Oct 4, 2012

Tháng Ngày Có Em - Chương 15

Từ Tốc

Tháng Ngày Có Em


Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 15
 
Có lẽ vì muốn giảm bớt khí thế chống Nhật của đám học trò, thầy Hiệu trưởng đã cho phép hiệp hội học sinh trong trường được tổ chức buổi lễ bình chọn học sinh gương mẫu của trường nhân ngày kỷ niệm ngày thành lập trường.


Nói là tuyển chọn học sinh gương mẫu của trường chứ tiêu chuẩn bình chọn thì chỉ có những nữ sinh mới đủ điều kiện tham dự thôi. Chẳng hạn như hạnh kiểm tốt, chưa hề quậy phá, chưa hề bị phạt, có thể hình đẹp…
Thành thử với chúng tôi ngày lễ đó cũng tương tự như ngày bình chọn hoa khôi cho trường.

Chuyện tổ chức bình chọn học sinh gương mẫu có một cái lệ đã có trước chiến tranh, theo đó sự tuyển chọn sẽ bắt đầu từ lớp. Các lớp từ 6 đến 12 đều được tham dự. Mỗi lớp cử hai người. Ban giám khảo gồm thầy cô và các nhân sĩ bên ngoài được tham dự. Sau đó chọn lọc mười hai người cho vào bán kết. Vào đến bán kết, học sinh ngoài thể hình ra còn thi ứng xử. Riêng về phần thể thao, thì người đẹp không cần trực tiếp tham dự mà mỗi lớp sẽ cử một người có thể lực tốt ra tranh tài. Điểm nhận được sẽ cộng vào cho đại biểu lớp dự thi.
Lớp chúng tôi vẫn so thầy Dương làm chủ nhiệm, ông cực lực phản đối trò tuyển chọn này, càng phản đối hơn chuyện trong hội đồng giám khảo có cả sĩ quan Nhật. Hôm tiến hành lễ ông ta bị đau mắt nên có cớ rút lui.

Riêng học sinh chúng tôi mặc dù nhiệt tình yêu nước nhưng có trò chơi là tham dự không câu nệ. Có điều cả lớp đã đồng tâm chọn Mục Ly và Vương Ngọc Anh. Còn Anh Tử tuy đẹp những vẫn cho ra rìa.

Nhưng đó chỉ là ý định ban đầu, chứ sau đó vì sức ép của thầy hiệu trưởng muốn lấy lòng Khuyển Dưỡng Quang Hùng, nên lớp trưởng phải cho thế Vương Ngọc Anh bằng Anh Tử.

Ngày kỷ niệm thành lập trường là một ngày nắng ấm đẹp trời.
Lễ được tổ chức nơi sân trường được trang cờ xí lộng lẫy.

Một khán đài lớn được lập ra. Phụ huynh học sinh và khách mời ngồi hai bên khán đài còn ở giữa đặt bốn chiến ghế dành cho bốn nhân vật quan trọng, đó là thầy hiệu trường, Khuyển Dưỡng Quang Hùng, Suzuki và trưởng ban an ninh Đinh Tân Trai.

Dương Sơn, Lưu Đại Khôi, tôi và Liễu Ngạn Phong được cử phụ trách tiếp khách. Một việc mà chúng tôi hết sức không hài lòng khi phải đứng chào đón bọn Hán gian và sĩ quan Nhật.

Đúng giờ khai mạc, ban nhạc thổi lên.

Lúc đó ông Hiệu trưởng, Uông Đông Nguyên, Khuyển Dưỡng Quang Hùng, Suzuki và Đinh Tân Trai mới từ văn phòng bước ra đi về phía khán đài. Bốn đứa trong ban tiếp tân phải đứng nghiêm đón tiếp họ.

Đội trưởng Khuyển Dưỡng Quang Hùng mặc bộ quân phục thẳng nếp với đầy đủ huân chương. Một thanh gươm cán vàng nằm bên hông, nai nịt gọn gàng. Tướng ông thô nhưng vạm vỡ kiểu con nhà võ, nên trông ông ta giống như một con gấu vàng. Còn trung úy Suzuki thì tướng tá nhỏ hơn, mắt lại đeo cặp kính gọng vàng nên trông thật trí thức, ông không mặc quân phục nên trông chẳng khác một công chức bình thường.

Đinh Tân Trai với bọn tôi thì đã quá quen mặt vì ông ấy là bố của Đinh Ngọc Như nên thường xuyên đến trường, nhưng lần này đi với các sếp lớn, nên có vẻ khúm núm nhút nhát chẳng khác gì con trai hắn. Trước mặt các quan thầy Nhật miệng lúc nào cũng cười toe toét chứ chẳng hề hùng hổ như lúc trước mặt chúng tôi.
Sau khi ai đã vào vị trí, thầy Hiệu trưởng đứng ra giới thiệu tên tuổi các quan khách đến dự, một điều khá bất ngờ là khi Khuyển Dưỡng Quang Hùng bước ra, hắn đã phát biểu bằng tiếng Bắc Kinh với âm điệu Đông Bắc một cách khá rành rõi, chứng tỏ hắn là người đã nghiên cứu nhiều về tiếng Hán.

Đến lúc thầy Dương đứng lên, Khuyển Dưỡng quay sang nhìn, đột nhiên hắn nhíu mày ngắm nghía một chút rồi nói với ông Hiệu trưởng.

- Thầy giáo này tên gì vậy? Trông có vẻ khá quen thuộc, hình như tôi đã gặp ông ấy ở đâu.

Ông Hiệu trưởng cười vả lả.

- Vậy ư? Đây là thầy Dương, chủ nhiệm lớp của Anh Tử đấy!

Thầy Dương thì chỉ đưa tay lên vuốt râu cười chưa nói điều gì thì Uông Đông Nguyên đã lên tiếng.

- Ông Đội trưởng có nhớ rõ không? Trước khi làm nghề dạy học ông ấy từng là một đông y sĩ. Hay là đã có lần đội trưởng nhờ ông ấy trị bệnh rồi.

Khuyển Dưỡng vẫn chăm chú nhìn thầy Dương, lắc đầu.

- Không đâu. Tôi là người rất mê thức ăn Tàu, nhưng chuyên trị bệnh bằng thuốc thảo mộc thì ít tin tưởng lắm.

Thầy Dương hình như không tự nhiên lắm, ông lấy cặp kính đen xuống lau để lộ đôi mắt đau sưng đỏ rồi lắc đầu quay sang chỗ khác.

Những lời đối thoại của Khuyển Dưỡng Quang Hùng đã gây chú ý, nên trung úy Suzuki cũng bước tới nhìn thầy Dương rồi sau đó dùng tiếng Nhật nói với Khuyển Dưỡng Quang Hùng.

- Đúng, ông ta rất giống người bạn học cũ của bọn mình.

Uông Đông Nguyên thừa dịp chen vào câu chuyện.

- Vâng. Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng đội trưởng và trung úy. Đây là ông Dương Thường Thứ, một giáo viên dạy văn giỏi nhất trường. Không những giỏi về dạy văn mà cũng giỏi về vạn vật học. Bồ câu ông ấy nuôi xinh lắm.

Thầy Dương có một chút bối rối, ông sử dụng thổ âm địa phương nói.

- Cảm ơn sự quá khen của anh. Tôi già rồi đâu còn làm được gì nữa đâu. Cao lắm là chờ chết.

Suzuki gật đầu nói đùa.

- Hèn gì ông để râu! À, mà làn râu đẹp quá đấy chứ?

Rồi hắn quay nói một tràng tiếng Nhật với Quang Hùng.

- Cạo phắt bộ râu đó nếu ông ta trẻ lại hai mươi tuổi, bảo đảm sẽ giống Lý Quang Trung như đúc.

Khuyển Dưỡng Quang Hùng buông tiếng cười khó hiểu vỗ vỗ vào vai thầy Dương rồi quay qua nói với Suzuki cũng bằng tiếng Nhật.

- Nếu thật sự ông ta là Lý Quang Trung thì ta sẵn sàng tặng ngay một cỗ quan tài cho ông ta.

Chúng tôi không biết Lý Quang Trung là ai, có lẽ là người bạn cũ mà cũng là kẻ thù của hai người. Nhưng tại sao lại nhìn thầy Dương mà nghĩ đến Lý Quang Trung. Rõ là lũ xâm lược đã xem thường người bị trị chúng tôi quá. Họ đủ tư cách để xem chúng tôi ra làm trò đùa.

Thầy Dương là một người trực tính, trước sự đùa cợt của lũ Nhật, tôi e thầy sẽ phản ứng. Nhưng rất may, chỉ thấy thầy móc chiếc khăn tay ra lau nhẹ đôi mắt sưng rồi xin phép rút lui sớm về nghỉ. Thầy Hiệu trưởng thấy mắt thầy bệnh như vậy đồng ý. Thầy Dương liếc nhanh về phía Khuyển Dưỡng Quang Hùng rồi lặng lẽ chống gậy bước xuống khán đài.

Quang Hùng và Suzuki hình như vẫn còn thắc mắc về ông. Cả hai sầm sì to nhỏ gì đó. Tôi chợt cảm thấy áy náy và lo lắng cho thầy. Tôi cũng thấy bất mãn và cảm thông cho cái nhục thầy vừa gặp phải.

Nhìn theo dáng thầy, tôi bỗng thấy ngậm ngùi không vui.
 

No comments:

Post a Comment