QUỲNH DAO
Biệt Thự Vân Phi
Phần 1
- Thiệt là cái ngày hết sức xui
xẻo! Xui xẻo đến cả nhà! Xui đến mười tám tầng địa ngục, xui đến nước
Ấn độ, xui đến tận Tây Thiên!
Vân
Phi vừa tiến ra sườn núi phía sau nhà, miệng vừa mắng lẩm bẩm. Nàng mặc
chiếc áo sơ mi hồng, chiếc quần soọc trắng để lộ cặp chân dài thon thon
nõn nà. Dưới chiếc nón cỏ rộg vành màu trắng là khuôn mặt bị ánh mặt
trời tắm hồng, đôi mắt đen lóe ánh bực bội hầm hầm, hàng mi rậm giương
cao, cái dáng của một con ngựa bất kham; sóng mũi cao thẳng càng lộ ra
nét ngạo mạn quật cường đến như cái miệng xinh đẹp kia lại bằm bặm
nghiêm nghị, lại cho thấy nét buông thả và cộc cằn không nói được.
Đấy chính là Vân Phi, y như mẹ nàng đã nói: "Chẳng bao giờ có thể
trở thành một đứa con gái cao sang quý phái." Ai muốn làm con gái cao
sang quý phái bao giờ? Trời mà biết! Nàng hướng về một cánh rừng mà nàng
thích nhất do các loại cây như: trúc, thanh đàn, cổ thụ và tương tư
phối hợp mà tạo thành. Chẳng kể xuân hạ thu đông, rừng cây này mãi mãi
là một mảng lá xanh ngăn ngắt. Vì thế, Vân Phi đặt tên cho nó là “mái
nhà xanh”. Mấy năm trước nàng có xem qua bộ phim “biệt thự xanh” do minh
tinh Audrey Hepburn đóng, nên nguồn gốc mái nhà xanh này là do từ đấy
mà ra.
Mái nhà xanh là một vùng
trời nhỏ của Vân Phi, hình như na ná với đất trời nhỏ này, nàng có mấy
cái nữa: Phía sau mái nhà xanh là một con sông, mặt nước phản chiếu ánh
dương cứ như một phiến thủy tinh trong suốt, bờ sông có vô số đá trứng
cùng nham thạch, thật là một chỗ ngồi buông câu lý tưởng, con sông này
Vân Phi gọi nó là “phòng thủy tinh”. Giá mà ai lội theo phòng thủy thinh
sẽ tới một sơn cốc có thảm cỏ xanh um phẳng phiu, mặt trên điểm xuyết
đầy hoa dại màu tim tím hình cái chuông. Sơn cốc này Vân Phi bảo đó là
“quán tử linh”. Cứ lần sâu vào có thể leo đến đầu ngọn núi, nơi đây toàn
là tòng xanh biếc ngất cao, suốt ngày mây mù tỏa đỉnh núi, ráng vương
mờ mịt. Vân Phi gọi tên nó à “lầu yên hà”. “Mái nhà xanh”, “phòng thủy
tinh”, “quán tử linh”, “lầu yên hà” hợp lại thành một thế giới của Vân
Phi. Nàng gọi một tên chung là “biệt thự Vân Phi”.
Hiện giờ Vân Phi đã đi vào “mái nhà xanh”, bên tay cắp quyển Le
petit chose, một danh tác của Alphonse Daudet mà miệng cứ mắng lẩm bẩm.
Một mặt, nàng tìm đến gốc cổ thụ già cằn cỗi, cành gie tứ tung, lá xanh
um tùm. Ngó quanh quất không thấy bóng người, nàng bèn vin vào một cành,
nhún mình đu nhẹ lên trên, sau đó, lần theo thân cây mà bò lên một cách
thành thạo; lựa một nơi thật yên ắng thoải mái, nàng ngồi dựa vào thân
cây và duỗi thẳng đôi chân, cả người đều ẩn khuất trong tàng lá xanh rậm
rạp.
- Tuyệt!
Nàng tự lẩm bẩm:
- Cho họ đến tìm ta đi, tìm được ta rồi mới thấy cái hết sức nông
nổi của họ! Cứ buộc ta phải màu mè làm cô thục nữ đoan trang thùy mị để
dự yến hội, hừ! Nằm mộng!
Cởi bỏ
chiếc nón cỏ, mái tóc đen nhánh xõa tung, nàng co tay gối đầu, đặt quyển
sách trên cành cây kế bên và bắt đầu nghĩ ngợi miên man. Tất cả mọi
chuyện bắt đầu như thế ư?
Thật,
giận tới giận lui, trách xuôi trách ngược, hận đầu này tức đầu nọ, đều
là bà Trương bậy hết, và chính là do bà ta cả, ngày ba ngày hai cứ lăng
xăng chạy tới nhà, nói ra nói vào với mẹ:
-Trai lớn phải có vợ, gái lớn phải có chồng, chị Lý a, tôi thấy
chứng của con Vân Phi nhà chị chính vì chưa có bạn trai. Biệt thấy nó xã
giao với ai bao giờ, thời buổi này, trai gái đều được tự do yêu đương,
đằng này con Vân Phi nhà chị hình như là đứa con nít khù khờ chưa biết
chi hết, thực là làm cho cha mẹ phải bận lòng! Chị tìm cho nó một bạn
trai đi, tôi cam đoan với chị, cái thứ chứng kỳ quặc của nó sẽ hết thôi!
Cái chứng kỳ quặc! Trời mà biết!
Nàng có bệnh tật gì nào? Nếu bảo rằng suốt ngày mải vui thú rong chơi
trên núi ngoài đồng là chứng kỳ quặc, thì nàng cảm thấy suốt ngày cứ ru
rú miết trong nhà mới là chứng kỳ quặc hết cỡ! Song bà mẹ lại thực thà
quá đi, chỉ khư khư ghim vào đó mà cho là thiệt rồi phát rầu. Thế nên,
chị hai, chị ba, chị tư đã có chồng mà phải vâng lời dò la thăm hỏi tìm
một tấm chồng cho Vân Phi. Do vậy, ngày ngày, từ sáng tới tối cứ thấy
mấy chị ấy hết la cà nhà tử tế này lại lân la nhà sang giàu kia, đồng
thời, bà Triệu Tiền Tôn thì không ngớt tới lui, cứ dụm đầu kề tai xầm xì
với mẹ. Và rồi, cái chuyện xui xẻo mười tám đời tổ tông đã phát sinh.
Ngày nọ, chị hai Vân Nghê hí hửng chạy tới, giáo đầu một câu:
- Má! Má còn nhớ Từ Chấn Á không?
- Từ Chấn Á nào?
Bà mẹ chỉ hững hờ liếc qua một cái.
- Là láng giềng với mình hồi tụi con còn tấm bé đó, cái cậu Từ Chấn Á mà ngày ngày thi trèo cây với Vân Phi ấy mà!
Bà mẹ chợt hiểu ra:
- Chính con Vân Phi đặt cho nó ngoại hiệu là “Cọp đầu chó”, và nó gán cho Vân Phi cái tên “bé mắc phong” phải chăng?
- Dạ phải!
- Chẳng là nó và cả nhà đều sang Mỹ hết rồi mà? Má với bà Từ còn
là chỗ bạn thân nữa kia! Đã lâu quá không được tin tức gì ráo. Vì sao
con bỗng dưng nhớ tới nó?
- Con
trình với má đây, má, hiện giờ Từ Chấn Á đã lấy bằng bác sĩ bên Mỹ và
không bao lâu sẽ trở về Đài Loan. Anh của cậu ấy là bạn học với Lập Quần
khi còn ở bên Mỹ, mới viết thư cho Lập Quần bảo rằng, để chúng ta lo
liệu giúp cho cậu ấy một cô bạn gái xứng đáng, hay nói cách khác, kể như
chúng ta làm mai dong cho Từ Chấn Á vậy, đấy má xem, há chẳng phải à cơ
hội tốt cho Vân Phi sao?
Lập Quần
lại là chồng của Vân Nghê chết dở! Ai mà để cho chàng ta rõ biết thằng
quỷ Từ Chấn Á! Cái thằng cọp đầu chó! Hơn nữa Vân Phi chắc mẫm còn mặc
cảm với nó, bộ mặt bành bạnh, bắp thịt u nần, leo trèo, bắt phá tổ chim,
đánh lộn đánh lạo mà còn ra vẻ khinh khỉnh nữa chớ! Thôi dẹp phứt nó
đi! Cái thằng cọp đầu chó xui xẻo ấy! Nhưng rồi, niềm hứng thú của bà mẹ
lại đến.
- Cái thằng đó… dáng vẻ ra sao rồi?
- Má đinh ninh người ta như cọp đầu chó mãi sao? Đã lớn rồi, đĩnh đạc đẹp trai lắm kia! con có ảnh đây nè, má xem đi!
Và rồi hai mẹ con dụm đầu ngắm nghía tỉ mỉ từng li từng tí, ra
chiều thích thú ưng lòng lắm, chẳng khác gì tấm địa đồ kho tàng của bọn
cướp biển thế kỷ thứ 18. Chiếc đầu bà mẹ gật mãi y như con chim bồ câu
mổ thóc, mày nở mắt cười, miệng khen ngợi không ngớt.
- Thật không nhầm! Quả không nhầm! Đúng là không nhầm! Cậu ta về Đài Loan làm gì nhỉ?
- Cậu ta là kỹ sư một công xưởng bên nước Mỹ, công xưởng ấy lại
chia một phân xưởng ở Đài Loan, đưa cậu ta về để đứng ra cáng đáng.
- Ồ, điều kiện thực không tệ, quả không tệ, đúng là không tệ!
- Con nghĩ, má, nhà mình rộng rãi lại ở ngoại thành, không khí
trong lành, tội chi mình không mời cậu ta về đây ở, và như thế là có
nhiều cơ hội để hai đứa chúng nó tiếp xúc… việc ắt thành thôi! Có điều,
má nên bảo Vân Phi chưng diện ra vẻ nhu mì điềm đạm một tí, chẳng thế,
với vẻ khật khùng của nó đó, ma nào mà dám dòm tới!
- Khi nào Từ Chấn Á về?
- Dạ cuối tháng này!
- Đã chắc thế ư?
Bà mẹ hết sức mừng rỡ.
- Má sẽ gửi ngay cho bà Từ một bức thư để kéo lại tình xưa. Với
lại dọn dẹp sẵn một gian phòng, hà, nếu việc này mà thành tựu thì tốt
quá xá đi! Cái ung nhọt trong lòng má mới dứt đi được!
Thế rồi, hôm nay cái ngày xui xẻo đã tới. Vừa mờ mờ sáng, vợ
chồng chị hai, vợ chồng chị ba, vợ chồng chị tư đều tới đông đủ hết, bà
mẹ kêu làm một cỗ bàn linh đình, bảo là để tẩy trần cọp đầu chó. Ba
người chị chen nhau tới phòng Vân Phi, muốn phụ giồi phấn thoa son, muốn
phụ chải chuốt mái đầu, muốn phụ đóng… kẻng một bộ đồ cho nàng! Đương
nhiên là một chiếc áo dài thứ xịn! Mặc cho nàng vừa réo vừa la vừa giận
vừa mắng ỏm tỏi, song mấy người chị lại thêm một bà mẹ nữa, cứ hì hục
hết hơi hết sức, kẻ nắm tay người kềm chân, rùm beng cả buổi mà không
làm cách chi được. Bà mẹ cứ dỗ dành dịu ngọt, rồi lại bắt đầu thở ra, kẻ
khuyên lơn người năn nỉ:
- Em gái ngoan của chị, em cứ y theo lời chị đi!
- Cưng của chị, em mặc bộ áo quần này nhé!
- Thiệt mà, cả đời mà mắc nợ mới sanh ra đứa con cứng đầu thế này!
Nàng cả đời nào có sợ chi, chỉ sợ nỗi than van và nhằn nhì của
me, cuối cùng, nàng thực chịu hết nổi, cứ mặc để họ tác quái! Ngồi ra
đó, nàng phỗng trơ tựa khúc gỗ, chẳng nói chẳng nhúc nhích, phó mặt cho
họ trét phấn, bôi son, kẻ mày, nàng chỉ thấy mình là một khúc gỗ, tay
chân cứng đơ để cho họ mặc áo quần. Cuối cùng kể như là xong, người chị
hai nói:
- Xem đấy, chưng diện đẹp lắm chớ bộ! Một mỹ nhân có khác!
- Đẹp thật!
Người chị ba tiếp lời:
- Thực không ngờ Vân Phi lại đẹp như vầy!
- Ồ, cái cậu Từ Chấn Á mà không mê tít mới là lạ cho! Người chị tư cũng xen vào.
Vân Phi lấy gương soi, giật mình “ối” lên một tiếng, người liền
bổ ngửa ra sau. Người chị hai quýnh quáng đỡ nàng, vội vã hỏi:
- Sao? Sao rồi?
- Tôi muốn chóng mặt! - Nàng réo lên. - Tôi sẽ xây xẩm ngay bây
giờ, mau dẹp chiếc gương đi, con yêu quái trong đó làm tôi nôn mửa quá!
- Em chẳng hiểu chi ráo, Vân Phi! - Người chị hai nói. - Thanh niên họ thích thứ cô gái như vậy lắm đấy!
Té ra bọn đàn ông đều thích yêu quái, nàng khẽ rên, thật là họ có cái ưa thích lạ đời!
- Đừng có ở đó nói xàm, bà mẹ bảo. Chúng ta ra sân bay đón người đi!
- Con mà thế, má đừng hòng con bước ra khỏi cửa, - nàng nói tiếp
luôn,- và cũng đừng hòng con đi tiếp cái tên cọp đầu chó đó!
- Giờ thì má đề nghị với con như vầy nhé, bà mẹ dằn cơn giận. Lát
nữa con gặp mặt cậu ấy chớ kêu nó là cọp đầu chó, được không nào?
- Vậy kêu hắn là gì? Nàng thao láo đôi mắt, suy nghĩ. À phải rồi,
cọp đầu chó là tục danh còn chánh danh là sư phang chó, đúng! Đúng là
sư phang chó!
- Trời đất! Bà mẹ trong lỗ mũi thở phào ra một hơi dài. Ai có thể dạy mày, cái con khùng điên này biết làm sao đây?
- Giờ mình ra sân bay cái đã, má, người chị hai đề nghị. Con
nghĩ, nên để Vân Phi ở lại nhà, còn tất cả chúng ta đều đi đón, đằng nào
rồi lát nữa cũng sẽ gặp mặt nhau thôi.
Do đó, người mẹ chỉ còn có nước thở ra rồi cùng mọi người ra phi
trường. Vân Phi chờ họ đặt bước tới cổng ngoài, nàng liền tất tả chạy
tới phòng tắm, mở vòi nước vô thau, không đầy hai phút sau đã tẩy rửa
sạch ráo bộ mặt yêu quái. Và rồi, nàng xé toạt bộ áo quần trên người,
mặt lấy chiếc áo sơ mi và chiếc quần soọc của mình, đoạn chụp lấy cái
nón cỏ và theo của sau dông tuốt như một vệt khói.
Đấy chính là nguyên nhân mà Vân Phi bây giờ mới ngồi trên cây cổ thụ mắng mỏ.
Thời gian chầm chậm trôi, nàng thẫn thờ nằm trên cây cổ thụ, mơ
màng đôi mắt, qua kẽ lá, nhìn mây trắng trên mảnh trời xanh. Chỉ lát sau
nàng đã quên phứt Từ Chấn Á, bầu trời một màu lam, lam đến trong suốt,
lam đến tỏ rõ, lam đến sáng ngời, mây trắng bồng bềnh như khói như tơ,
đến rồi đi, tụ rồi tán, trên mảnh trời lam biêng biếc không tơ hào để
lại ngấn tích, nàng nhìn đến ngây người, nhìn đến xuất thần.
- Vân Phi! Vân Phi! Vân Phi! Em ở đâu?
Tràng tiếng gọi xé tan bầu không khí yên lặng của mái nhà xanh,
Vân Phi bỗng giật mình, tư tưởng từ phương trời xa thẳm bị kéo về thực
tại, nàng hé vạch một vài nhánh cây, len lén ngó xuống, người chị hai
Vân Nghê đang hớt hơ hớt hải càn vào mái nhà xanh, hai tay bụm miệng làm
loa réo gọi vang dội.
- Vân Phi! Em chớ đùa bỡn, cả nhà đang đợi em về dùng cơm đấy! Vân Phi! Vân Phi! Vân Phi!
Chị ta hết hơi hết sức réo gọi, đinh ninh Vân Phi núp trốn quanh
quất đâu đây ở dưới mấy gốc cây mà thôi, chớ đời nào nghĩ tới nàng lại
leo tuốt trên ngọn cây thế này. Vân Phi chẳng khỏi tức cười, lại vội bụm
lấy miệng, vì một cử động ấy mà cuốn Le Petit Chose bên cạnh nàng đã
đánh bịch rơi xuống, hay đâu lại trúng lên đầu Vân Nghê, Vân Nghê ngước
nhanh nhìn lên ngọn cổ thụ, thế là Vân Phi đã bị lộ tẩy.
- Vân Phi, em còn chưa chịu xuống à! thật là hết cỡ nói! Vân Nghê giận đến đỏ mặt tía tai.
- Ơ kìa, tôi có cố ý đâu nào! Vân Phi cuống cuồng giải thích. Quyển sách… quyển sách… tự dưng nó rơi xuống đó thôi!
- Sao hở? Rốt lại em có chịu về ăn cơm không?
Vân Nghê thộn mặt, chị ta dùng cái thứ võ khí mà Vân Phi kỵ nhất,
biết cô em nhỏ này tuy cứng đầu mà lại rất trọng tình chị em.
- Chị bảo cho em biết, nếu em không xuống để theo chị về dùng cơm
thì mấy chị cũng biệt mà lý gì tới em nữa, mãi mãi cả đời không ngó
ngàng chi tới em hết!
- Ôi chao, chị, Vân Phi quả nhiên hoảng lên. Làm gì mà phải giận dỗi đến như vậy, về thì về chớ!
Từ trên cây phóng xuống, đầu nàng ghim đầy lá cành, khắp người
gắn đầy cỏ xanh và vỏ cây, trên bắp đùi thì trét giống gì đen thủi đen
thui, còn ở cổ áo lại lòng thòng bao rễ lúa, nàng hề hề cười với Vân
Nghê và lanh lảnh hỏi:
- Sao! Cái tên cọp đầu chó không nhầm, quả không nhầm, đúng là không nhầm đã tới chưa?
Vân Nghê lom lom mắt ngó nàng, hít vào một hơi dài.
- Trời đất! Chị ta quát. Đừng lôi thôi gàn dở! Mau theo cửa sau mà vô nhà, trang điểm nhanh nhanh để gặp khách!
- Đừng hòng! Vân Phi bảo. Em về trước, chị thủng thẳng về sau nhé!
Rùn chân, nàng nhắm phía trước phóng như bay.
- Vân Phi! Vân Phi! Vân Phi! Ối, trời hỡi!
Vân Nghê ở phía sau thẳng cổ réo rầm rĩ, còn Vân Phi sớm đã dông biệt tăm biệt dạng.
Tợ chiếc đầu xe lửa, Vân Phi đâm sầm vô cổng chạy thẳng đến phòng
khách, đúng lúc người chị ba của Vân Phi là Vân Hà đang hí hửng thổi
phồng đứa em mình với vị khách mới tới.
- Em gái tôi là đứa hiền lành, nhu mì, đẹp nhất nhà…
Câu nói của chị ta bỗng ngưng bặt, mắt thao láo dòm Vân Phi vừa
lủi đầu vô, người trong phòng đều ngớ ngẩn. Riêng vị khách lại đưa đôi
mắt sáng rỡ nhìn cô thiếu nữ mới sấn vào mà nhoẻn một nụ cười.
Vân Phi ngó thẳng vị khách, anh ta hơi ra ngoài ý liệu của nàng,
chẳng giống cọp đầu chó tí nào cả, mà người thì cao ráo, đường hoàng,
với lại cách chưng diện không có chi diêm dúa lố lăng quá; dưới hàng mày
rậm không dễ khuất phục kia là đôi mắt đen sáng suốt và đẹp. Chàng đang
mỉm cười, nụ cười phớt vẻ trào lộng mà lại không hàm chứa ý tứ gì.
- Hay.
Vân Phi gật đầu với chàng, nhương nhướng mày, xỏ xiên nói:
- Thiết nghĩ anh chính là vị cọp đầu chó không nhầm, quả không nhầm, đúng là không nhầm đấy phải không?
Vị khách ấy run người, nhất thời dường như hơi lúng ta lúng
túng. Nhưng, liền đó, chàng ta trấn áp ngay nỗi khó chịu của mình, chậm
rãi cúi lưng với nàng, nụ cười bên khóe miệng lại càng rõ nét.
- Phải. - Chàng ta ung dung đáp lại, lom lom nhìn nàng, ánh mắt
sáng rỡ bức người. - Thế thì, cô hẳn là vị mắc phong hiền lành, nhu mì
và đẹp đẽ nhất đây mà.
Lần này đến
lượt Vân Phi phát run, nàng run bần bật một hồi, tiếp đấy nàng phá lên
cười to, cười đến trời nghiêng đất chuyển. Và cọp đầu chó kia ư, cũng
bật cười theo, cười còn dữ dội hơn nàng nữa. Sau đó, người trong phòng
dễ chừng không nín cười nổi, ai nấy cũng gập bụng mà cười theo. Trong
lúc ấy thì Vân Nghê hổn hển chạy về, gặp phải cái cuộc diện cười khùng
thế này, chị ta đứng ngây người run như cầy sấy, không rõ hà cớ chi mà
mọi người đều mắc phong hết cả.
o0o
No comments:
Post a Comment