốn kỷ viện, định bước ra, thì nhìn thấy người con gái đang đánh đàn phải dừng chân. Cô gái đang đánh đàn du dương dìu dặt, xinh đẹp trong kỷ viện này là Hải Yến, một đệ tử của Tiêu Dao đảo. Thanh Ngân đang giả dạng dưới lốp một anh nhà quê giàu có, nhưng bước chân vào một nơi như thế này, áo quần trở thành lạc lỏng, chẳng ai tiếp rước mà một người đàn ông to lớn lực lưỡng trong góc đã bước ra chận lại, nghênh ngang:
- Đây không phải là chỗ của ngươi. Cút đi!
Bàn tay lực lưỡng của hắn đặt lên vai Thanh Ngân đẩy ra. Sức người đàn ông này có thể đẩy một con bò mộng, nhưng hắn đã rán sức mà không làm Thanh Ngân nhúc nhích. Gã xô Thanh Ngân không nổi, lớn tiếng:
- Thì ra ngươi cũng có chút bản lãnh!
Nói xong gã tung quyền đánh vào bụng Thanh Ngân.
Thanh Ngân nhận cú đấm của gã, thì cả người gã cũng ngã bật ra sau mấy thước, nằm ngửa trên sàn không nhúc nhích nổi.
Việc xảy ra, mọi cặp mắt liền đổ dồn lại, Thanh Ngân nghĩ sẽ tìm hiểu tại sao Hải Yến có mặt ở chỗ này sau, nên không nói gì vội quay lưng bước ra ngoài.
Gặp Hải Yến trong kỷ viện, tâm thần lại càng hoang mang hơn, Thanh Ngân lại thả bộ theo lề đường, thấy một tửu quán còn mở cửa bèn bước vào, kêu một bình Mai Quế Lộ và một con gà ngồi độc ẩm. Thanh Ngân ngồi đến khuya, khi trong quán không còn ai và chủ quán khéo léo cho biết phải đóng cửa, Thanh Ngân kêu thêm một bình rượu to, trả tiền, mang rượu bước ra. Khi bước ra phải cau mày, vì thấy bốn năm tên đại hán đã đợi sẳn từ các góc đường, nghênh ngang cầm vũ khí tiến lại.
Thanh Ngân thấy bộ dạng của chúng tức giận, hất hàm:
- Các ngươi là người gì của Tiêu Dao đảo?
Bọn tráng hán nghe hắn nói đến ba chữ Tiêu Dao đảo đưa mắt nhìn nhau, rồi một tên gầm gừ:
- Thì ra ngươi có dụng ý gây hấn. Ngươi biết chúng ta là người Tiêu Dao đảo thì chỉ còn con đường phải chết.
Bọn chúng nhất tề vung vũ khí tấn công. Thanh Ngân cả cười, cả năm tên đại hán chợt thấy bủn rủn. Chúng đang vung kiếm, vung đao, nửa chừng phải dừng tay, rồi qụy xuống đất.
Thanh Ngân ngưng cười, quát:
- Về bảo Hải Yến, Như Nguyệt ra bến sông gặp ta. Các ngươi vô lễ ta tha thứ lần này. Lần sau tội chết không tha.
Thanh Ngân lắc mình, bọn tráng hán kinh dị hồn phách. Trước mắt chúng Thanh Ngân như ma qủy tàng hình. Bọn chúng là thuộc cấp nhỏ nhưng cũng nghe biết võ công của phò mã. Nghĩ tới phò mã càng run sợ. Xúc phạm người ngoài không sao, còn xúc phạm tới phò mã thì càng nguy hiểm. Chúng vội ôm đầu chạy về kỷ viện.
Thanh Ngân vượt thành ra bờ sông, ngồi trên bờ đê uống rượu một lúc, thì Như Nguyệt và Hải Yến tới. Chúng qùy gối:
- Bọn thuộc hạ không biết phò mã giáng lâm, xin thứ tội.
Thanh Ngân đưa một luồng khí kình nâng hai cô gái lên, nhẹ nhàng:
- Các ngươi đừng đa lễ. Các ngươi đang làm gì trong kỷ viện?
Như Nguyệt:
- Hải Âu kỷ viện là một trong những cơ sở chúng ta ở Thăng Long. Năm nay đến phiên Hải Yến điều khiển. Kỷ viện chúng ta mở ra ngoài kinh tài cho Tiêu Dao đảo còn có nhiệm vụ thu thập tin tức của kinh thành qua miệng bọn vương tôn công tử.
Thanh Ngân hiểu ra, nhưng khó chịu:
- Lan muội bắt các ngươi phải làm điều này? Ta thấy khuất tất cho các ngươi quá.
Hải Yến giọng cảm động:
- Đây là công tác. Bọn thuộc hạ hy sinh thân mình cho Tiêu Dao đảo cũng vui lòng, huống chi chỉ phải giả hình khuất thân trong kỷ viện.
- Để rồi ta bàn lại với Lan muội việc này. Các ngươi nếu đã có phận sự hãy đi làm việc. Ta ngồi đây uống rượu thêm một lúc.
Như Nguyệt:
- Thuộc hạ mới nhận lệnh của công chúa ở lại hầu hạ phò mã, còn Hoa muội và Hồng muội lại có công tác trên miệt sông Bạch Đằng. Hai người đã đi ngày hôm qua. Chúng ta có một căn nhà cách Hải Âu kỷ viện không xa, hiện giờ dành cho phò mã làm chỗ trú chân, mong phò mã cho phép chúng thuộc hạ hướng dẫn tới đó.
- Ta có việc phải suy nghĩ còn muốn ngồi đây một lúc. Hai ngươi về trước. Ta sẽ theo ký hiệu mà tìm ra. Các ngươi cứ sinh hoạt bình thường không phải chờ ta.
Như Nguyệt nài nĩ:
- Phò mã về nhà, có rượu ngon và thuộc hạ sẽ hầu phò mã.
Thanh Ngân lắc đầu:
- Ta muốn được ngồi đây giây lát nữa. Các ngươi hãy về. Dặn thuộc hạ các ngươi từ nay không hiếp đáp người nữa.
Thấy Thanh Ngân cương quyết, Như Nguyệt, Hải Yến đành cúi lạy phóng mình đi.
Thanh Ngân ngồi ở bờ đê, nhìn giòng nước nghĩ lại chuyện Bảo Ngọc đã có hôn phu, nhưng nàng và mình đâu còn là tình bạn nữa, nàng đã thất thân, thì phải làm sao cho hợp lý? Thanh Ngân nghĩ việc Đại Lịch cung đã tính toán lại phân vân biết đâu Tiêu Dao đảo, Mai sơn với chủ trương lật đổ nhà Trần lại cũng có những toan tính riêng của họ? Phải chăng việc chống Phan Ma Lôi họ sẽ đẩy lên vai mình và khi Phan Ma Lôi bị diệt, thì họ lại tìm cách tiêu diệt hay thôn tính lẫn nhau? Suy nghiệm như vậy, Thanh Ngân lấy làm buồn phiền vô cùng.
Với Phan Ma Lôi, Thanh Ngân không chấp nhận việc làm tàn ác của ông ta, nhưng lại gặp Tú Anh, và nàng đang mang bào thai của mình, thì cũng khó thể giết ông ta cho được. Tú Anh hiện giờ nơi đâu? Thần Quang đại sư cũng giữ bí mật việc này. Thanh Ngân hiểu tinh thần của Tú Anh, muốn được gặp nàng, nhưng khốn nỗi không biết đâu tìm.
Thanh Ngân suy nghĩ tới lui không biết mình phải làm sao trong cuộc cờ nhiều phía, với mình đều có liên hệ. Tiểu Hương không tham vọng cho một thế lực nào, nhưng nàng mang mối tử thù với Phan Ma Lôi. Nếu mình không hết lòng tiêu diệt Phan Ma Lôi nàng đâu có thể tha thứ việc này? Xa hơn, sư Vạn Hạnh lưu bút, cũng như Thần Quang đại sư chỉ dạy, Mông Cổ là nạn lớn của dân tộc phải giúp đỡ nhà Trần mới có thể cứu dân tộc thoát khỏi cảnh điêu linh, thì phải làm sao có thể thoả mãn những người thân, nhất là Tiêu Dao đảo và Mai Sơn đều theo đuổi mục đích lật đổ nhà Trần? Càng suy nghĩ Thanh Ngân càng khổ sở.
Thanh Ngân ngồi gần suốt đêm, và khi tiếng chuông sáng của một ngôi chùa nào gần đó vang lên mới bừng tỉnh.
Tiếng chuông chùa làm Thanh Ngân nhớ Giác Minh thiền sư đã từng khuyên: “Vạn sự tùy duyên”, rồi câu nói cuối cùng của Thần Quang đại sư sau khi cứu tử và truyền một số công phu của ngài cho mình cũng dạy: “Vạn sự tùy duyên”. Tiếng chuông mờ sáng, bốn chữ “Vạn sự tùy duyên” như làn gió nhẹ cởi mở tâm tư trầm trọng. Thanh Ngân ném bầu rượu đã cạn xuống sông, đứng lên phi thân trở về chỗ trang viện mà Như Nguyệt đã nói.
Đây là một ngôi trang viện lớn, cổ kính. Thảo mộc xanh um. Thanh Ngân về đã gần sáng, nhưng trong nhà vẫn đèn đuốc sáng choang. Người qua kẻ lại. Thanh Ngân đặt chân xuống sân, người nhà tấp nập chạy ra qùy gối tung hô. Như Nguyệt bước ra mừng rỡ:
- Phò mã đã về.
Nàng đưa Thanh Ngân vào nhà, cho những người trong nhà còn lại bái kiến, rồi đưa ra phía sau, một căn nhà nhỏ yên tịnh, cách biệt với căn trang viện to lớn phía trước.
- Biết phò mã thích yên tịnh, thuộc hạ để phò mã ở đây.
Thanh Ngân lắc đầu:
- Trước kia ta đã bảo Nguyệt muội cứ gọi ta là đại ca kia mà! Nàng đã quên rồi sao?
Như Nguyệt cúi đầu nhỏ nhẹ:
- Đại ca không thích chức tước, đã dặn khi không phải không có ai gọi là đại ca cho bớt chói tai, nhưng thuộc hạ đã quen miệng. Người trong nhà đều là thuộc hạ Tiêu Dao đảo. Xin đại ca thông cảm.
Thanh Ngân:
- Như Nguyệt đã biết ta chẳng muốn nghe mấy tiếng phò mã như vậy là tốt rồi. Thôi thì gọi gì cũng được.
Thấy Thanh Ngân có vẻ không vui, Như Nguyệt vồn vã:
- Để tiểu muội pha nước cho đại ca tắm trước khi ngơi nghỉ. Trông đại ca có vẻ tiều tụy.
Như Nguyệt nói xong đi vào nhà trong ngay. Thanh Ngân kéo ghế ngồi, tự rót nước uống. Như Nguyệt hình như đã chuẩn bị nước nóng từ trước. Chỉ trong giây lát nàng bước ra mời vào nhà tắm. Trước đây Thanh Ngân đã cự tuyệt, viện cớ ai rờ tay vào người thì nhột chịu không nổi, nên từ đó về sau, nàng không tắm cho Thanh Ngân nữa. Tuy nhiên, hôm nay nàng lại ngỏ ý:
- Tiểu muội muốn tắm cho đại ca. Bàn tay tiểu muội có thể làm đại ca thoải mái.
Thanh Ngân cũng quên mất mình đã dặn nàng trước kia, buông xuôi:
- Nàng muốn thì ta biết làm thế nào?
Như Nguyệt hớn hở đưa Thanh Ngân vào phòng, khi vào bồn nước ấm, nàng cũng cởi bỏ xiêm y. Thanh Ngân không ngờ như vậy đành nhắm mắt. Có lẽ đã được huấn luyện, bàn tay Như Nguyệt mân mê trên vai và lưng làm Thanh Ngân cũng cảm thấy đê mê. Nước đã nguội Như Nguyệt mới bảo Thanh Ngân mặc áo quần và hướng dẫn vào phòng dành riêng làm bổn phận quạt tóc, chải gỡ. Thanh Ngân cũng đã từng không muốn nàng làm việc này cho mình, nhưng khi từ chối thì Như Nguyệt lại buồn khổ, cho rằng Thanh Ngân không thích nàng, vì thế việc săn sóc của nàng dành riêng cho Thanh Ngân đã thành thói quen.
Thanh Ngân biết bọn Như Nguyệt, Hải Vân, Hải Yến... là những cao thủ võ công xuất sắc, trụ cột của Tiêu Dao đảo nhưng hôm nay thấy Hải Yến lại đánh đàn trong kỷ viện do Tiêu Dao đảo mở ra nên Thanh Ngân thấy phải tìm hiểu thêm việc này, nhẹ nhàng hỏi:
- Lúc nãy Nguyệt muội bảo năm nay đến phiên Hải Yến coi sóc kỷ viện. Vậy phải chăng các cô phải thay phiên nhau làm việc này? Và trong trường hợp có khách đòi hỏi thì làm sao?
Như Nguyệt tự nhiên:
- Bọn tiểu muội là những người được đào tạo để phát triển lực lượng, dùng nhan sắc để thu phục nhân sự, thi hành mọi công tác mà đảo chủ giao phó cho nên trong trường hợp cần thiết và quan trọng vẫn phải đóng vai một kỷ nữ lành nghề. Bọn tiểu muội ngoài võ công còn được huấn luyện cầm kỳ, ca nhạc cũng như mọi thủ thuật để vừa lòng đàn ông.
Và nàng tỉ tê:
- Năm tiểu muội lên mười lăm tuổi đã phải tiếp một kiếm thủ của Đông doanh đảo. Tiểu muội cảm thấy thật khốn khổ, nhưng rồi từ đó cũng coi việc hầu hạ đàn ông, những đòi hỏi của họ khi cần thiết cũng là chuyện bình thường. Với chị em tiểu muội công tác cho Tiêu Dao đảo là tất cả. Sinh mệnh không quan tâm, thì mọi việc khác không có gì là quan ngại.
Thanh Ngân nghe Như Nguyệt nói buồn phiền:
- Ta không ngờ những cô gái xinh đẹp, võ công cao như các ngươi lại phải làm những công tác như vậy. Hừ! Ta nghe nói không thể nào chịu được. Ta phải bảo Lan muội chấm dứt việc dùng các ngươi vào những công việc như vậy.
- Công chúa cũng rất thương yêu bọn tiểu muội. Trước đây đã ra lệnh bọn tiểu muội không cần phải tiếp khách, nhưng đảo chủ trở về đã cho rằng nếu bọn tiểu muội không xuất hiện, thì khó lôi cuốn những nhân vật quan trọng ở kinh đô, nên mới đây Hải Yến hiền muội mới đích thân ra đánh đàn.
Và nàng khuyên:
- Đại ca can thiệp vào việc này, sợ e rằng đảo chủ sẽ khó chịu.
Thanh Ngân dứt khoát:
- Ta nhất định can thiệp. Ta không muốn những người như hiền muội, Hải Vân, Hải Yến, Như Hoa, Như Hồng... phải làm vật tiêu khiển cho cao thủ giang hồ hay vương tôn công tử. Dù nhu cầu quan trọng tới đâu cũng vậy. Các ngươi phải được có chồng, có con, sống một đời sống hạnh phúc.
Như Nguyệt cảm động, nhưng chí tình khuyên:
- Đại ca rất thương bọn tiểu muội, nhưng bọn tiểu muội là những cô nhi, hay bị cha mẹ bán cho Tiêu Dao đảo. Tiêu Dao đảo không khác gì nhà của mình. Lúc bọn tiểu muội đến tuổi trên ba mươi có thể có chồng, hay trở thành những phân đàn chủ của Tiêu Dao đảo. Cuộc đời lúc nào cũng sẽ được Tiêu Dao đảo che chở. Ân đức của Tiêu Dao đảo đối với mọi người rất lớn. Vì Tiêu Dao đảo mà ra sức là nguyện vọng của bọn tiểu muội. Không thấy đây là việc bức bách nên mong Đại ca nghĩ lại. Đừng vì việc này mà gây ngờ vực đối với đảo chủ. Dù sao đại ca cũng từng nhiếp chính chức vụ đảo chủ. Sự can thiệp của đại ca có thể làm cho đảo chủ khó chịu hơn.
Thanh Ngân thở dài:
- Chắc ta cũng chỉ nói với Thanh Lan, để nàng nói lại với mẫu thân mà thôi. Dù sao ta cũng cương quyết đối với việc này.
Như Nguyệt lại tỏ vẻ lo lắng:
- Sao đại ca lại đến kỷ viện? Công chúa biết việc này có thể trách cứ tiểu muội không săn sóc cho đại ca chu đáo.
- Ta đã chứng kiến một phiên hợp của Đại Lịch cung, và những điều nghe thấy làm ta phân vân, tâm thần bất định. Trong lúc đi ngang qua đó, nghe mùi rượu cứ bước chân vào. Không ngờ lại là kỷ viện.
Như Nguyệt trở nên dụt dè:
- Tiểu muội cứ tưởng Ngân ca xa công chúa lâu ngày nên cần đàn bà. Tiểu muội nghĩ vậy mà cả đêm buồn khổ, lo lắng.
Thanh Ngân ngạc nhiên:
- Nếu ta đến kỷ viện tìm hoa đi nữa, thì ngươi buồn khổ và lo lắng việc gì?
Như Nguyệt trở nên nghẹn ngào:
- Tiểu muội được phái hầu hạ đại ca ở bên ngoài, nhiệm vụ không chỉ lo săn sóc cơm nước, giặt giũ áo quần, tắm rửa mà còn phải hầu hạ giấc ngủ cho đại ca nếu đại ca cần, nhưng đại ca chẳng bao giờ để ý đến tiểu muội. Tiểu muội nghĩ mình nhan sắc xấu xa, nên chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc này, nhưng đại ca tìm đến kỷ viện nhất định tiểu muội lại bị chị em chê cười là có tiểu muội bên cạnh mà đại ca phải vào kỷ viện. Tiểu muội lo việc này công chúa biết ra lại quở phạt và thay thế tiểu muội bằng người khác.
Thanh Ngân không ngờ có việc như vậy, cau mày:
- Tiêu Dao đảo coi việc nam nữ gần gũi dễ dãi như vậy hay sao? Hừ! Ta không ngờ như vậy.
Như Nguyệt:
- Đây là tục lệ xưa nay, người đàn ông, nhất là những người giữ nhiệm vụ quan trọng không ở tại cung, thường phải xa vợ con lâu ngày nên phải có thị nữ hầu hạ. Tiểu muội được phái hầu đại ca coi như phước đức của mình, nhưng...
Như Nguyệt nói tới đó, có lẽ không kềm xúc động, hay thẹn thùng chạy vụt về phòng mình, sát cạnh phòng Thanh Ngân. Một lúc lâu, trong phòng nàng, dù rất nhỏ, như cố dấu, nhưng không thể thoát khỏi tai tiếng khóc tủi của nàng.
Thanh Ngân sửng sờ một lúc, bước sang ôn nhu khuyên nhủ:
- Trong hai đội kiếm thủ, Nguyệt muội và Hải Vân là hai cô gái xinh đẹp nhất. Nguyệt muội nhất định biết vậy. Dù từng làm đảo chủ, ta vẫn không coi Nguyệt muội như phận thị tỳ. Vì chiều lòng Nguyệt muội ta mới để nàng săn sóc hầu hạ mà thôi. Ta nghĩ Nguyệt muội biết ta rất ưu ái và thương mến nàng, nhưng ta không thể coi việc nam nữ như một thứ nhu cầu được. Nguyệt muội phải hiểu ta, đừng làm ta khó xử.
Như Nguyệt vội vàng ngồi bật dậy, qùy gối:
- Tiểu muội hiểu lòng thương mến của đại ca. Đại ca có thương mến mới dạy xưng hô huynh muội khi không có ai chung quanh. Nhưng dù sao suốt đời này phận chủ nô vẫn không thay đổi. Suốt đời được làm thị tỳ hầu hạ đại ca, tiểu muội... tiểu muội cũng đã vui lòng. Từ nay tiểu muội chẳng bao giờ dám mơ tưởng được đại ca đoái hoài tới nhan sắc của mình nữa.
Thanh Ngân càng cảm thấy khổ sở, đỡ Như Nguyệt lên:
- Ta cần nghỉ ngơi trong giây lát. Nguyệt muội hãy hiểu ta. Một ngày nào đó ta sẽ làm mai cho Nguyệt muội một trang hảo hớn. Hãy coi ta như một người anh trai của nàng.
Thanh Ngân sợ dây dưa lâu sẽ động lòng lân tất, vội vã về phòng mình.

No comments:

Post a Comment