Oct 7, 2012

Xóm vắng - Chương 11

QUỲNH DAO

Xóm Vắng


Chương 11
 
 
Cơn giông bão trong lòng cũng như trong trời đất ấy đã trở thành dĩ vãng, một dĩ vãng quá xa xưa rồi.

Tư Oanh cựa mình tỉnh dậy, nàng chớp chớp mắt, thấy mình đang nằm ngủ trong phòng riêng, phòng của cô giáo Tư Oanh. Bình hoa hồng trên đầu giường vẫn phảng phất mùi hương nhè nhẹ, mùi hương nàng yêu mến. Nàng ngồi dậy bóp trán khó chịu, đầu nhức vô cùng.


Bây giờ nàng là Tư Oanh, là cô giáo Tư Oanh rồi, còn Hàm Yên đã chết từ lâu, chết từ đêm mưa gió năm nào. Nàng nhìn lại, thấy Trần đang ngồi mở to đôi mắt, như cố muốn thấy được nàng. Nàng thở ra, Trần vội bước tới:

- Hàm Yên... Em...

Tư Oanh lùi lại, sát vào vách, cau mày:
- Thưa ông, ông gọi ai?

- Hàm Yên ơi...

Giọng chàng tha thiết vô cùng, chàng đưa tay tìm nàng, nắm được tay nàng và nắm mãi, không bỏ ra nữa, như sợ nàng tan biến mất.

Chàng cúi đầu, giọng đầy sự hối hận:
- Hàm Yên... Hãy tha thứ cho anh...

Trần thở hào hển:
- Hơn mười năm nay, anh đã chịu biết bao đau khổ rồi, anh nghĩ như thế tội anh chưa đền bù được sao? Hàm Yên... Suốt mười năm nay, một năm 365 ngày, một ngày 24 giờ, mỗi giờ là 60 phút anh đau khổ, anh ăn năn, thật ra anh cũng không đủ can đảm để sống tới bây giờ, sống những ngày khốn nạn, nhưng anh phải sống để anh đền bù tội lỗi với em...

Nàng im lặng trong khi Trần cúi hôn tay nàng thật thắm thiết, chàng thì thào:
- Hàm Yên... Em vẫn còn sống... Anh điên lên vì sung sướng được mà.

Hàm Yên lặng thinh nhìn Trần, nàng thấy dửng dưng, trước nhiệt tình của chàng. Nàng chỉ thấy đau đớn trong từng hơi thở, từng câu nói của Trần từ nãy giờ, nó đã khêu gợi lại vết thương lòng quá đau đớn mà nàng đã chôn giấu từ mười năm nay. Đôi mi nàng ươn ướt, cảnh vật trước mắt như bị nhận chìm trong suối lệ của Hàm Yên. Hàm Yên muốn rút tay lại nhưng không biết một sức mạnh vô hình nào không cho nàng rút.

- Hàm Yên... Em sẽ ở bên anh luôn bằng bất cứ giá nào anh cũng phải giữ em lại, dù chết cũng phải giữ em lại với anh...

Hàm Yên bỗng vùng mạnh:
- Ông buông tôi ra, tôi không phải là Hàm Yên, Hàm Yên của ông đã chết dưới cầu mười năm nay rồi, chết nhờ sự "sáng suốt" của ông mà.

Nàng nghẹn ngào, rơi nước mắt.
Trần cũng thấy trái tim mình đau quặn thắt, tất cả cũng chỉ tại chàng mà.

Hàm Yên nói thật nhanh:
- Tại sao ông cứ bảo tôi là Hàm Yên chứ? Hàm Yên đê tiện, Hàm Yên phóng túng mà ông từng chửi, mẹ ông từng mắng nhiếc đã chết rồi, chết cho vừa lòng gia đình ông rồi.

Trần biết Hàm Yên khó có thể tha thứ cho mình được, chàng ôm tai:
- Hàm Yên... Đừng nói nữa...

Sắc mặt trắng nhợt, chàng nghẹn ngào:
- Hàm Yên... Chửi anh nữa đi, em cứ làm gì cho anh đau, cho anh khổ, đau khổ bao nhiêu cũng được nhưng em đừng bỏ anh... Hàm Yên, đừng bỏ anh nghen em. Anh van em mà.

Chàng mân mê cánh tay, đôi vai nàng như cố tìm lại hình ảnh của người vợ năm xưa. Chàng vuốt má nàng:
- Hàm Yên... Em vẫn còn sống đây mà, anh biết lắm mà... Tử thần đâu thể cướp được một người như em...

Hàm Yên lạnh lùng:
- Yêu cầu ông đứng đắn, ông không có quyền đụng chạm vào người tôi, ông biết không?

Trần buông tay, sắc mặt đau khổ đến tột cùng. Chàng thở dài:
- Anh biết, tội anh nặng lắm...

Hàm Yên cười gằn:
- Đợi cho người ta chết rồi ông mới biết thì sướng quá rồi. Nói thật với ông, trong suốt mười năm nay, không lúc nào mà tôi nguôi hận, dù chỉ trong giây phút.

Nàng thở ra:
- Nhưng tôi bây giờ là Tư Oanh, tôi hoàn toàn không phải là con người đã chết đuối trong đêm mưa gió. Tôi đâu có hành động gì gọi là rửa hận đâu, tôi là người khác mà.

Nàng chua chát tiếp:
- Tôi yêu cầu ông một lần chót, ông hãy tránh xa tôi, ông không có tư cách, ông hiểu chưa?

- Hàm Yên ơi...

Chàng ôm mặt:
- Trời ơi, làm thế nào Hàm Yên tha thứ cho tôi được nè trời, tôi biết làm sao?...

- Không, không bao giờ tôi tha thứ cho ông cả.

Trần ngẩng lên:
- Hàm Yên... Em hãy để cho anh một khoảng thời gian để chuộc lỗi, có được không Hàm Yên?

Nàng lạnh lùng:
- Không, ông sẽ không có một khoảng thời gian nào cả, đáng lẽ ông không nên biết tôi là ai, không nên rước ông Cao lại. Bây giờ, tất cả đã lỡ hết rồi, tôi phải ra đi, đi lập tức.

Hàm Yên như nhớ ra điều gì:
- À, anh nói cho tôi biết là đêm hôm ấy trong Hàm Yên Sơn Trang hoang tàn, anh có biết là đã chụp được tay tôi không, chụp tay cô giáo Tư Oanh đó không?

Trần chớp mắt:
- Lúc ấy tôi hoang mang không dám quả quyết. Nhưng tôi hy vọng người đó chính là Hàm Yên.

Hàm Yên cười nhạt:
- Anh dùng mưu đồ để lừa tôi vào tròng hả? Đến lúc nào anh mới quả quyết tôi là Hàm Yên?

- Lúc anh bịnh mê man, khi tỉnh dậy biết Hàm Yên đang ngủ trên ghế, và bác tài cũng bảo trong đêm ấy, khi về em có đánh rơi một cánh hoa hồng ở Hàm Yên Sơn Trang, lúc đó anh quả quyết ngay.

Trần hút một hơi thuốc:
- Anh nghĩ lại, so sánh giữa cô giáo Tư Oanh và người vợ cũ thì anh biết ra ngay.

- Rồi anh gọi anh Cao về?

Trần gật đầu:
- Để cho em không tránh né anh được nữa và cũng để biết chắc em là Hàm Yên.

- Thì bây giờ anh đã biết.

Nàng trầm giọng:
- Nhưng em đã có ý định từ trước là hễ khi nào bị nhận ra, là em phải rời khỏi nhà này ngay.

Trần khẩn thiết:
- Hàm Yên... Anh không có ý định là sẽ được em tha thứ, nhưng em hãy nghĩ tới bé Đình Đình.

Hàm Yên bỗng cau mày, giọng nàng hơi bực tức:
- Đừng đem con ra nói.

Nàng bước lại bên cửa sổ:
- Tôi không muốn anh xem Đình Đình như một vũ khí để thắng, để thuyết phục tôi.

Trần lắc đầu:
- Hàm Yên... Anh đâu nghĩ thế.

Hàm Yên cười buồn:
- Anh yêu thương gì Đình Đình đâu!

Trần thở dài:
- Em ở đây hổm rày chắc cũng thấy nỗi khổ tâm của anh. Anh muốn lo cho nó lắm. Nhưng chỉ trong phạm vi của người mù thôi, em cũng nên hiểu giúp anh.

Hàm Yên nhún vai:
- Thì nếu anh yêu thương nó thật tình em nghĩ là cũng đủ rồi, cha lo cho con cũng đủ...

- Anh không muốn nó thiếu tình mẫu tử.

Hàm Yên không biết trả lời thế nào, Trần đã nói trúng chỗ yếu của nàng, nàng không thể nói gì thêm. Đâu thể nào nàng nhẫn tâm bỏ Đình Đình! Mặc dầu ngoài miệng cứng rắn, nhưng trong lòng Hàm Yên đã mền nhũn. Nàng sẵn sàng hy sinh tất cả cho Đình Đình chứ nàng không thể rời xa Đình Đình được. Hàm Yên vịn vào thành cửa sổ, thấy se sắt trong lòng.

Cao nói:
- Chị nên ở lại, chị Hàm Yên à. Bây giờ tôi dám chắc anh Trần sẽ hy sinh tất cả để cho bé Đình Đình được gần mẹ nó.

Trần gật đầu:
- Phải.

Chàng đứng dậy, lần mò đến bên Hàm Yên:
- Chỉ cần Hàm Yên ở lại thôi. Anh bất cần tất cả.

Hàm Yên lặng thinh hồi lâu:
- Thật thế không?

Trần quả quyết:
- Em đặt điều kiện gì cũng được.

- Anh sẽ ăn năn khi nghe điều kiện của em, anh có chắc sẽ giữ lời hứa không?

Trần gật đầu:
- Anh sẽ giữ lời hứa.

Chàng tiếp:
- Em ra điều kiện đi.

Hàm Yên gật đầu:
- Trước hết, em là Tư Oanh chứ không phải là Hàm Yên, anh không được gọi em là Hàm Yên, mà phải gọi là Tư Oanh, cô giáo Tư Oanh, cô giáo kèm riêng cho Đình Đình. Anh bằng lòng chứ?

- Anh bằng lòng...

Hàm Yên tiếp, giọng cứng rắn:
- Và anh không được đụng chạm tới người em, cũng như không được tỏ tình cảm gì cả.

Trần thở ra:
- Hàm Yên...

Hàm Yên cười chua chát:
- Anh bằng lòng không?

Trần cắn môi:
- Được... Anh bằng lòng.

- Và chuyện cần thiết nhất là em không muốn ai biết chuyện này ngoài ba chúng ta, chúng ta phải thận trọng giữ được hiện trạng này mãi, anh chịu chứ?

Trần gật đầu.

Hàm Yên suy nghĩ rồi tiếp:
- Còn một điều chót nữa.

Trần lo lắng:
- Điều gì?

- Anh phải hoà thuận với Ái Lâm.

Trần ngạc nhiên:
- Em bảo sao?

Hàm Yên dằn mạnh từng tiếng:
- Anh phải hoà thuận với Ái Lâm, vì Ái Lâm là vợ anh, nếu không có em thì gia đình anh đâu có chuyện gì đáng tiếc, hơn nữa, em biết Ái Lâm rất yêu anh, tại tánh nàng hơi nóng.

Trần lắc đầu:
- Em nỡ làm khổ anh như vậy sao Hàm Yên?

Hàm Yên nhắc:
- Tư Oanh, em là Tư Oanh.

- À... Tư Oanh, sao em lại đặt điều kiện đó nữa? Anh... không đồng ý với em về điểm đó.

Tư Oanh lắc đầu:
- Không, ở đây chỉ có em đặt điều kiện, anh thi hành hay không là tùy anh.

Trần khẩn thiết:
- Anh van em... Hàm Yên... Hãy bỏ qua tất cả lỗi lầm của anh.

Tình cảm và lý trí đang đẩy nàng về một hướng. Hàm Yên không làm sao cưỡng lại được. Bỗng nàng chợt nhớ đến Đình Đình:
- Ủa, Đình Đình đâu rồi?

Từ khi nàng ngất xỉu tới giờ cũng khá lâu, Hàm Yên không thấy Đình Đình ở đâu cả.
- Anh Cao đã đưa nó đi chơi, nó là con nít...

Trần đứng lên:
- Thôi, Hàm Yên xuống ăn cơm chiều đi...

Hàm Yên khó chịu:
- Tôi không đói, tôi không muốn ăn uống gì cả.

Trần nói:
- Để tôi bảo chị Châu chuẩn bị thức ăn sẵn, chừng nào Hàm Yên muốn ăn thì ăn, từ sáng tới giờ hình như Hàm Yên chưa ăn gì mà.

Chàng quờ quạng bước ra cửa, gần tới khuôn cửa, Trần bỗng ngừng lại gọi:
- Hàm Yên!

Hàm Yên lắc đầu, chậm rãi:
- Gọi tôi là Tư Oanh, Hàm Yên đã chết rồi.

Trần lẩm bẩm:
- Tư Oanh à... Tư Oanh...

Rồi bỗng một tia hy vọng loé lên trong óc chàng:
- Phải Hàm Yên đã chết với khoảng đời đau khổ cũ, bây giờ Tư Oanh với cuộc đời mới vui tươi.

Hàm Yên cười gằn:
- Chưa chắc là vui tươi đâu. Tôi đang quyết định có nên rời khỏi nhà này ngay bây giờ hay không đây.

Trần kiên nhẫn:
- Chuyện ấy chúng ta sẽ bàn sau. Bây giờ, Hàm Yên nên xuống ăn một chút gì đi cho lại sức.

Trần bỗng thấy không còn sợ những trở ngại, khó khăn nữa, chàng như phục hồi được cái khí phách mà chàng đã mất từ khi mất Hàm Yên, khiến chàng ngần ngại, sợ gian nan.

Đêm lần về khuya, Đình Đình đi chơi ngủ say trong lòng Cao, chàng về đặt nó lên giường. Con bé ngủ say trong giấc ngủ nhiều mộng đẹp nên thỉnh thoảng lại nhỏen miệng cười, nó có biết đâu gia đình nó đang trở mình trước một biến động dữ dội vô cùng.

Tư Oanh cũng như mọi ngày, qua phòng Đình Đình sửa lại giường ngủ, thay đồ ngủ cho Đình Đình.
Đình Đình hé đôi mắt:
- Chúc cô ngủ ngon như mọi đêm.

Tư Oanh mỉm cười, hôm nay đi chơi suốt ngày, con bé cũng không quên câu chúc ngủ ngon cho nàng như thường ngày. Đợi cho Đình Đình ngủ say lại, Tư Oanh đứng lên bước trở về phòng mình, đôi mi ươn ướt. Một lúc, nàng bước xuống phòng khách theo lời mời của Trần. Trong nhà chỉ còn Trần, Cao và nàng vẫn còn thức, mọi người khác đều đã ngủ say. Trần và Cao tới giờ cũng chưa dám tin chắc là mình đã gặp Hàm Yên, người đàn bà đã chết từ bao lâu nay.

Cao kể lại những việc khi trước:
- Lúc đó, không thể nào mò vớt xác chị được hết, vì nước chảy rất nhanh, rơi xuống thì nước cuốn đi xa lắm rồi, mấy người dân chài bảo rằng như thế ấy chắc chắn xác chị sẽ chìm tận đáy, mà ở xa lắm, làm sao mò được. Nhưng tôi khi ấy lại không tin là chị có thể chết được. một người như chị làm sao chết như thế được. Thế mà hai tuần sau, quá vô vọng nên tôi ngỡ rằng chị... đã...

Trần chận ngang:
- Không, đâu bao giờ tôi nghĩ là Hàm Yên chết, bằng chứng là những tháng sau đó, tôi về Saigon đi khắp quán rượu, các vũ trường, hy vọng Hàm Yên trong lúc buồn...

Hàm Yên cười chua chát:
- Ông tưởng tôi sẽ bước vào con đường cũ, trụy lạc hả ông? Thưa ông, khi còn làm vũ nữ, tôi cũng đâu làm điều gì xấu ngoài việc nhảy với bất cứ người đàn ông nào. Nhưng tôi không bao giờ quay lại cái nghề nhục nhã ấy đâu...

Trần lắc đầu:
- Không... Vì trong cơn bối rối, tôi nghĩ ngợi không chính chắn, hơn nữa, tôi vào đó như một đứa bé làm một việc với hy vọng hão huyền. Nhưng dù sao cũng là hy vọng…

Chàng hút một hơi thuốc dài:
- Lúc đó... Anh như người lãng trí...

Cao cười:
- Còn gì nữa mà không lãng trí.

Chàng vẫn giữ nụ cười, nhưng đã nhuộm vẻ buồn, một vẻ buồn xa xăm của quá khứ:
- Tôi nhớ hôm đó, tôi là người thức dậy sớm nhất, vì tôi đã có ý định phải ra đi. Đến cửa, tôi thấy cổng sắt ai đã mở rồi thì hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không chú ý lắm. Trên đường, nước ngập tới ống quyển, tôi nhớ là lòng thấy buồn khi nhìn vườn hoa không còn một cái nào nguyên vẹn. Trời lúc ấy mưa vẫn còn dầm dề, trận mưa rớt sau cơn dỗng bão đêm qua. Tôi vẫn đi, cúi mặt đi mãi đến nỗi suýt lọt xuống chiếc cầu sắt đã gãy làm đôi, nước chảy ào ào. Vừa ngẩng lên thì tôi trông thấy chiếc áo ngoài của chị, rõ ràng là chiếc áo màu xanh nhạt mà chị thường mặc. Tôi kinh hoàng, lặng người đi một chút rồi vọt như bay về nhà xem có chuyện gì đã xảy ra không?
Vừa tới cửa thì anh Trần chạy ra như điên, ảnh chụp áo tôi hỏi có thấy chị ở đâu không. Tôi vội vã tóm tắt câu chuyện rồi hai đứa cùng hớt hải chạy ra cầu sắt.

Cao ngưng lại, hút một hơi thuốc thật dài...

Hàm Yên lặng thinh nghe câu chuyện trong Hàm Yên Sơn Trang sau khi mình đã "chết". Tay nàng cầm tách trà, nhấm từng chút, hương vị của loài trà xanh này thơm ngào ngạt, loại trà đặc biệt của gia đình nàng khi xưa.

Cao tiếp:
- Tới nơi, vừa trông thấy cái áo của chị là anh Trần đứng như trời trồng, mặt mày tái mét. Một lúc ảnh chạy đại tới, mặc dầu cầu đã sập, hai bên nối nhau bằng một thanh sắt nhỏ mà ảnh vẫn chạy như bay qua, chụp lấy chiếc áo rồi chạy về. Trong túi áo còn một cánh hoa hồng, chiếc mề đay hình trái tim của ảnh cho chị khi trước. Anh Trần đứng yên dưới mưa thật lâu, nước mắt cứ trào ra mãi, rồi ảnh định nhảy xuống sông tìm chị. Nước chảy thật mạnh, nhảy xuống chắc chắn là sẽ chết, tôi ôm chặt ảnh, ảnh đánh tôi túi bụi, hai đứa ôm nhau vật lộn trên đầu cầu.

Cao nhìn Hàm Yên:
- Chắc chị cũng biết được những chuyện sau đó chứ gì?

Hàm Yên vẫn im lặng, mắt nhìn mông lung vào màn đêm mù mịt, ôn lại cuốn phim dĩ vãng.

Cao tiếp:
- Bác tài chạy ra kịp thời chứ tôi lúc ấy không giữ nổi anh Trần. Ảnh mạnh kinh khủng, một người phụ nhau định lôi ảnh về. Nhưng lúc đó ảnh lại tỉnh ra. Ảnh nói giọng cương quyết: "Khoan, đừng về, tôi biết vợ tôi còn đâu đây, Hàm Yên còn vương vấn đâu đây. Hàm Yên không chết đâu, tôi chắc chắn như thế”. Vì thế, tôi phải điện thoại cho cảnh sát, mấy người trong xóm cũng kéo ra giúp, có mấy ông dân chài lên thăm bà con trong xóm, lặn cả giờ đồng hồ để kiếm chị, cảnh sát cũng tìm thật lâu nhưng chẳng có kết quả gì, ai cũng bảo: "Nước chảy như vầy thì xác cô Hàm Yên chắc trôi đi xa lắm rồi, kiếm không được đâu”. Liên tiếp mấy ngày sau, ngoài khoảng thì giờ lớn để ngồi trong bót lấy lời khai thì chúng tôi đi dọc theo bờ sông để tìm, nhưng tìm mãi vẫn không thấy gì cả.

Hàm Yên im lặng mãi, nhưng tách trà trong tay nàng rung động vì những giọt lệ rơi vào...

- Rồi anh Trần ngã bịnh, bịnh thập tử nhất sanh hôn mê liên tiếp mấy hôm tưởng đã đi luôn rồi chứ. Khi lành bịnh thì ảnh lại thành như lãng trí, đi thất tha thất thểu ngoài đường. Ảnh thường bảo tôi lên xe với ảnh, ảnh lái thật bạt mạng, đi khắp các vũ trường, nhà hàng, quán ăn nhưng không gặp. Tối nào ảnh cũng nằm trong phòng khách, đọc đi đọc lại nhật ký của chị cho tới sáng, người trong nhà đều tưởng ảnh điên rồi.

Cao ngưng lại một chút. Trần dựa vào sa lon gương mặt như rắn lại sau làn khói thuốc mịt mờ.
Cao lắc đầu:
- Thật anh Trần cũng cố chấp, khi trước ảnh cố chấp với chị vì bác bao nhiêu thì sau này ảnh cố chấp với bác vì chị bấy nhiêu. Ngay cả lúc bịnh, bác săn sóc thì ảnh cứ quay mặt vào tường, không thèm nói một lời, thật lúc đó tôi thấy tội nghiệp bác hết sức. Dù sao, mọi chuyện bác làm cũng vì thương ảnh cả. Rồi khi anh Trần lành bịnh, ảnh cũng chẳng thèm nói với bác một lời nào cho bác vui được. Tới khi mà con Đình Đình bị sưng phổi, hấp hối trên giường, tưởng chết không hà, lúc đó anh Trần và bác cùng trắng đêm săn sóc con bé, ảnh mới chịu nói chuyện với mẹ. Tới khi ấy là trong gia đình ai cũng định là chị chết rồi. Nhưng trong Hàm Yên Sơn Trang, tất cả người ăn kẻ ở đều thương mến, tiếc nuối chị, đến nỗi có người còn bảo thỉnh thoảng chị hiện lên thấp thoáng đó đây nữa... Những ngày đó là những ngày buồn thảm và dài nhất đời tôi, vì thế nên sau thời gian ở lại vì tai nạn của chị, tôi ra đi dầu anh Trần cố thuyết phục tôi ở lại nhưng tôi cũng đi Đà Lạt để hùn vốn với mấy người bạn quen mở hãng.

Cao ngưng giây lát, ngẩng mặt lên nhìn Hàm Yên, dầu đôi mi nàng ươn ướt, nhưng sắc mặt nàng vẫn lạnh băng, khó đoán được tình cảm trong lòng nàng ra sao.

Cao hớp một ngụm trà:
- Đó, sau khi chị đi cho tới ngày tôi đi, có những chuyện biến đổi đó xảy ra.

Trần ngồi thẳng lên:
- Bao nhiêu đó mới chỉ là giai đoạn mở đầu hà, những chuyện sau này còn đáng sợ hơn. Sau khi Cao đi, tôi thấy một ngày dài như một thế kỷ. Tôi mất thêm người bạn quý. Trời ơi! Thật là một hình phạt nặng nề khi phải sống trong sự hối hận, đau khổ, nhớ nhung triền miên ray rứt suốt ngày quanh tháng.

Trần búng mẩu thuốc ra cửa sổ:
- Nhiều lúc tôi có ảo giác như Hàm Yên trở về với tôi, có khi nằm trên sa lon, tôi thấy Hàm Yên bước đến bên tôi nhưng hễ tôi ngồi dậy là nàng biến mất, như thế mãi. Vì những ảo giác như thế, tôi càng tin chắc là có phần hồn của Hàm Yên ở gần mình, thỉnh thoảng tôi ngồi nói chuyện một mình, tưởng tượng như đang nói với Hàm Yên, vì thế những người làm công càng tin chắc là trong Hàm Yên Sơn Trang có Hàm Yên hiện lên. Rồi một đêm, cô Lan đi phố khuya về, chạy ào vào nhà hào hển nói là thấy có người cắt hoa hồng, càng làm cho tôi nghĩ ngợi hơn về con người ở thế giới bên kia. Tôi đi hỏi nhiều người lớn tuổi, họ đều xác nhận là linh hồn vẫn tồn tại sau khi thể xác bị hủy diệt, và linh hồn có thể về những nơi khi sống họ thường ở. Điều đó làm tôi tin tưởng là Hàm Yên thường về nhà và những ảo giác lại sinh ra càng nhiều, lời đồn đãi ma quái càng đi xa.

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ: "Có lẽ Hàm Yên chỉ phá mình chứ không hiện hình cho mình tạ lỗi, hay là nàng hiện hình không được?" Nghĩ thế nên tôi muốn tìm cách làm thế nào để thấy được Hàm Yên nên gởi mua tận ngoại quốc những sách về khoa thần học, nghiên cứu về cõi hư vô. Vì thế ban đầu tôi cầu cơ, nhưng sau đó để thấy được hình ảnh người chết, tôi theo cách phủ vải đen khắp phòng vào buổi tối, thắp một ngọn đèn cầy trắng rồi ngồi lim dim mắt trên chiếc ghế độc nhất trong phòng để chờ Hàm Yên.

Trần lắc đầu thiểu não:
- Tôi thật là ngu, nhưng vì quá tin tưởng nên tôi cứ làm thế một cách kiên nhẫn, kéo dài một tháng mấy...

Hàm Yên có vẻ cảm động, sắc mặt nàng hoà dịu hơn trước, Cao nhận ra ngay điều này.

Giọng Trần vẫn đều đều:
- Rồi sau đó, tôi lại để ngọn đèn nhỏ hơn, để một năm rưỡi vậy đó. Để rồi đến một đêm, chiếc ghế tôi ngồi bị gãy, tôi bất tỉnh... Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm ngoài vườn hoa, xung quanh tiếng người nhốn nháo ồn ào... Xung quanh tôi, Hàm Yên Sơn Trang đang cháy sáng rực, từng cột nhà cong lại, gục xuống... Tôi ngơ ngác la lên, cô Lan nói rằng ngọn đèn sáp trong phòng tôi bị chiếc ghế gãy nên ngã xuống, bắt vào thảm trải đất, cháy nhà luôn, người ta lôi tôi ra trễ nửa phút là vong mạng rồi. Biết mọi người trong nhà đều thoát nạn, tôi cũng an lòng, nhưng nhớ lại quyển nhật ký của Hàm Yên, tôi lại chạy băng vào, lôi ra chiếc hộp nữ trang cùng quyển nhật ký, khi chạy ra thì nhà đổ, tôi bị một thanh lửa chạm mạnh vào đầu, nhưng thoát ra được. Rồi không còn thấy gì nữa. Khi vào bệnh viện bác sĩ bảo là thần kinh mắt bị hư, nếu giải phẫu thì có nhiều hy vọng nhưng tôi không chịu. Tôi nghĩ rằng có sáng mắt cuộc đời tôi cũng không có nghĩa lý gì cả khi mất Hàm Yên vĩnh viễn. Tôi giữ y cảnh hoang tàn đổ nát của Hàm Yên Sơn Trang mà cất lại một ngôi nhà khác tức ngôi nhà hiện tại này. Hai năm sau, tôi cưới Ái Lâm, nhưng tâm trí vẫn để cả nơi Hàm Yên, sau khi cháy nhà, tôi vẫn còn tin tưởng ở linh hồn Hàm Yên nên thường đến Hàm Yên Sơn Trang để chờ đợi luôn...

Chàng thở dài:
- Nhưng chờ đợi suốt một thời gian dài, mãi đến bây giờ đã mười năm Hàm Yên mới trở lại mà bằng xương bằng thịt...

Hàm Yên vẫn cầm tách trà kề sát môi mình, tách trà đã lạnh ngắt từ lâu nàng cũng không biết.

Cao nhìn nàng:
- Nhưng... Chị Hàm Yên, làm sao chị sống lại được? Hơn nữa, khi bỏ nhà ra đi như thế, chị sống bằng gì?

Hàm Yên mỉm cười chua chát, nàng im lặng đứng lên, bưng tách trà bước lại gần cửa sổ, nhìn ra ngoài...
Đêm đã khuya, cảnh vật như chìm trong làn khói đục mù sương vẫn mỗi lúc một dày...

Khúc phim dĩ vãng như quay lại một lần nữa trong đầu Hàm Yên, với một giọng xa vời, nàng nói:
- Câu chuyện của tôi thì rất đơn giản, vì tôi đâu có tự tử, hay đúng hơn, tôi chưa tự tử được...

Nàng quay đầu lại nhìn Trần:
- Đêm ấy, nước sông chảy cuồn cuồn, cảnh vật thì mù tịt bão dông, thật là rùng rợn...

Cao lên tiếng:
- Nhưng sao chiếc áo mưa của chị lại dính trên lan can, rõ ràng là áo của chị mà.

Hàm Yên thở dài:
- Tôi đâu phải sợ chết mà không tự tử, lúc ấy cái chết hay sống đã vô nghĩa rồi. Tôi đâu muốn sống mà khổ ải mãi thế, thà chết còn nhẹ nhàng hơn. Lúc ấy, dòng nước cuộn chảy đối với tôi là một chiếc giường êm ấm đưa tôi đến một giấc ngủ yên lành, bất bận. Tôi đứng trên lan can cầu nhìn xuống và hơi ngạc nhiên, không ngờ dòng nước lại chảy xiết như thế, chưa bao giờ tôi thấy nước sông chảy ghê gớm đến thế. Chiếc cầu rung rinh như oằn oại giữa cơn cuồng loạn của dòng nước đen sì sì... Tôi nghĩ: "Như vầy là thế nào cầu cũng sụp đổ, chắc nó đang sụp từ từ cũng nên."

Hàm Yên bưng tách trà bước lại sa lon, Cao nhìn nàng, chờ đợi, Trần cúi xuống mồi một điếu thuốc khác nữa.
- Tôi đứng thật lâu trên cây cầu, lắng nghe tiếng nước chảy thật mạnh dưới chân, tôi nhốm chân leo lên lan can cầu để nhảy xuống thì...

Nàng ngồi xuống sa lon, tạo một khoảng yên lặng cho hai người ngồi đối diện chú ý vào câu chuyện hơn nữa:
- Chiếc cầu bỗng run lên dữ dội, tôi nhìn ra đầu cầu, cảm thấy đang chúi xuống lần lần, và tôi đứng đấy biết rằng không cần nhảy nước cũng sẽ cuốn tôi đi, rồi tôi lần lần đi tới nơi cầu bị sụp, nước từ từ lên tới đầu gối, tới đùi, rồi gần như tôi lội... Sức nước dán sát tôi vào thanh sắt ở giữa cầu, tôi phải cởi áo mưa để khỏi vướng. Rồi vụt một cái, tôi thấy mình bị tung ra thật nhanh cuộn tròn dưới làn lũ. Tôi chờ đợi, nhưng một vật gì luồn qua dưới bụng tôi, tôi nhìn lại thì thấy một mảnh ván lớn, bị sức nước làm xoay tít, quay tôi theo như chong chóng. Tôi ngất đi một lúc, khi tỉnh giấc khoảng 6 giờ sáng, thấy mình nằm trên bờ sông, mảnh ván còn nằm gần đó. Lúc ấy, trong tiềm thức tôi như nói với tôi: "Hàm Yên... Tại sao mày không chết, tại sao miếng ván nhỏ như thế lại không bị chìm giữa những xoáy nước khổng lồ? Mày chưa chết được đâu, hãy sống nữa đi, sống cho hết cuộc đời đã..."
Tôi nằm dài xuống, ngẫm nghĩ: "Ờ nhỉ! Tại sao mình chưa chết?" Tôi ngẩng nhìn mặt trời rồi tự hỏi, tại sao mình phải chết? Chết để làm gì?... Rồi tôi như một con ve thoát xác, thành một thân ve khác, tràn đầy nhựa sống... Tôi đã vượt qua dòng nước thật dữ dằn, bây giờ, tôi không phải là Hàm Yên nhu nhược, chịu khuất phục với hoàn cảnh nữa, tôi là một con người khác, con người không chịu khuất phục bất cứ việc gì. Tôi nghe có tiếng nước chảy ào ào dưới sông, tôi nghe tiếng gió gào thét và tôi đã nắm chặt tay, cắn răng: "Hàm Yên... Hàm Yên... Ngươi đã chết dưới cầu này rồi. Bây giờ ta là một người mới”. Rồi tôi quay mình đi thẳng về phía thành phố.

Hàm Yên lặng thinh thở một hơi dài, Trần ngồi lặng thinh như thu mình trong ghế sa lon, tàn thuốc rơi trên áo chàng, điếu thuốc đã bị quên lãng từ mấy hơi đầu. Rồi chàng ngẩng đâu lên, chớp mắt, vẻ mặt đầy tin tưởng chứ không đầy thất vọng như bao lâu nay.

Hàm Yên tiếp:
- Hai tiếng đồng hồ sau, tôi đến thành phố với chiếc xe bò chở cải mà tôi đã quá giang. Một mình, tôi không dám vô khách sạn, nên tôi suy nghĩ một chút rồi đi thẳng lại bến xe đò... Lúc ấy, tôi mới nhận thấy mình may mắn vì khi đi, tôi vô tình chụp ví da theo thói quen nên còn một số tiền khá lớn và một mớ giấy tờ đầy đủ. Tôi lên một chiếc xe đò về miền Tây, lúc ấy tôi cũng không biết mình về nơi ấy làm gì. Tôi chỉ muốn đi thật xa, để không ai tìm được tôi nữa và phải nhận là tôi đã chết...

Tôi đã quyết tâm không bao giờ trở lại Hàm Yên Sơn Trang nữa. Đến Cần Thơ, việc đầu tiên của tôi là mua một bộ đồ thường, tìm một khách sạn nhỏ ở trọ, tắm rửa sạch sẽ rồi ngủ một giấc thật ngon, không bận tâm gì cả. Thức giấc, tôi tính ngay chuyện sống trước mắt. Gần 50 ngàn trong bóp không đủ nuôi tôi lâu được, phải tìm việc làm và một căn nhà nhỏ để ở. Nhất quyết không xài phạm vào số tiền dự trữ. Tôi phải đi làm ngay hôm đó với nghề bán rong trong chợ, bánh ngọt và kẹo. Sáng tôi bán, chiều đi tìm việc làm, nhưng chẳng được. Cho đến ba, bốn ngày sau, tôi gặp lại một người bạn cũ, học chung từ đệ thất đến khi lấy hai cái tú tài. Nhà chị ấy cũng gần chợ tôi không cho biết hoàn cảnh thực mà chỉ nói là gặp cơn sa sút, tìm việc gấp không được phải tạm bán bánh như thế cho đỡ.

Trần khẽ thở dài, Hàm Yên nhìn chàng rồi tiếp:
- Chị ấy thương hoàn cảnh tôi nên sốt sắng đề nghị là nên về ở chung với chị ấy cho đến khi nào có việc làm đúng khả năng đàng hoàng, không cần phải bán dạo như thế.

Hàm Yên ngưng lại một lúc rồi tiếp:
- Chị ấy đang lo thủ tục xuất ngoại với học bổng của chánh phủ, ba của chị ấy cũng là nhân viên cao cấp trong chánh phủ nên có lẽ dễ dàng, chỉ bảo: "Em lo thủ tục luôn thử xem". Trong hoàn cảnh như thế, tôi thấy nếu xin được thì tiện vô cùng, sống trong cảnh vật khác lạ chắc cũng quên được phần nào chuyện cũ, được học thêm với học bổng của chánh phủ, tương lai càng thêm chắc. Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi chẳng có bao nhiêu tiền để mang theo phòng thân, hơn nữa, tiền mua quần áo cũng gần sáu, bảy ngàn mới được một bộ, tiền đâu mua sách vở hàng năm, tôi đành... Bán chiếc nhẫn kim cương mới đủ...

Nàng liếc mắt nhìn Trần:
- Nhờ nó mà tôi đủ điều kiện để theo đuổi việc học vấn, có lẽ lúc anh tìm tôi ở các vũ trường Saigon thì tôi đã hàng ngày tới ngồi trong giảng đường đại học ngoại quốc.

Trần ngồi thẳng người, cảm động:
- Nhờ trời phật phù hộ chúng ta...

Chàng gật gù:
- Em bắt đầu cuộc sống mới trong khi anh sa vào địa ngục tối tăm, cũng là luật quả báo.

Hàm Yên nhìn Trần như tìm hiểu, Cao dụi tàn thuốc vào dĩa gạt, hỏi:
- Sao chị không ở luôn bên ấy, mà chị học xong chưa?

- Tôi nghiên cứu ngành giáo dục nhi đồng, luận án của tôi được giải nhì năm ấy, lấy xong bằng thạc sĩ, tôi dạy lại ngay trong đại học ấy suốt mười năm. Kể ra cũng chán vì chỉ có mình là người Vietnam mà vững hơn nhiều người nên cũng không được mấy cảm tình. Điều làm tôi khổ tâm nhất là bé Đình Đình, cứ nghĩ tới nó luôn, ngày đêm nghĩ tới nó... Một giáo sư dạy chung với tôi trong đại học ấy tên Jacky đeo đuổi tôi và sau cùng tôi đã hứa hôn với ảnh.

Trần biến sắc, Hàm Yên tiếp:
- Em đã đổi tên lại là Tư Oanh, em không muốn mang tên Hàm Yên nữa, hơn nữa, tên ấy chỉ do cha mẹ nuôi của em đặt cho. Sau khi hứa hôn với Jacky, em lại càng nhớ Đình Đình nhiều hơn, nên cứ hẹn lần lựa với anh ta. Mãi sau cùng em nói thẳng là đã có con bên Vietnam và sẽ về thăm trong dịp nghỉ ba tuần sắp tới, nếu có thể sẽ xin nghỉ luôn. Jacky bảo nếu được, cứ đem Đình Đình về ở chung, nhưng em chỉ muốn nhìn Đình Đình được no ấm, đủ hạnh phúc là yên tâm kết hôn cùng anh chàng ngoại quốc. Dĩ vãng của em, Jacky không biết gì cả và cũng không buồn tìm hiểu, người ngoại quốc cở mở lắm, họ chỉ cần hiện tại. Và tháng năm rồi, em trở lại Saigon. Rồi em gặp lại anh trong một buổi chiều tháng năm tại Hàm Yên Sơn Trang đổ nát. Em không ngờ là Hàm Yên Sơn Trang đã thành như thế và cũng không ngờ là anh đã bị tàn tật rồi, cốt ý của em lúc đó chỉ là bé Đình Đình mà thôi. Nhìn thấy anh tật nguyền, em cũng thấy khổ tâm, nhưng không muốn cho anh biết tung tích, em nghĩ là sau thời gian quá lâu ở ngoại quốc, giọng nói của em đã lơ lớ phần nào...

Trần lắc đầu:
- Em lầm rồi, ngay sau khi nghe câu nói đầu tiên, anh đã ngạc nhiên vô cùng, không ngờ có người mang giọng nói giống hệt em ngày trước như thế.

Hàm Yên mỉm cười:
- Và cũng hôm ấy, em gặp lại Đình Đình... Các anh không thể tưởng tượng được cảm giác rộn ràng, sôi sục của một người mẹ gặp lại con mình sau mười năm xa cách. Con bé gầy gò, ốm yếu nhưng lại hiền hậu, thật dễ thương. Nó lại mất mẹ, mất nửa tình thương trong đời. Em quyết định ngay là phải ở lại để săn sóc nó bằng cách này hay cách khác. Em biết là những người làm cũ đã nghỉ việc gần hết rồi, còn vài người cũng đã đi xa. Như anh Cao chẳng hạn, hơn nữa, em cũng đã khác trước phần nào nên em ở lại đây dạy cho trường tiểu học này. Dè dặt hơn, em ăn mặc khác hơn và đeo kính nữa...

Cao mỉm cười:
- Dù cho chị có cải trang thế nào đi nữa cũng không xong, y phục và thời gian đâu thể biến đổi chị được. Chị vẫn đẹp như thuở nào, nhưng mạnh khỏe sành sỏi hơn.

Hàm Yên nhìn Cao:
- Hàm Yên đã chết rồi anh à, tôi không phải là Hàm Yên, mà là cô giáo Tư Oanh, nghĩ thế nên tôi mạnh dạn vào dạy trong nhà này để được gần con tôi hơn, tất cả đều cho nó đó.

Trần nói:
- Khi Hàm Yên tới ăn cơm khách, anh nghĩ ngay là em rồi. Anh nghĩ tới 6, 7 phần nên mượn người dọn căn phòng y như trước, từ lâu anh không trồng hoa hồng vì sợ nó khơi lại kỷ niệm xưa, nhưng hôm đó anh chuẩn bị ngay một bình hoa hồng đó. Em xem, đâu phải anh hoàn toàn không nhận ra em đâu. Nhưng hình như em đã tìm đủ mọi cách để tránh né nhưng anh vẫn tìm đủ mọi cách chứng minh em là Hàm Yên của anh. Hàm Yên ơi! Anh dò lâu lắm rồi...

- Anh nghi ngờ từ lâu à?

- Phải, càng ngày anh càng nghi ngờ hơn. Hồi trước không thể chắc chắn là em chết được. Hơn nữa, anh quyết đoán hơn sau khi nghe lời của bác tài.

Hàm Yên ngạc nhiên:
- Hồi trước đâu có bác tài nào?

Trần cười:
- Phải, em không biết đâu, hồi trước bác lái xe cho xưởng mà, bác chỉ gặp vài lần nên không nhớ rõ, nhưng theo lời bác tả lại, anh chắc tới 8 phần.

- Hèn gì bác ấy gặp em là nhìn trân trân, ai ngờ là điềm chỉ viên của anh.

- Em đừng trách bác ấy, bác ấy rất kính mến em. Bác nói: "Ngay sau khi em vào ở nhà này, bác và chị Châu đã coi em như bà chủ rồi”.

Hàm Yên cười chua chát:
- Bà chủ? Xin lỗi... Tôi không dám.

Trần lo lắng:
- Không, người nói không dám phải là anh mới đúng.

Hàm Yên cười buồn:
- Đúng là loài người lộn xộn, khi còn cầm trong tay thì cho là xấu, ghét bỏ, tới lúc mất đi rồi thì tìm kiếm tiếc thương.

Trần gật đầu:
- Em nói đúng, nhưng bây giờ anh đã có kinh nghiệm, một kinh nghiệm quá đắt giá!

- Tôi không dám tin ai nữa hết.

Trần nhắm nghiền đôi mắt vô hồn lại, chàng nghe choáng váng mặt mày, câu nói mà chàng sợ nhất mong cho nó đừng tới nhất lại là từ miệng Hàm Yên vừa thốt ra rồi. Chàng van lơn:

- Hàm Yên... Đừng đi em... Anh van em mà.

- Không...

- Anh hứa là không bao giờ đụng chạm tới em trong suốt thời gian em chưa tha thứ cho anh, điều chánh hết là anh xin em đừng đi đâu cả, cứ ở lại đây...

Hàm Yên lắc đầu:
- Không được, tôi bây giờ không còn là một cô giáo kèm trẻ trong gia đình này nữa.

- Phải, Hàm Yên là chủ nhà này...

Hàm Yên chua chát:
- Thưa ông, tôi không yêu cái gia tài này đâu thưa ông, hình như tôi từng đau khổ vì nó rồi...

Trần ôm lấy đầu:
- Đừng nhắc lại chuyện cũ nữa Hàm Yên ơi... Về phần Ái Lâm, tôi sẽ ly hôn với cô ta tức khắc, có thể tôi sẽ giao hết xưởng trà lại cho Ái Lâm... Bây giờ tôi không có gì quan trọng bằng Hàm Yên, bằng tình yêu đang hồi sinh của chúng ta cả... Tôi sẽ ly hôn ngay...

Hàm Yên lạnh lùng:
- Đó là chuyện riêng của ông, đừng nói với tôi làm gì.

- Nhưng em không nên...

Hàm Yên gằn từng tiếng:
- Tôi phải rời khỏi nhà này, tôi đã quyết định rồi ông à, đừng nói nữa vô ích...

Trần im lặng, sắc mặt trầm trầm, sự đau khổ đã đến sự tột cùng của nó, không còn biểu lộ trên gương mặt được nữa:
- Hàm Yên... Không còn gì để nói nữa sao Hàm Yên?

- Đúng.

Trần cúi đầu lặng thinh, vầng trán chàng như hằn thêm nhiều nét nhăn nheo, hai khoé mắt long lanh lệ.

Hàm Yên bỗng rùng mình, nàng nhớ lại... Cách đây mười năm, gương mặt đau khổ ấy từng làm khổ nàng đến chết được. Phải... Người đàn ông ấy từng đóng vai chánh trong đời nàng, là một người yêu đáng mến nhất, là một người chồng biết thương yêu chiều chuộng vợ nhất... Và cũng chính chàng, một người chồng ghen tuông vô lối, mù quáng vì ghen tuông để tàn nhẫn, hạ nhục vợ đến uất ức phải tự tử. Tất cả cũng vì chàng yêu nàng...

Nàng nhìn chàng, rồi cũng không ngăn được dòng lệ chảy dài trên đôi má.
Chàng thở dài rồi nói:
- Em nói đúng, anh không có tư cách gì hết. Trước kia anh không ra gì, bây giờ anh lại là một kẻ tàn phế, còn em, trước kia em trong sạch, thanh cao, bây giờ em vẫn còn rực rỡ, anh làm sao... Làm sao đủ tư cách để xin em tha thứ...

Hàm Yên cau mày, những lời nói của Trần thật chí tình, đầy vẻ chua xót nhưng nàng biết mình đã bị chàng hiểu lầm, chàng tưởng nàng đang tự cao tự đại chăng? Chàng nghĩ rằng vì chàng tàn tật, nhưng nàng nào có khinh thị người mù đâu. Đó là một chuyện khác, chàng không nên ghép điều hận cũ, mối chánh trong vấn đề.

Trần tiếp:
- Vì thế, tôi không khi nào dám ép buộc Hàm Yên, nhưng còn Đình Đình, Hàm Yên không nghĩ tới con sao?

Hàm Yên khó chịu:
- Đừng đem con tôi ra làm áp lực với tôi.

Trần lắc đầu:
- Không, nhưng sự thật là vậy. Đình Đình vẫn yêu mến Hàm Yên, xem Hàm Yên như mẹ nó dù nó chưa biết, còn Hàm Yên, Hàm Yên cũng biết là nó cần tình thương, bù đắp vào những chỗ thiếu thốn của nó, những lúc nó ốm đau, bệnh hoạn lấy ai săn sóc chu đáo cho nó được?

Hàm Yên lặng thinh... Tất cả những gì nàng đã hành động đều nhắm vào Đình Đình, cho Đình Đình cả. Đình Đình là một sợi dây ràng buộc nàng với ngôi nhà này vì nó mà Hàm Yên không trở về ngoại quốc, và cũng vì nó mà nàng làm một việc vô cùng mạo hiểm là tới ở ngay trong ngôi nhà của Trần. Vì Đình Đình, nàng sẵn sàng xung đột với bà Ái Lâm. Bây giờ... Liệu nàng có bỏ nó được không? Nàng lúng túng, lặng thinh suy nghĩ nhưng càng suy nghĩ lại càng thấy rối loạn hơn, rối loạn đến nỗi không còn phân tách được chuyện gì để suy nghĩ nữa.

- Thế à?

Trần thở một hơi dài:
- Tôi cũng đoán như thế. Anh Cao... Anh nghĩ xem coi có được không? Tôi sẽ tranh thủ với Hàm Yên cho kỳ được.

Cao lặng thinh hồi lâu:
- Theo ý tôi thì anh nên chậm rãi, từ từ, muốn có kết quả thì càng dè dặt càng tốt.

- Anh định...

Cao nói tiếp:
- Hàm Yên bây giờ không phải như Hàm Yên ngày trước đâu, nếu anh nhìn thấy được chắc chắn anh cũng có ý kiến như tôi.

Chàng nhìn ra xa:
- Chị ấy không còn là một cô gái hiền hậu đến nhu nhược nữa. Chỉ đã trưởng thành và đã già dặn lắm rồi... Theo tôi thì nếu thấy chưa có sự thay đổi gì của chỉ thì nên giữ y thái độ, nếu không có thể chị ấy sẽ ra đi à.

Trần buồn rầu:
- Có lẽ Hàm Yên không còn nghĩ đến những ân tình cũ nữa.

Cao cười:
- Ân tình à?

Chàng tiếp:
- Đặt anh trong trường hợp chị Hàm Yên, yêu tha thiết người nào, người ấy lại hành hạ lại mình cho đến mức phải tự tử, mình còn sống, vẫn sống một mình trong khi người ấy lập gia đình, nếu anh trong trường hợp đó anh có nghĩ đến ân tình không?

Trần đứng ngẩn người ra. Một lúc chàng lẩm bẩm:
- Phải rồi... Còn tư cách gì đâu mà mong Hàm Yên nhớ tới chữ ân tình hay ân nghĩa.

- Nhưng anh đừng chán nản.

Cao đặt tay lên vai Trần:
- Trong đời, cũng có những việc bất ngờ, không sao đoán trước được. Anh xem chúng ta đây, ai ai cũng cho là chị ấy đã chết, thế mà sau mười năm, chị ấy lại xuất hiện với bằng cấp cao, làm giáo sư đại học ngoại quốc, rồi chị ấy lại đẹp hơn, v.v...

Chàng nói có vẻ tin tưởng hơn:
- Tinh thần tự lập của chỉ coi bộ còn vững vàng gấp hai chúng ta nữa, nếu không chắc gì chỉ còn sống. Anh nên nhớ rằng chị Hàm Yên không như bao nhiêu người đàn bà tầm thường khác. Đừng để mất.

Chàng lắc đầu:
- Vậy mà trước kia... Nhớ lại tôi còn giận anh.

Trần cười đau đớn:
- Tôi đã trả một giá quá đắt về chuyện sai lầm của mình trước kia, nhưng bây giờ dầu thế nào cũng được, miễn giữ được lại Hàm Yên là có chết tôi cũng vui.


- Mười năm nay, anh tự hành hạ mình đã quá nhiều.

Trần ưỡn ngực:
- Tôi sẽ tu chỉnh lại từ vật chất đến tinh thần làm sao cho xứng đáng với Hàm Yên.

- Anh coi chừng, Hàm Yên bây giờ là cánh hồng thật đẹp nhưng cũng đầy gai nhọn, coi chừng, không khéo anh sẽ bị thương vì gai của cây hoa đẹp.

- Tôi không sợ bị thương, tôi tin tưởng có công mài sắt có ngày nên kim... Tôi sẽ đạt mục đích mà...

Cao cười tươi:
- Tôi chúc anh thành công... Tôi hy vọng anh sẽ trùng tu lại Hàm Yên Sơn Trang, từ bên ngoài cho đến gia đình êm ấm bên trong.

- Trùng tu lại Hàm Yên Sơn Trang à?

Trần mỉm cười:
- Anh vừa nhắc tôi một chuyện rất hay... Phải rồi, tôi phải trùng tu lại ngôi nhà ấy... Phải trồng lại vườn hồng xinh xắn đó, nàng vẫn yêu hoa hồng.

Trần chợt nhớ lại:
- À, anh Cao, công việc làm ăn của anh thế nào? Chị và mấy con vẫn mạnh cả chứ? Hôm qua tới giờ rối trí quá tôi không nhớ được việc gì cả, thật là bậy.

- Cám ơn anh, vợ con tôi vẫn mạnh.

Cao có vợ từ sáu năm nay, đã có hai con.
Chàng tiếp:
- Ngoài ấy khí hậu tốt nên ít khi bị bịnh hoạn lắm. Còn công việc làm ăn thì chẳng có gì khá cả, thường thôi.

- Xưởng của anh ngoài ấy lớn không?

- Kêu là xưởng chớ thật ra chừng 50 nhân công à, tôi làm giám đốc luôn.

- Anh có thể giao cho người khác trông nom không? Trong này tôi cần người như anh giúp đỡ, tôi thấy sự nghiệp của mình đang xuống, có thể nguy lắm.

Cao lặng thinh suy nghĩ, chàng nhớ lại mười năm về trước, hãng của Trần đứng vào hạng nhất nhì ở VN, bây giờ, chỉ còn là một hãng bậc trung. Xuống quá rồi, chàng đi, Trần mù mắt, chỉ có ông quản lý Triệu là trông nom được thôi. Nhưng một mình ông ta làm sao gánh vác mọi công việc nổi.

Trần hỏi lại:
- Anh nghĩ thế nào?

Cao chưa trả lời, Trần nói thêm:
- Kể như tụi mình hùn vốn vậy, không có anh lần lần tôi cũng chết, mà anh khai thác trên ấy cũng chẳng được bao nhiêu.

Cao đáp:
- Bây giờ tôi chưa thể quyết định gì được, tôi cũng muốn trở về đây lắm. Nhưng...

- Nhưng thế nào?

- Nhưng trên kia, xưởng nhỏ mà là sở hữu hoàn toàn của mình, có phần dễ hơn.

Trần lắc đầu:
- Tôi hiểu ý anh rồi. Anh nghĩ là dù sao cơ nghiệp này cũng không phải là của anh à? Không, anh lầm ý tôi rồi, tôi đã nói là kể như chúng ta hùn vốn, lời chung ăn, lỗ chung chịu.

Cao cười:
- Hoàn cảnh tôi cũng khác xưa rồi. Bây giờ, tôi đã có gia đình phiền phức, để tôi suy nghĩ lại.

- Anh Cao, rồi tôi sẽ trùng tu lại Hàm Yên Sơn Trang, chừng đó thì lo gì chỗ ở nữa, hiện giờ anh chị về đây ở, cũng còn rộng chán mà, nhà này cũng lớn.

Cao lặng thinh một chút rồi ngẩng lên:
- Anh định trùng tu lại Hàm Yên Sơn Trang để về ở với chị Ái Lâm sao? Như thế...

Trần vội lắc đầu:
- Không... Không bao giờ có chuyện đó. Tôi sẽ ly hôn với Ái Lâm, Hàm Yên còn sống mà.

Cao hỏi ngay:
- Còn lời cam kết với chị Hàm Yên?

Trần bối rối:
- Ờ... Ờ... Đó chỉ chuyện bất đắc dĩ...

Cao lắc đầu:
- Anh coi chừng, chị Hàm Yên không giống như ngày trước đâu, chỉ đã bắt anh thực hành thì nên cẩn thận.

Trần gật đầu:
- Dĩ nhiên là tôi sẽ thuyết phục Hàm Yên trước. Hàm Yên Sơn Trang phải là nơi xum họp của chúng tôi sau mười năm gian nan...

Cao mỉm cười:
- Tôi mong rằng anh sẽ thực hiện được điều đó. Tôi hứa với anh chừng nào anh thuyết phục được chị Hàm Yên, giải quyết chuyện hôn nhân với chị Ái Lâm xong hết tất cả, tôi sẽ trở lại với anh.

Trần ngẩng lên:
- Thật không anh?

- Sao lại không.

- Như thế kể như chúng ta đã giao ước với nhau rồi đó. Tới lúc ấy anh phải về đây với bất cứ giá nào, không thể tìm một lý do nào để thối thác nghen.

- Tất nhiên, nhưng tôi chỉ ngại quãng đường anh sắp trải qua, anh nên nhớ là nó không dễ dàng gì đâu.

Trần đáp giọng tin tưởng:
- Tôi biết nhưng tôi không sợ, tôi sẽ ráng, phải cố gắng cho hạnh phúc của tôi, Hàm Yên và Đình Đình.

Trần xiết chặt tay Cao, tình hữu nghị trở lại như xưa, không còn dấu vết gì của sự bất hoà.

Cao hơi ngạc nhiên với Trần. Chàng như một người xưa sống lại, đầy tự tin, kiên quyết.

o0o

Trời đã xế chiều, Tư Oanh cầm tay Đình Đình bước ra khỏi lớp học thì nàng đã thấy Trần và Cao đứng ngoài sân trường.

Đình Đình buông tay Tư Oanh:
- Ba... Chú Cao...

Trần cầm tay con, mỉm cười vuốt mái tóc óng mượt:
- Hôm nay con học giỏi không? Có bị cô cho ăn ốc vịt không?

Đình Đình vui vẻ:
- Dạ không, cô khen con lúc này học đã giỏi lắm, chỉ cần cố thêm nữa là đứng đầu lớp, con sẽ cố lên cho ba coi.

- Thật không?

- Ba hỏi cô con đi.

Đình Đình đứng sang một bên nhìn Trần, nó vừa chợt nhận thấy cha nó thay đổi thật nhanh chóng.
Trần vui tươi, hoà dịu và chan chứa nhiệt tình hơn bao giờ hết, chàng như một kẻ vừa "tái sinh".

Tư Oanh cũng nhận thấy thế. Nàng đang đứng ngẩn ngơ thì Đình Đình đã chạy đến kề bên:
- Cô à... Cô cho ba con biết đi.

Trần quay lại phía Tư Oanh:
- Đình Đình nó nói nó học giỏi đó... Cô Tư Oanh.

Giọng chàng thật hoà nhã, sắc mặt vui tươi.

Tư Oanh gật đầu:
- Dạ, tháng này Đình Đình đứng hạng nhì.

Đình Đình vui vô cùng nhất là hôm nay cha nó vui vẻ, nó thấy sung sướng hẳn lên:
- Đó, thấy không ba?

Rồi nó quay sang Cao:
- Chú ở đây chơi với con luôn nghe?

Cao lắc đầu:
- Ngày mai chú phải về.

Đình Đình nhăn mặt:
- Sao mau vậy chú? Thôi, ở luôn hổng được, vậy chú ở với con một tuần, chịu hông?

Cao bật cười:
- Chú cũng muốn ở chơi với con, nhưng không được.

- Sao vậy hở chú?

- Còn mấy em và thím của con ở ngoài ấy nữa.

Trần xen vào:
- Đình Đình, con dặn chú kỳ sau vào chơi nhớ đem mấy em vào chơi chung với con nghe.

Tư Oanh chợt hỏi:
- Anh Cao có gia đình rồi à?

- Cũng năm, sáu năm rồi chị ạ.

- Mấy con rồi anh?

- Hai, còn nhỏ xíu hà.

- Chắc hai đứa kháu lắm phải không anh?

Cao cười:
- Nhõng nhẽo chịu không nổi chị ơi.

Chàng nắm tay Đình Đình:
- Chú con mình đi đua xem ai về trước nghen?

Đình Đình lắc đầu:
- Chú phải cho con đi trước mười phút con mới chịu.

- Năm phút thôi.

- Dạ, cũng được nữa, lần này Đình Đình chấp chú đó nghen.

Ba người đều bật cười, Đình Đình lắp xắp chạy trước, mái tóc bay dưới làn gió chiều thật dễ thương.

Cao nhìn Tư Oanh:
- Chị thấy nó dễ thương không?

Rồi chàng bước nhanh theo Đình Đình, cố tạo cho Trần và Tư Oanh được gần nhau tự do.

Hàm Yên nhìn theo lưng Cao một lúc rồi quay sang Trần:
- Ông Trần... Chúng ta về...

Trần cau mày:
- Ông à? Tại sao Tư Oanh gọi thế?

Tư Oanh lắc đầu:
- Tôi đã nói là chúng ta phải xem như chuyện hôm qua không có xảy ra, đừng để người khác chú ý.

Trần thở ra, hai người lặng thinh đi tới.
Lát sau, Trần hỏi:
- Hôm nay chắc Tư Oanh mệt lắm. Đêm qua đâu có nghỉ ngơi gì.

- Dạ, cũng không mệt gì lắm.

- Tôi định sửa chữa lại Hàm Yên Sơn Trang, trồng lại vườn hồng, Tư Oanh nghĩ thế nào?

Trần tiếp giọng tha thiết hơn:
- Vườn hồng sẽ đẹp lại như xưa, Tư Oanh thích chứ?

Tư Oanh lạnh lùng:
- Vườn hồng của ông chứ đâu phải của tôi mà tôi thích. Còn việc sửa chữa nhà cửa là của riêng ông.

Trần thở ra, buồn bã.

Chàng nói nho nhỏ:
- Tư Oanh ghét tôi lắm phải không?

Chàng tiếp:
- Người bạn trai của Tư Oanh ở ngoại quốc chắc hẳn nhiều tiền và đẹp trai lắm.

Tư Oanh chua chát:
- Dĩ nhiên.

- Tư Oanh không về bên ấy đúng hẹn, rồi... Anh ta phải làm sao?

Tư Oanh nhún vai:
- Thì y phải chờ chứ sao?

Thật ra, Tư Oanh nói vậy để nư hận trong lòng chớ thật ra sau ba, bốn lá thư hối nàng về của Jacky, anh ta đã hỏi thẳng vấn đề là chịu về hay không? Tư Oanh đáp không thì anh ta đi tìm vợ khác ngay. Tư Oanh không hề thấy tiếc gì cả và nhận thấy việc mình quyết định ở lại quê hương là đúng.

Trần buồn rầu nói:
- Tư Oanh định ra ngoại quốc nữa không?

Tư Oanh vẫn "đùa dai":
- Có lẽ sớm muộn gì cũng phải trở qua ấy.

Trần giựt mình:
- Thật không?

Chàng tiếp nhanh:
- Sao Tư Oanh hứa là sẽ ở lại?

- Thì tôi sẽ ở lại trong khoảng thời gian này.

Trần cắn môi, những vồng gân xanh nổi lên trên trán, chàng không ngờ câu chuyện như thế. Chàng lắc đầu:
- Bây giờ Tư Oanh thay đổi nhiều quá!

- Thế à, tôi chẳng hay.

- Tư Oanh tàn nhẫn lắm.

Nàng cay đắng:
- Người ta dạy tôi đó.

Trần kêu lên:
- Tư Oanh... Sao Tư Oanh vô tình thế?

Tư Oanh cười chua chát:
- Ngày xưa, tôi có lần suýt chết vì có tình với người ta và ngu dại giữ tình đó.

Trần nghẹn lời, chàng biết không thể nói gì thêm được nữa, chỉ vô ích thôi. Chàng lặng thinh, tiếp tục đi tới, Tư Oanh cũng không nói gì, chậm rãi bước sau chàng.

Hồi nãy khi tới trường với Cao sắc mặt Trần vui tươi bao nhiêu thì giờ buồn bã bấy nhiêu. Chàng bước từng bước nặng nề, cây gậy quờ quạng trên mặt đất, nét mặt buồn dàu dàu. Buồn rầu, thất chí nên đầu gậy chạm vào một cột đèn mà Trần vẫn không để ý, cứ bước thẳng tới.

Tư Oanh hết hồn:
- Coi chừng.

Nàng chạy nhanh tới trong khi Trần nghe kêu đứng khựng lại theo phản xạ. Tư Oanh tránh không kịp ngã vào người Trần, Trần vội đưa tay đỡ nàng lên, chàng nắm chặt tay nàng:
- Hàm Yên...

Tư Oanh lặng người đi giây lát rồi bỗng vùng mạnh tay ra, giọng nàng giận dữ:
- Ông không giữ lời hứa à? Tôi muốn ở lại mà, tại sao ông muốn tôi phạm vào mãi?

Trần đáp:
- Hàm Yên... À Tư Oanh... Tôi lỡ, xin cô bỏ qua lần này vì việc quá bất ngờ và tôi hay xúc động...

Tư Oanh định nói gì thì đàng xa Đình Đình đã chạy lại, vừa thở hổn hển vừa nói:
- Ba... Con ăn chú Cao rồi.

Nó quay sang Tư Oanh:
- Chú Cao con ăn gian lắm cô, chú cố để cho con ăn hà, con biết chú đi từ từ đó.

Rồi nó bỗng lùi về sau:
- Ủa, cô và ba giận nhau hả?

Nó lắc tay Tư Oanh:
- Cô giận ba con đó à?

Trần chụp ngay cơ hội tốt:
- Cô con muốn bỏ cha con mình đó.

Đình Đình giựt mình:
- Hả?

- Cô định bỏ con đó.

Đình Đình lắc mạnh tay Tư Oanh:
- Cô... Sao vậy cô?

No comments:

Post a Comment