Từ Tốc
Tháng Ngày Có Em
Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 9
Sau một lần bị phạt lao động lại
được sự khai sáng của thầy Dương – Giận dữ hấp tấp chẳng lợi lộc gì, đôi khi
lại gây tai họa, chỉ có thể bình tĩnh mới sáng suốt giải quyết được sự việc.
Thế là chúng tôi học hành làm việc nghiêm chỉnh hơn. Giờ học Nhật ngữ cũng
không quậy phá quá đáng. Điều này khiến thầy Uông rất mừng. Thế là ông cũng dạy
một cách thận trọng hơn, cũng như giữ vững lời hứa. Dạy nửa giờ. Nửa giờ còn
lại thảo luận chuyện thời sự.
Lúc bấy giờ cuộc chiến đang đến độ
quyết liệt. Đương nhiên theo lời thầy thì bao giờ quân đội thiên hoàng cũng
thắng. Chuyện này chúng tôi đã quá rõ, nên có đứa đã chơi chữ bằng cách hô to
câu “Hoàng quân vô địch!” trong đó chữ “Địch” đọc thành âm bằng, nên trở thành
chữ “đáy” có nghĩa là “Hoàng quân vô đáy”. Ý muốn nói quân đội Thiên Hoàng đang
rơi xuống vực thẳm tận đáy.
Qua buổi nói chuyện thời sự, chúng
tôi cũng thăm dò về tình hình ở hậu phương. Thầy Uông báo cáo chẳng khác lũ
Nhật là mấy, thí dụ vật giá ở Trùng Khánh vùn vụt tăng. Đồng tiền bị mất giá,
dân đói, bộ đội và học sinh đi học bằng chân không chẳng có giày…nhưng bên cạnh
đó chúng tôi cũng biết được một vài tin tức khác do đôi lúc ông nói hớ ra.
Trong số học sinh, đương nhiên cũng
có người non dạ, dễ tin nên rất nản lòng. Chúng tôi đem sự việc này ra hỏi thầy
Dương, thì ông nói chuyện đó cũng là lẽ đương nhiên. Trong chiến tranh, nhất là
cuộc chiến tiêu thổ thì sự thiếu thốn là thường tình.
Trong những lúc thầy Uông nói chuyện
thời sự, đương nhiên là thầy thổi phồng sự đói khổ ở hậu phương. Ông muốn đem
những chuyện đó ra để hù dọa cho bọn tôi nản lòng nhưng không ngờ ông đã lên
thêm sự căm hờn bọn giặc ngoại xâm trong trái tim bọn tôi hơn.
Có một lần khi ông đang thao thao
bất tuyệt thì Ngô Hán Thanh đã đứng dậy nói.
- Vì lý tưởng, vì đất nước, chiến
đấu cho sự tồn vong của dân tộc thì có phải ăn đói mặc rách, chịu trăm bề khổ
cực cũng nào có nghĩa lý gì. Trái lại các chiến sĩ còn coi đó là vinh.
Vương Mộ Đào vỗ tay nói theo.
- Đúng. Một hình thức nằm gai nếm
mật.
Dương Sơn thì khỏi nói:
- Nếu thời tiết mà không rét thì ở
truồng cũng không sao…
- Hoan nghênh ở truồng! Ha! Ha! Ha!
Anh chàng “ca sĩ” Liễu Ngạn Phong
vội nhại theo một điệu một bài hát nổi tiếng, hát: “Đứng lên! Hỡi những người
không mặc quần, hãy đứng lên!”.
Mọi người ôm bụng cười, rồi người
khác lại phóng tác bài “Nghĩa dũng Quân tiến khúc” tiếp theo.
- Đứng lên! Ôm chặt vợ kẻ thù tiến
lên! Tiến lên!
Trong tình cảnh đó thầy Uông chỉ còn
biết đứng nhún vai cười mếu. Đến khi tiếng cười vơi bớt thẩy lẩm bẩm nói:
- Tuổi trẻ chẳng biết gì cả. Rõ khổ!
Đương nhiên là bọn tôi biết ông đang
nói chúng tôi. Đúng lúc mọi người còn yên lặng thì Anh Tử đứng lên hỏi.
- Thưa thầy! Khổ sở như vậy mà họ cứ
tiếp tục chiến đấu thì sao? Họ có thể chống đối với cái bụng trống rỗng à?
Thầy Uông nói.
- Đúng vậy! Quân đội ta đã nhìn thấy
những xác chết với cái bụng trống rỗng.
Anh Tử chớp chớp mắt ngây thơ.
- Đói vậy mà vẫn chiến đấu? Sao họ
không quay về?
Thầy Uông liếc nhanh sang Đại Khôi
nói.
- Đó mới là chuyện lạ. Họ cứ tiếp
tục chiến đấu không sợ chết, dù sức đã tàn, lực đã kiệt.
Anh Tử đưa bút chì lên miệng cắn.
- Thật dại dột! Em chịu, không làm
sao hiểu nổi.
Thầy Uông cố tình nhấn mạnh.
- Chẳng phải dại mà là điên! Họ
giống như những con thiêu thân… Biết chết mà cứ xông vào! Họ chỉ biết phá hoại!
Anh Tử có vẻ ngạc nhiên.
- Sao lạ vậy? Con người phải hết sức
phấn đấu mới tạo được một xã hội văn minh. Sao họ lại phá hoại?
Bấy giờ thì Dương Sơn không dằn được
nữa đứng lên nói.
- Này cô gái Nhật giả vờ ngây ngô
kia! Cô hãy dẹp bỏ cái trò kệch cỡm đó đi. Đồ tể mà bày đặt đọc kinh sám hối.
Nói cho cô biết, những người chiến đấu bảo vệ đất nước kia mới là những người
bảo vệ văn minh. Họ tình nguyện chết trong đói khát còn hơn là sống dưới ách nô
lệ!
Ngô Hán Thanh cũng lớn tiếng.
- Vì bọn quân phiệt Nhật không muốn
chúng tôi sống trong tự do nên họ phải chết trong tự do!
Anh Tử cười.
- Chết vì tự do? Anh nói gì lạ vậy?
Lần đầu tôi mới nghe đến từ đó.
Ngô Hán Thanh trừng mắt.
- Thế cô có biết người công dân có
quyền tự do yêu nước không?
- Đó không phải quyền lợi mà còn là
bổn phận.
-Vậy thì cô yêu tổ quốc cô chứ?
- Đương nhiên, tôi yêu tổ quốc tôi
và yêu cả nhân loại nữa.
- Nếu vậy tại sao người Nhật lại
không cho phép chúng tôi yêu tổ quốc mình chứ?
- Sao lại không? Ngay chính tôi đây,
tôi là người Nhật, nhưng lớn lên ở đất nước các bạn. Chính tôi cũng yêu Trung
Quốc mà.
Dạ Xoa Tôn Thắng Nam nghe Anh Tử nói
vậy, đứng lên giận dữ nói.
- Yêu ư? Vậy sao cha cô lại mang
quân sang xâm lược nước Trung Quốc chúng tôi?
Anh Tử tròn mắt:
- Cái gì mà xâm lược? Cha tôi bảo
Trung Nhật là thân thiện. Quân Nhật Hoàng sang đây là giúp Trung Quốc để kiến
tạo một cộng đồng lớn gồm Trung Quốc và các nước khác gọi là “Đại Đông Á”.
Vương Ngọc Anh trề môi.
- Đúng là lũ cáo định chăm sóc cho
gà! Toàn là thứ giả dối.
Anh Tử đỏ mặt.
- Chị không có quyên bôi nhọ người
khác. Hôm qua tôi nghe, cha tôi và chú Suzuki nói chuyện. Chú Suzuki nói vừa
bắt được mười mấy tay lãnh đạo du kích đến Trùng Khánh bằng tàu hỏa dự hội
nghị. Bọn du kích này chuyên chống phá quân đội Thiên Hoàng. Họ đã giết rất
nhiều người. Nhưng cha tôi rất nhân từ bảo là chỉ cần họ hàng phục là sẽ tha
chết cho họ mà còn giúp đỡ để họ được sống no đủ nữa. Các bạn nghĩ xem có ai
rộng lượng như cha tôi không. Tha chết cho kẻ đã giết người, vậy mà còn bảo cha
tôi là người xấu.
Uông Đông Nguyên nghe Anh Tử tiết lộ
bí mật, vội xua tay.
- Đừng đừng! Chuyện của cha cô để
cha cô giải quyết. Cô đừng nói gì cả. Có khi hoàng quân bắt lầm lương gian thì
sao? Nghe chẳng rõ đừng nói gì hết!
Anh Tử thấy thái độ của thầy Uông chẳng
biết mình có nói hớ điều gì không vội bào chữa.
- Vâng vâng, có lẽ tôi nghe không
rõ. Tôi cũng không có ý nói tất cả người ở Trùng Khánh đều là người xấu.
Thấy thái độ của thầy Uông tôi biết
ngay sự việc mà Anh Tử vừa tiết lộ là vô cũng nghiêm trọng. Không phải chỉ có
tôi mà cả bộ sậu của lớp đều biết nên tất cả dồn đứng lên hỏi cho rõ chi tiết.
Lúc đó thầy Uông lanh trí chuyển ngay đề tài.
- Chuyện phán đoán một người tốt hay
xấu chỉ bằng trực giác thôi là không đúng. Cái gì cũng cần phải có thời gian
thẩm định. Điều đó đúng như lời một bài thơ xưa.
Chu Công tuy khá vẹn toàn
Vẫn còn sợ tiếng con người thị phi
Vương Mãng tuy đã là vua
Xuất thân thái giám ngày nào trong
cung
Nên phiền những kẻ quen thân
E là lắm tiếng người người cười chê
Mặc Uông Đông Nguyên nói gì thì nói.
Điều chúng tôi quan tâm nhất là sự sống còn của những phần tử yêu nước đã bị
Nhật bắt.
Cao Triết Huê không dằn được, hỏi
Anh Tử.
- Đến bao giờ thì cha cô nói xử bắn
những người bị bắt.
Cả chục cặp mắt đổ dồn về phía Anh
Tử chờ đợi, làm Anh Tử căng thẳng.
- Tôi… Tôi không biết – Đúng ra tôi
không nên nói những điều này với các bạn… Vì tôi biết các bạn rất thù tôi… Các
bạn chẳng bao giờ hiểu được tôi cả. Dù tôi có phơi trần cả trái tim mình.
Còn thầy Uông có lẽ cảm thấy tình
hình quá căng thẳng nên đằng hắng giọng, rồi nói.
- Thôi, mọi người đi quá xa rồi,
quay về chuyện học thôi, nào mở sách ra.
Rôi ông lên bục lật sách ra, mới
viết được mấy chữ thì chuông báo hiệu giờ ra chơi đã reo lên.
*
Chẳng mấy chốc, tin các phần tử ái
quốc bị lính Nhật bắt giam đã lan truyền cả trường. Phe quá khích do Ngô Hán
Thanh dẫn đầu đã vô cùng phẫn nộ đòi tranh đấu ngay. Còn phe “ôn hòa” thì có vẻ
bình tĩnh hơn. Lưu Đại Khôi vội đi tìm Anh Ngọc Như, nhờ thám thính thật hư.
Chiều hôm đó, khi Anh Ngọc Như trở
về, sự việc đã được xác nhận là có thật. Những người bị bắt là các thương gia
buôn muối. Nghe nói khi họ định vượt qua vùng cấm ở khu vực hỏa xa thì bị lính
Nhật phát hiện. Khi khám xét, bất ngờ tìm thấy tài liệu du kích trên người một
thanh niên. Thế là tất cả đều bị bắt. Khi điều tra thì hóa ra họ toàn là những
nhân vật quan trọng. Họ đại diện cho du kích địa phương vượt đường về Trùng
Khánh để tham dự một hội nghị quan trọng.
Vì điểm họ phát hiện nằm trên huyện
chúng tôi nên toàn bộ mới bị dẫn giải về trại giam của Khuyển Dưỡng Quang Hùng
để thẩm vấn.
Chúng tôi biết sự việc thế này hẳn
nhiên là vô cùng nghiêm trọng. Sau khi những người này được thẩm vấn xong là họ
sẽ không tránh được khỏi cái chết, vì thế phải tìm đủ mọi cách để cứu lấy bọn
họ. Không ai nhẫn tâm ngồi nhìn những con người ái quốc kia phơi thây ngoài
pháp trường. Dù họ là những người hoàn toàn không quen biết.
Bọn tôi hợp lại. Cao Triết Huê là tay
quá khích nhất, hắn chủ trương thành lập ngay một đội cảm tử rồi xông vào trại
giam giải cứu những người bị bắt, nhưng Lưu Đại Khôi thì không đồng ý. Lưu Đại
Khôi nói bọn học sinh chúng tôi không một tấc sắt trong tay làm sao có thể liều
mạng với sung đạn của kẻ địch? Đúng là chuyện thí mạng dại dột. Chỉ có cách là
cố liên lạc với những người có ảnh hưởng đến Khuyển Dưỡng Quang Hùng để kéo dài
thời gian xét xử chờ người đến tiếp cứu. Ngô Hán Thanh lại không tán thành ý
kiến của Đại Khôi, cho rằng nhờ vả bọn Hán gian có khác nào đầu lụy bọn giặc.
Chỉ có cách là cấp tốc cho người liên hệ ngay với du kích. Trương Quốc Uy tài
trí hơn người sẽ có thể tìm biện pháp giải cứu cho các đồng đội đang sa chân.
Mỗi người một ý. Dương Sơn là đứa
nhạy bén nhất cũng chịu bó tay. Cuối cùng mọi người chạy đi tìm thầy Dương để
có một biện pháp thích đáng.
Thầy Dương ngã bệnh đã mấy hôm,
nhưng khi thấy bọn tôi bước vào, thầy như đã hiểu được sự việc. Ông chỉ ngồi
lặng lẽ trên ghế với tẩu thuốc trên môi, chẳng nói năng gì cả.
Dương Sơn thay nhóm bạn mang hết tự
sự từ chuyện cãi nhau giữa Anh Tử và cả lớp đến tin các du kích bị bắt và nhất
nhất kể lại cho thầy Dương. Thầy ngồi đấy chau mày vẻ nghĩ ngợi, xong đứng dậy
bước ra khép hết cửa lại rồi mới thở dài hỏi.
- Nhưng… Các em đến đây tìm tôi để
làm gì?
- Dạ chỉ xin ý kiến của thầy. Xem có
thể dùng biện pháp gì cứu những người gặp nạn kia ra không ạ?
Thầy Dương lắc đầu.
- Chúng ta ở đây chẳng ai giúp gì
cho họ được cả. Các anh hãy quay về lo chuyện học. Coi chuyện đến đấy chiến đấu
chẳng khác nào châu chấu đá xe. Còn chuyện các em định đến nhờ vả bọn Hán gian
càng nguy hiểm. Họ có thể đặt bẫy để bắt các em, rồi những người chung quanh cũng
có thể bị liên lụy theo. Chuyện các du kích bị bắt không phải là đội quân du
kích không biết, nhưng cái gì cũng phải biết lượng sức. Không thể vì để cứu một
vài người mà phải hy sinh cả trăm người. Có khi xông vào được đến nơi thì những
người kia đã chết. Vì vậy cần phải cân nhắc.
Mọi người cúi đầu yên lặng. Thầy
Dương tiếp.
- Hãy tự cứu mình trước khi lo cứu
người.
Và quay qua Dương Sơn, ông hỏi.
- Còn anh, anh là người lanh trí.
Vậy tôi hỏi anh, hoàn cảnh hiện nay ra sao biết không?
Dương Sơn cúi đầu.
- Dạ biết chứ, chúng ta như cá nằm
trên thớt, thầy hiệu trưởng, thầy và chúng em đều nằm trong sự giám sát của kẻ
thù.
- Biết vậy thì tốt. Hiện giờ dù bị
thống trị mà chúng ta vẫn còn được học thì đáng quý lắm, ta phải tận dụng cái
quý giá đó. À mà các em có còn nhớ bài cổ văn “Tô Tần thuyết Tần” mà mấy hôm
trước tôi đã giảng không?
Dương Sơn đọc một câu.
- “Khi chim chưa mọc đủ lông cánh
thì chớ có bay cao”.
- Đấy! Đấy! – Thầy Dương vừa thở
khói vừa nói – Các anh hẳn hiểu ý câu đó chứ?
Và quay sang Cao Triết Huê, ông hỏi.
- Anh nghe rồi đấy, thế bây giờ ý
anh ra sao?
Triết Huê bứt rứt.
- Dạ… Nhưng mà… Chúng em không thể
ngồi yên nhìn họ bị đày đọa trong ngục.
- Trong chiến tranh đó là chuyện
thường. Có nhiều cảnh còn khổ hơn thế trăm lần anh chưa trông thấy đâu, mà cuộc
chiến vẫn còn chưa kết thúc, từ đây về sau anh sẽ còn phải chứng kiến hàng vạn
hàng triệu người phải hy sinh như vậy.
- Chẳng lẽ chúng ta khoanh tay ngồi
nhìn ư?
- Các anh đã từng học qua bài “Lưu
Hầu Luận” trong đó có mấy câu rất hay. Các anh, ai còn nhớ nào?
Lưu Đại Khôi vọt miệng đọc.
- “Bất bình rút gươm vung dậy, xả
thân mà chiến đấu bất kể lợi hại, đó là cái dũng của kẻ thất phu”.
Bấy giờ thầy Dương mới gật đầu.
- Đúng đấy! Khi ta đọc sách cổ nhân,
không phải chỉ học thuộc làu làu là đúng mà còn phải suy ngẫm ý nghĩa của nó.
Hồi hấp thu những kinh nghiệm quý mà người xưa tập hợp được sau đó đem áp dụng
vào cuộc sống. Đọc sách như vậy mới là đọc. Các em thấy đúng không?
- Dạ đúng!
- Vì vậy, nói cho các em biết: Tuy
nằm trên giường bệnh nhưng tin các chiến sĩ ta bị địch bắt tôi còn biết trước
hơn cả các em nhưng…
Thầy Dương nói đến đó chợt nổi cơn
ho sù sụ, một hồi có vẻ mệt thầy lắc đầu nói.
- Thôi các em hãy về đi, nhớ đừng
nghĩ đến nữa nỗi đau khổi của kẻ mất nước, hãy gắng chịu đựng trong lòng. Nếu
không, phẫn chí làm bậy thì không những nhà trường mà cả thân nhân các em cũng
bị liên lụy.
Ngô Hán Thanh nghe vậy đột nhiên
đứng dậy.
- Dạ thưa thầy, xin thầy hãy tha
lỗi, em có điều muốn nói. Mọi người ngạc nhiên, hướng mắt về phía Thanh chờ
đợi. Thanh tiếp.
- Ngày thường đến lớp, thầy kể rất
nhiều gương trung liệt hiệp nghĩa cho chúng em nghe. Đó là những truyện như
Trương Lương ở Bắc Lang Sa, Kinh Pha bên bờ Dịch Thủy, năm trăm tráng sĩ của
Điền Hoành trên đảo hoang ngoài biển. Tất cả những người đó nào có sống vị kỷ,
họ cũng biết hành động của họ liên lụy đến thân nhân. Nhưng vì đại nghĩa, họ
coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ đã để lại tấm gương tỏa sáng đời sau. Những
tấm gương thầy giảng đó đã ăn sâu vào khối óc chúng em, nên bọn em đã coi đó là
chân lý. Bây giờ quay lại những người đã bị bắt. Nếu họ đều khiếp nhược, đều
sống vị kỷ bản thân, thì chuyện nước còn có ai đứng ra gánh vác.
Ngưng lại một chút, Ngô Hán Thanh
tiếp:
- Những người yêu nước họ sẵn sàng
hy sinh thân mình để cho chúng ta được sống yên vui tự do. Vậy thì những người
được sống như chúng ta chẳng lẽ đứng yên mà nhìn? Vô tình như vậy được sao?
Không! Không thể như vậy được. Chúng ta không thể lấy lý do vì còn nhỏ, còn
phải học hành ra mà thoái thác trách nhiệm. Bởi vì mục đích đi học của chúng ta
là gì? Học sách thánh nhân làm gì? Chẳng phải cũng là bảo vệ xây dựng đất nước.
Không còn đất nước thì xây dựng ai.
Ngô Hán Thanh hạ thấp giọng xúc động
nói.
- Nếu nói chúng ta yếu đuối, chưa đủ
sức để giải cứu những người yêu nước kia thì em cho rằng đó chỉ là những lời tự
biện hộ cho sự hèn nhát của mình, liệu làm vậy ta có thể yên ổn lương tâm được
không? Tại sao không tìm biện pháp để cứu người? Cứu một người yêu nước có hy
sinh sáu bảy, mạng người vẫn đáng giá hơn là ngồi than thân trách phận.
Ngô Hán Thanh nói đến đó, bước tới
cúi người xuống chào thầy Dương lần nữa rồi thành khẩn tiếp.
- Thưa thầy, em hết sức kính trọng
tri thức và nhân cách của thầy. Sự kính trọng đó có thế nào cũng không thay
đổi. Xin thầy khai sáng cho chúng em, chỉ dẫn chúng em.
Mọi người đều hướng mắt về phía thầy
Dương. Lúc này thầy Dương có vẻ vô cùng xúc động, run run giọng thầy nói.
- Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục
đích? Có thể làm như vậy được sao?
Dương Sơn vẫn nghi ngờ.
- Bằng mọi thủ đoạn để chiến thắng?
Thủ đoạn gì?
- Điều này phải nghĩ lại… - Thầy
Dương suy nghĩ rồi nói – Nhưng có điều…
Dương Sơn cướp lời.
- Vì mục đích tối thượng là chiến
thắng, xin thầy đừng lưỡng lự nữa. Không có chuyện lựa chọn ở đây, thủ đoạn đó
dù đê tiện hay xấu xa thế nào, miễn cứu được các chiến sĩ đó là được.
Thầy Dương lắc đầu.
- Nhưng nếu sử dụng những thủ đoạn
xấu xa quá thì cũng không vinh dự gì. Để thầy suy nghĩ.
- Thầy chẳng đã từng dạy chúng em về
điển tích. Ngày xưa “nam nữ thụ thụ bất thân” nhưng thầy Mạnh Trí thấy bà chị
dâu mình sắp ngã cũng phải nhảy ra ôm đỡ lấy, chớ không được câu nệ khuôn phép
đấy ư?
- Đúng đấy! Đến thánh nhân khi gặp
chuyện cần ra tay, cũng không thể để tâm dư luận. Sống thuận lẽ trời là đúng!
Lưu Đại Khôi nói.
- Hẳn thầy đã nghĩ ra một biện pháp
nào mà nghĩ là nó quá hạ sách nên không muốn nói ra? Đó là biện pháp nào mà nghĩ
là nó quá hạ sách nên không muốn nói ra? Đó là biện pháp gì vậy?
Thầy Dương lắc đầu.
- Không thể được! Nghĩ tới nghĩ luôn
mãi tôi thấy biện pháp đó cũng không nên dùng.
Cao Triết Huê thăm dò.
- Có phải thầy định giết Khuyển
Dưỡng Quang Hùng?
Thầy Dương Cười.
- Chẳng trách gì các bạn gọi em là
“Con người lẩn thẩn”.
Lưu Đại Khôi hỏi.
- Thầy có định nhờ thầy Uông Đông
Nguyên không? Ông ấy có liên hệ tốt với lính Nhật.
Thầy Dương đưa tay vuốt nhẹ bộ râu
nói.
- Các em toàn nghĩ chuyện không
tưởng. Con chó chỉ biết vẫy đuôi theo chủ chứ nào dám làm gì khác?
- Nếu vậy thì…
Thầy Dương suy nghĩ thật lâu rồi lẩm
bẩm.
- Chỉ còn một cách đó là… Có ai đó
can tâm tự nguyện hi sinh chính mình để làm khổ nhục kế! Chỉ có sự hi sinh
thôi!
Cao Triết Huê vừa nghe thầy Dương
nói chưa biết chuyện sẽ làm là gì thì đã đưa hai tay lên.
- Em tình nguyện!
- Bọn em cũng tình nguyện!
Tất cả đều đưa tay lên. Thầy Dương
lắc đầu nói.
- Không cần phải đông đến thế, chỉ
cần một người thôi.
- Thế có nghĩa là thầy đã chọn? Thầy
chọn ai vậy?
Thầy Dương cười liếc nhanh về phía
Ngô Hán Thanh rồi nói.
- Tạm thời tôi chưa thể nói cho các
em biết, nhưng các em phải giữ kín chuyện này và tuân theo lời dặn đây.
- Dạ.
- Vậy thì bắt đầu từ giờ này, làm
bất cứ điều gì cũng phải điềm tĩnh. Không được nóng nảy. Ở đó chờ đợi chuyển
biến.
No comments:
Post a Comment