Làng chúng mình cùng nhau lớn lên là một làng quê rất đẹp phải không anh. Có đầy đủ cả cây đa, bến nước, sân đình. Có một chợ sớm tinh mơ ven sông. Lần đầu tiên trong đời, em biết nhận thức mọi sự quanh mình, em cứ ngỡ buổi chợ sớm hôm ấy họp ở trên thiên đường. Một màn sương sớm phủ trên mặt sông, mờ ảo như trong đám mây trắng chiều hè. Gió thổi nhè nhẹ, sương từ mặt sông bốc lên phủ trên những gương mặt người. Đầu chợ là một cái lò rèn. Lửa trong lò reo ràn rạt. Trên bến, dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập... Đến bây giờ, trong lòng em vẫn chứa đầy những hình ảnh buổi chợ sớm đó, chỉ có điều nó không có một âm thanh nào hết. Và tất cả người, vật đều bay nhè nhẹ. Chính vì điều ấy mà bao lần nghĩ đến, em ngờ rằng mình không phải là người của cõi này. Chỉ có làng chúng mình và anh là điều có thật.
Học xong lớp vỡ lòng ở đình, lên lớp hai phải ra trường. Trường của chúng mình phía chân đê, con đường tới trường đi ngang những thửa ruộng. Học lớp hai, chúng mình còn thấp hơn cây lúa. Có hôm mẹ đi đón ở cuối con đường, đầu này đường bốn bàn tay chúng mình vẫy mãi mà mẹ không nhìn thấy. Mẹ bảo:
- Mẹ chỉ nhìn thấy bốn chiếc lá lúa to hơn.
Lên lớp ba, chúng mình đã lớn hơn cây lúa. Hôm đi học trời mưa to giữa đường, thấy lúa dày khít, tưởng lúa sẽ che mưa được bèn rủ nhau rúc xuống ruộng lúa, ai ngờ vừa ướt lại vừa lấm. Lên lớp bốn, mỗi lần đi ngang qua đồng lúa, bọn trẻ chăn trâu cầm cái roi cưỡi trên lưng trâu vừa đi vừa quật vào lúa:
- Cái đòng thì ngọt, cái vọt thì đau, bọn học trò chúng mày nhớ chưa. Trên ruộng vườn làng mình đâu chỉ có mỗi cây lúa. Vườn nhà anh trồng rất nhiều cam. Sau một trận mưa rào, anh sang gọi:
- Liên ơi sang bói cam nẻ.
Những quả cam còn xanh vỏ nhưng căng mọng, nứt vỏ, chìa những múi cam trắng ra ngoài. Quả ấy sẽ được hái ăn sớm.
Ở làng mình còn một điều nữa luôn trở lại giấc mơ của em. Những con gà mái mắn đẻ nhưng hay đẻ hoang. Chúng không đẻ trên ổ mà rúc vào đống rạ để đẻ. Tha thẩn rút những cọng rơm để đan mũ, em đã bắt được cả ổ trứng tròn nung núc ở chân đống rơm. Ôi những quả trứng tròn, mang trong mình một mầm sống cứ hiện về giấc mơ để cho em sống.
Học lớp bốn, anh lên trường huyện vì anh là học sinh giỏi văn. Em học xã nhà. Ở trên trường huyện, anh có nhiều cuốn sách hay lắm. Mỗi lần về thăm nhà, anh mang cho em. Em học không giỏi bằng anh, nhưng cũng mỗi năm một lớp.
Học trường huyện nhưng anh không quên chăn trâu. Mỗi lần về, anh thường đánh trâu đi chăn. Anh cho trâu gặm cỏ ngoài ngõ nhà em làm em không thể đi ra đồng. Em cứ ngồi ở bếp chờ anh đánh trâu đi để chạy. Em rất muốn gặp anh, nhưng sợ chúng bạn chế lắm. Thỉnh thoảng anh mới về làng, nên anh không biết bọn chúng nó cứ hát rằng: Cây tre non không bao giờ mất ngọn
Thời buổi này kén chọn làm chi
Liên ơi cứ lấy Bình đi.
Mà anh thì cứ vô tư mang sách về cho em.
Đến năm lớp bảy, em ước ao rằng em sẽ thi đỗ vào cấp ba để được cùng anh học chung trường huyện. Ước mơ của em thành sự thật, em đỗ cấp ba nhưng anh lại lên trường tỉnh.
Trường tỉnh càng nhiều sách hay. Mỗi kỳ nghỉ anh mang về cho em bao nhiêu là sách. Trong chồng sách đó ngoài sách văn, sách toán có cả những tiểu thuyết, thơ tình. Con nhà nông không có thời gian nhiều để đọc sách. Em đã lén lút đọc trộm tiểu thuyết trong giờ sinh học. Cô giáo đã đứng nhìn em cả phút đồng hồ mà em không hề hay. Em đang lạc vào mối tình của A- na Ca- tê- ri- na. Cô giáo đứng bên cạnh từ lúc nào. Thay vì bắt quyển tiểu thuyết như các giáo viên khác, thì cô giáo lại bảo:
- Mơ mộng lắm rồi vỡ mộng đấy em ạ. Mà mộng mơ của bọn con gái nhà quê chúng mình thì có cao hơn ngọn tre làng được đâu.
Mùa hè cuối cùng, sân trường huyện không có hoa phượng, cũng không có cả bằng lăng, chỉ có cây bàng già tiễn đưa tuổi thơ chúng em. Gần hết bọn con trai thời đó đi bộ đội. Cả trường chỉ có ba, bốn đứa đỗ đại học. Hơn nữa, bọn con gái về làng lấy chồng, sinh con. Số còn lại đi trung cấp, sơ cấp.
Anh đỗ vào Trường đại học Văn khoa trên thủ đô. Anh về nhà chờ ngày nhập trường. Gặp nhau ở giếng đầu làng, em không dám chào anh. Anh bảo: "Sao tóc Liên dài thế?."
Anh không còn gọi em sang để bói cam nẻ nữa. Nhưng cái đêm thu ấy, khi anh sắp lên nhập trường, ở dưới gốc cam nhà anh, anh bảo em rằng:
- Học xong anh sẽ cưới em làm vợ. Nhất định đấy. Anh còn tặng em cả một cuốn sổ thơ do anh viết, trong đó có rất nhiều bài anh tặng cho em. Năm sau em rời khỏi làng, bởi nghĩ rằng để xứng với anh, thì giấc mơ phải vượt ngọn tre làng. Đó là một phần đời của em: Anh.
Giữa phố phường tấp nập, nhan sắc của em dẫu có bị một phần đời buồn làm cho tan nát, nhưng tuổi trẻ vẫn vượt được qua, em vẫn lấy được một người chồng, danh giá, trẻ tuổi. Một phần đời nữa của em: Chồng. Em sinh được hai đứa con đẹp như tranh. Chúng khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn. Phần đời thứ ba của em:
Con.
Còn em chẳng còn gì cả.
Em biết một phần đời anh là: Thơ.
Anh bảo vì yêu em nên anh chẳng thể nào lấy em làm vợ. Anh để cảm xúc làm thơ. Em biết thế.
Cuộc sống gia đình như một con thuyền trên đại dương. Lúc biển êm gió lặng, em sống với phần đời chồng và con. Em chăm sóc, yêu chiều họ và em là người họ cần. Thế là em thỏa mãn. Lúc biển động, sóng cả, em sống với ba phần đời: anh, chồng em và con em. Em lấy tình yêu và những bài thơ để vỗ về số phận, lấy lại sự thăng bằng và lấy lại cả tình yêu với chồng con. Thế rồi biển yên, gió lặng.
Có một thời kỳ cuộc sống gia đình em khủng hoảng đến tưởng chừng tan vỡ. Chồng em biết về cuộc tình ngày xưa của chúng mình, cùng những bài thơ anh đã tặng em. Và cả những bài thơ anh làm thời hiện tại để tặng lại quá khứ, ấy là em. Dẫu em và anh có cách nhau cả ngàn cây số, nhưng chồng em lại cho rằng anh và em vẫn cứ lén lút đi lại với nhau ngay sau lúc anh ấy đi vắng. Em khó giải thích rằng đó chỉ là cái đã qua. Tình yêu đã là một điều khó giải thích thì sự ghen tuông lại là điều càng khó giải thích hơn. Sự thể đã đẩy em đến mức không thể nào chịu đựng nổi nữa. Em đưa lên bàn cân ba phần đời của em. Anh và những đứa con em đã làm cần cân có phần đời chồng em dựng ngược lên. Em biết em có thể sống yên ổn với những đứa con và những hoài niệm về anh. Thế là đủ lắm rồi. Từ lâu em đã chẳng còn biết tin tức gì về anh, ngoài tên anh và những bài thơ thỉnh thoảng anh in trên báo.
Nhưng chồng em, có thể em không yêu anh ấy với cảm xúc bằng anh nhưng anh ấy lại là máu thịt của em. Anh ấy đã chia sẻ với em cả đến giấc mơ.
Rồi sóng gió cũng lặng đi. Cuộc sống gia đình vốn là thế. Gia đình em cũng ngày càng đầm ấm, hiểu nhau hơn. Rồi anh xuất hiện. Đó là một chiều đông. Sau bữa cơm, những đứa con em đang xem ti- vi. Chồng em ngồi uống nước chè. Em xem lại giáo án. Trong lòng không một cảm xúc. Đột ngột, tiếng gõ cửa vang lên. Em vốn là người hay ra mở cửa mặc dù từ khi anh bỏ em, em đã chẳng còn chờ đợi ai nữa.
- Anh! Tim em run lên bần bật. Anh hiện diện bằng xương bằng thịt. Dù đã 20 năm rồi mà anh vẫn thế.
- Ái Liên! Em nghe trọn cả hai tiếng tên em đó trước khi cánh cửa sập vào. Em cài then rất kỹ, rồi đi lại phía bàn soạn giáo án. Chồng em hỏi: "Ai đấy!."
Em đáp: "Một ông phụ huynh hay rầy rà."
Em ngồi như hóa đá nhưng các ý nghĩ thì quay cuồng. Đã bao lần em nghĩ đến những cuộc gặp gỡ. Nếu là lúc em tự do nhất, em sẽ ào đến anh. Nếu có mặt chồng con, em sẽ giới thiệu anh với họ. Rồi sau đó họ sẽ tế nhị để lại hai chúng mình tâm sự. Hoặc, chồng em vì quá ghen tuông mà làm ầm ĩ lên thì sau đó em càng dễ bề đến với anh. Và đến với anh để làm gì, em không biết nữa. Để yêu anh như thuở ban đầu. Điều đó không bao giờ xảy ra cả, dù có là huyền thoại. Để trách móc, hờn dỗi ư? Không, em đã từng được yêu và bội bạc rồi yêu lại sau đó, rồi làm vợ, làm mẹ. Trái tim em đã được tôi luyện rồi, không còn chỗ cho trách móc, dỗi hờn.
Vậy, bây giờ anh đã đến, em biết làm gì đây?
Cái lúc em chao đảo nhất, em nghĩ đến anh như một điều linh thiêng, như một hoài niệm, chứ em hoàn toàn không bao giờ nghĩ rằng em sẽ đến tìm anh, để chia sẻ với anh con người bằng xương bằng thịt. Em nghĩ rằng, em ở trong anh cũng thế. Em đã thăng hoa thành vần thơ chứ không phải bằng xương bằng thịt.
Em biết, hai cánh cửa ập trước mặt anh chẳng khác nào một cú đập kinh khủng xuống đầu anh. Anh sẽ tha hồ nguyền rủa em đi, rồi lại tự biện bạch rằng em đã trả thù cái ngày xưa ấy. Nhưng em không thể nào đánh đổi sự bình yên của gia đình em mà em đã phải đấu tranh bao nhiêu ngày tháng để giành giật được...
Jan 28, 2009
Một Phần Ba Cuộc Đời
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment