Aug 6, 2012

Con chó của dòng họ Baskervilles - Chương 4


Ch­ương 4: Ngài Henry Baskerville

Khi đồng hồ điểm 10 tiếng, bác bĩ Mortimer và nam tước trẻ tuổi bước vào phòng. Người đi sau chừng 30 tuổi, vóc dáng không lớn, nhưng nhanh nhẹn và chắc nịch. Gương mặt biểu lộ một cái gì ương ngạnh; cặp mắt nâu sẫm dưới hàng lông mày đen rậm nhìn thẳng vào chúng tôi. Bộ com-lê màu da lươn cắt theo kiểu thể thao và nước da rám nắng cho biết đó là một con người ưa hoạt động đồng thời, một phong thái điềm tĩnh, tự tin.

- Ngài Henry Baskerville - Bác sĩ Mortimer giới thiệu ông ta với chúng tôi.
- Đây chính là ông Holmes? - Vị Nam tước hỏi - Thật là thú vị, ông Holmes, nếu bạn tôi không đề nghị đến thăm ông, thì tôi cũng sẽ đến chỗ ông. Người ta nói rằng ông biết cách giải những bí ẩn nho nhỏ.
- Mời ngài ngồi xuống đây, ngài Henry. Nếu tôi không lầm thì chuyến đến London này có một cái gì đó đáng lưu ý đã xảy ra với ngài?
- Không có gì đặc biệt quan trọng, ông Holmes ạ. Nhưng sáng nay tôi nhận được lá thư này, nếu nó đáng được gọi bằng cái tên như vậy. Ông ta đặt phong bì lên bàn và chúng tôi bắt đầu xem xét. Phong bì rất bình thường làm bằng giấy. Địa chỉ “Khách sạn Northumberland, ngài Henry Baskerville được viết bằng chữ cái in lớn. Trên dấu bưu điện có hàng chữ Charing Cross và thời gian chuyển: chiều ngày hôm trước.
- Có ai biết là ngài ngụ tại khách sạn Northumberland không? - Holmes, sau khi tò mò nhìn người khách.
- Không ai biết cả. Chỉ sau khi gặp bác sĩ Mortimer tôi mới quyết định nơi nghỉ chân.
- Nhưng bác sĩ cũng nghỉ chân tại đó?
- Không tôi ở nhà người quen. Không một ai có thể biết là chúng tôi sẽ đến khách sạn này - Bác sĩ nói.
- Chà! Nghĩa là có ai đấy rất quan tâm đến việc đi lại của các ông.
Holmes rút từ phong bì ra một tờ giấy gấp tư, giở ra và đặt nó lên bàn. Ở giữa hai trang giấy chỉ có một câu duy nhất, người ta đã cắt từng chữ ở trong báo rồi dán ghép thành câu.
“Nếu Ngài sáng suốt và còn quí trọng cuộc sống thì ngài hãy tránh xa khu đầm lầy than bùn”. Các chữ “Khu đầm lầy than bùn” được viết tay và bằng mực.
- Thế đấy, ông Holmes - Nam tước nói - điều đó có nghĩa là thế nào và ai đã quan tâm đến công việc của tôi như vậy?
- Ông nghĩ sao, bác sĩ Mortimer? Lần này thì không có cái gì siêu phàm chứ?
- Vâng thưa ông, nhưng rất có thể người gởi thư này tin rằng câu chuyện đó hoàn toàn là siêu nhiên.
- Câu chuyện nào? - Ngài Henry đanh giọng hỏi - Dường như các ông hiểu rõ công việc của tôi hơn chính tôi đấy.
- Chúng tôi sẽ nói tất cả, thưa ngài, trước khi ngài rời khỏi đây, hãy tin tôi - Holmes nói - Còn bây giờ hãy trở lại với tài liệu này, nó được thảo ra và bỏ vào thùng bưu điện chiều qua. Anh Watson, chúng ta có báo Times ngày hôm qua không?
- Ở trong góc ấy.
- Hãy cho tôi cái trang có bài xã luận ấy. - Anh lướt mắt nhanh trên trang mục Mậu dịch tự do... - Bài xã luận tuyệt vời! Cho phép tôi đọc thành tiếng một đoạn: “Nếu có ai nói với Ngài rằng ngành công nghiệp của Ngài được đặt dưới sự bảo hộ thuế quan thì Ngài hãy tránh xa những người đó, bởi sự sáng suốt sẽ chứng tỏ với Ngài rằng một hệ thống tương tự rồi cuối cùng sẽ giảm lượng hàng xuất khẩu của chúng ta; và cũng sẽ phá vỡ cuộc sống yên lành của gia đình chúng ta; mà các nhu cầu của cuộc sống gia đình thì hãy còn quý trọng đối với tất cả chúng ta”. Watson, anh nghĩ như thế nào? - Holmes thốt lên, xoa tay một cách vui sướng.
Bác sĩ Mortimer nhìn Holmes như những lương y nhìn những bệnh nhân mắc bệnh nặng. Còn ngài Henry nhìn tôi, vẻ phân vân.
- Tôi cảm thấy chúng ta đã hơi đi ra ngoài vấn đề chúng ta đang quan tâm? - Ngài Henry nói.
- Ngược lại! Chúng ta đang đi ngay liền sau đó, thưa ngài. Phương pháp của tôi quen thuộc với Watson hơn ngài; thế mà tôi vẫn e rằng ý nghĩa của đoạn vừa đọc vẫn có thể lọt ra ngoài nhận thức của anh ấy.
- Vâng, xin thú thực là tôi chưa thấy có mối liên hệ nào giữa nó với bức thư.
- Mối liên hệ chặt chẽ biết bao. “Nếu”, “Ngài”, “tránh xa”, “sáng suốt”, “cuộc sống”, “quý trọng”. Lẽ nào anh không đoán ra những chữ đó được lấy từ đâu?
- Ôi, lời giải đoán thật xuất sắc? - Ngài Henry thốt lên.
- Nếu ngài còn một chút nghi ngờ thì hãy chú ý tới những cụm từ như “thì ngài hãy tránh xa”. Chúng được cắt liền mạch.
- Ôi đúng vậy!
- Ông Holmes, - Bác sĩ Mortimer ngạc nhiên nhìn bạn tôi và nói - ông có biết không, chúng tôi cũng không tưởng tượng được là có thể có những chuyện như vậy? Có thể là ông biết được những chữ này được cắt ra từ báo, nhưng làm sao ông đoán ra từ báo nào, hơn nữa lại còn biết đúng bài báo nào nữa chứ?
- Tôi cho rằng bác sĩ Mortimer có thể tìm được những đặc điểm khác biệt giữa người da đen với người Esquimau chứ?
- Chắc chắn!
- Làm thế nào?
- Ồ, đó là sở trường của tôi. Sự khác biệt rất rõ ràng, từ đỉnh chóp sọ, góc mặt, độ cong của hàm...
-... Và đây là sở trường của tôi, sự khác nhau giữa các kiểu chữ in giữa tờ Times và một tờ báo rẻ tiền giá nửa penny cũng giống như sự khác biệt giữa người da đen với người Esquimau vậy. Sự hiểu biết về kiểu chữ in ty-pô là một trong những yêu cầu sơ đẳng đối với các chuyên gia về tội phạm. Có thể thời trẻ tôi thỉnh thoảng vẫn bị nhầm lẫn giữa tờ Leeds Mercury và tờ Western Morning News, nhưng tôi không thể nhầm lẫn giữa bài xã luận của báo Times với bất cứ tờ nào khác; những kiểu chữ này chỉ có thể được cắt ra từ đó. Bức thư được chuyển vào hôm qua. Vậy trước tiên, chúng ta cần xem số báo ngày hôm qua.
- Ông Holmes - Ngài Henry nói - Thế nghĩa là một ai đó đã thảo bức thư này sau khi đã cắt tờ báo bằng...
-... Bằng kéo sửa móng tay - Holmes ngắt lời ông ta - Ngài hãy chú ý xem đoạn cắt ở chúng ngắn đến mức nào? Ở một số cụm chữ, người ấy phải tiến hành hai nhát cắt.
- Hoàn toàn đúng. Một người nào đây đã cắt các chữ này bằng kéo, với đoạn cắt ngắn và dán chúng...
- ... Bằng keo - Holmes nhắc.
-... Bằng keo trên giấy. Nhưng vì sao những chữ “khu đầm lầy than bùn” lại viết bằng tay.
- Bởi vì tác giả bức thư không tìm được chúng trên báo.
- Lời giải thích rất giống với sự thật. Ông còn có thể đọc được điều gì ở đây nữa, ông Holmes?
- Chúng ta vẫn còn có thể thu được một cái gì đó nữa, mặc dù tác giả của lá thư đã gắng hủy những tang chứng nhỏ nhất. Đây này, địa chỉ được viết bằng chữ cái in lớn, báo Times là tờ báo hiếm khi rơi vào tay những người bình thường. Vậy ta có thể rút ra kết luận: Tác giả lá thư là một người có học, nhưng người ấy cố gắng tỏ ra mình là người thiếu học bằng cách cố ý thay đổi nét chữ, chắc họ sợ rằng ngài sẽ nhận ra người viết, hoặc bây giờ hoặc sau này. Ngoài ra, cần chú ý điều này: các chữ dán không được khéo. Chẳng hạn “cuộc sống” nằm không ngay ngắn. Điều này chỉ ra tính không cẩn thận của tác giả bức thư, có thể là do lo lắng và vội vã. Bởi vì bức thư được gửi vào hôm qua, cần bằng mọi cách để đến tay ngài ở khách sạn. Có thể tác giả sợ có sự cản trở nào đó chăng? Nhưng ai có thể cản trở vậy?
- Hình như chúng ta đang bước vào lĩnh vực của những giả thiết - Bác sĩ Mortimer nhận xét.
- Đúng hơn là lĩnh vực mà tất cả những khả năng đều được cân nhắc để chọn lựa một khả năng gần với sự. thật nhất. Tất nhiên ông sẽ coi điều tôi nới là giả thiết thuần túy, nhưng hầu như tôi tin rằng địa chỉ được viết tại khách sạn nào đấy.
- Do đâu ông nghĩ như thế?
- Hãy xem xét kỹ phong bì, ông sẽ nhận ra rằng người viết đã không gặp may: Ngòi bút phải hai lần chấm vào lọ mực mới viết xong địa chỉ ngắn đến thế. Nghĩa là lọ mực đã cạn kiệt tận đáy, ít khi bút và mực rơi vào tình trạng ấy. Đây là một trường hợp đặc biệt hiếm có. Thế nhưng, ai cũng biết, ở các khách sạn hầu như không có bút khác và mực khác. Vâng, tôi không lưỡng lự mà cho rằng nếu chịu lục soát tất cả các thùng rác trong tất cả các khách sạn gần Charing Cross thì sẽ tìm thấy mẩu xã luận Times bị cắt rời, và chúng ta lập tức tìm ra tác giả của bức thư kỳ lạ này... Ôi, ôi! Cái gì thế này?
Anh chăm chú nhìn vào tờ giấy có dán chữ. Anh đặt nó cách mắt khoảng một, hai inch.
- Cái gì vậy?
- Không, không có gì cả - Holmes nới và đặt lá thư lên bàn - Tờ giấy rất phẳng phiu, thậm chí không có những vết xước nữa. Chúng ta sẽ khai thác bức thư. Còn bây giờ, ngài Henry, hãy kể một điều gì đã xảy ra với ngài từ khi ngài đến London đi.
- Không, ông Holmes, hình như không có gì xảy ra.
- Không có ai theo dõi ngài sao?
- Hình như tôi sa vào cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó rồi - Vị khách của chúng tôi nói. - Ai có thể theo dõi tôi vậy?
- Thư thả, rồi chúng ta sẽ bàn chuyện đó. Còn bây giờ lẽ nào ngài không thấy cần thiết kể cho chúng tôi nghe về một điều gì chăng?
- Ông cần chú ý tới điều gì?
- Tất cả những điều diễn biến ra ngoài phạm vi nếp sống bình thường, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ngài Henry mỉm cười:
- Hầu như tất cả tuổi thơ và tuổi thanh niên của tôi trôi qua ở Mỹ và Canada, bởi vậy nếp sống ở Anh còn mới mẻ đối với tôi. Nhưng chưa chắc ông coi là một sự bình thường khi tự nhiên người ta mất một chiếc giày.
- Ông mất một chiếc giày?
- Giày của ngài chỉ thất lạc đâu đó thôi. Rồi sẽ tìm ra mà. Có nên làm cho ông Holmes day dứt vì những điều nhỏ mọn như vậy không? - Bác sĩ Mortimer nói.
- Ông ấy muốn biết cái gì khác thường xảy ra với tôi hay không kia mà.
- Mỗi điều vặt vãnh cũng khiến tôi quan tâm. Nghĩa là ngài mất giày? - Holmes nói.
- Vâng, nhưng có thể thật sự có người chủ ý lấy nó. Buổi tối qua, tôi đặt đôi giày cửa phòng để người hầu phòng đánh xi, sáng dậy chỉ còn một chiếc. Đáng tiếc là tôi mới mua đôi này vào ngày hôm trước, chưa kịp mang nó.
- Ngài muốn đánh xi đôi giày mới? Sao vậy?
- Đôi giày màu nâu sáng. Tôi có ý định đánh xi đen.
- Vậy là đến London, ngài đi mua giày?
- Nói chung tôi đi khắp cửa hàng. Bác sĩ Mortimer đi chung với tôi. Kể ra chủ nhân của một thái ấp lớn cũng cần ăn mặc cho phù hợp. Đôi giày này giá 6 dollar.
- Nếu đó là chuyện mất cắp thì hoàn toàn chẳng có gì đáng suy nghĩ - Holmes nói - Phải thừa nhận là tôi đồng ý với bác sĩ Mortimer: chiếc giày của ngài sẽ mau chóng được tìm thấy.
- Và bây giờ, thưa quý bạn - Nam tước nói một cánh quả quyết - Quý bạn cần cho tôi biết những chuyện mà các bạn đã biết.
- Đòi hỏi thật chính đáng - Holmes đồng ý - Bác sĩ Mortimer, theo tôi, ông cần tự mình kể cho ngài nghe những gì ông đã kể cho chúng tôi.
Người bạn của chúng tôi rút từ túi ra bản chép tay tờ báo, rồi nhắc lại câu chuyện hôm qua của mình. Nam tước lắng nghe với sự chú ý sâu sắc, thỉnh thoảng ông ta ngắt lời bác sĩ bằng những tiếng kêu kinh ngạc. Khi câu chuyện chấm dứt, ông ta nói:
- Ôi! Thì ra không phải cứ ung dung thừa hưởng một gia tài! Về con chó, vào thời thơ ấu, tôi có nghe nói. Thật vậy, đó là một huyền thoại của gia đình chúng tôi. Còn điều liên quan đến cái chết của bác tôi thì tôi hết sức rối trí. Tôi cũng chưa biết cần nhờ ai giúp đỡ: linh mục hay cảnh sát!
- Rất đúng!
- Giờ đây lại là lá thư kỳ lạ. Có lẽ nó có liên quan tới các sự kiện.
- Vâng, nếu phán đoán theo lá thư thì một người nào đó biết rõ hơn ngài về cái điều đang diễn ra ở khu đầm lầy than bùn - Bác sĩ Mortimer nói.
- Một người nào đó rất có thể cảm tình với ngài - Holmes nói - Vì ông ta muốn báo cho ngài biết trước mối nguy hiểm.
- Cũng có thể một người nào đó cảm thấy có lợi nếu đuổi được tôi ra khỏi lâu đài Baskerville.
- Cũng có thể như thế... Tôi rất biết ơn ông, bác sĩ Mortimer ạ, vì ông đã trao cho tôi nhiệm vụ phức tạp và lý thú này. Nhưng bây giờ, ngài Henry, cần đi vào thực chất của vấn đề: Ngài có đi đến lâu đài Baskerville hay là không?
- Tại sao tôi không đến đó?
- Rất có thể điều này khá nguy hiểm.
- Mối nguy hiểm này phát sinh từ đâu. Từ con ngáo ộp của gia đình chúng tôi hay từ những người khác?
- Đó là điều chúng ta phải tìm cho ra.
- Dù ở đấy có xảy ra chuyện gì, thì không một thế lực nào, không một mưu kế nào có thể kìm chân tôi được. Tôi dứt khoát sẽ đến ngôi nhà của tổ tiên mình... - Đôi lông mày sẫm của ông ta nhíu thành một đường dài, da mặt đỏ ủng lên. Tính bất trị của dòng họ Baskerville biểu hiện rõ rệt trong người kế tục cuối cùng này - Tôi còn chưa kịp cân nhắc kỹ càng về cái điều ông vừa nói. Không dễ dàng hiểu ngay và quyết định được ngay. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ về chuyện đó vào lúc rảnh rỗi. Ông Holmes, bây giờ là 11 giờ rưỡi. Tôi sẽ đi thẳng về khách sạn; ông và bạn ông, bác sĩ Watson, tới chỗ chúng tôi dùng bữa vào lúc 2 giờ có được không?
- Ý anh thế nào, anh Watson?
- Rất sẵn lòng.
- Như vậy thì chúng tôi sẽ đến. Gọi xe cho các ông. chứ?
- Không, tốt hơn cả là đi bộ.
- Tôi rất vui lòng đi cùng với ông - Người bạn đường của Nam tước nói - Nghĩa là vào lúc 2 giờ, chúng ta sẽ gặp nhau. Xin chúc các ông mọi sự tốt đẹp.
Sau khi hai người khác ra về, Holmes thay đổi hẳn. Tính uể oải ở anh không còn nữa. Anh trở thành con người hành động.
- Anh Watson, mặc áo quần vào, mau lên! Không nên phí một giây nào cả.
Vừa cởi áo dài ra anh vừa nhanh chóng đi về phòng mình, và hai, ba phút sau, anh trở lại với chiếc áo khoác ngoài. Chúng tôi theo cầu thang chạy xuống phía dưới ra ngoài phố. Bác sĩ Mortimer và ngài Henry đang ở phía trước cách chúng tôi chừng 200 bước. Họ tới đường Oxford.
- Đuổi kịp họ chăng?
- Không cần đâu, cứ thư thả. Những người bạn của chúng ta nói đúng. Dạo chơi vào một buổi sáng như thế này thật là sảng khoái.
Anh rảo bước và khoảng cách giữa chúng tôi với những vị khách giảm dần, giảm dần chỉ còn bằng nửa so với trước. Tiếp tục giữ đúng cự ly này, chúng tôi theo họ đến đường Oxford và sau đó là đường Regent. Cạnh một cửa hàng ngài Henry và bác sĩ Mortimer dừng lại xem tủ trưng bày, Holmes cũng dừng lại. Một thoáng sau, anh đột nhiên kêu lên sung sướng. Dõi theo hướng nhìn của anh, tôi nhận thấy một chiếc xe mui đậu ở góc kia của phố. Trong cửa sổ của nó hiện ra một hành khách. Chiếc xe chầm chậm tiến về phía trước.
- Đấy con người chúng ta cần tìm đấy, Watson! Nào! Chúng ta sẽ gắng nhận ra mặt y.
Đúng vào lúc đó, trong ô cửa sổ bên hông của mui xe xuất hiện một chòm râu đen, đôi mắt của ai đó soi vào chúng tôi bằng cái nhìn sắc như dao. Ngay lập tức chiếc cửa sổ ấy đóng sập lại, người hành khách kêu lên một tiếng gì đó với người đánh xe ngựa và chiếc xe lao nhanh về hướng đường Regent. Holmes nhìn quanh, tìm xe ngựa chưa có khách, nhưng vô ích. Xe nào cũng có người. Thế là anh cuống cuồng chạy vào đám người đang đi sau chiếc xe mui trên phố. Chiếc xe nhanh chóng mất hút.
- Quỷ quái! - Bực tức, anh khó nhọc thốt lên sau khi rời khỏi đám người trên phố - Thế là không gặp may rồi! Đúng, trong chuyện này, tôi là người có lỗi, anh hãy ghi kỹ vào cuốn sổ biên niên điều sơ suất này.
- Đó là người thế nào?
- Tôi không có ý niệm gì cả.
- Một tên do thám?
- Đúng, rõ ràng là có ai đó theo dõi Henry ngay từ khi ông ta đến London. Từ đó hắn biết được ông ta lưu lại ở khách sạn Northumberland. Nếu đã theo dõi ông ta vào ngày đầu tiên thì hắn sẽ tiếp tục theo dõi ông ta vào ngày sau đó. Chắc anh có chú ý: tôi đã hai lần đến gần cửa sổ vào lúc bác sĩ Mortimer đọc câu truyện truyền thuyết chứ?
- Vâng, có nhớ.
- Tôi muốn để ý xem có ai lảng vảng ở cạnh nhà không, nhưng tôi không nhận ra ai khả nghi cả. Chúng ta. đang đối đầu với một kẻ thông minh, Watson ạ. Khi những người bạn mới của chúng ta đi khỏi, ngay tức khắc tôi cuống cuồng đuổi theo họ với hy vọng sẽ phát hiện ra cái kẻ theo dõi họ trong bóng tối. Kẻ ranh mãnh nào quyết định không đi bộ mà dùng xe mui thì có thể lùi lại phía sau hoặc đuổi theo con mồi mà vẫn không bị phát hiện. Phương pháp của hắn thuận lợi ở chỗ con mồi có dùng xe thì hắn vẫn theo dõi được họ. Thế nhưng phương pháp này cũng có một điểm yếu.
- Người đánh xe có thể nghi ngờ?
- Đúng vậy.
- Đáng tiếc là chúng ta không để ý đến số xe.
- Watson thân mến! Quả thật lần này tôi chẳng có gì đáng khen cả. Thế nhưng có lẽ nào tôi lại không để ý đến số xe? Đây này, 2704. Vả chăng bây giờ chúng ta cần làm gì với nó đây?
- Anh vẫn còn có thể làm được nhiều điều.
- Sau khi nhận thấy hắn, đáng lẽ tôi phải rẽ sang phía đối diện với xe mui và giữ một khoảng cách đáng kể để theo dõi. Tốt hơn cả là đi thẳng tới khách sạn và chờ những sự kiện tiếp theo ở đây. Con người này sẽ đưa tiễn Henry đến tận cửa và chúng ta có thể theo dõi sau đó hắn sẽ đi đâu. Đối thủ của chúng ta khéo léo lợi dụng sự vội vã không đúng lúc của tôi, vì sự vội vã này đã để lộ chúng ta và làm lạc hướng theo dõi của tôi.
Trong khi nói chuyện, chúng tôi chậm rãi đi theo đường Regent và không còn nhìn thấy hai người ở phía trước nữa.
- Kẻ theo dõi họ đã biến mất và sẽ không xuất hiện nữa. Anh có nhìn rõ bộ mặt của người trong xe mui không?
- Tôi không nhìn thấy mặt mà chỉ nhìn thấy râu.
- Tôi cũng thế. Tôi đoán rằng y mang râu giả. Vào đây đi, anh Watson?
Holmes rẽ vào một trong những văn phòng phát thư của vùng này. Người phụ trách đón anh rất niềm nở:
- Ôi Wilson, tôi thấy ông đã không quên tôi là người đã giúp ông trong vài việc nhỏ bé ấy!
- Lẽ nào tôi quên được điều đó?
- Ông Wilson, tôi còn nhớ ông có một cậu bé tên là Cartwright rất khéo léo và thông minh?
- Vâng, thưa ông, bây giờ cậu ấy đang làm việc ở chỗ tôi.
- Bảo cậu ấy đến được chăng? Cảm ơn. Ông làm ơn đổi cho tôi 5 bảng này.
Sau tiếng gọi của người phụ trách, một thiếu niên khoảng 14 tuổi xuất hiện. Cậu bé đứng nhìn người thám tử danh tiếng với vẻ tôn kính.
- Hãy đưa cho tôi cuốn sách hướng dẫn các khách sạn - Holmes nói - Cám ơn cháu Cartwright. Này, đây là tên của 23 khách sạn vùng Charing Cross. Thấy chưa?
- Vâng, thưa ông.
- Cháu hãy đi giáp vòng theo thứ tự nhé?
- Vâng, thưa ông.
- Để bắt đầu, cháu cho người gác cổng một shilling. Đây 23 shilling.
- Cháu nghe thấy rồi, thưa ông.
- Cháu hãy nói rằng cháu cần xem xét rác rưởi trong các thùng đựng rác. Hãy giải thích điều đó thế này: Cần tìm lại một bức điện tín rất quan trọng do lầm địa chỉ, cháu được sai đi tìm kiếm nó. Hiểu chưa?
- Vâng, thưa ông.
- Nhưng thực tế là cháu sẽ tìm một trang báo Times bị cắt một vài chỗ, đây là số báo Times và đây là trang cần thiết. Cháu có phân biệt nó với những tờ báo khác không?
- Vâng, thưa ông.
- Những người gác cổng chắc chắn đưa cháu tới các hành lang. Cháu cho họ tiền. Có lẽ, trong 20 khách sạn, rác rưởi bị đổ hoặc bị đốt đi. Nhưng trong 3 khách sạn còn lại người ta sẽ chỉ cho cháu coi hàng đống giấy má trong số đó cháu sẽ tìm kiếm trang báo này. Rất ít có cơ hội thành công. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, ta cũng cho cháu 10 shilling. Buổi tối cháu hãy chuyển điện tín bằng đường bưu điện đến cho ta ở đường Baker xem công việc ra sao. Còn bây giờ, anh Watson, tôi với anh đành phải tìm kiếm chiếc xe mui mang số 2704, sau đấy chúng ta sẽ thăm phòng trưng bày hội họa ở đường Bond để chờ đến giờ hẹn.

No comments:

Post a Comment