QUỲNH DAO
Xóm Vắng
Chương 2
Suốt một ngày nhọc mệt, Tư Oanh mới dọn xong căn phòng riêng
của mình. Nàng ngồi bên chiếc bàn viết xinh xắn, đưa mắt nhìn quanh một lượt.
Tư Oanh vẩn vơ suy nghĩ, không hiểu tại sao mình lại có
những quyết định bất ngờ như thế. Với sức học như nàng, nàng có thể đảm đang
nhiệm vụ giáo sư, nhưng nàng lại nằng nặc xin với ông chú ở Bộ Quốc Gia Giáo
Dục về làm hiệu trưởng ở một trường tiểu học vùng ngoại ô.
Ông Thưởng, chú nàng hơi ngạc nhiên:
- Thật chú không sao hiểu nổi con. Có trình độ như con ít ra
cũng phải làm giáo sư mà con lại muốn đi làm hiệu trưởng ở một trường tiểu học.
Mặc dầu trường đó sẽ mở thêm các lớp trung học, nhưng cũng còn lâu. Con phải
biết, làm hiệu trưởng trường tiểu học lương không cao, thỉnh thoảng lại phải
thế mấy cô giáo đi sinh nở, chăn bọn trẻ nhỏ không phải dễ đâu.
- Chú cứ yên tâm, con làm được, vì con thích trẻ, lại ưa
cảnh đồng ruộng mát mẻ. Con ngán bọn học trò lớn bây giờ lắm.
- Nhưng tại sao con lại chọn trường đó? Trường khác cũng
giống hoàn cảnh như thế có được không?
- Con chỉ thích trường B.T. vì ở đó có nhiều cảnh đẹp với
ngôi chùa cổ thâm nghiêm.
o0o
Nhìn qua dáng điệu trong gương, nàng có vẻ là một cô giáo
hẳn hoi. Xong xuôi, Tư Oanh bước ra ngoài. Trời đã xế chiều, ánh nắng thật đẹp.
Ra đến đường cái, hai bên là những luống rau chạy dài thẳng tắp, màu xanh tươi.
Nàng đi được một đoạn đường là đến nhà Trần. Gian nhà dưới ánh nắng chiều trông
thật dịu hiền, ấm cúng. Ngoài rào, xung quanh nhà trồng toàn hoa lài, loại hoa
dùng để ướp trà.
Tư Oanh dừng chân nhìn vào nhà một giây, có tiếng xe rồ máy,
tiếng mở cổng rồi bên trong chiếc xe hơi Dauphine từ từ chạy ra và quẹo bên
đường cái chạy về phía thủ đô. Qua khỏi nhà Trần một đỗi là đến Hàm Yên Trang.
Gian nhà hoang tàn ấy như có sức thôi miên nàng một cách kỳ dị.
Tư Oanh đứng do dự một hồi lâu rồi bước vào lách mình ngang
hai cánh cửa sắt. Mấy cụm hoa hồng vẫn còn đó, nàng cúi xuống bẻ hai cành rồi
đứng ngẩn ngơ nhìn mấy bức tường đổ trong giây phút mới quay trở ra. Cảnh chiều
thật đẹp, gió hây hây, Tư Oanh thở một hơi thật dài, lòng nhẹ nhàng khoan
khoái.
Nàng lẩm bẩm:
- Ta đã chọn một nơi thật đúng.
Về đến nhà, nàng cắm hai nhánh hoa hồng trên một bình nhỏ
đặt trên bàn viết. Màu hồng của mấy đóa hoa khiến Tư Oanh có những cảm giác ấm
áp, vui tươi.
Đêm ấy, nàng cứ ngắm nghía mãi những đóa hoa hồng. Bên
ngoài, tiếng dế gáy êm nhẹ ngoài đồng ruộng mênh mông, giữa màn đêm đen đặc. Tư
Oanh thẫn thờ suy nghĩ một lúc rồi keó ngăn tủ lấy xấp giấy viết thư ra ghi mấy
dòng ngắn ngủi:
"Anh J... Thân mến,"
"Tôi thành thật xin lỗi anh và tôi cũng đã quyết định ở
lại trên đất nước này, nơi chôn rau cắt rốn, nơi tổ quốc thân yêu của tôi.
"
"Tôi xin anh thứ lỗi cho và thành thật chúc anh tìm
được một người bạn gái hoàn toàn hơn tôi về mọi phương diện”.
"Cũng không hiểu tại sao tôi lại có quyết định đột ngột
như thế, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên. Một buổi chiều tôi đi dạo ngoài ngoại ô
vắng vẻ, cảnh hoang tàn của quê hương và hình ảnh một người tàn tật cùng đứa
con gái nhỏ không mẹ, giúp tôi có được ý thức về tổ quốc và đưa đến quyết định
này. "
Chỉ viết được mấy câu rồi nàng buông viết thở dài. Nàng
không thể nào nói hết tâm sự mình cho J... hiểu được. Có lẽ chàng sẽ cho nàng
là một người quá lẩn thẩn hay gàn. J... đang chờ nàng để làm lễ thành hôn, nàng
đã 30 tuổi rồi, đã đến cái tuổi cần phải có gia đình. Nhưng đã xa quê hương hơn
mười năm, giờ đây khi trở lại quê cha đất tổ, với những người xung quanh dường
như có quen biết nhau từ vạn thuở trước, bỗng nhiên tình quê hương sống lại.
Tựu trường đã được ba hôm, rồi Tư Oanh vào dạy thế cho một
cô giáo đã đi sanh. Tư Oanh đứng trên bảng giảng bài, nàng chú ý một đứa bé
ngồi hàng đầu, bên trái. Nàng thấy nó không chú ý nghe mà cũng không nhìn mình,
chỉ chống tay lên cằm nhìn ra cửa sổ. Tự nhiên, Tư Oanh cũng nhìn theo hướng
ấy. Bên ngoài một gốc cây to lớn, tàn cao bóng mát, ngoài xa là chân trời xanh
xanh với những vầng mây trắng.
Nàng vụt ngưng giảng bài, gọi:
- Đình Đình!
Đứa bé không hay biết, nó vẫn nhìn ra tàng cây lớn và chân
trời xanh nhạt ấy. Tư Oanh gọi to hơn:
- Đình Đình!
Nhưng đứa bé vẫn không nghe. Đôi mắt Đình Đình đen, hằn sâu,
không giống những đứa bé khác ngây thơ, liếng thoắng. Tư Oanh cau mày:
- Đình Đình, nhìn gì vậy?
Lần này thì nó nghe và giựt mình quay lại. Nó sợ sệt, nó run
run vịn bàn hỏi:
- Dạ…Thưa... Cô gọi con?
Dáng điệu của nó làm Tư Oanh mềm lòng, nàng chậm rãi bước
tới gần bàn. Đình Đình ngẩng lên nhìn, vẻ mặt sợ sệt như có vẻ đang chờ đợi
hình phạt đến với mình.
- Sao con không chịu nghe giảng bài?
Tư Oanh không ngờ giọng mình lại ôn tồn đến thế.
- Con nhìn gì đó?
Đình Đình chớp mắt, vẻ êm dịu của Tư Oanh khiến nó an lòng
phần nào. Nó ấp úng:
- Dạ... Con nhìn tổ chim trên cây.
Đình Đình hạ giọng tiếp:
- Thấy chim mẹ tha mồi về, con nhìn xem có chim con không.
Tư Oanh nhìn lên cây, quả thực giữa đám lá rậm có một tổ
chim, nàng nhìn con bé không nỡ trách:
- Thôi, nghe giảng bài đi, đừng lo ra không hiểu được. Ra về
em lại nhà cô, cô có việc cần hỏi em.
Nét mặt Đình Đình lộ vẻ ngạc nhiên:
- Dạ...
- Con đừng sợ.
Tư Oanh vỗ nhẹ lên vai Đình Đình. Hai vai nó gầy gầy, mảnh
khảnh coi thật đáng thương.
Giờ tan học, Tư Oanh dẫn Đình Đình về nhà mình, nàng bảo nó
đưa tập vở cho nàng xem trình độ của nó. Xem xong, Tư Oanh hơi ngạc nhiên không
hiểu Đình Đình học như thế mà người ta cho nó lên lớp thì kể cũng lạ.
Nhìn nó đứng khoanh tay, vẻ mặt sợ sệt nàng thấy thương mến
nó vô cùng. Có lẽ tại nếp sống hàng ngày của nó, tại gia đình của nó thế nào
nên nó mới không được dìu dắt.
- Đình Đình, xích lại đây cô bảo.
Nàng nắm tay Đình Đình kéo lại gần mình, vuốt tóc nó hỏi:
- Hồi nãy con có hiểu bài cô giảng không?
- Dạ... Con...
Đình Đình ấp úng không nói hết. Giọng Tư Oanh càng ôn tồn
hơn:
- Nếu không hiểu thì cứ nói với cô, con còn học kém lắm đó,
phải cố gắng mới được.
Đình Đình nói:
- Dạ, hồi nãy con không hiểu.
- Con không hiểu chỗ nào?
- Dạ... Tự nhiên người ta đem gà với thỏ bỏ vô một chuồng
rồi đếm chân đếm đầu xong bảo tính số con, bộ người ta không biết đếm chân thỏ
riêng, chân gà riêng sao?
Tư Oanh mở to mắt nhìn Đình Đình, nàng không biết trả lời
sao trước câu hỏi của nó. Một lúc sau nàng lắc đầu:
- Đó là người ta đố con để sau này con gặp phải việc khác
giống như thế con sẽ biết tính.
Đình Đình lắc đầu:
- Nhưng... Đâu có ai nhốt chung gà với thỏ.
- À... Học toán phải như thế... Bây giờ mình thí dụ nhốt gà
với thỏ để tính toán cho quen, mai sau lớn lên mình ra đời, mình sẽ biết suy
nghĩ để tìm kết luận cho dễ.
- Dạ...
Đình Đình cúi đầu:
- Con... Con ngu lắm phải không cô?
Tư Oanh khẽ lắc đầu:
- Không, con đừng nghĩ thế. Con biết đặt câu hỏi như thế là
cũng biết suy nghĩ rồi. Con cũng có vẻ thông minh, nếu con ráng học thì con
giỏi ngay.
Đình Đình sung sướng cười tươi:
- Vậy thì con sẽ ráng học.
Gương mặt nó lúc đó thật rạng rỡ dễ thương.
Tư Oanh nhìn vóc người của Đình Đình:
- Nhà con có tất cả mấy người?
- Dạ nhiều lắm... Ba con, má con, dì Châu và bác Du... Dì
Châu giúp việc trong nhà, bác Du lái xe...
Tư Oanh hơi ngạc nhiên, như vậy là nhà con bé giàu rồi. Nàng
đắn đo một chút:
- Đình Đình... Má con có thương con không?
Đình Đình như giựt mình một cái, nó hơi lùi lại, nhìn Tư
Oanh chăm chăm, vẻ mặt giận dỗi:
- Dạ... Thương chớ...
Nó ấp úng một lúc rồi tiếp:
- Ở nhà con ai cũng thương con hết mà, má con thương con
nhiều nhất, má con thương con lắm...
- À...
Đình Đình cúi đầu, đôi môi mím chặt, giọng buồn bã:
- Con nói thật đó... Cô đừng nghe lời người ta nghe cô, ba
má con thương con lắm.
Tư Oanh lắc đầu, nàng càng thấy thương con bé hơn. Như vậy
là gia đình nó không êm ấm gì rồi. Vuốt mái tóc tơ của Đình Đình, Tư Oanh nói:
- Cô biết, cô biết ba má con thương con lắm, không ai nói
bậy bạ về chuyện đó đâu.
Nàng đỡ cằm nó lên:
- Con về xin với ba má mỗi ngày ở lại nhà cô một giờ sau giờ
học để cô kèm cho giỏi, nếu không, sợ con học lớp nhì không nổi đâu, năm sau
thi rớt.
- Dạ, để con thưa với ba má.
- Thôi Đình Đình về đi.
- Thưa cô con về.
Tư Oanh lắc đầu nhìn theo Đình Đình, có lẽ nó đang sống
thiếu thốn về tinh thần.
- Này... Con Đình Đình...
Con bé giựt mình, quay đầu lại.
- Con có anh em, chị em gì không?
- Dạ không.
- Ba má chỉ có một mình con?
- Dạ...
- Con còn ông bà không?
- Dạ, bà con mất cách đây vài năm. Còn ông con mất từ lâu, con
không biết mặt ra sao cả.
Tư Oanh lặng thinh, một lúc nàng nói:
- Thôi con về đi.
Đình Đình đã đi khuất. Tư Oanh ngồi im lặng suy nghĩ trên
chiếc ghế dựa, đôi mắt nàng vẫn lơ đãng nhìn ra phía ngoài đường.
Trong tay, Tư Oanh cầm cây viết chì, nàng thờ ơ cắn đoạn cao
su trên đầu viết. Một cô giáo ở cạnh nhà bước vào khiến Tư Oanh giựt mình quay
đầu lại nhìn:
- Cô đang nói chuyện với con Đình Đình hả? Con nhỏ đó có làm
gì phiền không?
Người vừa hỏi là cô Ngọc, giáo viên lớp ba, tánh tình rất
tốt. Cô ta còn trẻ, đã dạy tại đây mấy năm rồi.
Tư Oanh lắc đầu:
- Không có gì. Nó kém môn toán, tôi muốn trò chuyện riêng để
hiểu thêm. Nó thật là một đứa nhỏ đặc biệt.
- Đúng vậy, con nhỏ đó cũng lạ lắm.
Nói xong, Ngọc ngồi sề xuống chiếc ghế đối diện với Tư Oanh:
- Nếu cô xem văn nó, cô sẽ không ngờ đó là văn của đứa bé 11
tuổi.
- Ủa, Đình Đình viết văn hay lắm sao cô?
- Hay lắm, trí tưởng tượng của nó thật dồi dào khiến ai cũng
phải ngạc nhiên.
Rồi Ngọc lại nói:
- Một đứa bé có thiên tài như thế làm khổ chúng mình lắm.
Mỗi năm, vấn đề có nên cho nó lên lớp hay không làm mình bận trí. Phải bàn mãi
với ban giám đốc. Nó rất dở toán, nhưng quốc văn lại giỏi lạ lùng. Nhưng cô
cũng nên chú ý, tánh nó khó lắm.
- Khó là sao?
Ngọc mỉm cười:
- Tài dối trá của nó chúng mình cũng khó có thể mà theo kịp.
Tư Oanh cau mày khó hiểu:
- Thế à?
Ngọc kéo ghế ngồi sát lại gần:
- Cô mới tới, chắc chưa hiểu chuyện gia đình ấy đâu.
Ngọc hạ giọng, ra vẻ như câu chuyện có nhiều u uẩn ly kỳ. Từ
xưa đến nay bản năng sẵn có của người đàn bà là thích kể chuyện này, chuyện nọ
cho người khác nghe.
Tư Oanh cau mày:
- Câu chuyện của gia đình ấy? Chuyện gì vậy cô?
Tư Oanh nhìn Ngọc, trước mắt nàng hình dáng của Trần, người
thanh niên tàn tật lại nổi lên lờ mờ.
- Ba của Đình Đình là Trần. Trần Văn, cô có biết người ấy
không?
Tư Oanh lắc đầu.
Ngọc tiếp:
- Cô chưa biết gì về chuyện ấy cả. Ở đây, ai ai cũng rõ
chuyện gia đình ông Trần, cô có thấy những khu vườn bát ngát xung quanh đây
không? Tất cả đều là của ông ta đó. Chẳng những ông có vườn tược, mà ở dưới thủ
đô, ông cũng có một hiệu buôn lớn chuyên bán sỉ về các tỉnh. Ở đây, ai cũng cho
rằng ông ấy là người giàu nhất vùng này, vì thế cho nên khi ngôi biệt thự bị
cháy, ông ta cứ bỏ luôn như thế, không thèm sửa sang lại, mà đi cất nhà khác để
ở.
Tư Oanh ngạc nhiên:
- Ông ấy bỏ cả ngôi nhà cũ à?
- Cô có thấy ngôi nhà hoang tàn cách đây không xa không? Đó
là Hàm Yên Sơn Trang.
- Tôi thấy...
- Vợ chết, nhà cửa tan tành, dường như ông ấy muốn để nguyên
như thế để tưởng nhớ người xưa, thường thường ông ta hay đến đó như để nhớ lại
bóng dáng người xưa.
Tư Oanh ngạc nhiên:
- Ủa, vợ ổng chết rồi sao?
- Đó là người vợ trước, mẹ ruột của Đình Đình, còn người vợ
này là kế mẫu.
- À...
Tư Oanh liếc mắt nhìn tập vở của Đình Đình đang để trên bàn.
- Có người lại bảo Đình Đình cũng không phải là con ruột của
ông Trần.
Ngọc ngưng giây lát, như để cho cuộc nói chuyện có phần hứng
thú thêm, Tư Oanh sốt ruột hỏi:
- Cô bảo sao?
Ngọc tiếp:
- Nghe nói người vợ trước của ông ấy là một người rất đẹp mà
lại có tánh hay e thẹn, dường như đó là một người làm công cho ông ta ở tiệm buôn
dưới Saigon. Ông ta mê cô ấy, mặc dầu gia đình phản đối dữ dội, ông vẫn đem về
nhà ăn ở. Sau đó hai năm, sanh con Đình Đình. Bà ta thường ở dưới tiệm lo buôn
bán, rồi có tiếng đồn sao đó, ổng nổi ghen đuổi đi, bả phẫn uất, nhảy xuống
sông tự vận... Vì thế có người nói rằng Đình Đình cũng không phải là con của
ông Văn.
- À...
Nhưng Tư Oanh thấy rõ là Đình Đình rất giống Văn.
Ngọc tiếp:
- Lúc mới sanh ra, Đình Đình không được cha thương mến, rồi
sau đó khi có mẹ ghẻ, nó lại càng khổ sở hơn... Hơn nữa, ông Văn lại mù...
- Ông ấy mù bao lâu rồi?
- Chừng vài năm nay...
- Tại sao mù vậy?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không rõ, có kẻ nói ổng bị nhiễm nhằm chất độc, người
lại nói ổng bị thương đôi mắt trong lúc nhà cháy... Nhưng trong gia đình ấy có
nhiều điều khó hiểu lắm... Không sao quyết đoán được.
- Như vậy là kế mẫu chắc không thương Đình Đình?
Ngọc chỉ nhếch mép cười ý nhị...
- Nhất định Đình Đình sẽ cho cô biết là mẹ ghẻ nó rất thương
nó, tôi nói như thế có đúng không? Nếu như cô thích nó, cô sẽ biết thêm được
nhiều chuyện rất lạ trong gia đình ấy... Cô đã nghiên cứu về nền giáo dục ở
nước ngoài hiểu nhiều tâm lý trẻ con, Đình Đình là một đối tượng rất tốt và cần
phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm... Cô tìm cách gần gũi thân mật với nó, tôi tin
rằng...
Ngọc mỉm cười nhìn Tư Oanh lặng thinh, trong trường, các cô
thầy đều đồn rằng vì Tư Oanh thích con bé ấy, muốn tìm hiểu nó nên mới xin
đến... Chớ không phải đến vì muốn có việc làm...
Ngọc tiếp:
- Đình Đình sẽ làm cho cô gặp nhiều điều lạ lùng đáng ngạc
nhiên lắm. Cô cứ thử xem lời tôi nói có đúng không.
Ngọc đứng dậy nhìn ra ngoài, mặt trời đã khuất sau rặng cây
từ lâu... Bóng hoàng hôn tràn ngập khung cửa sổ, vào bên trong nhà.
- Trễ quá rồi... Xin lỗi tôi về...
Ngọc nhanh nhẩu bước ra ngoài. Tư Oanh nhìn theo phía sau
lưng Ngọc, đến khi bóng cô ta khuất hẳn, nàng lại ngồi xuống ghế thẫn thờ nhìn
cảnh vật bên ngoài đang chìm lần trong bóng đêm.
o0o
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ... Tư Oanh ngẩng đầu lên:
- Cứ vào.
Cánh cửa mở, Đình Đình mang cặp bước vào rồi quay mình ra
khép cửa. Nó tới gần bên nàng:
- Thưa cô...
- Con ngồi xuống ghế đi.
Nàng nhìn Đình Đình mỉm cười:
- Con biết không, kèm cho con một tuần thấy con tiến bộ rõ
ràng. Bây giờ mới biết con đâu có học kém, tại con chán nản việc gì nên không
cố học thôi.
Đình Đình chỉ cúi đầu lặng thinh thở ra.
Tư Oanh mỉm cười:
- Ủa, tại sao lại thở ra? Bắt chước ai vậy? Bắt chước ba hả?
- À... Ba...
Đình Đình như chợt nhớ ra điều gì, nó mở cặp, cầm một phong
thư trao cho Tư Oanh:
- Suýt chút nữa con quên... Ba con bảo trao bức thư này cho
cô...
- Gì đó?
Tư Oanh cầm chiếc bao thư dày cộm... Mở ra, bên trong là một
xấp giấy bạc xếp cẩn thận... Tư Oanh nghiêm sắc mặt nhìn Đình Đình:
- Tiền gì đây?
- Dạ... Ba con bảo, cô tốn công kèm thêm cho con giỏi... Nên
gởi cho cô.
- Như vậy là tiền kèm cho Đình Đình đó hả?
Tư Oanh mỉm cười bỏ xấp giấy trở vào bao thơ trao lại cho Đình
Đình:
- Con đem về trả lại cho ba... Cô kèm thêm cho con không
phải để lấy tiền đâu. Cô đã có đủ tiền để chi dụng, lấy thêm làm gì?
Đình Đình lúng túng:
- Nhưng ba dặn con đưa cho cô, nếu đem trở về, con bị rầy.
Tư Oanh hơi lo ngại:
- Ba con thường hay rầy con không?
Đình Đình lắc đầu:
- Dạ... Không... Từ trước đến nay, chưa bao giờ ba con rầy
con cả... Ba rất thương con.
Đình Đình mở to đôi mắt nhìn Tư Oanh hồi lâu rồi thỏ thẻ
tiếp:
- Hôm qua là ngày sinh nhật của con...
- Thế à?
Tư Oanh chưa đoán được ý định của Đình Đình.
- Chính con, con cũng quên.
Thái độ của Đình Đình thật thà, ngây thơ.
- Lúc tan học trở về nhà, nhìn thấy chiếc bánh lễ, nến thắp
sáng nhà, con đang ngạc nhiên thì ba con ôm con vào lòng nói: "Con cưng
của ba, chúc con được vui vẻ luôn”.
Đình Đình sung sướng nói:
- Ba con gọi con là cưng vì chắc ông không biết con đẹp hay
xấu, cao hay thấp thế nào. Rồi má con trao cho con một chiếc hộp, cô biết trong
đó có cái gì không?
Đình Đình chớp chớp mắt nhìn Tư Oanh mỉm cười. Tư Oanh cũng
cười:
- Có gì trong đó?
- Một con búp bê thật đẹp và lớn... Tóc vàng, nó biết nhắm
mở mắt nữa. Để mai con mang cho cô xem. Má con chọn đó, bà biết con thích búp
bê. Con thích búp bê từ nhỏ, con có nguyên một tủ đựng búp bê, con đặt tên cho
chúng tất cả. Cô biết con búp bế mới con đặt tên gì cho nó không?
- Con đặt tên gì?
- Nó tóc vàng. Mái tóc vàng óng và mũi cao của nó đẹp lắm,
phải cô thấy cô khen liền hà. Con đặt tên nó hay lắm...
Tư Oanh nhìn gương mặt ngây thơ của Đình Đình. Trong giây
phút ấy, nàng thấy những nét buồn buồn, già dặn của con bé biến mất cả.
- Con có nhiều búp bê ở tại nhà sao má con còn mua thêm nữa?
Đình Đình nhướng mày:
- Càng nhiều, chúng nó có bạn càng vui hơn nữa.
Đình Đình hình như chẳng được vui vì thiếu bạn bè, Tư Oanh
nghĩ thế qua câu nói của nó.
- Bình thường, con ít khi vui lắm hả Đình Đình?
Đình Đình lắc đầu:
- Dạ không, má con ở bên con luôn. Khi con thức dậy, má con
chải đầu chứ không để dì Châu chải cho con, rồi má còn ăn sáng với con trước
khi sửa soạn cho con đi học. Tối đến, con học bài, má con ngồi gần con, khi ngủ
con cũng ngủ chung với má nữa.
Đôi mắt Đình Đình sáng hẳn lên như tràn trề hạnh phúc:
- Má con tốt nhất trên đời phải không cô?
- Ờ... Như thế thì con hạnh phúc lắm. Thôi, mình gác chuyện
đó lại, chúng ta làm toán thêm đã.
Đình Đình nhìn Tư Oanh, hỏi như van lơn:
- Học hả cô... Thế cô không thích nghe con nói chuyện sao?
- Thích lắm chớ.
Nàng nắm lấy tay Đình Đình:
- Nhưng chuyện học hành quan trọng hơn.
Nàng bỗng nhìn tay Đình Đình kinh ngạc:
- Ủa...
Đình Đình cũng giựt mình, nó định rút tay lại nhưng không
kịp, Tư Oanh nắm chặt tay nó:
- Đình Đình, sao... vầy nè?
Trên bàn tay cô bé, đầy những vết tím bầm, có chỗ sưng vù,
chứng tỏ nó bị đánh rất nhiều. Vì Tư Oanh nắm chặt nên Đình Đình đau đớn, nhưng
nó vẫn bặm môi chịu đựng không kêu la:
- Con... Con té mà cô.
- Té à? Té mà như thế này.
Nàng nhìn thẳng vào mặt Đình Đình:
- Con nói thật đi, không cô sẽ hỏi ba con à?
Đình Đình có vẻ sợ sệt:
- Thôi... Thôi cô đừng hỏi ba con.
Nó nắm lấy tay nàng mếu máo:
- Cô đừng nói với ba con... Tội nghiệp con mà cô...
Tư Oanh lắc mạnh vai Đình Đình:
- Có ai ăn hiếp con, đánh con phải không?
- Cô ơi...
Hai dòng lên chảy dài trên má Đình Đình. Nó khóc:
- Cô... Đừng cô ơi...
Tư Oanh đứng lên:
- Đi với cô, cô phải nói cho ba má con nghe chuyện này, con
bị ăn hiếp rõ ràng mà.
Đình Đình ôm chặt lấy Tư Oanh nghẹn ngào:
- Cô đừng nói với ba con. Ba con bị mù mà. Má con đánh con
để ba con tức giận đó. Bác sĩ bảo không được làm cho ba con giận... Cô đừng nói
nghen cô...
Đình Đình ngã vào lòng Tư Oanh khóc rưng rức. Tư Oanh cảm
thấy trong lòng đau xót vô cùng.
- Con bảo sao? Má con đánh con à?
Tư Oanh không ngờ chuyện lại như vậy. Đình Đình vẫn khóc:
- Cô ơi... Cô thương con... Cô đừng nói lại với ba con nghen
cô... Ba con buồn lắm...
Nàng đỡ cằm Đình Đình lên, nhìn vào gương mặt đau khổ xanh
xao ấy, gương mặt đầy nước mắt ấy mà thương cảm vô cùng. Nàng không ngờ một đứa
trẻ mảnh mai, ốm yếu như thế đã phải mang lên vai một gánh nặng nề.
Đình Đình ràn rụa nước mắt, gật đầu không đáp. Tư Oanh ôm nó
vào lòng, nàng cũng không cầm được nước mắt:
- Nhưng má con thương con lắm mà, má săn sóc từng chút cho con
đó, sao lại đánh con như thế?
Đình Đình ấp úng nhìn nàng như xin tha thứ:
- Dạ..Thưa cô...
- Con đã bịa đặt ra như thế phải không?
Đình Đình khẽ gật đầu:
- Còn ngày sinh nhật con cũng đặt ra? Nghĩa là hôm qua không
có gì cả.
Đình Đình cúi đầu lặng thinh.
- Sao con dối cô làm chi vậy?
Đình Đình vẫn im lặng. Tư Oanh hỏi tới:
- Tại sao vậy?
Nó cúi đầu nói nhỏ:
- Tại con sợ cô biết má con xấu, cô biết má con rồi cô méc với
ba con.
Tư Oanh lắc đầu:
- Không, cô không nói đâu. Mà bộ má con hay đánh con thường
lắm hả, phải không Đình Đình?
Đình Đình chớp mắt, hai dòng lệ chạy dài trên má, nét mặt
của nó đầy những nét đớn đau, các vẻ hồn nhiên của một đứa bé đã mất hẳn trên
mặt nó rồi.
- Chắc cô cũng biết má con không phải là má ruột.
Giọng Đình Đình bỗng trầm trầm, bình thản như không có gì
đau khổ nữa cả. Nó tiếp:
- Con đâu có thể đòi hỏi má con phải thương con y như má
ruột, phải không cô? Hơn nữa, ba con đã đối xử không phải với bà ấy, bà tức
giận đánh con cho đã...
Đình Đình lắc đầu thở ra rồi nhìn Tư Oanh với đôi mắt chịu
đựng, kiên nhẫn nhưng rất dịu hiền.
- Con phải giữ kín, không để ba con biết chuyện này. Cô cũng
giữ kín giúp con nghen cô?
Tư Oanh cảm thấy chua xót trong lòng. Một đứa trẻ mảnh mai
gầy yếu, đâu tội tình gì mà phải gánh chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất
như thế này. Nàng nhìn đứa bé đau khổ nhưng đáng mến một lúc lâu rồi kéo nó vào
lòng, vuốt lên mái tóc óng mượt của nó:
- Cô sẽ giữ kín chuyện này. Nhưng từ rày trở đi Đình Đình
đừng nói dối với cô nữa nghen?
- Dạ.
- Và nhớ hễ khi nào má đánh thì phải nhanh chân chạy, có thể
đến đây nữa. Nhưng con đừng đụng chạm gây gổ với má con làm gì, con nhớ kỹ
nghen.
Đình Đình ngửng đầu nhìn Tư Oanh với đôi mắt mến thương, cảm
động. Trẻ con rất nhạy cảm, ai yêu mến, thương chúng chúng biết ngay.
- Dạ, con xin vâng lời cô.
Nó lắc đầu tiếp:
- Nhưng cô đừng gặp bà ấy làm gì. Bà không phải là người
xấu, nhưng vì có điều bực dọc nên khó chịu. Ba con cũng thường nạt nộ bà luôn.
Ba con thường mắng: "Cô không bằng nửa vợ tôi trước kia". Như vậy
chắc mẹ ruột con còn sống chắc con sung sướng lắm hả cô?
Tư Oanh lặng thinh, vuốt tóc Đình Đình trìu mến.
oOo
- Thưa cô?
Đình Đình đẩy cửa bước vào. Tư Oanh quay lại hỏi:
- Gì vậy Đình Đình?
- Dạ, ba con mời cô chiều nay lại nhà con dùng cơm. Sau buổi
học con đưa cô về nhà. Cô đi với con nghe?
- Ăn cơm chiều à?
Tư Oanh ngạc nhiên hỏi tới:
- Có tiệc gì hả con?
- Dạ không, ba con chỉ nói là mời cô tới dùng bữa cơm gia
đình vậy thôi.
Tư Oanh mỉm cười:
- Con có nói với ba về cô hả?
- Dạ có, con nói cô rất thương Đình Đình, ba hỏi nhiều việc
lắm, con nói thật hết cả.
- Ba con hỏi những chuyện gì?
- Ba hỏi tánh tình cô như thế nào, cô dạy có hay không và cô
đẹp hay xấu?
Tư Oanh lại mỉm cười:
- Rồi con trả lời sao?
- Dạ...
Đình Đình dựa người vào nàng cười tươi:
- Dạ con bảo là cô đẹp nhất, dễ mến nhất trên tất cả thế
gian này.
Tư Oanh bật cười dòn:
- Vậy mà con bảo đúng sự thật đó à?
Đình Đình nắm tay nàng:
- Cô đi với con nghen cô, cô đi cho con vui, hôm nay má con
không có ở nhà.
Tư Oanh nhìn Đình Đình:
- Má con đi đâu?
- Dạ đi Đà Lạt, ba bốn hôm mới về.
- Má con ít ở nhà lắm hả Tư Oanh?
- Dạ.
Tư Oanh suy nghĩ một lúc:
- Được rồi, cô sẽ đi.
Đình Đình reo lên:
- Thật hả cô? Vậy chiều nay tan học con lại cô, con đưa cô
đi, gần lắm.
- Được rồi, cô biết nhà.
Đình Đình mỉm cười sung sướng rồi quay mình bước đi tới
trường.
Tư Oanh lặng thinh suy nghĩ những lời con bé vừa nói:
"Cô đẹp nhất, đáng mến nhất...". Nàng thở dài ngồi xuống bàn phấn,
trang điểm sơ sài.
Nhìn lại mình trong gương. Tư Oanh lẩm bẩm:
- Trang điểm làm gì kìa? Người ta có nhìn thấy gì đâu.
o0o
Đình Đình nắm lấy tay Tư Oanh kéo nhanh vô nhà...
Ngoài vườn, nhiều loại hoa hiếm được vui trồng thật kỹ nên
rất tốt tươi, nhưng không có loại hoa mà Tư Oanh thích nhất: Hoa hồng.
Phòng khách không rực rỡ sang trọng gì, nhưng được trang trí
rất mỹ thuật, chỉ thanh nhã chứ không chút rườm rà. Hai bên có cửa sổ nhỏ trông
ra vườn, trên tường và bức tranh sơn dầu rất đẹp.
Tư Oanh nhìn quanh một lượt, nàng công nhận là lối trang trí
này khéo léo. Nhưng theo nàng thì còn vài chỗ sơ suất như nệm sa lon, màu cửa
tươi chói quá không hợp với vẻ thanh nhã của gian phòng.
Đình Đình chỉ tay:
- Cô ngồi đi cô.
Rồi nó quay vào trong gọi lớn:
- Dì hai ơi, dì hai.
Một người đàn bà bước ra nhìn Tư Oanh ngạc nhiên.
- Dì hai, pha giúp con một bình trà nghen.
Nó bước lại hỏi nhỏ:
- Ba con đâu rồi?
- Ở trên gác.
Vừa nói người đàn và vừa cúi xuống hôn tóc Đình Đình trìu
mến, tự nhiên Tư Oanh thấy mến người đàn bà này ngay.
- Má con đi hồi sáng rồi.
- Thật hả dì? Để con lên gác kêu ba.
Vừa để cặp sách, nó vừa nói với Tư Oanh:
- Cô chờ con chút nghen.
Tư Oanh mỉm cười nhìn Đình Đình rồi chạy nhanh lên gác.
Dì hai bưng trà lên, hương trà thật thơm, từ nhỏ đến giờ
chưa bao giờ Tư Oanh nếm được trà ngon như thế. Nàng nhớ lại Ngọc đã nói với
mình là nhà Đình Đình có vườn cây ăn trái và có tiệm trà ở thủ đô. Hèn gì trà ở
đây uống thì phải thuộc lại đặc biệt rồi.
Nhìn quanh, Tư Oanh nhận thấy phòng ăn chỉ cách phòng khách
bởi một tấm bình phong mỏng bằng lụa màu thôi.
Bỗng nhiên, Tư Oanh thấy tim mình hồi hộp lạ, bên tai nàng
như văng vẳng những tiếng:
- "Hãy rời khỏi đây, hãy rời khỏi nơi đây ngay... Mau
lên...”.
Nhưng tại sao phải rời khỏi nơi đây? Tư Oanh hoang mang
không biết làm sao cả. Nàng thấy đầu có như choáng váng, cảnh vật phía trước mờ
hẳn lại, những tiếng như cứ bảo nàng rời khỏi vang vang trong đầu Tư Oanh, như
hối thúc càng lúc càng gấp.
Nhưng không lẽ Đình Đình âm mưu hại nàng sao? Vô lý. Tư Oanh
vỗ trán cố trấn định tinh thần.
Đình Đình dìu cha từ lầu xuống sa lon:
- Ba, cô con ngồi đây nè.
- Chào ông.
Tư Oanh chìa tay theo thói quen, nhưng nàng vội rụt lại vì Trần
có nhìn thấy gì đâu.
Trần hơi nhíu mày:
- Xin lỗi... Giọng cô quen quá, hình như tôi đã được biết
cô...
- Dạ phải, tôi đã gặp ông ở Hàm Yên Sơn Trang và đã đưa ông
đi đón con gái về.
- À, phải rồi. Như thế cô đây là người đi tìm đề tài để viết
văn à.
Tư Oanh lắc đầu:
- Không ông à, tôi đâu biết viết lách gì.
Trần quay sang Đình Đình:
- Sao con không cho ba biết chính cô đã đi đón con với ba
lúc trước.
Đình Đình ngạc nhiên:
- Dạ, con không nhớ rõ.
Tư Oanh cười:
- Nó còn nhỏ mà. À, ông có vườn hoa đẹp quá. Phòng khách
cũng trang nhã lắm.
- Thật à, theo tôi thì chưa hoàn toàn vì vợ tôi bảo để những
miếng vải bàn đó, chắc coi kỳ lắm phải không cô?
Chàng so vai tiếp:
- Những màu đó để trong các quán cà phê, các bar thì được
chứ trong phòng này, trang trí như thế này coi trái lắm.
Tư Oanh cười:
- Sao ông không đổi lại?
- Đổi chi nữa cô, tôi có thấy gì đâu mà đổi?
Tư Oanh biết mình lỡ lời nên lúng túng, nàng không biết nói
sao để an ủi Trần.
Trần nói sang chuyện khác:
- Tôi rất cảm ơn cô đã lo lắng và săn sóc cho con Đình Đình.
- Thưa ông, đó là điều dĩ nhiên vì Đình Đình là học trò của
tôi.
Trần ngạc nhiên:
- Chỉ có thế mà cô lo cho nó như vậy à?
Tư Oanh cười:
- Chắc chắn là có chút đặc biệt chứ.
Nàng kéo Đình Đình vào lòng:
- Nó ngoan và rất dễ mến nên tôi thương nó nhiều hơn những
học trò khác.
- Cám ơn cô.
Chàng cười vui vẻ rồi bảo Đình Đình:
- Con nói dì hai lo dọn cơm đi, ai cũng đói rồi.
Đình Đình dạ rồi đứng lên chạy ra sau bếp.
Trần nhìn về hướng Tư Oanh hạ giọng:
- Đình Đình dễ mến thật hả cô?
Tư Oanh ngạc nhiên:
- Đáng lý ông hiểu nó nhiều hơn tôi chứ.
- Không, tôi muốn hỏi theo ý của cô con Đình Đình như thế
nào?
- Thì tôi đã nói Đình Đình dễ thương lắm.
Trần lặng thinh hồi lâu:
- Thật cũng lạ, cô và nó dường như có sợi dây liên lạc vô
hình nào, nó nói tới cô suốt ngày, bảo là cô đáng kính mến hơn bất cứ ai trên
đời này.
Tư Oanh cười xòa trong khi bà hai và Đình Đình đang bưng đồ
ăn lên.
Bữa ăn chỉ có ba người nhưng dì hai làm tới 6 món ăn, chưa
kể món canh chua.
Tư Oanh tò mò muốn nhìn Trần ăn, nàng không biết người mù
như chàng làm sao biết chỗ đặt thức ăn. Nhưng nàng chợt thấy Đình Đình lo rất
chu đáo cho cha, nó cứ gắp cho Trần mãi mà nhiều lúc quên cả mình.
Đình Đình nhắc luôn miệng:
- Thịt gà đây ba...
- Còn thịt nấu canh đây ba...
- Tô canh con múc cho ba con để trước chén ba đó.
Giọng Đình Đình trong trẻo, dễ thương, nó lo cho cha với
thái độ thật tự nhiên, và cố tránh không để cho Trần áy náy vì sự săn sóc của
nó.
Đình Đình cười nói với Tư Oanh:
- Ba con ít khi xuống phòng này ăn lắm, thường ba con ở trên
gác và có một loại mâm ăn đặc biệt cho người mù tiện lắm cô.
Tư Oanh nhìn nó cảm động:
- Đình Đình ngoan lắm.
Ba người nói chuyện với nhau suốt bữa ăn.
Rồi họ trở ra phòng khách sau bữa cơm, dì hai lại bưng trà
lên, Tư Oanh nhìn tách trà:
- Trà này ánh xanh xanh chắc hiếm lắm hả ông?
Trần đang định mồi điếu thuốc thơm nghe nàng nói chàng ngưng
lại có vẻ suy nghĩ rồi nói:
- Cô cũng biết trà của gia đình tôi à?
- Dạ, trong vùng ai cũng biết.
Tư Oanh nhìn Trần như tìm hiểu, với người mù nàng không cần
e dè, giữ miếng gì cả.
Trần lắc đầu:
- Rất tiếc là cô chưa được dùng loại trà hoa hồng.
Chàng tiếp giọng buồn buồn:
- Từ lâu chúng tôi không còn sản xuất lại trà đó nữa.
Trần im lặng một lúc như suy nghĩ điều gì rồi bỗng ngẩng
lên:
- Đình Đình đâu rồi con?
Đình Đình đáp ngay:
- Dạ, con đây.
Nó bước lại cầm tay cha:
- Chuyện gì vậy ba?
Chàng nói như ra lệnh:
- Con vào trong học bài đi, ba có chuyện cần nói với cô giáo.
- Dạ.
Dường như Đình Đình còn luyến tiếc cảnh thân mật ấy nên chưa
muốn đi khỏi ngay. Nó quay lại nhìn Tư Oanh chớp mắt như ra hiệu nhắc nàng giữ
kín những chuyện đã xảy ra.
Tư Oanh mỉm cười khẽ gật đầu. Trần nói thêm:
- Đình Đình à... Con chưa chịu đi sao?
- Dạ... Con đang đi đây ba.
Rồi nó quay mình chạy nhanh lên gác.
Tư Oanh ngồi dựa trên sa lon, hớp một ngụm trà... Nàng nhìn
Trần:
- Thưa ông...
Trần rít một hơi thuốc dài, chàng lặng thinh một lúc rồi
hỏi:
- Cô giáo... Năm nay cô được bao nhiêu tuổi rồi?
Tư Oanh giựt mình, nàng lúng túng:
- Tôi đã nói cho ông biết là tôi không còn trẻ. Ở ngoại quốc
người ta... Ít hỏi tuổi đàn bà...
Trần nhướng mày:
- Tôi xin lỗi cô... Và hiện giờ cô nhớ là cô đang ở nước
mình.
Rồi chàng nói sang vấn đề khác:
- Cô chưa có gia đình à?
Tư Oanh ngạc nhiên lúng túng, nàng cố bình tĩnh đáp:
- Dạ... Thưa ông, nhưng ông hỏi chi vậy? Đâu có lệnh ông mời
tôi tới đây để điều tra?
Trần mỉm cười:
- Dĩ nhiên là tôi đâu dám điều tra cô. Tôi chỉ lấy làm lạ,
một người đẹp như cô, lại đi du học, tại sao lại đến làm việc ở vùng ngoại ô
nghèo nàn như thế này dạy một trường tiểu học như thế này.
Tư Oanh nhướng mày:
- Tôi đẹp à? Ai bảo ông như thế?
- Con Đình Đình!
Nàng cười:
- Nó còn trẻ con... Biết gì?
Trần phi phà khói thuốc:
- Nếu tôi đoán không lầm, chắc có lẽ khi ở ngoại quốc cô đã
gặp chuyện gì buồn... Vì thế, cô mới tìm chỗ hẻo lánh này để tìm sự yên tĩnh
cho tâm tư.
Chàng tiếp:
- Hay là... Có thể cô muốn trốn một cảnh ngộ nào, hay một
người nào đó!
Tư Oanh ngạc nhiên, nhìn Trần trân trân, và lặng thinh hồi
lâu... Rồi khẽ thở dài...
Trần tiếp:
- Thôi... Chúng ta không nên bàn thêm về chuyện ấy làm gì.
Tôi chỉ muốn hỏi thăm cho biết... Đến lúc nào cô sẽ tiếp tục đi ngoại quốc?
- Chắc có lẽ tôi không đi nữa.
Trần gật gù:
- Như thế thì hay lắm...
Điếu thuốc cháy gần hết, Trần giơ tay mò chiếc dĩa gạt tàn
trên bàn, Tư Oanh liền đẩy đến kề bên tay chàng... Chàng giơ tay mò rồi dụi mẫu
tàn thuốc cho tắt:
- Cám ơn cô.
Tư Oanh lặng thinh, nàng bưng tách trà lên hớp một ngụm,
trong lòng xao xuyến vô cùng.
Trần nói nho nhỏ:
- Tôi mong rằng, cô không buồn vì những lời nói khi nãy của
tôi.
- Dạ... Không có chi.
Chàng tiếp:
- Tôi muốn bàn với cô một việc, có tiện không?
- Dạ...
- Tôi nhận thấy rằng, chắc có lẽ cô mến bé Đình Đình?
- Dạ...
- Vì thế, tôi hy vọng được cô dời đến đây ở...
Tư Oanh giựt mình:
- Dạ thưa ông, chuyện đó...
- Tôi ao ước được cô đến đây ở để kèm cho Đình Đình. Tôi
nghĩ rằng nó học không được khá lắm, có phải vậy không cô?
- Dạ, nó có thể học giỏi được.
Chàng tiếp:
- Nhưng phải có người kèm thêm.
Tư Oanh hơi lo ngại:
- Dạ... Nhưng...
Nàng hơi do dự:
- Dạ, tôi đâu cần phải ở tại đây mới kèm được. Sự thật thì
hiện nay, hằng ngày, tôi vẫn...
Trần gật đầu:
- Phải, tôi biết. Hiện nay, hằng ngày cô đều kèm nó một giờ,
nhưng từ chối không nhận thù lao. Cô thật là khác lạ hơn mọi người!
Tư Oanh lặng thinh không nói gì. Trần tiếp:
- Tôi biết. Cô không quan tâm đến vấn đề tiền bạc... Vì thế
tôi nghĩ rằng, dù cho có đền ơn cô nhiều tiền đến đâu, cô cũng không nhận.
Tư Oanh vẫn lặng thinh, không nói một lời.
Trần hơi nghiêng mình về phía trước:
- Ý của tôi như thế... Cô có vui lòng không?
Tư Oanh hơi cau mày:
- Dạ...
Nàng tiếp:
- Nếu như ông nhận thấy con cần phải học thêm, hoặc hai hay
ba giờ, thì sau bữa cơm chiều tôi cũng có thể đến đây kèm cho con rồi về, đâu
có cần phải ở đây làm gì?
Trần lại đốt điếu thuốc, thái độ rất thành khẩn:
- Cô à...
Chàng mím chặt môi như khó nói:
- Có lẽ cô đã nghe qua một ít tin đồn về gia đình tôi.
Tư Oanh cúi đầu đáp nho nhỏ:
- Dạ...
Giọng chàng trầm trầm:
- Như thế thì cô đã hiểu... Đình Đình là một đứa bé côi cút
rất đáng thương.
- Dạ...
Tư Oanh lại cắn chặt đôi môi.
- Như thế thì chắc cô đã hiểu ý tôi. Tôi muốn tìm cho nó một
người kèm thêm. Và một người có thể ở kề bên để yêu thương nó, để cho nó được
vui vẻ, hạnh phúc.
Tư Oanh thấy cổ họng mình như bị nghẹn:
- Nhưng tôi biết. Ông đã tìm cho nó một người mẹ rồi...
Trần thở ra, điếu thuốc cháy nóng tay mà chàng không hay,
giọng chàng trầm buồn:
- Cũng vì thế mà tôi cần phải mời cô đến ở đây...
Chàng như nghẹn ngào:
- Cô à, nó không giống như những đứa trẻ khác, dù nó bị khổ
sở đến đâu, cũng không hề than van một lời, nhất là trước mặt tôi. Tôi sợ nó bị
hành hạ khổ sở, mỗi ngày càng gầy mòn khô héo thêm... Mà trước mặt tôi nó vẫn
bảo: "Ba à... Con vui vẻ và sung sướng lắm”. Cô à, cô nên hiểu dùm hoàn
cảnh của tôi và của nó...
Tư Oanh cúi đầu, nàng không biết nói sao, tâm tư nàng bị
kích đông mạnh, trong đó có một niềm vui lạ.
Phải rồi, Trần đã đoán được tất cả sự thật trong gia đình và
chàng tha thiết yêu thương đứa con mất mẹ ấy. Trần đang cần nàng săn sóc cho
con chàng, chẳng những chàng cần mà chàng sẵn sàng van xin nàng nữa. Tư Oanh
hiểu rõ được nỗi lòng của người cha tàn tật.
Chàng hỏi lại:
- Cô Tư Oanh, cô nghĩ thế nào?
- Dạ...
Tuy nhiên, Tư Oanh vẫn còn phân vân lắm, biết tính sao. Nàng
ấp úng:
- Dạ... Bây giờ tôi còn phân vân lắm, chưa thể quyết định
được. Để tôi nghĩ lại.
- Cô suy nghĩ về vấn đề gì?
- Ông cũng biết, Đình Đình là học trò tôi như bao đứa khác
trong lớp, tôi đã dạy riêng cho nó, bây giờ lại đến đây dạy sợ người ta bảo là
thiên vị.
Trần mỉm cười:
- Chuyện đó đâu đáng cho cô suy nghĩ, người ta vẫn nhờ riêng
thầy cô dạy cho con mình ở nhà thiếu gì.
Chàng ngưng lại một chút:
- Hay nếu cô muốn, cô có thể nghỉ ở trường học tôi xin đền
bù lại sự thiệt thòi của cô.
Tư Oanh cười một mình, trong lòng nàng có những phản cảm dị
kỳ. Người có tiền thường hay muốn dùng đồng tiền để mua bất cứ cái gì mình
muốn. Bộ họ tưởng có tiền là có tất cả hay sao?
Nàng nói giọng nửa đùa nửa thật:
- Chắc ông đã quen những chuyện mua bán nên nói những lời đó
với tôi... Rất tiếc...
Trần vội nói:
- Tôi... Xin lỗi...
Chàng đứng lên, lần mò đi về phía hướng cửa sổ, quay lưng
lại phía Tư Oanh.
Trần lẩm bẩm:
- Thật không ngờ phương pháp đúng nhất dùng để mua chuộc
loài người của mình lại thất bại. Nhưng chắc cô ấy cũng không thể phủ nhận đó
là phương pháp công hiệu nhất đối với người thường. Phải tính phương pháp khác.
Tư Oanh nhìn sau lưng Trần một lúc rồi nàng đứng lên bước
đến bên chàng, lòng hơi hối hận.
Ngoài vườn, ánh trăng vằng vặc nổi sáng những cánh hoa đang
ngả ngơn dưới cơn gió thoảng. Nàng thở ra khoan khoái:
- Hoa hồng đẹp quá.
Trần ngơ ngác:
- Cô bảo sao? Vườn tôi có hoa hồng à?
- Dạ không... Tôi nhìn lầm...
Nàng cũng hơi ngạc nhiên khi thấy Trần tái mặt, có vẻ khó
chịu lắm.
- À... Đó là hoa cúc mà tôi nhìn ra hoa hồng. Nhưng có lẽ
ông không thích hoa hồng? Nó vừa đẹp vừa có hương...
Trần thở dài bực bội, chàng hỏi nhỏ:
- Cô thích hoa hồng lắm sao?
- Vâng, cũng như mọi người khác.
Nàng nhìn ra vườn một lúc rồi bỗng nói:
- Chuyện của bé Đình Đình, tôi xin nhận lời. Nhưng tôi không
thể bỏ nhiệm vụ của tôi ở trường được, mỗi ngày tôi sẽ cùng Đình Đình đi tới
trường và về đây. Xin ông cho tôi một phòng riêng, còn lương ông muốn phát bao
nhiêu tùy ý.
Ngưng lại một phút, nàng tiếp:
- Thứ Bảy này tôi sẽ dời tới đây.
No comments:
Post a Comment